Huyền Linh
(VNTB) – Quảng Ninh dẫn đầu chỉ số Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022 (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX)
Đầu quý 2-2023, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức Phiên họp thứ tư theo hình thức trực tuyến toàn quốc về cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số và công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022 (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo báo cáo Bộ Nội vụ, công tác cải cách hành chính đã đạt được những kết quả tích cực, tiếp tục đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đặc biệt là từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân theo chủ trương, đường lối của Đảng.
Năm 2022 là năm thứ 11 liên tiếp Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai xác định, công bố Chỉ số PAR INDEX của các bộ, các tỉnh, thành phố; là năm thứ 6 triển khai đo lường sự hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính SIPAS tại tất cả 63 tỉnh, thành phố.
Tại phiên họp nêu trên, Bộ Nội vụ đã công bố chỉ số SIPAS năm 2022. Kết quả tỉnh Quảng Ninh xếp thứ nhất với mức độ hài lòng đối với sự phục vụ cơ quan hành chính nhà nước là 87,59%, đây là lần thứ 4 liên tiếp tỉnh Quảng Ninh đứng thứ nhất chỉ số SIPAS. Đứng ở các vị trí tiếp theo là Thái Nguyên, Cà Mau, Bình Dương, Thanh Hóa. Đứng tốp cuối bảng chỉ số SIPAS là các tỉnh: Bình Thuận, Cao Bằng, Quảng Nam, Bắc Kạn, Lạng Sơn.
Đối với Chỉ số PAR INDEX năm 2022, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục ở ngôi vị dẫn đầu đối với cấp tỉnh với 90,1 điểm. Tiếp đó là Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang, Đà Nẵng. 5 tỉnh đứng cuối bảng là Phú Yên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bình Thuận, Bắc Ninh.
Phía chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định việc thực hiện các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững của Quảng Ninh. Các chỉ số đã trở thành thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh về “Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công”.
Hiện nay, toàn tỉnh đã cung cấp 1.240/1.591 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia (đạt 78% cao nhất toàn quốc), trong đó 77% là dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 70% hồ sơ thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến 5 bước trên môi trường điện tử; số hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 99,8%; thực hiện số hóa 100% thủ tục hành chính trong giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện…
Với thành tích trên, lẽ ra sẽ không thể có chuyện lùm xùm như vụ dự án lấn biển ở vịnh Hạ Long gần đây để rồi từ đó… ‘lòi’ ra việc đã không ít lần đại diện UNESCO tại Việt Nam đưa ra cảnh báo về những tác động môi trường, cảnh quan do ảnh hưởng của việc lấn biển tới vịnh Hạ Long. Đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng từng khuyến nghị để giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản vịnh Hạ Long.
Cách Tuần Châu không xa là dự án khu đô thị Hùng Thắng thuộc phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long có quy mô 248ha, được chia làm ba bán đảo. Từ năm 2013 đến nay, chủ đầu tư dự án đã xây dựng, đưa vào hoạt động một số dự án thành phần như chung cư, khu nhà phố liền kề San Hô, khu tổ hợp thương mại và giải trí Hạ Long Marina Plaza…
Những dự án thành phần này đều được hình thành sau khi lấn vịnh Hạ Long. Trong số đó phải kể tới dự án Horizon Bay Hạ Long quy mô trên 10ha với hàng trăm biệt thự liền kề cao sáu tầng, biệt thự song lập cao ba tầng được quảng cáo là sở hữu tầm nhìn ôm trọn vịnh di sản.
Tính đến năm 2021, Quảng Ninh là một trong những địa phương có nhiều dự án lấn biển nhất với hơn 40 dự án và quy mô diện tích lên tới hàng ngàn ha. Các dự án cùng với khu dân cư hiện hữu trước đó góp phần định hình không gian đô thị của Quảng Ninh; và qua đó góp phần giúp Quảng Ninh thứ hạng cao trong các chỉ số SIPAS, PAR INDEX.
Có lẽ đã đến lúc nhà nước Việt Nam nên đề xuất rút lui vịnh Hạ Long khỏi danh sách Di sản thiên nhiên thế giới mà UNESCO đã công nhận ở hai hạng mục: giá trị thẩm mỹ (tiêu chuẩn VII), và giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất-địa mạo (tiêu chuẩn VIII).