Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phó thủ tướng Vũ Đức Đam được phân công cụ thể công việc về ‘chỉ đạo’

Nguyễn Huỳnh

 

(VNTB) –  Ô ng Vũ Đức Đam giờ  chỉ có thể cho ý kiến trong giới hạn về nhiệm vụ được phân công liên quan đến tiểu ban y tế.

 

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam – phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, sẽ trực tiếp chỉ đạo hoạt động của tiểu ban y tế như nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế trong nước; bảo đảm tính liên tục của hoạt động giáo dục; ứng dụng công nghệ…

Như vậy, kể từ ngày 31-8, trong các cuộc họp liên quan đến công việc của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, ông Vũ Đức Đam chỉ có thể ý kiến trong giới hạn về nhiệm vụ được phân công liên quan đến tiểu ban y tế.

Lưu ý, đứng đầu tiểu ban y tế là ông Nguyễn Thanh Long – bộ trưởng Bộ Y tế, được Thủ tướng phân công nhiệm vụ làm trưởng tiểu ban, có bổn phận hướng dẫn, thực hiện các hoạt động giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị người nhiễm Covid-19, tiêm chủng… và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19…

So với những tiểu ban khác, cũng chức danh phó thủ tướng, thì Phó thủ tướng Lê Minh Khái – phó trưởng Ban Chỉ đạo, trưởng tiểu ban tài chính – trực tiếp chỉ đạo hoạt động của tiểu ban tài chính, hậu cần, xử lý các vấn đề liên quan đến ngân sách nhà nước, thuế, bảo hiểm, lãi suất, cơ chế mua sắm, hỗ trợ người dân…

Phó thủ tướng Lê Văn Thành – phó trưởng Ban Chỉ đạo, trưởng tiểu ban sản xuất và lưu thông hàng hóa – sẽ trực tiếp chỉ đạo các hoạt động sản xuất, kinh doanh; cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các địa phương, lưu thông hàng hóa thông suốt…

Nhìn tổng thể, vai trò của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ở hiện tại là khá nhẹ nhàng, không phải chịu bất kỳ một trách nhiệm cụ thể nào, và ý kiến của ông mặc dù được giới hạn trong phạm vi của tiểu ban y tế, song phần quyết định hoàn toàn thuộc về người đang giữ chức trưởng tiểu ban Nguyễn Thanh Long.

Quản trị nhân sự trong bộ máy phòng, chống dịch Covid-19 ở cấp quốc gia đã có sự thay đổi từ chiều ngày 30-8-2021, và điều này xem chừng vị trí của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tạm thời không nhận được sự tin cậy.

Đang có ít nhiều ngờ vực phải chăng sự lúng túng trong suốt thời gian vừa qua ở việc phòng, chống dịch Covid-19, có phần trách nhiệm cần phải truy cứu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, khi ông là trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19?

“Dù có nhiều ca nhiễm, dù con virus này ở đâu có đáng sợ, nhưng mà với Việt Nam ta, chắc chắn là nó không làm gì được”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định như vậy trong một ghi nhận phát trên kênh truyền hình quốc gia ngày 8-3-2020. Nội dung này cũng được trang Thông tin Chính phủ đăng tải công khai.

Đến đầu năm 2021, tại phiên họp trực tuyến thường kỳ của Chính phủ với các địa phương sáng ngày 2-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết tình hình dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát. Cũng tại phiên họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, cho biết công tác phòng, chống dịch quyết liệt nhưng đúng mức, để thực hiện mục tiêu kép. “Chúng ta đừng lo ca bệnh nhiều, cái lo là làm sao lần đúng dấu vết”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Đừng lo bệnh nhân Covid-19 nhiều” ở thời điểm tháng 2-2021 của trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, là một sai lầm nghiêm trọng, khi ông đã không đánh giá đúng về thực chất của y tế điều trị; hoặc có thể là khi ấy ông đã không lắng nghe những ý kiến chuyên môn sâu của ngành y tế, vì lúc đó ngay cả Bộ trưởng Y tế cũng chỉ là cấp thừa hành lệnh của ông Vũ Đức Đam.

Thực tế là ngay từ khi dịch Covid-19 lây lan nhanh từ các ổ dịch trong bệnh viện ở Đà Nẵng vào giữa năm 2020, các bác sĩ ở Sài Gòn đã đưa ra các khuyến cáo về khả năng của y tế điều trị, và y tế dịch tễ thực tế ở TP.HCM – nơi được đánh giá là tuyến cuối điều trị của cả miền Nam Việt Nam.

Theo đó về cơ bản, Mỹ và nhiều nước khác dùng chỉ số sử dụng giường ICU/giường hồi sức cấp cứu (ICU bed occupancy) như một “chỉ dấu tình trạng bệnh Covid-19”, và khả năng tiếp nhận bệnh để điều chỉnh chiến thuật đối phó như yếu tố quyết định phong toả ‘lockdown’, hay kêu gọi tăng viện…

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, rõ ràng Việt Nam nói chung có một khởi điểm quá yếu kém về năng lực hồi sức cấp cứu qua chỉ số giường ICU, cũng như nhân sự và trang bị. Với ước tính quá khiêm tốn được cảnh báo từ rất sớm đó, các bệnh viện ở TP.HCM đã không thể chống trả được sự tấn công của Delta và cái giá hiện tại cho thấy quá đau đớn…

Và một đáng tiếc khác là giả dụ như sau một năm 2020 đi qua, chí ít đến đầu năm 2021, người đứng đầu Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 là Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, phải nỗ lực tìm mua vắc xin bằng mọi phương cách, và ông phải ra ‘y lệnh’ vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất, ngay khi Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam đã đặt mua từ tháng 11-2020 đến 30 triệu liều vắc xin AstraZeneca.

Cái giá phải trả bằng sinh mạng hiện là quá đắt. Rất cần một tương xứng về sinh mệnh chính trị trong vấn đề này.


Tin bài liên quan:

VNTB – Đột quỵ tăng ở người trẻ có nguyên nhân từ chích vắc-xin phòng Covid?

Trương Thế Tử

VNTB – ‘Hà Nội đang nguy cơ cực kỳ cao, đến mức báo động đỏ’

Phan Thanh Hung

VNTB – Ai lây ai?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo