Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nỗi nhục hiệp thương ngân sách

Ngọc Lan

 

(VNTB) – Nỗi nhục này là món nợ đòi hỏi Chính phủ nhiệm kỳ mới của Quốc hội khóa XV sắp tới đây phải sòng phẳng…

 

Nghịch lý từ bức tranh ngân sách là ý kiến các chuyên gia kinh tế ở Fulbright khi bàn luận về chủ đề “Thúc đẩy hợp tác, liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: điểm nghẽn và giải pháp”.

Đầu tiên, nói về vị thế của TP.HCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm 8 tỉnh và địa phương thuộc Đông và Tây Nam Bộ so với cả nước, thì tuy chỉ chiếm 20% dân số nhưng vùng kinh tế phía Nam đóng góp đến 45% GDP; thu ngân sách chiếm 40%, nhưng chi ngân sách lại chỉ chiếm có 20%. Riêng TP.HCM có thể được ví như “trụ cột phát triển” của cả vùng, chiếm 42% tổng dân số, 56% vốn đầu tư xã hội, và đóng góp 51% vào GDP của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thế nhưng tỷ lệ ngân sách được giữ lại của các tỉnh Đông Nam bộ thấp hơn nhiều so với các địa phương miền Bắc có cùng quy mô kinh tế.

Đơn cử, các tỉnh công nghiệp xung quanh TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai chỉ được giữ lại 36% và 47%, trong khi các tỉnh công nghiệp xung quanh Hà Nội như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương có tỷ lệ giữ lại ngân sách lần lượt là 53%, 83%, và 98%.

Nói riêng về TP.HCM, tuy có tỷ lệ đóng góp ngân sách cao nhưng tỷ lệ giữ lại ngân sách của thành phố đang thấp nhất nước, chỉ là 18%. Theo ngôn ngữ dân dã của người Sài Gòn thì trong Nam làm cho ngoài Bắc hưởng (“mình làm cho tụi nó hưởng!” – “tụi nó ăn kiểu đầu cha thiên hạ!”…).

Số lợi nhuận làm ra buộc phải “đóng góp” nên phần “đầu thừa đuôi thẹo” để lại không đủ để tái đầu tư cho phát triển, nên không hề khó hiểu khi Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ phải đối diện các đòi hỏi về biện pháp ứng phó có tính đa ngành, và đa địa phương.

Hệ lụy từ tỷ lệ chi ngân sách quá thấp, đó là TP.HCM và vùng Đông Nam bộ thiếu hụt nguồn lực để đầu tư và tái đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông nội đô và giao thông liên kết.

Các tuyến đường cửa ngõ nối liền TP.HCM với các khu vực lân cận ở Đông và Tây Nam Bộ luôn trong tình trạng “kẹt cứng” vì ách tắc giao thông làm chi phí sản xuất, dịch vụ và xuất khẩu bị đội lên quá cao, từ đó làm giảm sức cạnh tranh và sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Ở Đông Nam Bộ, đó còn là bài toán phát triển kinh tế một cách bền vững, phát triển đi đôi với bảo tồn môi trường sống xanh và sạch. Với vị trí địa lý liền kề nhau, những hoạt động sản xuất công nghiệp ở Bình Dương hay Đồng Nai sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước và môi trường của cư dân TP.HCM.

Trên báo chí cũng đã ghi nhận những con kênh rạch đầu nguồn tại Bình Dương xả thải công nghiệp gây ô nhiễm cho nguồn nước ở hạ nguồn TP.HCM.

Đối với Tây Nam Bộ, thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức cần có biện pháp ứng phó chung của toàn khu vực.

Nhìn rộng hơn trong câu chuyện về nỗi nhục hiệp thương ngân sách, đó là tăng trưởng thấp, thu ngân sách cao tiếp tục là một trong những điểm tối nổi bật trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng thấp ở đây có nghĩa là doanh nghiệp, người dân đang thất thu, đang khó khăn, nhưng nhà nước thì vẫn tăng các loại thuế phí. Rõ ràng thu ngân sách không dựa trên tăng trưởng.

Là nền kinh tế ở mức thu nhập trung bình thấp, đầu tư công là rất quan trọng để tạo nền tảng kinh tế – kỹ thuật cho nền kinh tế. Do đó, tỷ lệ chi đầu tư thấp đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đưa đến bất lợi cho tăng trưởng trung, dài hạn như vậy là một điều đáng lo ngại.

Và nếu cứ tiếp tục đà cơ cấu chi ngân sách bất bình đẳng như hiện nay, thì tăng trưởng sẽ khó mà tăng, mục tiêu giảm nợ công của Việt Nam cũng sẽ còn rất xa và rất khó khăn. Và người dân sẽ lại tiếp tục bực bội để la làng rằng “mình làm cho tụi nó hưởng!” – “tụi nó ăn kiểu đầu cha thiên hạ!”…


Tin bài liên quan:

VNTB – Tịnh thất Bồng Lai: ai trục lợi?

Phan Thanh Hung

VNTB – Không vô được Sài Gòn chắc chết!

Phan Thanh Hung

VNTB – Chính quyền tỉnh Đồng Nai lại làm khó dân!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.