Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phi vụ cuối cùng

Tiến Sĩ Trương Minh Ẩn, Thị Trưởng  Haltom City, Texas 

 

(VNTB) – Những mơ ước trở thành tướng tá đã tan theo mây khói vì đây là phi vụ cuối cùng

 

Sau khi tốt nghiệp tại trường huấn luyện cuối cùng tại Eglin AFB, Hoa Kỳ, nơi đào tạo những phi công chiến đấu khu trục cơ A-1 Skyraider; sau khi về nước, tôi “bị lưu đày” ra căn cứ Cù Hanh, Pleiku giữa năm 1971 với Phi Đoàn Thái Dương 530. Nơi đây là căn cứ Không Quân dành cho những phi công không “piston” hay không có “ngôi sao” tại Bộ Tư Lệnh đỡ đầu. Chung quanh căn cứ Cù Hanh, ngoài kho bomd, kho đạn, nhà ở nhỏ téo nhỏ teo, khắp nơi là hầm trú ẩn khị bị pháo kích; ngoài ra muốn ra phố Pleiku thì phải “quá giang” xe của các xếp có “hoa mai trắng”, còn những anh hùng khu trục cấp úy như tôi thì chỉ có xe “hai chân” mà thôi.

Thành phố Pleiku chỉ có một con đường chính là đường Hoàng Diệu, và dọc hai bên đường với các quán ăn, quán nhậu, nhà hút á phiện. Thêm vào đó, các quán “bar” dành cho lính Mỹ mọc lên như nấm, với các cô chiêu đãi viên “xồn xồn” mới lên Pleuku tiếp khách Mỹ, còn những nàng có nét đẹp trên trung bình và trẻ thì ở Saigon chớ ai lên đây làm gì. Riêng phi công của phi trường Cù Hanh Pleiku thì lúc nào cũng được các “em Pleiku má đỏ môi hồng” theo nhiều hơn là các chàng bộ binh. Nhưng những pilot nơi đây đã làm một số em con nhà “gia giáo” dè dặt làm quen vì “Đường nào dài bằng đường Hoàng Diệu, lính nào đểu bằng lính Không Quân”. Nhiều con nhạn là đà đã chết vì chiếc áo bay của các chàng phi công trẻ. 

Phi trường Pleiku mà một căn cứ chiến lược quan trọng mà Võ Nguyên Giáp đã từng tuyên bố: “Ai lấy được vùng Cao Nguyên thì sẽ làm chủ Miền Nam Việt Nam”, do đó Viêt Cộng dồn hết hỏa lực vào trận Mùa Hè Đỏ Lửa nhưng thất bại. Nơi đây tuy buồn nhưng khí hậu mát mẻ và bụi của vùng đất núi lửa này đã phủ đầy trên chiếc áo bay của phi công Pleilku. Còn nhìn xa hơn vòng đai phòng thủ thì chỉ thấy một màu xanh của núi non, thung lũng, và rừng rậm. Với những chiến tích lẫy lừng trong cuộc chiến Việt Nam, Pleime, Charlie, Ben Hét, Chu Pao, Kontum, Đức Cơ, Hậu Nghĩa, v.v… đã làm những phi công khu trục kêu hùng hơn những nơi khác. Ngoài yểm trợ cho các binh chủng bộ binh, Phi Đoàn 530 chúng tôi thường xuyên thi hành những phi vụ qua vùng Tam Biên (ranh giới của ba nước Việt Miên Lào) và kiểm soát hoặc thả bomb nổ chậm dọc đường mòn Hồ Chí Minh. Loại khu trục cơ A-1 tuy chỉ có một động cơ cánh quạt nhưng có thể mang tối đa là 8000 lbs bombs, hỏa tiễn, thủy lôi, bomb lữa, v.v.; tuy với vận tốc bay không bằng phản lực A-37 hay F-5, nhưng hỏa lực của A-1 rất hùng hậu nhất trong ba loại máy bay chiến đấu của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa. 

Sau một năm ở Pleiku, tôi đã kết hôn với cô gái Huế 19 tuổi trong Mùa Hè Đỏ Lửa, người mà tôi đã quen khi cô mới 16 tuổi, và đã học cùng trường với người em  trai của tôi,. Vợ tôi đã cùng ở chung căn cứ Cù Hanh trong suốt cuộc chiến, đã qua những trận pháo kích của hỏa tiển 122 ly hằng ngày của Việt Cộng. Một năm sau, chúng tôi có đứa con trai đầu long, bởi vì người dân nơi đây thường nói “Pleiku đi dễ khó về, trai đi có vợ, gái về có con”, chắc vợ tôi cũng dính vào cái huôn này.

