VNTB – Vụ án “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”

VNTB – Vụ án “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Theo lịch xét xử, lúc 8g sáng ngày 5-1-2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân TP.HCM sẽ diễn ra phiên tòa xét xử về tội danh theo Điều 117, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.

 

“Các bị cáo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn bị Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh truy tố, về tội: “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo khoản 2, Điều 117 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)” – trích Quyết định 6326/2020/QĐXXST-HS, ngày 15-12-2020 của Tòa án nhân dân TP.HCM.

Cả ba công dân nói trên đều có chung ‘sân chơi’ về báo chí đó là Hội Nhà báo độc lập Việt Nam – một tổ chức dân sự hình thành theo Hiến định, “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình” – Điều 25.

Điều 117, “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Bộ luật Hình sự 2015 (tu chỉnh 2017) có nội dung cụ thể như sau:

“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Như vậy, hiểu theo nghĩa của từ điển tiếng Việt, nếu “không nhằm chống” một ai đó, một chính thể nào đó, thì các hành vi được đánh thứ tự a, b, c sẽ không được xem là hành vi vi phạm hình sự.

Thắc mắc đầu tiên đặt ra: hành vi được gọi là “nhằm chống” để đưa đến mục đích gì của phía được gọi là “có một trong những hành vi”?

Băn khoăn kế tiếp: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là gì mà người dân riêng lẻ có thể ‘chống’ bằng cách viết các bài báo?

Giáo trình nhập môn của sinh viên trường luật, diễn giải rằng: “Nhà nước, bản chất nhà nước và quyền lực nhà nước ta được Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi năm 2013), gọi tắt là Hiến pháp năm 2013, quy định như sau:

1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.

2. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

3. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

4. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Như vậy, trên thực tế không có ai, không thế lực nào có thể “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” bằng cách viết các bài báo.

Nếu các bài báo của ba công dân kể tên ở trên, mang những nội dung chuyển tải về yêu cầu cho thực thi liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, về những giải pháp cho thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, về đấu tranh cho sự toàn vẹn lãnh thổ…, thì đó dù có thể ‘đụng chạm’ tới quyền lợi phe nhóm chính trị nào đó trong chính nội bộ đảng, cũng không thể gọi là “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Các biện giải ở trên còn được căn cứ từ góc nhìn của Thường trực Ban bí thư, khi ông Trần Quốc Vượng đã có nhận định thế này tại hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020: “Hết sức chú ý công tác nhân sự. Đây là vấn đề quan trọng vì cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do mình thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu, chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta” (*)

Ông Trần Quốc Vượng đang chỉ ra rằng thế lực ‘thù địch phản động’, thường bị xử phạt theo Điều 117 Bộ luật Hình sự, chừng như không đến từ bên ngoài chính quyền, mà ngay trong nội bộ; và chừng như trước giờ nhiều người trong chính quyền đã định nghĩa ‘chưa trúng’ thế nào là ‘thù địch’ là ‘phản động’…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)