Hà Huy Sơn
***
KẾT QUẢ PHIÊN TÒA ÔNG TRẦN ĐỨC THẠCH NGÀY 15/12/2020:
Phiên tòa diễn ra từ 8 giờ 00 và tuyên án lúc 11 giờ 00 cùng ngày. Vụ án được xét xử công khai. Tham gia phiên tòa về phía gia đình: Có bà Nguyễn Thị Chương (vợ ông Thạch) và em trai.
Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên ông Trần Đức Thạch phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại khoản 1 Điều 109 Bộ luật hình sự 2015. Phạt 12 (Mười hai) năm và 03 (Ba) năm quản chế.
Bản án đã không ghi nhận thời gian tham gia quân đội, thời kỳ chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ của ông Thạch; Tòa đưa ra lý do là không có tài liệu trong hồ sơ vụ án.
Kết thúc phiên tòa, ông Thạch cho biết ông sẽ kháng cáo.
***
LƯỢC NGHI LẠI LỜI NÓI SAU CÙNG CỦA ÔNG TRẦN ĐỨC THẠCH TẠI PHIÊN TÒA 15/12/2020 (Luật sư chỉ lược ghi được 50% nội dung):
Ngay và luôn, tôi xin gửi lời cám ơn đến vợ, con, bạn bè, thân hữu các cá nhân, tổ chức Quốc tế, các Tòa lãnh sự quán đã quan tâm đến vụ án của tôi. Cám ơn vị Luật sư tham gia bảo vệ cho tôi tại phiên tòa hôm nay.
Với sự minh triết của người dân xứ Nghệ, tôi xác định phiên tòa này là những nốt nhạc cuối của bản hùng ca, bi tráng của cuộc đời tôi. Nó sẽ không kết thúc tại đây mà nó sẽ ngân nga mãi theo thời gian, theo dòng chảy lịch sử của người dân nước Việt, của những người yêu nước và hy sinh cho sự công chính.
Tôi rất tự hào vì được cùng anh chị em dấn thân cho sự nghiệp dân chủ của Việt Nam và sự nghiệp chống Trung Quốc thao túng, xâm lược Việt Nam.
Tôi vinh dự là người dân xứ Nghệ, người dân nước Việt Nam.
Dấn thân vì Dân chủ không phải là tội.
Luận cứ bào chữa tại phiên toà hình sự sơ thẩm cho bị cáo Trần Đức Thạch tại Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An,
Ngày 15/12/2020.
Kính thưa Hội đồng xét xử,
Tôi, Luật sư Hà Huy Sơn thuộc Công ty Luật TNHH Hà Sơn là người bào chữa cho bị cáo Trần Đức Thạch xin trình bày quan điểm bào chữa, như sau:
I. Tóm tắt vụ án:
Bị cáo Trần Đức Thạch, sinh ngày 19/06/1952; nguyên quán xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ngày 01/04/2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 08/ANĐT về tội ““Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại khoản 1 Điều 109 Bộ luật Hình sự. Ngày 23/04/2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An ra Quyết định khởi tố bị can số 11/ANĐT đối với Trần Đức Thạch, về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại khoản 1 Điều 109 Bộ luật Hình sự.
Ngày 18/09/2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An ra Bản kết luận điều tra vụ án hình sự số 436/KLĐT. Ngày 21/09/2020, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An ra Cáo trạng số 186/CT-VKS-P1, quyết định truy tố bị can Trần Đức Thạch ra trước Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An để xét xử về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại khoản 1 Điều 109 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
“Điều 109. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;”
Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 23/04/2020 cho đến nay.
Ngày 16/11/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm số 251/2020/QĐXXST-HS; phiên tòa mở ngày 30/11/2020.
Vụ án được xét xử công khai.
II. Về tố tụng:
1- Thẩm phán Chủ tọa Trần Ngọc Sơn, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An không cho Luật sư Hà Huy Sơn là người bào chữa được chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án là vi phạm điểm l khoản 1 Điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, quy định:
“Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra;”
Bởi các lý lẽ sau:
– Căn cứ khoản 1 Điều 1, Quyết định số 01/2004/QĐ-TTG ngày 05/01/2004 của Thủ Tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ tối mật của ngành Tòa án nhân dân, quy định:
“Điều 1.Danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật của ngành Tòa án nhân dân gồm có:
1. Hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc xét xử các vụ án về các tội phạm an ninh quốc gia. Các báo cáo, thống kê án tử hình, các vụ án được xét xử kín theo quy định của pháp luật chưa công bố.”
Tài liệu trong hồ sơ vụ án này thuộc danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật.
– Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 11 Luật bảo vệ bí mật nhà nước 2018, quy định:
“Điều 11. Sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước
2. Người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tối mật bao gồm:
đ) Người đứng đầu đơn vị trực thuộc Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, trừ người có thẩm quyền quy định tại điểm b khoản 3 Điều này; Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện;”
Thẩm phán Chủ tọa, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, Trần Ngọc Sơn có thẩm quyền cho phép người bào chữa sao chụp tài liệu liên quan đến vụ án. Nhưng Thẩm phán Trần Ngọc Sơn đã không cho Luật sư Hà Huy Sơn được sao chụp tài liệu vụ án gây khó khăn cho việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bào chữa.
2- Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018: Nhưng Cáo trạng lại truy tố cả các hành vi của bị cáo trước ngày 01/01/2018 liên quan đến Hội anh em dân chủ đã bị bắt từ tháng 12/2015, trái với quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/06/2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14.
III. Về mặt khách quan của tội phạm:
Cáo trạng cáo buộc bị cáo về 04 nhóm hành vi: (1) Tham gia họp, hội luận các thành viên, (2) Tiến hành xây dựng cơ cấu, tổ chức, (3) Tiến hành tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, (4) Quan hệ với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước để nhận hỗ trợ về tài chính.
(1) Tham gia họp, hội luận các thành viên:
1. Cáo trạng không nêu ra bút lục làm chứng cứ về nội dung họp, trao đổi giữa các thành viên có liên quan đến Điều 109 BLHS.
2. Cáo trạng cho rằng bị cáo nhiều lần gặp trực tiếp các thành viên trong “Hội anh em dân chủ” nhưng không có ai là người làm chứng và nội dung gặp, trao đổi có liên quan đến Điều 109 BLHS.
(2) Tiến hành xây dựng cơ cấu, tổ chức:
Theo như Cáo trạng thì bị cáo “được phân công làm “ trưởng đại diện vùng 2 ở miền Trung””. Bị cáo có nhiệm vụ: “theo dõi, tập hợp thông tin chính trị xã hội sau đó phân tích, đánh giá và đưa ra nhận định để trao đổi với các thành viên tại các buổi góp ý kiến để xây dựng “cương lĩnh vắn tắt của Hội anh em dân chủ” do Nguyễn Văn Đài soạn thảo”. Như vậy, bị cáo không có hành vi “xây dựng cơ cấu, tổ chức” như cáo buộc.
(3) Tiến hành tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Các hành vi của bị cáo theo như cáo buộc tại Cáo trạng không thuộc mặt khách quan tội phạm của “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại Điều 109 BLHS 2015 mà bị cáo bị truy tố.
4) Quan hệ với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước để nhận hỗ trợ về tài chính:
Cáo trạng nêu ra một số lần bị cáo nhận tiền của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước nhưng không có bằng chứng xác định bị cáo đã sử dụng một phần hay toàn bộ số tiền đó phục vụ cho hoạt động “thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” như thế nào.
Tóm lại: Cơ quan điều tra chưa chứng minh được bị cáo có các hành vi cụ thể, là “Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực” vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 109 BLHS.
IV. Về mặt chủ quan của tội phạm:
Cáo trạng (trang 04) cho rằng: “Tại cơ quan điều tra, bị can Trần Đức Thạch đã thừa nhận hành vi tham gia thành lập “Hội anh em dân chủ” và tiến hành các hoạt động nhằm mục đích thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam, xây dựng chế độ đa nguyên, đa đảng”. Như mục III nêu trên, Cơ quan điều tra không có chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo. Căn cứ khoản 2 Điều 98 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, quy định:
“Điều 98. Lời khai của bị can, bị cáo
2. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án.
Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội.”
Không thể dùng lời nhận tội của bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội bị cáo.
V. Về khách thể của tội phạm:
Ủng hộ hay xây dựng chế độ “đa nguyên, đa đảng”, “tam quyền phân lập”, “xây dựng nền kinh tế, lấy kinh tế tư nhân làm nền tảng” không phải là điều cấm trong Hiến pháp 2013 hoặc là một tội được quy định trong Bộ luật hình sự 2015.
VI. Đề nghị:
Với các lý lẽ nêu trên, tôi đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tuyên bị cáo Trần Đức Thạch không phạm tội ““Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại khoản 1 Điều 109 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và trả tự do cho bị cáo.
Tôi xin chân thành cám ơn sự lắng nghe của các quý vị.
Thành phố Vinh, ngày 15 tháng 12 năm 2020.
Người bào chữa
Luật sư Hà Huy Sơn
_______________________________________________________________________________________