Phi đoàn chúng tôi thực hành những phi vụ yểm trợ nhỏ cho quân bạn; ngoài ra chúng tôi thường bay những phi vụ đặc biệt có lãnh tiền thêm của Mỹ, bên kia biên giới Lào. Rồi đến trận “Mùa Hè Đỏ Lửa”, Không Đoàn 72 chiến thuật bị bắn rơi 16 máy bay trong ngày đầu tiên, nhưng đa số là trực thăng vì không ai nghĩ là Việt Cộng có chuẩn bị với những vủ khí chống máy bay như hỏa tiễn tầm nhiệt, súng phòng không 12.7 ly bốn nòng, xe tăng, v.v…

Sau trận Mùa Hè Đỏ Lửa, anh em trong phi đoàn cho tặng cho tôi một nặc danh “Ẩn Cùi” vì tôi bị trúng đạn phòng không trên 30 % phi vụ, và bị bắn rơi nhiều lần nhưng không nhảy dù mà “lết” về căn cứ hoặc đáp trên những phi đạo nhỏ bằng vỉ sắt. Sở dĩ tôi không nhảy dù vì nhiều người bạn trong phi đoàn đã mất mạng vì ghế nhảy không hoạt động do đặc công Cộng Sản đã phá đi hệ thống “kích hỏa” (tin tức từ giới chức điều tra Hoa Kỳ). Đầu năm 1974, tôi xin về Phi Đoàn 514 tại căn cứ Biên Hòa vì bị đì với tính ba gai và không mặc đồ bay đúng tiêu chuẩn ấn định của Không Quân, ở Peiku chỉ người Thượng mà cần gì phải chải chuốt hay tiêu chuẩn.

Sau những trận đánh lẫy lừng với nhiều huy chương mà vẫn cứ mang lon trung úy, trong khi một số phi công sau tôi 7 khóa, chưa từng tham gia những trận đánh đẫm máu thì lại được lên đại úy, đó là sự bất công trong quân đội VNCH. Sau khi về PĐ 514, thì Mỹ không cung cấp loại xăng đặc biệt 115/145 cho khu trục; khu trục phải xếp cánh, tôi phải đi xuyên huấn loại phản lực A-37 tại Đà Nẳng Phi Đoàn 516, đầu năm 1975. Rồi tôi rời Đà Nẵng với Thiếu Tá Long về Saigon chơi và Đà Nẵng bị thất thủ ngay trong đêm đó; thật là “giầy dép cò có số”, nếu không chắc gì tôi còn sống. 

Khu trục lại mở cánh bay lại vì cả A-37 và F-5 không thể yểm trợ quân bạn khắp nơi trong lúc trận chiến leo thang. Ba phi đoàn khu trục về đóng tại căn cứ Biên Hòa và Tân Sơn Nhất. Vào đầu tháng ba 1975, Mỹ đã di tản gia đình của các phi công chiến đấu đi trước, vì đa số máy bay chiến đấu chỉ có một chỗ ngồi cho phi công mà thôi. Khi đó tôi mới 26 tuổi nên chẳng nghĩ ngợi gì về việc Mỹ đưa gia đình tôi ra khỏi Việt Nam, mà  chúng tôi chẳng để ý là đua đi đâu; trái lại, lòng còn vui vì được “tự do”. Trong khi đó, chúng tôi vẫn đi bay như thường lệ và cứ nghĩ là Mỹ di tản gia đình chúng tôi đến tạm trú nơi an toàn để chúng tôi an tâm mà chiến đấu.

Sau khi Pleiku rơi vào tay Cộng Sản, các tỉnh miền Trung từ từ cũng không giữ được, rồi đến phi trường Biên Hòa cũng được lệnh di tản về Tân Sơn Nhất và về phi trương Bình Thủy Cần Thơ. Khi đó tôi mới bắt đầu cảm nhận là miền Nam đang bị nguy cơ rơi vào tay Cộng Sản, và với cấp bậc trung úy, tôi chỉ biết chờ lệnh và thi hành nhiệm vụ. Thế là phi trường Bình Thủy đã trở thành căn cứ tạm cho ba phi đoàn khu trục chúng tôi; khi đó, phi đoàn mượn tạm câu lạc bộ nơi đây làm phòng hành quân và cứ ai rảnh thì tuần tự nhận phi lệnh và đi bay.

