Việt Nam Thời Báo

VNTB – Quan luôn đúng, dân luôn sai: Miếng ăn là miếng nhục!(*)

VNTB – Trở thành cán bộ hay làm quan tại Việt Nam, cũng là cách khiến cho con người xơ cứng về mặt quan điểm đúng sai. Nó không nằm ở việc đạo đức con người cho phép làm vậy, mà do chính thể chế dung túng điều đó. Không khó hiểu khi trong vòng vài năm trở lại đây, những câu nói bất hủ từ quan liên tục được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Mặc nhiên, nó chứa đựng được hai hàm ý bất di bất dịch “quan đúng – dân sai”… Từ chuyện con gà, con vịt, con dê chạy nhầm vào nhà quan, đến tảng đá của dân tại vùng cao nguyên cũng bị quan trên đó ràng buộc lại làm của tư, từ chuyện cho thuê đất rừng nhiều năm liền ở các tỉnh vùng giáp biên, cho đến việc cấp phép đầu tư, khai thác khoáng sản với những nguy hại về bùn đỏ tại Tây Nguyên – tất cả là để “ăn cho bằng được”.

Quan nhỏ đem cái hại nhỏ cho một vài người, nhưng chức vụ càng lớn, thì cái nguy hại của việc mặc định “quan đúng” lại gia tăng cấp số nhân, đỉnh điểm là bán đứng cả quyền lợi dân tộc.

Thực tế đó cho thấy, thói hư tật xấu về mặc định ý niệm “đúng – sai” đối với một vấn đề của xã hội, chính trị, hay kinh tế nhằm định hướng theo lợi ích cá nhân, nhóm không còn nằm ở một số cán bộ dị biệt (biến thái theo nghĩa của ông PGS.TS Võ Kim Sơn hiểu) nữa, mà nó trở thành một dịch bệnh bao trùm toàn bộ thể chế xã hội, chính trị Việt Nam.

Thế nên mới có chuyện, ông Hiệu trưởng trường ĐH Lâm Nghiệp ban hành một quyết định vi phạm quyền tự do ngôn luận, Bộ Giáo dục trong nhiều năm liền – năm nào cũng ban hành một văn bản không phù hợp thực tế; cao hơn nữa là bộ máy nhà nước bao năm vẫn đang cố gắng mới mẻ hóa câu từ cho quan điểm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” dù thực tiễn phát triển xã hội cho thấy điều đó là sai, và người dân nhận thức rằng, con đường kinh tế – chính trị hoàn toàn không hợp thời.

Ngay như Hiến pháp 2013 khi ra đời cũng vấp phải ý kiến phản đối của người dân, nhưng cuối cùng thông qua miệng quan nó cũng trở thành “Hiến pháp được nhân dân cả nước đồng thuận cao”. Và giờ đây, câu chuyện Điều 60 không hợp tình, hợp lý đối với người lao động, đối với công nhân, nhưng qua miệng quan nó lại trở thành tính “ưu việt của quỹ BHXH”….

Quan luôn đúng, dân luôn sai, suy cho cùng cũng chỉ vì miếng ăn. Miếng ăn nhỏ là hối lộ, tham nhũng, kiếm chác cá nhân. Miếng ăn lớn là bán rẻ lợi ích quốc gia, lợi quyền dân tộc.

Nhưng các quan vẫn cứ ăn, vì quan luôn cho mình đúng, và hầu như các quan khi bước vào quan trường đều mặc định điều đó. Số lượng quan nhận ra mình sai, nhận ra miếng ăn là miếng nhục chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì như đã nói trên, do chính thể dung túng, nên trong mọi thời điểm, luôn tạo điều kiện cho cái quan điểm “quan đúng” đó tiếp tục nảy nở qua “kiểm điểm, khiển trách, thuyên chuyển, phê bình”. Hình thành khái niệm “lỗi thuộc về toàn dân” như một cách để quy đá trách nhiệm.

Thế nên, đất nước giờ đây đầy rẫy loại quan kiểu ‘quan xã’ Thới Xuân (huyện Cờ Đỏ), nơi cố ý làm trái rút tiền Ngân sách Nhà nước (lập hồ sơ khống, lấy tiền đi du lịch) khi bị truy cứu trách nhiệm thì ông Đinh Công Út – Phó trưởng ban Nội chính Tp.Cần Thơ trả lời hồn nhiên: To tát gì, có mấy chục triệu!”


PGS.TS. Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia, là người có nhiều kinh nghiệm tiếp xúc và giảng dạy cho các quan chức ở Việt Nam. Ông kể, trong các cơ quan, người ta vẫn hay đùa nhau: “Điều 1: Sếp luôn luôn đúng. Điều 2: Nếu có gì sai xem lại điều 1”. Nói xong ông nghiêm giọng: “Tư duy ấy đáng tiếc là lại có thật”.

