VNTB – Nuôi án

VNTB – Nuôi án

Hoài Nguyễn

 

(VNTB)- Phải nuôi án lớn thành trọng án rồi phá thì mới có thành tích để lên lon.

 

“Nuôi án” được hiểu nôm na là khi nhìn thấy vụ án manh nha hình thành, họ sẽ không phá mà để cho nó lớn, vì phá khi án mới nảy mầm thì dễ bắt non. Phải nuôi nó lớn thành trọng án rồi phá thì mới có thành tích để lên lon.

“Nuôi án” còn nhằm đến phục vụ ý đồ chính trị nào đó khi cần thiết để “lái” sự chú ý của công luận vào những đích được dựng cố ý.

Thuyết âm mưu ngờ vực rằng với những vụ bắt bớ hình sự hiện tại đều có chung đích đến là phục vụ cho Hội nghị Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 5 – khóa XIII dự kiến diễn ra vào tháng 5 năm 2022. Theo đó, có đồn đoán vấn đề thay đổi nhân sự lãnh đạo là liệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ chấp nhận chuyển giao quyền lực?

Báo chí Việt Nam ở hải ngoại dự đoán hai chính khách Nguyễn Xuân Phúc và Vương Đình Huệ ngấp nghé tranh nhau chiếc ghế chuyển giao quyền lực nếu có đó. Nếu ông Phúc ngồi vào, thì tướng Tô Lâm sẽ trám tương tự như Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang trước đây.

So trình độ văn hóa và những diễn văn phát biểu nơi công cộng thì chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được đánh giá cao hơn nhiều so thái độ bổ bả của ông Nguyễn Xuân Phúc.

Ông Vương Đình Huệ từng là Phó Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng Tài chính, Tổng kiểm toán nhà nước, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Trong quá khứ, tháng 5 năm 2013, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ủng hộ hai ông Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ, đang là các trưởng ban Ban Nội chính và Ban Kinh tế Trung ương, ứng cử vào hai vị trí trong Bộ Chính trị. Tuy nhiên, Ban Chấp hành Trung ương lại bầu cho hai ứng viên khác là ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Thời điểm đó, giới bình luận gọi đây là thất bại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Từ tháng 4-2016, ông Vương Đình Huệ chính thức là Phó Thủ tướng Chính phủ cho đến ngày 7-2-2020 được điều động làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Với học vị giáo sư, tiến sĩ kinh tế, ông Vương Đình Huệ được giới quan sát xem là một trong những nhà kỹ trị nổi trội nhất trong chính giới Việt Nam.

Trong vai trò Phó Thủ tướng, ông Huệ có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực về kinh tế. Trong đó có việc theo dõi sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước.

Giờ thì ông Huệ là Chủ tịch Quốc hội. Ông Nguyễn Phú Trọng trước khi là Chủ tịch Quốc hội cũng từng là Bí thư Thành ủy Hà Nội trong 6 năm, từ 6-1-2000 đến 26-6-2006. Ông Trọng cũng học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ.

Ông Vương Đình Huệ được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng, điều động làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương từ cuối 2012 tới 2016. Việc giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng là lần đầu tiên ông Vương Đình Huệ nắm chức vụ lãnh đạo ở một cấp địa phương để sau đó với việc điều hành Đảng bộ Thủ đô cho thấy sẽ là cơ hội để ông chứng tỏ khả năng, tỏa sáng sau Đại hội Đảng 13.

Thế nhưng với diễn biến mới nhất về vụ án thao túng thị trường chứng khoán cho thấy dường như các vụ việc lùm xùm về tài chính của quá khứ đang dần được mở lại để xăm soi cả hai chính khách Vương Đình Huệ lẫn Nguyễn Xuân Phúc.

Lưu ý là ông Nguyễn Xuân Phúc được đánh giá thuộc nhóm thân Nga, còn ông Vương Đình Huệ thuộc Tiệp Khắc cũ, nay là Séc và Slovakia. So với ông Phúc ít nhiều được đánh giá là võ biền, thì ông Huệ là một người đã từng giảng dạy và quản lý giáo dục, nên đặt trong yêu cầu của chính khách am tường chuyên sâu kiến thức tháp ngà kiểu như ông Nguyễn Phú Trọng, thì ông Vương Đình Huệ giữ lợi thế.

Song mọi chuyện như đã đề cập ở phần đầu bài viết này, từ giờ đến tháng 5 cũng còn cả tháng trời nữa nên phải chờ các diễn biến ‘nuôi án’ ra sao để tiên đoán cho hồi chung kết.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)