Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phật giáo nguyên thủy theo phái Nam tông mà chùa Ba Vàng muốn được gia nhập là gì?

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – Chùa Ba Vàng đang xin chuyển hệ phái từ Bắc tông sang Phật giáo nguyên thủy theo phái Nam tông.

 

Phật giáo nguyên thủy theo phái Nam tông là… nhạy cảm đối với miền Bắc?

Liên quan đến việc phật tử quỳ lạy cúng dường như trong clip từng xuất hiện tại chùa Ba Vàng dịp lễ Vu Lan, một chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Theo Phật giáo nguyên thủy tại một số nước như Lào, Campuchia việc phật tử dâng vật phẩm, phong bì là bình thường. Tuy nhiên, phật giáo Bắc Tông trước giờ không có việc đó”.

Theo vị chức sắc này, khi đến ngày trai tăng phật tử dâng vật phẩm, tiền tài, phong bì… nếu diễn ra ở phía Bắc thì việc này hơi nhạy cảm. “Địa phương chưa gặp sự kiện như ở chùa Ba Vàng bao giờ cả, gây ra tranh luận trái chiều trên mạng xã hội.

Sau đó, Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh có trao đổi với nhà chùa về việc trên. Theo giáo lý Phật giáo nguyên thủy có việc đi khất thực, phật tử dâng thức ăn chín rồi và nhà sư nhận lấy về ăn; trong khi chùa Ba Vàng đăng ký theo Phật giáo Bắc tông”, vị chức sắc này nói.

Rộng đường dư luận, xin lược ghi ở đây ý kiến của bà Nguyễn Thị Thanh Mai, giảng viên khoa Đông Phương học, trường đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cùng ông Nguyễn Ngọc Hùng, giáo viên trường trung học Chi Lăng, xoay quanh câu chuyện của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam đến Hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh, những biến đổi thăng trầm của lịch sử trong tiến trình Phật giáo Việt Nam.

Lần giở quá khứ

Lịch sử ghi nhận, vào năm 1938, gia đình chủ đất Bùi Ngươn Hứa hiến cúng 3 ha đất cho ông Nguyễn Văn Hiểu, Văn Công Hương, Nguyễn Văn Quyến, Đoàn Văn Hường nhằm mục đích xây ngôi Tam bảo Nguyên thủy đầu tiên tại ấp Gò Dưa, xã Tam Bình, Thủ Đức với tên gọi sau đó: Bửu Quang tự, nay 171/10 Quốc lộ 1A phường Bình Chiểu, thành phố Thủ Đức.

Bên cạnh đó, lần lượt còn có bốn vị Tăng sĩ truyền vào Việt Nam Phật giáo theo truyền thống Nam tông, đó là ông Ngô Bảo Hộ, sau xuất gia năm 1937, pháp danh Thiện Luật; Hồ Văn Viên, xuất gia năm 1938, pháp danh Huệ Nghiêm; Phạm Văn Tông, xuất gia 19-7-1940, pháp danh Bửu Chơn; Lê Văn Giảng, xuất gia 15-10-1940, pháp danh Hộ Tông.

Từ đó, Phật giáo Nguyên thủy từng bước không ngừng phát triển chùa tháp như năm 1945, ông Nguyễn Văn Tịnh, ông Dương Văn Thêm từ Campuchia học Pháp quay về Việt Nam tạo lập chùa Giác Quang ở bến Bình Đông cùng nhiều vị cư sĩ thuần thành. Đây là ngôi tự viện Phật giáo Nguyên thủy sau chùa Bửu Quang.

Sau ngôi tự viện Giác Quang, chùa Kỳ Viên lập ngày 19-6-1922 (610 Phan Đình Phùng, Sài Gòn) trở thành ngôi Tam bảo Phật giáo truyền thống Nam tông thứ 3.

Ngày 17-02-1952, Tỳ khưu Hộ Tông và sư Cả trụ trì chùa Mahàmontrey, Campuchia chứng minh buổi lễ kiết giới Sima tại bổn tự. Ngôi tự viện thứ 4 là chùa Bửu Long. Năm 1957, thiện nam Võ Hà Thuật cúng dường Giáo hội khu đất này nhân khi Giáo hội Tăng già Nguyên thủy thành lập.