Mỗi câu chuyện có nội dung khác nhau, phản ánh vấn đề khác nhau nhưng đều có chung bài học về cách ứng xử với người dân của những người có trách nhiệm. Văn hóa ứng xử của các quan chức có thể bộc lộ khi gặp một sự cố bất thường nào đó xảy ra trong lĩnh vực hay ở địa phương mà họ phụ trách. Nhưng, cũng có những cách ứng xử mà TS Võ Kim Sơn bất bình gọi là “vô văn hóa”.

Ông không quên những câu chuyện được báo chí viện dẫn về việc một cơ quan nhà nước gửi thiệp chúc mừng cho doanh nghiệp, nhưng đề nghị doanh nghiệp mừng tuổi cho 35 quan chức trong danh sách kèm theo. Hay những cán bộ nhà nước ăn nhậu rồi gọi doanh nghiệp đến trả tiền, thậm chí không thanh toán tiền để xảy ra tranh cãi với chủ nhà hàng.

TBKTSG: Thưa ông, tại sao càng ngày những “thói hư tật xấu” của quan chức lại càng bộc lộ một cách trắng trợn như vậy. Người ta nói “miếng ăn là miếng nhục”. Vậy mà có những quan chức thản nhiên gọi người khác ra trả tiền ăn nhậu cho mình?

– PGS.TS. VÕ KIM SƠN: Đúng là ngày càng có nhiều quan chức biến thái. Hành vi của họ như ví dụ ở trên, không chỉ vi phạm đạo đức công chức mà là vi phạm pháp luật, là tham nhũng, không thể chấp nhận.

Nhiều công chức đã không hề có ý thức tuân thủ pháp luật. Họ không có “vết hằn pháp luật” ở trong não bộ. Nếu một người luôn có ý thức về pháp luật ở trong đầu, mỗi khi có hành động gì người ta đều cân nhắc xem hành vi đó có phù hợp không, có vi phạm pháp luật không.

Đã là con người thì ai cũng có những ham thích về vật chất. Nhưng những người có đạo đức, có tư duy tuân thủ pháp luật từ đầu, sẽ không thể bị vật chất làm mờ mắt, bởi cứ đến vết hằn ấy là đầu họ sẽ nghĩ nên làm thế nào.

TBKTSG: Nhưng thưa ông, nhiều quan chức đều được đào tạo qua các lớp học khác nhau. Nhiều lớp được Nhà nước chi trả tiền. Bản thân ông cũng đã dạy nhiều quan chức. Việc đào tạo như vậy không có kết quả?

– Đối với những quan chức như trên, người xưa có nói “nước đổ đầu vịt”.

Việc đi học là một chuyện, áp dụng như thế nào lại là chuyện khác. Nếu đã không có ý thức thì học cũng không đạt kết quả.

TBKTSG: Với kinh nghiệm của ông ở Học viện Hành chính, nhà trường ngoài những môn học chính có đào tạo cho quan chức các kỹ năng khác hay không?

– Có chứ. Khi bồi dưỡng những người đi làm cho Nhà nước, nhà trường dạy không chỉ kiến thức chuyên môn nghiệp vụ mà cả những kỹ năng khác như giao tiếp, văn hóa công sở, đạo đức công vụ… những yếu tố cơ bản mà một quan chức cần phải biết.

Nhưng đó cũng chỉ là môn học trong nhà trường, được người thầy truyền đạt lại. Còn người học có tiếp thu được hay không, áp dụng vào thực tế thế nào thì không dễ dàng, tùy thuộc từng con người cụ thể.

Tôi có kinh nghiệm rất thú vị. Khi dạy cho những người đã đi làm, đặc biệt là quan chức, họ không bao giờ phát biểu ý kiến, tranh luận đúng sai. Người có chức danh càng cao lại càng ít tham gia thảo luận. Họ ngại chia sẻ, bày tỏ suy nghĩ và quan điểm của mình.

TBKTSG: Thưa ông qua nhiều vụ việc cụ thể gần đây, có thể thấy các quan chức, những người có trách nhiệm thường cứ nói vòng vo, không nhận trách nhiệm. Thậm chí có người còn cư xử rất thô lỗ, coi thường người dân. Vì sao lại như thế?

– Đó là phản ứng tức thời của những người làm chính sách thiếu trí tuệ, kiến thức và thiếu chuyên nghiệp nữa.

Người được trao trọng trách, chức vụ trong cơ quan nhà nước cần phải hiểu, trong bối cảnh ấy, mọi hành vi bằng lời nói của họ là đại diện cho cơ quan, tổ chức, chứ không phải tư cách cá nhân. Vì vậy, họ phải thận trọng khi phát ngôn.

Nhưng đối với cá nhân thì phải có nhìn nhận đúng về sự việc thì mới có thể tư duy và phát biểu ra những ý kiến khách quan. Tiếp đó, phải có kiến thức, am hiểu lĩnh vực mà mình phát biểu. Nếu một người năng lực yếu, không hiểu rõ vấn đề, lại phát biểu cảm tính thì chỉ làm người nghe thêm bức xúc.