Sau các phi vụ, chúng tôi lang thang như người không nhà, hết ăn rồi bay, và ít khi nghĩ đến giờ này gia đình tôi đang ở đâu. Các phòng trống như câu lạc bộ hoặc dưới mái hiên của hai phi đoàn A-37, trở thành nơi tạm trú cho anh em chúng tôi chờ nhận lệnh đi bay, còn một số phi công có gia đình gần phi trường Cần Thơ thì được đi phép dài hạn vì không đủ máy bay cũng như phòng ốc cho các phi công tá túc. Trong những ngày còn lại, đa số các phi vụ là đi yểm trợ và giải cứu các đơn vị đang bị bao vây trong những tiền đồn đang bị Cộng Sản tấn công, hoặc oanh tạc các điểm nóng chung quanh An Lộc, Bình Long, và nhất là vòng đai Sài Gòn.

Mỗi ngày chúng tôi có vài buổi họp nhỏ với cấp chỉ huy để nghe ngóng tình hình chiến sự rồi lại đi bay. Một số anh em đã bị bắn rơi bởi phòng không và nhất là hỏa tiễn SA-7, trong khi những người vợ đang ở nơi xa không biết tin gì về chồng mình đang chiến đấu. Trong số phi công bị bắn rơi, người thì may mắn thì được trực thăng cứu, còn số thì bị bắt làm tù binh của Cộng Sản, hoặc bỏ thây trên chiến trường mà không thể vào lấy xác. Tội nghiệp cho cảnh chia ly gia đình trong thời chiến và nhất là của những người vợ chồng tử trận hoặc bị Cộng Sản bắt làm tù binh.

Sáng ngày 28 tháng Tư, 1975, tôi cùng Trung úy Tâm, người bay chiếc số hai, nhận lệnh đi giải cứu Trung Tá Bình, binh chủng pháo binh, đang bị Việt Cộng bao vây trên đỉnh núi phía Tây thành phố Nha Trang. Trên đường ra ụ đậu phi cơ, chúng tôi nghe các cấp chỉ huy bàn với nhau trong phòng chơi bi-da là “Đang chờ lệnh qua Thailand”. Trong suốt phi vụ, tôi nghĩ ngợi câu nói này rất nhiều, qua Thailand để làm gì, hay vì bị pháo kích nên bay qua Thailand tạm trú? Sau khi thi hành phi vụ, chúng tôi bay về ngang Xuân Lộc thì tôi nghe qua tầng số FM, tầng số này dùng để liên lạc giữa bộ binh và máy bay yểm trợ, “Các anh đừng bỏ chúng tôi”. Tôi lặng người qua lời cầu khẩn này, vì sau khi nhớ lại lời bàn tán của cấp chỉ huy về việc di tản phi đoàn qua Thailand trước khi thi hành phi vụ. Nếu không có sự yểm trợ của Không Quân thì số mạng của những anh đang trấn thủ căn cứ Xuân Lộc sẽ ra sao. Tôi không khóc nhưng nước mắt tôi tự nhiên rơi xuống; tôi đưa tay gạt qua mặt và yên lặng không trả lời. Từ khi tham gia vào trận chiến, với những cuộc oanh tạc khốc liệt Cộng Sản trên vùng chiến thuật này, chúng ta chưa mất một thành phố, một chi khu nào hết mà giờ thì rút lui. Chẳng lẽ đây là “Phi Vụ Chiến Đấu Cuối Cùng” của đời binh nghiệp của tôi. 

Sau khi hạ cánh trở về phi trường Bình Thủy, Trung Tá Trát, phi đoàn trưởng Phi Đoàn 514, họp các anh em lại ra lệnh kín: “Chúng ta có lệnh phải qua Thailand, không ai được mang theo hành lý lớn, mỗi người chỉ được mang theo một túi nhỏ và bỏ lên xe Jeep của tôi, rồi từ từ lên máy bay cất cánh như những phi vụ thường lệ. Trong toán, tôi được giao trọng trách là để ý đến anh lính ngồi trong lô cốt quan sát ở cuối phi đạo với cây đại liên 50 vì tôi có mang thêm khẩu AR-15 bá ngắn của Thiếu Tá Ấn giao cho tôi. Cặp mắt tôi không rời anh xạ thủ này từ lúc bốn chiếc bắt đầu lăn bánh từ từ cất cánh, nếu anh ta bắt đầu nổ súng thì tôi phải thanh toán anh ta tại chỗ. Chiếc máy bay của tôi là chiếc cuối cùng rời phi đạo trong khi những chiếc đã cất cánh bay vòng phi trường chờ chiếc phi cơ tôi rời phi đao an toàn. Chúng tôi chỉ biết bay về hướng tây nam đến khi gặp biển thì tiếp tục bay dọc bờ biển Campuchia và tìm phi trường Utapao, Thailand.

