Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ông Phúc nói đúng quá!

Lê Tự Do

 

(VNTB) – Ông Phúc nói thì đúng, nhưng có dám ủng hộ làm phim về Hoàng Sa – Trường Sa, giấc mộng bành trướng biển Đông của Trung Quốc hay không

 

“Nếu luật pháp cản trở hay làm hư hỏng ngành nghệ thuật này thì đó là vấn đề lớn, cần lưu ý”.

Thảo luận cho ý kiến tại tổ về dự thảo luật Điện ảnh sửa đổi sáng 23.10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ quan điểm nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa – giáo dục của Quốc hội.

“Tại sao Việt Nam phải chiếu quá nhiều phim nước ngoài, tất nhiên hội nhập thì có phim nước ngoài nhưng không phải quá nhiều như vậy được trong khi chúng ta có thể xây dựng văn hóa dân tộc thông qua điện ảnh từ lịch sử kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, văn hóa vật thể, phi vật thể”, Chủ tịch nước nêu vấn đề, đồng thời nhìn nhận, để phát triển điện ảnh cần nhiều yếu tố, trong đó, luật pháp phải tạo ra hành lang pháp lý.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Nếu luật pháp cản trở hay làm hư hỏng ngành nghệ thuật này thì đó là vấn đề lớn, cần lưu ý”.

Nếu không xét về góc độ chuyên môn sâu của môn nghệ thuật thứ 7 này, chỉ dựa trên nội dung, có thể nói, vấn đề ông Phúc đưa ra là quá ư là đúng đắn, nhất là đối với anh bạn 16 vàng 4 tốt. Vì sao lại thế?

Nhắc về lịch sử, nhiều người thường hay nói rằng Việt Nam là một đất nước có bề dày lịch sử với hơn 4.000 năm dựng và giữ nước. Trong suốt quãng thời gian lịch sử đó, theo lời một bài nhạc thì có đến 1.000 năm đô hộ giặc Tàu, 100 năm đô hộ giặc Tây; rồi những phong tục, tập quán của làng quê, người dân Việt Nam… nhiều chất liệu về nội dung.

Một thực tế ghi nhận, điện ảnh Việt Nam cũng có không ít những bộ phim về làng quê, về dân gian của người Việt. Song, bên cạnh đó, cũng tồn tại một vấn đề mà nhiều người hay nói, phim lịch sử vẫn chưa được giới trẻ chú ý nhiều đến. Một số người trẻ có thể thuộc lòng sử Tàu, biết rõ thế nào là Tào Tháo – Lưu Bị – Tôn Quyền, biết về Từ Hy Thái Hậu… song lại có thể mù mờ về một Bố Cái Đại Vương, về Lý Thường Kiệt, nhập nhằng Quang Trung – Nguyễn Huệ là hai anh em…

Chính vì lẽ đó, “chúng ta có thể xây dựng văn hóa dân tộc thông qua điện ảnh từ lịch sử kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, văn hóa vật thể, phi vật thể” là một ý kiến phải nói là tuyệt vời, nếu góc độ chuyên môn về điện ảnh có thể xây dựng được.

Xét về chất liệu nội dung, nói theo kiểu dân gian, là ngồn ngộn thứ.

Đó có thể là hình ảnh của một Lý Thường Kiệt bên dòng sông Như Nguyệt, một Lý Thường Kiệt dẫn quân đánh sang đất phương Bắc; đó cũng có thể là một Quang Trung cho ăn tết sớm; đó cũng có thể là một bộ phim về Thoát Hoan phải chui vào ống đồng trốn về nước; đó cũng có thể là chiến công của Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư…;

Hoặc chăng, đó cũng có thể là những bộ phim điện ảnh về trận chiến Gạc Ma, trận đánh biên giới 1979 với Trung Quốc, hải chiến Hoàng Sa năm 1974…. Có thể nói, đó không chỉ là thước phim điện ảnh mà còn là tư liệu quý giá để khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, đem ra tận thế giới.

Hay đó cũng có thể là một bộ phim điện ảnh về Pon-Pot, về tội ác của người Khmer Đỏ với bà con miền Tây.

Vì sao lại cứ phải khăng khăng là phim điện ảnh về Điện Biên Phủ, trong khi lịch sử Việt Nam đầy hào hùng? Có cần nhất thiết chỉ làm phim điện ảnh về Pháp, Mỹ mà bỏ qua Trung Quốc hay không?

Ông Phúc nói thì đúng, nhưng có dám ủng hộ làm phim nói về chiến công hào hùng của ông cha; làm phim về Hoàng Sa – Trường Sa, giấc mộng bành trướng biển Đông của Trung Quốc hay không… hình như, ông Phúc lại “quên” nói mất rồi…


Tin bài liên quan:

VNTB – Khi đường phố bớt xe máy

Phan Thanh Hung

VNTB – Sao không cho thành phố giữ lại ngân sách để chống dịch?

Phan Thanh Hung

VNTB – Thư chung gửi chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển

Phan Thanh Hung

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 30.10.2021 5:38 at 05:38

“Ông Phúc nói đúng quá!”

Có phải câu ông nói về Việt Nam phải học cách làm phim của Trung Quốc không ?

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo