PV (VNTB) “Cảm xúc của tôi thật khó tả. Mỗi một tấc đất, mỗi một phần lãnh hải, lãnh thổ của cha ông để lại mà ta không bảo vệ được và còn đắng cay nhìn nó nằm trong tay ngoại bang thì mình đau lắm. Cho nên trong khả năng của tôi, tôi biết mình phải làm sao để gìn giữ và cố gắng giành lại những gì đã mất”, anh Đỗ Đức Hợp chia sẻ cảm xúc của anh nhân chuyến đi về Vũng Tàu để kỷ niệm 42 năm ngày Hải chiến Hoàng Sa.
Anh Đỗ Đức Hợp |
42 năm sau ngày Hải chiến Hoàng Sa (19/1/1974 – 19/1/2016), trong tâm khảm con dân đất Việt sẽ mãi mãi không quên hình ảnh 75 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) vì công cuộc bảo vệ biển đảo quê hương đã anh dũng hy sinh trong một trận hải chiến với quân đội Trung Quốc vào năm 1974 tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Sáng ngày 17/1/2016, một nhóm người hoạt động dân chủ đi từ Sài Gòn về tượng đài chiến sĩ ở Vũng Tàu để tổ chức đặt vòng hoa, thắp hương tưởng niệm và đồng thời qua đây tỏ lòng biết ơn đến những anh hùng, chiến sĩ đã chiến đấu hết mình, hy sinh anh dũng để bảo vệ phần lãnh hải, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Đi cùng với nhóm người có anh Đỗ Đức Hợp, Việt Nam Thời Báo (VNTB) đã có cuộc trao đổi ngắn với anh nhân kỷ niệm 42 năm ngày hải chiến Hoàng Sa.
PV: Thưa anh! Anh có thể cho VNTB biết tại sao anh và mọi người lại tổ chức tưởng niệm 42 năm ngày Hải chiến Hoàng Sa?
A.Đỗ Đức Hợp: Trước sự hung tàn của chế độ bành trướng Trung Quốc đã chiếm đất, chiếm biển đảo của Việt Nam ta, xây dựng những công trình trái phép trên các vùng biển đảo của ta mà chúng đã chiếm đóng bằng vũ lực. Đây là những vùng lãnh hải, lãnh thổ mà ông cha của chúng ta từ ngàn xưa đã phải đổ xương máu để lại nên thôi thúc tôi ngày nay phải tưởng nhớ đến những công lao này. Việc tưởng nhớ này không chỉ dành riêng cho các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974 không đâu mà sắp đến ngày 14/3 tới, tức là ngày kỷ niệm 64 chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam hy sinh tại đảo Gạc Ma (Trường Sa – Việt Nam) năm 1988, tôi cũng sẽ tưởng nhớ vì tất cả những sự hy sinh này đều là vì tổ quốc, là trách nhiệm của con cháu thế hệ sau ví dụ như chúng ta đây phải nối tiếp gìn giữ.
PV: Những việc làm này có ý nghĩa gì với anh và xã hội?
A.Đỗ Đức Hợp: Đối với tôi, tôi làm những việc này chủ yếu là vì tấm lòng của mình hướng về những người đã dùng xương máu của mình để hy sinh bảo vệ chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.Tiếp nữa, tôi muốn các thế hệ trẻ, thế hệ em cháu mình thấy được rằng: thế lực bành trướng Trung Quốc cả ngàn đời nay luôn là những người xấu, chúng luôn luôn muốn thôn tính Việt Nam ta vậy nên bản thân các em các cháu phải ghi nhớ mà ra sức gìn giữ và bảo vệ những gì cha ông ta đã để lại, chứ riêng bản thân tôi làm những việc này để cho bản thân được cái này cái nọ thì tôi không bao giờ làm.
PV: Tuy anh sinh trước năm 1975 nhưng tuổi của anh không thể là lính VNCH vậy anh biết thông tin về trận Hải chiến Hoàng Sa 1974 với 75 chiến sĩ VNCH hy sinh là từ đâu?
A.Đỗ Đức Hợp: Dưới mái trường giáo dục Xã Hội Chủ Nghĩa thực sự tôi không dễ biết được những thông tin này nếu không nhờ có Internet, không nhờ có các trang mạng đưa sự thật về những sự kiện như thế này hẳn tôi sẽ không biết đã có 75 chiến sĩ VNCH đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974. Thật sự là như thế.
PV: Đối với thể chế CNXH Việt Nam ngày nay, những gì liên quan đến VNCH thường bị quy kết “ nhạy cảm”, làm công việc vinh danh 75 chiến sĩ VNCH này anh không sợ điều gì xảy ra với mình?
A.Đỗ Đức Hợp: Nếu hỏi tôi có sợ hay không thì tôi trả lời là không sợ bởi vì tôi làm trước hết vì con tim, vì tấm lòng và vì tâm hồn của mình dành cho đất nước Việt Nam, dành cho ngư dân Việt Nam hiện đang bị phía bành trướng Trung Quốc đối xử thô bạo trên Biển Đông khiến tôi phải căm phẫn, tôi đồng hành với nỗi đau, mất mát của ngư dân Việt Nam nên tôi không còn sợ gì.
PV: Vì mất quần đảo Hoàng Sa mà mấy mươi năm qua, ngư dân Việt Nam luôn gặp hiểm nguy khi đánh bắt trên Biển Đông, nghĩ đến tình cảnh này thì cảm xúc của anh như thế nào?
