VNTB – Ông Huỳnh Uy Dũng có là đồng phạm của bà Nguyễn Phương Hằng?

VNTB – Ông Huỳnh Uy Dũng có là đồng phạm của bà Nguyễn Phương Hằng?

Cát Tường

(VNTB) –  Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, kết luận chưa có cơ sở xác định ông Huỳnh Uy Dũng có dấu hiệu hình sự.

 

Bà Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm bị Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM truy tố về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo khoản 2, điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Những lá đơn tố cáo

Trong thời gian tòa án thụ lý giải quyết vụ án này, ông Nguyễn Quang Tuấn (con trai bà Phương Hằng) tiếp tục có đơn gửi đến các cơ quan tố tụng trong đó có Tòa án nhân dân TP.HCM để tố giác về việc ông Huỳnh Uy Dũng đồng phạm với bà Hằng.

Sau đó, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chuyển đơn tố giác của ông Tuấn đến thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM để chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền.

Ngày 26-7-2023, tin tức cho biết cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã hoàn tất điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đề nghị truy tố bà Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ.

Trước đó, Tòa án nhân dân TP.HCM đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhiều nội dung. Sau khi điều tra bổ sung, Công an TP.HCM kết luận chưa có cơ sở xác định ông Huỳnh Uy Dũng có dấu hiệu hình sự.

Thắc mắc mang tính lý thuyết: thế nào là đồng phạm, bởi ngay cả nhà báo, luật sư Đặng Thị Hàn Ni dù đang bị tạm giam trong vụ án có liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng – Huỳnh Uy Dũng cũng có đơn tố cáo hành vi đồng phạm của ông Dũng ở vụ án bà Nguyễn Phương Hằng mà cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vừa hoàn tất điều tra bổ sung sau khi tòa trả hồ sơ.

Trong thực tế hiện nay, mỗi một tội phạm xảy ra có thể do một người thực hiện, nhưng cũng có thể do hai hoặc nhiều người cùng phối hợp thực hiện. Pháp luật Việt Nam hiện nay gọi trường hợp phạm tội do một người thực hiện đó là “phạm tội đơn lẻ” (hay riêng lẻ), còn trường hợp một tội phạm được thực hiện bởi hai hoặc nhiều người và những người này cố ý cùng chung hành động để thực hiện tội phạm ấy trong cùng một vụ án thì được gọi là “trường hợp đồng phạm”.

Khung cửa hẹp mà ông Huỳnh Uy Dũng đã… lách?

Về dấu hiệu khách quan, pháp luật hình sự nói rằng những người đồng phạm phải cùng thực hiện một tội phạm. Hành vi của mỗi người là một khâu cần thiết cho hoạt động chung của tất cả những người đồng phạm. Mỗi người đồng phạm có thể đều thực hiện hành vi được quy định trong cấu thành tội phạm, nhưng cũng có thể họ chỉ thực hiện một phần trong chuỗi hành vi để tạo thành một hành vi phạm tội thỏa mãn các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm.

Mỗi người đồng phạm có thể cùng tham gia thực hiện tội phạm bởi một loại hành vi, nhưng cũng có thể tham gia với những hành vi khác nhau. Hành vi của người này bổ trợ, bổ sung và là điều kiện cho hành vi của người khác, có ảnh hưởng tác động đến hành vi đó, làm cho nó có hiệu quả hơn.

Hành vi tham gia thực hiện một tội phạm có thể là hành vi trực tiếp thực hiện, hành vi tổ chức, hành vi xúi giục, hành vi giúp sức thực hiện tội phạm. Nếu không có một trong bốn loại hành vi này thì không được coi là cùng thực hiện tội phạm, và vì thế cũng không phải là đồng phạm.

Hành vi của mỗi người đồng phạm có mối quan hệ nhân quả đối với hậu quả chung của tội phạm, hậu quả chung của tội phạm là kết quả hoạt động chung của tất cả những người cùng tham gia thực hiện tội phạm đem lại. Hành vi của người thực hành là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh hậu quả chung, còn hành vi của những người khác thông qua hành vi của người thực hành mà gây ra hậu quả.

Như vậy rất có thể ở đây ông Huỳnh Uy Dũng tuy hiện diện phần lớn ở những nội dung clip của bà Nguyễn Phương Hằng, nhưng ông đã rất khéo của việc không có những động thái dẫn đến cái gọi là “hành vi xúi giục” trực tiếp, đơn cử như việc nhiều clip cho thấy ông chỉ xuất hiện thời gian ngắn rồi rời đi.

Ba yếu tố còn lại: “hành vi trực tiếp thực hiện – hành vi tổ chức – hành vi giúp sức” đều có với ông Huỳnh Uy Dũng, nhưng vì thiếu một hành vi “xúi giục” trực tiếp nên ông đã “lách” được khung cửa hẹp pháp lý đó về tội đồng phạm.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)