VNTB – Cần tu chỉnh điều luật 117 của Bộ Luật Hình sự hiện hành

VNTB – Cần tu chỉnh điều luật 117 của Bộ Luật Hình sự hiện hành

Thới Bình

 

(VNTB) – Bộ Luật hình sự hiện hành cần tu chỉnh với quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là khách thể trực tiếp của tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước.

 

Gần như trong các vụ án bị cáo buộc theo điều 117, Bộ Luật Hình sự, cho thấy Đảng cộng sản Việt Nam là khách thể trực tiếp của tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.

Phê phán Đảng cần được pháp luật hình sự quy định là hành vi chống Nhà nước

Căn cứ vào điều 4, Hiến pháp, nếu ai đó được coi là “chống Nhà nước”, cũng sẽ đồng nghĩa với “chống Đảng”. Và trong cách lập luận đó, cho thấy bất kỳ ai phê phán Đảng, người ấy sẽ bị cho là nhằm mục đích “chống Nhà nước”.

Thật ra nếu không có cách hiểu như nêu trên, thì trong hầu hết các vụ án liên quan viết – lách trên báo chí, ví dụ như vụ án vừa qua đối với 3 thành viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, gồm các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, và Lê Hữu Minh Tuấn, cho thấy họ lên tiếng kêu gọi cần sự cạnh tranh bình đẳng về quyền tự do chính trị, nghĩa là họ gián tiếp phê phán sự độc quyền toàn trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Điều đó không đồng nghĩa với “chống Nhà nước”, vì Nhà nước là do Quốc hội lập ra. Mà Quốc hội thì được hình thành từ lựa chọn ở lá phiếu dân chủ của cử tri.

Nếu như cố tình đánh đồng giữa Đảng Cộng sản với Quốc hội và Nhà nước/ Chính phủ, hóa ra là ở Việt Nam lá phiếu cử tri là một lá phiếu không dân chủ, một lá phiếu ‘cuội’ của mị dân hay sao chứ?

Vì vậy, Bộ Luật hình sự hiện hành cần tu chỉnh với quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là khách thể trực tiếp của tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước.

Bởi đây sẽ là một điều hết sức quan trọng và cần thiết, góp phần bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội được quy định tại Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Đồng thời – nếu theo ngôn ngữ Tuyên giáo, là đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng của điều luật nhằm không bỏ lọt tội phạm, không tạo sơ hở cho các thế lực thù địch và phản động ở nước ngoài có cơ hội lợi dụng thực hiện các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Pháp chế xã hội chủ nghĩa không thể thua kém tư pháp của giới tư bản

Một vấn đề khác về hành vi khách quan của tội phạm, cho thấy diễn biến ở những phiên tòa hình sự sơ thẩm cho đến phúc thẩm liên quan cáo buộc điều 117, thì mặc dù Bộ Luật Hình sự năm 2015 đã quy định một cách thống nhất hành vi khách quan của tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 117 là hành vi làm, hành vi tàng trữ, hành vi phát tán hoặc hành vi tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm với các nội dung: xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân; gây chiến tranh tâm lý.

Tuy nhiên, việc tách biệt quá rõ ràng điểm b và điểm c khoản 1 của điều luật về nội dung thông tin, tài liệu, vật phẩm là có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân và nội dung gây chiến tranh tâm lý, trên thực tế là rất khó phân biệt, và trong nhiều trường hợp có thể là sự đan xen, kế tiếp nhau song lại khó có thể chứng minh khoa học rằng cụ thể những ai là đối tượng bị xâm hại.

Ngoài ra, tại khoản 2 của điều 117 Bộ Luật Hình sự hiện hành, quy định “phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm”. Về mặt lý luận, khoản 2 của điều luật này được xác định là cấu thành tội phạm tăng nặng với các hành vi phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, trên thực tế lại chưa có văn bản dưới luật nào hướng dẫn một cách cụ thể, chi tiết về việc áp dụng xử lý tội phạm “trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng” đối với tội phạm này.

Như vậy, với nguyên tắc quen thuộc thường thấy trong các phiên tòa ở xứ người, là chẳng hạn tất cả bằng chứng chống lại bị cáo phải được trình bày trước tòa. Sau khi nghe tất cả bằng chứng đã trình bày, thẩm phán chủ tọa thông báo cho Hội đồng xét xử biết họ cần phải làm gì, căn cứ vào luật nào.

Thẩm phán phải nêu rõ với Hội đồng xét xử rằng họ chỉ có thể kết tội bị cáo khi họ chắc chắn không còn lý do nào khác để nghi ngờ. Nếu còn căn cứ nghi ngờ, họ phải tuyên trắng án. Bằng cách làm như vậy, sẽ ngăn ngừa được tình trạng kết án oan người vô tội.

Tính ưu việt xã hội chủ nghĩa cần được phát huy

Việt Nam là quốc gia có nền pháp chế xã hội chủ nghĩa. Lẽ đó nên không thể nào thua kém các quốc gia khác trong chuyện xét xử khi mà điều luật cáo buộc còn chưa thể minh thị rõ ràng.

Nói một cách khác, suy đoán vô tội là một nguyên tắc đặc biệt quan trọng của nền tư pháp dân chủ, nhân đạo xã hội chủ nghĩa, là tiêu chí “phẩm giá của một nền tư pháp văn minh”, “nguyên tắc nền tảng của tố tụng hình sự ”. Đây là công cụ pháp lý hữu hiệu trong việc bảo vệ quyền con người xã hội chủ nghĩa.

Vì tất cả các lẽ trên, cần thiết tu chỉnh điều luật 117, Bộ Luật Hình sự để bản án kết tội của tòa án không thể cứ mãi được dựa trên các giả định từ suy luận về các nội dung của điều 117, và có thể là còn ở cả điều 331 của Bộ Luật Hình sự.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)