TBKTSG: Nhưng quan chức không thể muốn nói gì thì nói, họ không nhận ra điều đó hay sao?

– Trước một vụ việc, một quyết định, một chính sách, các quan chức thường cho là mình đúng. Khi gặp phản ứng, họ tiếp tục giải thích, lý giải bằng cách này cách khác để minh chứng cho việc mình làm là luôn luôn đúng chứ không sai, bất chấp thực tế thế nào. Để bao biện và che giấu, thậm chí họ sẵn sàng đổ lỗi cho cấp dưới, cho tập thể. Ít người dám công khai thừa nhận cái sai của mình. Theo tôi, đó là hành vi nguy hại nhất trong hoạt động quản lý.

TBKTSG: Đó là tư duy “sếp luôn luôn đúng?”

– Đáng buồn, đó là một thực tế có thật. Không phải tự nhiên mà ở các cơ quan, người ta lại hay nói ra điều đó. Ở Việt Nam, cấp dưới thường có thái độ e dè với cấp trên, nhiều khi thấy lãnh đạo làm sai cũng không dám nói, vì sợ sẽ bị ảnh hưởng tới bản thân.

Những người gọi là sếp, được đặt vào những vị trí quản lý nhất định thì mặc nhiên ít khi dám tự thừa nhận mình sai, mỗi khi ra quyết định gì dù nhỏ nhất. Có thể họ thực sự nghĩ mình làm đúng vì không ai nói cho họ biết đó là sai. Cũng có thể họ biết sai nhưng không dám nói ra. Đó là thực tế.

TBKTSG: Cũng có lúc con người không tránh khỏi sai lầm, tại sao họ không nghĩ như vậy?

– Mỗi khi ban hành một quyết định hay chính sách gì, phải nhớ hai yếu tố. Thứ nhất là pháp luật cho phép làm, vậy thì cứ làm. Thứ hai là phải điều tra tính hợp lý của chính sách, quyết định đó trong bối cảnh kinh tế, chính trị, văn hóa… trước khi ban hành.

Một quyết định sai là quyết định chưa thực hiện đúng các yếu tố trên. Nếu người lãnh đạo nhận sai, họ nghĩ sẽ bị một “vết nhơ”. Vì vậy, họ cứ tìm cách né tránh và đổ lỗi.

Xã hội rất vị tha, nếu ai có khuyết điểm mà khắc phục được, người ta sẽ cảm nhận khác. Nhưng có thể, người lãnh đạo sợ khi nhận trách nhiệm sẽ ảnh hưởng đến chiếc ghế của mình chăng?

TBKTSG: Nhiều quan chức họ nói một đằng, nhưng làm một nẻo. Một mặt lên án tham nhũng, nhưng đằng sau lại tham nhũng tràn lan. Vì sao lại như vậy?

– Những người đó thiếu tự trọng.Nếu có tự trọng thì không sợ làm sai, dám làm dám chịu, không đổ lỗi. Ở Việt Nam đang thiếu văn hóa chịu trách nhiệm và văn hóa xấu hổ.

Đó là chưa kể đến những thói hư tật xấu như đã nhắc ở trên. Một vị quan chức ăn nhậu xong gọi người dân đến thanh toán tiền. Điều đó không còn là sự xấu hổ nữa mà là sự băng hoại đạo đức.

TBKTSG: Theo ông làm thế nào để khắc phục tất cả những hạn chế đã nói ở trên?

– Muốn vậy thì những hành vi sai trái cần bị xử lý thật nghiêm, những người không dám nhận trách nhiệm, không có văn hóa xấu hổ càng phải làm cho bị xấu hổ.

Thực tế cho thấy, nhiều quan chức làm sai, nhưng không được xử lý. Có lúc họ được chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, với chức danh giữ nguyên, thậm chí được thăng chức. Cách xử lý như vậy không mang lại hiệu quả, không có tính răn đe, thiếu thuyết phục.

Thứ hai cũng phải cải cách hệ thống tiền lương cho công chức, để họ yên tâm công tác. Đừng để người ta nói công chức không thể sống được bằng lương. Vậy họ sống bằng gì?

Theo Minh Đức/ TBKTSG

(*) Tiêu đề do VNTB đặt lại
(*) Tiêu đề gốc: PGS.TS. Võ Kim Sơn: Quan chức lúc nào cũng nghĩ mình đúng

Tin bài liên quan:

Bí thư Thành ủy Hà Nội bao biện và… lạm quyền?

Phan Thanh Hung

“Quan chức, công chức ngoại tỉnh mua nhà ở Hà Nội rất nhiều”

Phan Thanh Hung

VNTB – Cần có chế tài trong quyền lực chính trị

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.