Khi vừa ra khỏi không phận Campuchia, chúng tôi tất cả liệng bomb (trong cơ chế an toàn không nổ) xuống biển, để bay nhanh nhơn và ít tốn xăng. Trung tá Trát cho biết, nếu tìm được căn cứ Utapao rồi mà không thấy máy bay nào của Việt Nam hạ cánh tại đây trước thì chúng tôi tiếp tục bay qua Mã Lai để xin tỵ nạn. Trước khi rời Bình Thủy, chúng tôi cũng nghe qua là một lịnh của một giới chức cao cấp ở Saigon ra lệnh không cho phi công lấy máy bay qua Thailand; nếu bị bắt lại sẽ bị tội đào ngũ. Nguồn tin này có thể là của giới chức “thân Cộng” và có thể đã biết trước ngày 30 tháng Tư là sẽ giao Miền Nam cho Cộng Sản. Khi đó, tôi chỉ là một sĩ quan “cù lũ nhí” làm gì được biết chuyện vận mạng quốc gia nên cũng chẳng lo sợ điều gì.

Sau khoảng hai giờ bay, chúng tôi nhìn thấy một phi trường với hàng chục chiếc B-52, đây là căn cứ của Hoa Kỳ vì không có nước nào trên thế giới có B-52. Chúng tôi hạ thấp cao độ thì nhìn thấy hàng ngàn chiếc máy bay quân sự cũng như những máy bay của hãng Hàng Không Air Việt Nam nằm khắp nơi trên trong căn cứ này. Chúng tôi mừng quá vì biết rằng chúng tôi không phải là người đầu tiên đến đây và trên không phận thì hàng chục máy bay đủ loại đang chờ phi đao trống là đáp xuống, vì không có tầng số liên lạc với đài kiểm soát nơi đây để xin lệnh đáp.

Khi vừa đáp xuống, chúng tôi được một xe jeep hướng dẫn đến chỗ đậu. Khi vừa leo ra khỏi phòng lái thì mỗi chiếc khu trục được chào đón bởi một sĩ quan và một hạ sĩ quan. Những viên chức này chào đón chúng tôi bằng tiếng Mỹ: “Chào quý vị đến Utapao an toàn, đây là phi vụ cuối cùng và xin quý vị tháo bỏ tất cả vũ khí cá nhân để tại chỗ và chúng tôi sẽ hướng dẫn một vài thủ tục hành chánh nhỏ. Tâm trạng tôi hồi hộp, tại sao họ tước vũ khí cá nhân của tôi; tôi cứ nghĩ là chỉ bay qua Thailand tạm trú rồi sẽ ở đây chờ lệnh trở về Việt nam tiếp tục đánh giặc.

Trong lúc hoang mang đứng chờ xem những người quân nhân Mỹ đang làm gì kế tiếp, tôi thấy hai quân nhân Mỹ leo lên hai bên đuôi máy bay dùng bình sơn xịt bôi đi lá Cờ Vàng Ba sọc Đỏ trên đuôi máy bay, trong khi hai anh lính Mỹ khác leo vào phòng lái tháo ghế của phi công ra. Trong vài phút yên lặng trong tâm trạng ngỡ ngàng: “Chẳng lẽ đây là phi vụ cuối cùng của anh em chúng tôi hay sao? Vậy thì hoài bão sống trọn đời của tôi với binh nghiệp đã chấm dứt và mình đã mất Việt Nam rồi”. Tôi chạy ra bãi biển khoảng 100 mét nơi máy bay tôi đậu, tôi tháo lon trung úy liệng ra biển thật xa vì còn gì mà tiếc nuối. Tôi ngồi trên bãi cát nhìn những đợt sóng tiếp tục đánh vào bờ và trôi ngược ra.  Tôi chéo hai tay gác trên đầu gối và úp mặt vào lòng tay với những giọt nước mắt tự chảy ra. Những mơ ước trở thành tướng tá đã tan theo mây khói vì đây là phi vụ cuối cùng. Cứ mỗi năm đến ngày Quốc Hận, hình ảnh Phi Vụ Cuối Cùng lại trở lại trong tôi, một người Việt đã mất đi quê hương vào tay Cộng Sản trong ngày Tháng Tư Đen.

Trương Minh Ẩn

Trung Úy Phi Công Khu Trục PĐ 530


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Nghề bơm mực viết Bic ở Sài Gòn sau tháng tư, 1975

Phan Thanh Hung

VNTB – Trong đường hầm ký ức Đà Lạt

Do Van Tien

VNTB – 30-4-1975: Ngày Hồng Phúc cho dân Việt? *

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo