VNTB – Nịnh bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng

VNTB – Nịnh bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng

Cát Tường

(VNTB) – Đề nghị xử lý những tài khoản FB và một số trang mạng xã hội đã lợi dụng bối cảnh vụ cháy chung cư mini để nói xấu lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Trên mạng xã hội đang lan truyền một công văn đánh số 3893, ký ngày 15-9-2023 của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông về đề nghị phối hợp cùng các cơ quan chức năng xử lý những tài khoản FB và một số trang mạng xã hội đã lợi dụng bối cảnh vụ cháy chung cư mini, để xuyên tạc, bình luận phản cảm, trái chiều liên quan đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Ngày 17-9-2023, trong một trả lời báo chí, PGS – TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, cho rằng người Việt mình vẫn có câu “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”.

Đấy mới chỉ là chuyện đau ốm thôi. Còn đây là lúc hàng chục đồng bào mình tử vong, hàng chục người khác bị thương nặng trong hỏa hoạn, trong lũ quét, thì “cả tàu” không chỉ buồn thương mà là vô cùng đau xót, thương tiếc, buồn thảm.

Ai mà dửng dưng được, ai mà nỡ cất lên câu hát, dù khe khẽ. Ngay việc một cụ già gần nhà mình vừa tạ thế, dù cụ đã ở tuổi thượng thọ, đại thọ, thì những gia đình bên cạnh, chả ai nỡ mở radio, máy thu hình khi có chương trình ca nhạc hay trò chơi ồn ã. Lũ trẻ con chúng cũng biết thế. Huống hồ là tổ chức hát múa trên sân khấu những ngày buồn đau này, làm cho cả xã hội, cả cộng đồng mạng sôi cả lên”, PGS – TS Nguyễn Thế Kỷ nói.

Nếu nhìn thuần vấn đề về tính Đảng, cho thấy từ cách dùng từ “chấn hưng văn hóa” cho tới việc đưa ra văn bản mang tính đe dọa các quyền thuộc Hiến định ở công văn đánh số 3893, ký ngày 15-9-2023 của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, cho thấy Đảng cần chấn chỉnh nội bộ quyết liệt hơn, dứt khoát hơn.

Trước hết, rất khó chấp nhận dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, với hệ thống trường chính trị trải đều ở tất cả các tỉnh, thành, tiêu chuẩn chính trị cũng là yếu tố bắt buộc trong công tác nhân sự…, vậy mà ủy viên đương nhiệm của Bộ Chính trị, trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại chấp nhận sử dụng cụm từ “chấn hưng văn hóa” để yêu cầu số tiền phải đáp ứng là 350 ngàn tỷ đồng.

Công tâm mà nói, số bạc mấy trăm ngàn tỷ đúng là con số từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra, song đây cũng là nhằm cụ thể hóa cho việc thực thi chủ trương của người đứng đầu Đảng mà thôi. Theo đó, trong bài viết “Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” in trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành, tác giả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến vấn đề “chấn hưng văn hóa” dân tộc.

Trong bài viết kể trên có đoạn:

“Bên cạnh đó, yêu cầu chấn hưng văn hóa dân tộc còn xuất phát từ thực tế phát triển văn hóa trong thời gian qua. Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, bên cạnh nhiều thành tựu đáng ghi nhận, chúng ta cũng phải đối diện với thực tế là sự phát triển văn hóa chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế, chính trị.

Văn hóa chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Chưa có những giải pháp hữu hiệu để phát huy vai trò của văn hóa trong xây dựng con người. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuống cấp về đạo đức, suy thoái về tư tưởng chính trị, lối sống trong xã hội.

Nhiều thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội và tội ác gia tăng, làm ô nhiễm môi trường văn hóa, tác động xấu tới tâm lý xã hội. Một số nơi, công tác xây dựng văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị chưa gắn kết với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đâu đó còn có hiện tượng buông lỏng lãnh đạo, quản lý, coi văn hóa, văn nghệ chỉ là giải trí đơn thuần, thậm chí tầm thường hóa chức năng của văn hóa, văn nghệ. Đời sống tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu, sự chênh lệch trong hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất với các đô thị, thành phố và giữa các tầng lớp nhân dân chưa được rút ngắn.

Các lĩnh vực, loại hình cụ thể của văn hóa như văn học, nghệ thuật, giáo dục, đào tạo, thông tin đại chúng, bảo tồn, phát huy di sản, lý luận và phê bình văn hóa, văn nghệ, văn hóa đối ngoại… tuy phát triển về quy mô, phạm vi, số lượng, nhưng chất lượng chưa cao, nhiều vấn đề mới nảy sinh chưa được giải quyết kịp thời.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả thấp” (dừng trích).

Như đoạn trích trên thì “chấn hưng văn hóa” là mệnh lệnh của Tổng bí thư. Và khi nội hàm này chưa được tường minh đến công chúng thì các suy diễn bất lợi, cho đến kiểu bênh vực thủ trưởng như công văn đánh số 3893, ký ngày 15-9-2023 của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, đều cần được làm rõ hơn về tính khả thi của đường lối chính sách trong sự cẩn trọng của cách dùng từ trong tiếng Việt.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)