A.Đỗ Đức Hợp: Cảm xúc của tôi thật khó tả. Mỗi một tấc đất, mỗi một phần lãnh hải, lãnh thổ của cha ông để lại mà ta không bảo vệ được và còn đắng cay nhìn nó nằm trong tay ngoại bang thì mình đau lắm. Cho nên trong khả năng của tôi, tôi biết mình phải làm sao để gìn giữ và cố gắng giành lại những gì đã mất.
PV: Trong những năm gần đây, hễ đến ngày 19/1 là rất nhiều cá nhân, đoàn thể trong nước tổ chức những hoạt động kỷ niệm nhưng lần nào cũng bị những kẻ “ lạ mặt” quậy phá, gây khó khăn hoặc quy chụp đủ điều anh nghĩ sao về hành động những kẻ “ lạ mặt” này?
A.Đỗ Đức Hợp: Những kẻ “lạ mặt” cố gắng làm những hành động như vậy là để khuất phục ý chí của người dân Việt Nam, đưa đất nước Việt Nam đi theo hướng ngoại bang ở đây là nhà cầm quyền Trung Quốc mong muốn. Nói về chính trị nó lớn lao quá tôi không biết nhưng với những việc làm này của những kẻ “ lạ mặt” tôi cho rằng họ đang tỏ mình thuần phục trước những tội ác của nhà cầm quyền Trung Quốc đối nhân dân và đất nước Việt Nam, hòng phục vụ cho lợi ích cá nhân của họ hơn là vì lợi ích chung của Tổ quốc và dân tộc.
PV: Anh đã từng gặp những khó khăn, sách nhiễu gì qua những việc làm của mình cụ thể ở đây là những hoạt động tưởng nhớ những người đã hy sinh vì biển đảo quê hương?
A.Đỗ Đức Hợp: Hôm 17/1/2016, tôi cùng số anh em khác có chuyến đi về Vũng Tàu để làm công việc tưởng niệm 75 chiến sĩ VNCH đã bỏ mình trong cuộc hải chiến Hoàng Sa 1974, chúng tôi bị một số người quấy phá, ngăn cản cảm xúc của chúng tôi lúc ấy buồn lắm. Còn hiện tại ở Sài Gòn thì theo tôi biết có số anh em bị ngăn chặn, theo dõi sát sao và riêng bản thân tôi thì đến bây giờ chưa thấy ngăn cản nhưng nếu bị ngăn cản thì tôi vẫn sẽ làm những việc tôi cần làm bởi đó là những việc làm cho Tổ quốc nên lương tâm đã thôi thúc tôi.
PV: Với tình hình hiện tại hoặc trong một tương lai gần, anh có cho rằng chính quyền Việt Nam sẽ lấy lại được quẩn đảo Hoàng Sa từ sự chiếm giữ phi pháp của Trung Quốc hay không?
A.Đỗ Đức Hợp: Thể chế nào cũng làm những công việc bảo vệ cho thể chế đó. Đối với thể chế Việt Nam hiện tại, sau mấy mươi năm bằng phương pháp đấu tranh ngoại giao, nói phản đối như thể lấy lệ để lấy lại quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa đang bị phía Trung Quốc cưỡng chiếm phi pháp thì tôi nghĩ là không bao giờ.
PV: Anh có nghĩ là chiến tranh sẽ nổ ra trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc hay không?
A.Đỗ Đức Hợp: Thực sự để nổ ra một cuộc chiến tranh ở Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc tôi nghĩ là không. Vì sao? Thể chế (Việt Na ) hiện tại không đủ tài lực kinh tế đủ cho việc xoay chuyển cục diện như họ mong muốn. Trong khi đó, thế giới ngày nay không ai muốn giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực chiến tranh. Nhưng nếu tình thế ở Việt Nam buộc phải xảy ra một cuộc chiến tranh do Trung Quốc gây ra thì tôi nghĩ chỉ có nhân dân Việt Nam với truyền thống chống giặc ngoại xâm từ ngàn xưa hẳn sẽ sẵn sàng đương đầu với phía Trung Quốc. Còn với thể chế hiện nay vì lợi ích tồn tại của họ theo tôi họ sẽ làm những công việc “mềm dẻo” hơn nữa chứ không chấp nhận cuộc chiến tranh với Trung Quốc.
PV: Bảo vệ biển đảo Việt Nam là trách nhiệm của con dân Việt Nam, với bản thân anh ngoài những hoạt động kỷ niệm trên thì sắp tới anh sẽ làm thêm điều gì?
A.Đỗ Đức Hợp: Tôi không nói sắp tới nhưng từ trong tư tưởng, tiềm thức của tôi, tôi chống Trung Quốc ở các hình thức ví dụ như tẩy chay hàng hóa, thực phẩm độc hại từ Trung Quốc chẳng hạn. Tôi hy vọng bạn bè hoặc mọi người hãy đồng hành cùng tôi không tiếp tay và ngăn chặn những hàng hóa, thực phẩm độc hại này từ Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam bằng bất cứ hình thức nào để người Việt Nam được dùng những sẩm phẩm có chất lượng hơn theo quy chuẩn tốt nhất.
VNTB cám ơn những lời chia sẻ của anh Đỗ Đức Hợp./.