VNTB – Quản lý mạng xã hội: vì sao chỉ quan tâm đến chuyện chống Đảng?

VNTB – Quản lý mạng xã hội: vì sao chỉ quan tâm đến chuyện chống Đảng?

Đông Đô

 

(VNTB) – Theo yêu cầu của Việt Nam, TikTok đã chặn, gỡ bỏ 397 ‘link’ được cho là “vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, tiêu cực”, trong đó có 139 tài khoản thường xuyên đăng nội dung “chống phá Đảng, Nhà nước”.

 

Chống Đảng để được gì?

Đó là một trong những nội dung mà Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng ký báo cáo của Chính phủ, về kết quả thực hiện nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và nghị quyết chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, về lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Về quản lý các nền tảng xuyên biên giới, mạng xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng chỉ các tài khoản đã được xác thực (xác thực tài khoản với tên thật, số điện thoại) mới được viết bài, bình luận, sử dụng tính năng livestream.

Ngoài ra, chủ mạng xã hội chịu trách nhiệm việc xác thực người dùng, quản lý nội dung livestream, có trách nhiệm gỡ bỏ nội dung vi phạm trong vòng 24 giờ khi có yêu cầu của cơ quan chức năng… Bộ cũng thường xuyên rà quét, phát hiện và xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục ngàn thông tin vi phạm pháp luật.

Chủ yếu là các vi phạm về tin giả, thông tin xấu độc tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, nói xấu, bôi nhọ uy tín, danh dự, nhân phẩm các tổ chức, cá nhân, quảng cáo vi phạm pháp luật…

Vẫn theo báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, công việc thường xuyên là đấu tranh, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới, điển hình là Facebook, Google, TikTok, Apple, Netflix… phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung xấu độc, tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo sai, phản cảm.

Bộ trưởng cũng nhắc lại việc đã tiến hành kiểm tra đối với TikTok. Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google, YouTube, TikTok… ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục ngàn nội dung vi phạm, gỡ bỏ các hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em.

Các nền tảng đã gỡ bỏ 11 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức, ngăn chặn các kênh YouTube phản động không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam… Riêng từ tháng 1 đến tháng 6, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 2.265 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức. Gỡ bỏ 3 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức và khóa 8 tài khoản thường xuyên đăng tải tin giả, thông tin xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước; gỡ 30 page quảng cáo, mua bán hóa đơn.

Google đã gỡ 4.910 video vi phạm trên YouTube; chặn 2 kênh YouTube phản động khỏi truy cập từ lãnh thổ Việt Nam (Kênh nóng TV và Chính sự TV).

TikTok chặn, gỡ bỏ 397 ‘link’ vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực, trong đó có 139 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.

Bức tranh toàn cảnh trong báo cáo trên chỉ nói về chuyện Bộ Thông tin và Truyền thông dường như chỉ quan tâm đến các nội dung mà bộ này cho là “chống Đảng”, còn việc người dân đã bị những nền tảng mạng xã hội này lừa đảo, xúc phạm ra sao thì gần như không thấy đề cập để có hướng giải quyết.

Quyền lợi của dân có được quan tâm?

Theo đó, gần đây lại rộ lên tình trạng một số đối tượng xưng danh nhân viên của sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki… tặng quà miễn phí. Nhiều người cảnh giác, từ chối lập tức bị chửi bới, xúc phạm…

Theo phản ánh, ngày 9-9, một người dân ở phường Thanh Xuân, Hà Nội nhận được cuộc gọi từ số lạ xưng là đại diện sàn thương mại điện tử Tiki muốn tặng quà tri ân khách hàng. Bà đồng ý chọn một trong 30 phần quà thì được số điện thoại này kết nối và hướng dẫn qua ứng dụng nhắn tin và gọi điện qua Zalo (để gửi thông tin, hình ảnh quà tặng). Bà làm theo hướng dẫn, cung cấp số điện thoại, địa chỉ nhận quà, số tài khoản ngân hàng và một số thông tin cá nhân khác và hình ảnh phần quà lựa chọn.

Sau đó, bà được hướng dẫn cài đặt ứng dụng nhắn tin và gọi điện qua internet Telegram, để kết nối với một đối tượng khác cho tiện trao đổi và nhận quà.

Sau khi được đối tượng đưa vào nhóm nhận quà, bà được yêu cầu tham gia một số minigame miễn phí để nhận phần quà ban đầu. Các minigame này liên tục xuất hiện trên nhóm để mọi người tham gia và phần thưởng tăng dần từ ấm đun nước điện, bếp từ đến xe máy SH… Và dĩ nhiên, để tham gia các minigame này người chơi sẽ phải nộp một số tiền nhất định qua chuyển khoản và bấm vào các đường ‘link’ được gửi kèm.

Nhận thấy sự bất thường, bà đã thoát khỏi nhóm. Những ngày sau, chị tiếp tục nhận được rất nhiều cuộc gọi khác đề nghị tặng quà miễn phí, song bà không tham gia…

Một người dân khác cũng ở Hà Nội phản ánh, hôm 28-9 rồi, bà có nhận được cuộc gọi từ số 0911088542 tự xưng là người của sàn thương mại điện tử Shopee ngỏ ý muốn tặng 1 trong 30 phần quà tặng cho khách hàng. Do đã được cảnh báo trước, bà từ chối nhưng lập tức bị phía đầu dây bên kia chửi bới thô tục và… dập máy.

Đến nay chưa rõ hướng xử lý từ Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ như thế nào để người dân an tâm khi giao dịch thương mại điện tử. Đừng nghĩ ‘chống Đảng’ quan trọng hơn quyền lợi của dân.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 9 months

    Trí thức nhà mềnh & tất cả những ai có lương tri đều quan niệm Cứu Đảng là cứu nước . Bảo vệ Đảng cũng quan trọng như bảo vệ đất nước