Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” có phải là “công lý” để quan tòa cứ mãi nhân danh?

Khánh Hòa

(VNTB) – Trong vụ án “Bưu cục Cầu Voi” xảy ra từ 12 năm về trước, các cấp tòa đều “nhân danh nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” để tuyên án tử hình, và nhiều khả năng án tuyên ấy sẽ được phiên giám đốc thẩm diễn ra từ ngày 6-5-2020, kết luận là oan sai.

Chuyện án tuyên oan sai giờ không còn lạ nữa. Thế nhưng xem ra việc nhân danh “nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thì vẫn vậy, nó không làm cho người ta thấy điều đó đồng nghĩa với “công lý”.

Điều 102 Hiến pháp năm 2013 viết rằng: “1. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. 2. Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định. 3. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Tòa án phải bảo vệ công lý. Đó là hiến định. Tòa án bảo vệ quyền con người và bảo vệ công lý là hai thuộc tính có sự liên quan mật thiết với nhau, không thể tách rời. Nếu tòa án không trở thành nơi thực hiện quyền tư pháp bảo vệ công lý, thì những quy định về nhân quyền của hiến pháp có nguy cơ trở thành những tuyên bố chung chung hình thức, không có hiệu lực thực thi.

Người ta thường nói: tư pháp là thành trì bảo vệ tự do, tức là bảo vệ con người với những quyền của họ, nên chính xác hơn, phải nói: tư pháp – tòa án chính là thành trì của bảo vệ công lý. Con người sống thành xã hội, nên khi xảy ra những mâu thuẫn, cần phải có sự phân giải đúng sai, để gìn giữ sự bình an của xã hội.

Quyền của một người nào đó phải bị tước bỏ, nếu người đó vi phạm quyền của người khác. Đó là lẽ công bằng, công bằng tức là công lý. Xét xử vì công lý khác với xét xử không vì công lý, mà vì một thứ gì đó, như để bảo vệ nhà nước xã hội chủ nghĩa. Xét xử không vì công lý thì tòa án trở thành công cụ, thiết chế bảo vệ quyền lợi của nhóm lợi ích thân quen của quan chức nhà nước giờ đang nhân danh “nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Nói một cách nhẹ nhàng hơn, thì thuật ngữ “chủ nghĩa thân hữu” đã được hình thành để chỉ những hành vi của nhóm lợi ích nói trên trong tuyên bố của “nhân danh nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Trong một nhận xét liên quan, giáo sư Nguyễn Đăng Dung (khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), biện giải: “Có ý kiến cho rằng, tòa án tuyên bố như hiện nay “nhân danh nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là chưa hợp lý, mà lẽ ra phải tuyên bố là “nhân danh công lý”.

Theo tôi, tòa án là một trong những thiết chế mà thông qua đó, pháp luật được hóa thân và hiện hữu một cách đầy đủ nhất của công lý. Do trong thực tế, khái niệm “pháp luật” và “công lý” không nhất thiết phải đồng nhất, nên sẽ là hợp lý hơn nếu quan niệm rằng, phán quyết của tòa án là thứ phán quyết nhân danh công lý. Về cơ bản, công lý đó phải lấy pháp luật làm cơ sở tối thượng để hình thành nên các phán quyết của mình”.

Vẫn theo giáo sư Nguyễn Đăng Dung, nếu để cho tòa án phán quyết theo công lý, thì nguyên tắc hoạt động, tổ chức của tòa án phải khác căn bản với nguyên tắc tổ chức và hoạt động vì chế độ, vì nhà nước.

“Việc một số nơi cảnh sát điều tra vẫn tiếp tục lạm dụng quyền lực bắt, giữ người nghi là tội phạm, việc quá phụ thuộc vào lời nhận tội của nghi phạm, những khó khăn của luật sư trong việc tiếp cận thân chủ đang bị tạm giam, tạm giữ, cùng những khó khăn mà luật sự gặp phải trong việc tiếp cận hồ sơ truy tố và khó khăn trong việc thu thập những chứng cứ gỡ tội… là những ví dụ thể hiện tư pháp vẫn nằm trong vòng khép kín của từng cơ quan nhà nước, thậm chí còn nằm trong sự phối kết hợp giữa công an điều tra, viện kiểm sát và tòa án trong việc xét xử các vụ án” – giáo sư Nguyễn Đăng Dung nhận xét.

Và chính thực tế kể trên, cho thấy ở Việt Nam lâu nay tòa án trước tiên là đang bảo vệ chế độ, bảo vệ nhà nước, nên lẽ ấy các quan tòa buộc phải nhân danh “nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa” lúc tuyên án, xem ra chính là một việc phải phép.

Tin bài liên quan:

VNTB – Hồ Duy Hải và hai ông tướng công an

Phan Thanh Hung

Nhà Thơ Trần Đăng Khoa: Chuyện nực cười và chuyện ở nhà Hồ Duy Hải

Phan Thanh Hung

VNTB – Đức Chúa trời cho thấy*

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo