Hồng Dân
(VNTB) – Đây là điều hiếm hoi suốt nhiều năm qua khi giá vụ mùa năm nay cao đến cuối vụ, nông dân phấn khởi, bạn hàng cân dễ dàng, nhiều thương lái thu mua hơn…
Tại Cần Thơ, hàng chục ngàn ha lúa thu đông ở huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, đang giai đoạn làm đòng. Giá lúa ở mức cao từ đầu năm đến nay và liên tục tăng mấy ngày qua khiến nhiều nông dân rất… hào hứng.
Ông Nguyễn Văn Thành ở xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, cho biết hiện 2 ha lúa thu đông của gia đình đang trổ bông, khoảng 40 ngày sau mới thu hoạch, dự kiến sản lượng khoảng 9 tấn mỗi ha. “Lúa đang trổ bông nhưng thương lái đã đến hỏi mua”, ông nói.
Lúa hạt dài vụ Đông Xuân trước, thương lái đang lùng sục mua giá 9.000 đồng mỗi kg.
Cánh đồng lúa huyện Tri Tôn, ở tỉnh An Giang, đang vào vụ thu hoạch với giá bán lúa OM 5651 từ 6.800 đồng một kg, trong khi OM 18 từ 7.050-7.100 đồng mỗi kg, tăng khoảng 500 đồng so với vụ trước. Nông dân Nguyễn Văn Hào, xã Tấn Tuyến, cho biết 3 ha lúa của gia đình sắp thu hoạch nhưng chưa vội nhận cọc bán lúa, ước chừng giá tăng tiếp.
Tuy nhiên vẫn đang có khuyến cáo là khi giá lúa cao, người dân sẽ gia tăng diện tích, kéo theo sản lượng tăng, đầu vào sử dụng phân bón, thuốc… cũng nhiều hơn. Sau một thời gian giá lúa sẽ bình thường trở lại, lúc này, sản lượng lại quá lớn, đi tìm nguồn cung sẽ rất vất vả.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đang khuyến cáo, người dân không nên ào ạt xuống giống lúa vụ 3 ở những vùng đất không thuận lợi, nguy cơ bị ngập úng. Thay vào đó nông dân trồng rau màu, nuôi trồng thuỷ sản vẫn cho thu nhập cao, lại ít rủi ro.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, ngày 20-7-2023, Tổng cục Ngoại thương, cơ quan thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ đã ra Thông báo số 20/2023 về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường, quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.
Một số trường hợp được tiếp tục xuất khẩu gồm lô hàng bắt đầu đưa lên tàu trước thời điểm thông báo; các lô hàng đã có hóa đơn vận tải đã được điền, con tàu đã cập cảng Ấn Độ và thứ tự bốc hàng lên tàu đã được cấp; lô hàng đã được chuyển cho Hải quan trước khi thông báo và đã được đăng ký trên hệ thống hải quan điện tử hoặc lô hàng đã đưa vào kho hải quan để xuất khẩu trước thời điểm thông báo.
Thời điểm xuất khẩu các lô hàng này là đến 31-8-2023; lô hàng được xuất khẩu theo giấy phép của Chính phủ Ấn Độ tới các quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực và dựa trên đề nghị của Chính phủ nước đó.
“Lệnh cấm xuất khẩu này kéo dài hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất phụ thuộc vào sản lượng diện tích gieo trồng vụ Hè Thu. Thứ hai phụ thuộc vào chỉ số giá bán lẻ, chỉ số giá tiêu dùng các mặt hàng lương thực nói chung, trong đó có mặt hàng lúa gạo. Thứ ba là các yếu khách quan khác.
Chính phủ Ấn Độ có thể cho phép xuất khẩu qua hình thức giữa chính phủ với chính phủ. Đối với việc đảm bảo an ninh lương thực cho một số nước Chính phủ Ấn Độ có thể xem xét áp dụng việc này”, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, cho biết.
Số liệu từ Bộ Công Thương Ấn Độ cho thấy, trong tháng 5-2023, Việt Nam nhập khẩu khối lượng gạo kỷ lục từ Ấn Độ, đạt khoảng 101.000 tấn, tăng 56,64% so với tháng 5 năm 2022, vươn lên đứng thứ 4 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ tính về khối lượng.
Trong 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu 367,5 ngàn tấn gạo Ấn Độ, tăng 31,76% so với cùng kỳ, đứng thứ 8 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ. Việt Nam nhập gạo từ Ấn Độ về để làm nguyên liệu sản xuất bánh, bún, thức ăn chăn nuôi…
Tính đến nay, khu vực đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ thu hoạch khoảng 80% so với cùng kỳ, tập trung tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp và Vĩnh Long. Vì vậy, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định sản lượng lúa thu hoạch trong thời gian tới dự kiến sẽ còn dư địa gia tăng mạnh khi vụ Hè Thu đạt điểm rộ nhất rơi vào tháng 8.
VFA cho rằng các doanh nghiệp nên mua vào hỗ trợ người nông dân và hạn chế bán ra.
Hiện nay nhiều đại lý, cửa hàng gạo tại TP.HCM cho biết, giá gạo bán lẻ hiện tăng từ 500-1.000 đồng/kg (tùy loại) do giá từ nguồn cung tăng.