Cơ sở thờ tự thứ 5, chùa Phổ Minh, xây dựng năm 1934, dâng cúng năm 1957, người thọ nhận đầu tiên ngôi chùa này là Tỳ-khưu Thiện Luật. Năm 1958, chùa Pháp Quang do Tỳ-khưu Hộ Giác cùng Tỳ-khưu Thiện Luật xây dựng, sau đó trở thành Phật học Viện Pháp Quang đầu tiên của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, do Ngài làm Viện trưởng, đào tạo Tăng sinh qua 3 cấp học theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy và được Hội Phật giáo Thế giới công nhận: Sơ đẳng, Trung đẳng và Cao đẳng Phật học.

Hòa thượng Tịnh Giác, Hòa thượng Minh Giác, Hòa thượng Thiện Nhân, Hòa thượng Bửu Chánh, Thượng tọa Giác Trí… đều xuất thân từ ngôi trường này.

Năm 1953, Phật lịch 2497, tại miền Trung, Tổ đình đầu tiên tại Đà Nẵng là chùa Tam Bảo tại 119c đại lộ Phan Chu Trinh, được thành lập bởi Tỳ-khưu Giới Nghiêm cùng thiện nam Hà Thúc Diếu, Vĩnh Cơ…

Ngày 15-03- 1963 (Phật lịch 2507), Trung ương Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam tổ chức lễ Kiết giới Sima, tham dự có Ngài Narada, sư Hộ Giác, sư Tịnh Sự, sư Ẩn Lâm, sư Tối Thắng, sư Giác Quang, sư Dũng Chí…

Năm 1956, Tỳ-khưu Giới Nghiêm, Tỳ-khưu Bửu Chơn, Tỳ-khưu Thiện Luật, Tỳ-khưu Hộ Nhẫn… tạo dựng ở Huế ngôi Tổ đình có tên là Tăng Quang Tự, tên tiếng Pàli: Sangharànsyaràma. Từ đây Phật giáo Nguyên thủy tại Huế lan rộng: chùa Định Quang ở Giạ Lê, tạo lập năm 1958…

Phật giáo Nam Tông

Từ năm 1938 đến 1957, Phật giáo Nguyên thủy với tên gọi Đạo Phật Thích Ca. Từ 1957 đến 1964 thành lập “Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam (Theravada)”. Từ 1964 đến 1981 mặc nhiên với tên gọi “Phật giáo Nam tông”.

Năm 1981, Phật giáo Nam tông cùng các tông phái khác sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Năm 2010 trở đi, để phân biệt với Phật giáo Nam tông Khmer, Giáo hội Phật giáo Việt Nam văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh gọi với danh xưng “Hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh”.

Phật giáo Nam tông Kinh có những biến đổi rất lớn, đó là hòa chung vào dòng chảy thăng trầm, thịnh suy, hợp tan, tan hợp của dân tộc, đồng hành cùng dân tộc từ chống chính sách bất bình đẳng về tôn giáo của chính quyền Đệ nhất Cộng hòa (1954-1963) đến thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (1964), đặc biệt là năm 1981 tham gia tích cực trong việc vận động thành lập và hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Từ một nhóm đoàn thể hoạt động tâm linh ở Campuchia, Sài Gòn lan rộng tới Huế và hình thành tổ chức Giáo hội mạnh, sau đó hòa vào tổ chức lớn hơn trở thành thành viên của tổ chức đó, một đoàn thể không còn mang danh nghĩa Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam mà chỉ là tên gọi phân biệt Hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh.

Đó chính là sự biến đổi thăng trầm lịch sử của một tổ chức Giáo hội một thời đã qua, và là minh chứng cho triết lý tùy duyên của đạo Phật!


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Thích Trí Quảng sẽ chấn chỉnh kỷ cương ra sao?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Đại đức Thích Trúc Thái Minh hãy trực tuyến “sám hối Đại Tăng”

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Putin lên án chủ nghĩa cộng sản

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.