Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Không biết các quan chức lãnh đạo cùng người nhà của họ đã đóng thuế thu nhập cá nhân hàng năm ra sao
Tin tức về việc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can Hoàng Ngọc Giao (68 tuổi) về tội Trốn thuế, theo Điều 200 Bộ Luật Hình sự năm 2015, là một bất ngờ, dù chiêu thức này trong cụ thể trường hợp đây được cho là dùng để ‘ra roi’ khi cần thiết với những tiếng nói phản biện.
Quyết định trên đã được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.
Ông Hoàng Ngọc Giao là tiến sĩ, luật sư, từng nhiều năm làm Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Đầu tháng 10 vừa qua, ông Giao được bầu là chủ tịch của Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế Việt-Trung (VCITAC). Ông Giao còn là giám đốc Công ty Luật Hoàng Giao & Cộng sự.
Khi bị khởi tố, ông Hoàng Ngọc Giao là Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển (PLD). Phản biện chính sách gần nhất của ông Hoàng Ngọc Giao là ông đã đề nghị chấm dứt hoặc hạn chế việc lấy đất của dân để giao cho doanh nghiệp làm dự án.
Hạ tuần tháng 10 năm ngoái, một nhóm gồm 14 tổ chức nhân quyền quốc tế và trong nước gửi thư ngỏ chung kêu gọi Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc António Guterres thúc giục ban lãnh đạo Nhà nước Việt Nam trả tự do cho bốn nhà hoạt động môi trường bị kết án vì cáo buộc “trốn thuế” trong năm 2021.
Thư ngỏ nhắc đến bốn nhà hoạt động môi trường và xã hội dân sự bị kết án vì tội danh “trốn thuế” gồm: bà Nguỵ Thị Khanh – giám đốc tổ chức xã hội dân sự Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), Đặng Đình Bách – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Pháp luật & Phát triển Bền vững (LPSD), Mai Phan Lợi – Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Giáo dục Truyền thông (MEC), và ông Bạch Hùng Dương, phó giám đốc của tổ chức này.
Bình luận liên quan đến chuyện gọi là “trốn thuế” đó, luật sư Hà Huy Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội), chua chát nói rằng, “có lẽ các luật sư, luật gia bị khởi tố về trốn thuế nhiều hơn số tay buôn lậu, cướp đất. Xét về tội trốn thuế thì các luật sư, luật gia là những người giàu nhất xã hội”.
Một nhà báo yêu cầu không nêu tên, nhìn nhận việc chọn “trốn thuế” để ra roi trị các nhân sự nào đó mà bề trên không hài lòng là một cách khôn ngoan, và qua đó còn là ngấm ngầm răn đe trước với những phe nhóm quyền lực trong cùng một đảng; bởi cho đến hiện tại người ta vẫn không biết các quan chức lãnh đạo cùng người nhà của họ đã đóng thuế thu nhập cá nhân hàng năm ra sao, như thế nào?
“Tôi giả dụ vầy, chính khách Việt Nam hay thích đứng tên một cuốn sách nào đó. Sách đứng tên chính khách như Nguyễn Phú Trọng chẳng hạn, khi phát hành đều được tổ chức lễ rình rang, sau đó còn đưa các đầu sách này vào danh mục giảng dạy, tham khảo trong các tiết học tập nghị quyết, bồi dưỡng chính trị định kỳ.
Sách đó gần như không thấy bày bán trên kệ ở nhà sách. Như vậy tạm lạc quan cho rằng sách đã bán rất chạy. Số tiền thu được sẽ được chia theo thỏa thuận giữa các bên liên quan. Vậy tác giả Nguyễn Phú Trọng có quyết toán thuế thu nhập cá nhân này từ khoản thu đó không?
Ngoài ra với lý do tuân thủ về quyền sở hữu trí tuệ, người ta có thể chuyển trả một khoản tác quyền nào đó khi trích dẫn, viện dẫn những nội dung phát biểu, nội dung được in sách của tác giả Nguyễn Phú Trọng. Vậy khoản thu nhập mang tính cá nhân ấy có được khai thuế tử tế?” – vị nhà báo kể trên, nói.
Tuy nhiên trong trường hợp của ông Hoàng Ngọc Giao, một nguồn tin hành lang cho biết ngày 16-12-2022, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã bắt giữ Viện trưởng Viện PLD thuộc Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) với cáo buộc “Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điểm C, khoản 1 của Điều 110 “Tội gián điệp” trong Bộ luật hình sự.