VNTB – Quyền được viết báo

VNTB – Quyền được viết báo

Mỹ Thuận

(VNTB) – Hiến pháp ở điều 25 có nói người dân được quyền tự do báo chí. Luật Báo chí dành điều 10 và điều 11 nói về ‘quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân’.

Tuy nhiên trong nội dung ở một bài báo đăng trên trang Việt Nam Thời Báo, lại cho thấy dường như ‘quyền được viết báo’ tùy vào địa phương mà có những ‘cởi mở’ khác nhau – https://vietnamthoibao.org/vntb-lam-viec-voi-an-ninh/

Luật Báo chí, điều 11 “Quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân”, cho biết có 3 nội dung mà người dân được quyền lên tiếng bằng việc viết báo và chọn gửi cộng tác ở tờ báo nào đó:

1. Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới;

2. Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;

3. Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác”.

Như vậy, đơn cử như việc người dân gửi bài cộng tác đến trang Việt Nam Thời Báo, hay VOA, BBC,… thì tuy những tòa soạn này không chịu sự điều chỉnh của Luật Báo chí Việt Nam, song công dân Việt Nam khi thực hiện “Quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân”, về nguyên tắc là được bảo hộ theo Hiến định.

Một lưu ý, bài viết trên mạng xã hội được bảo hộ quyền tác giả, nên các bài viết của người dân gửi cộng tác đến tòa soạn, hay bộ phận quản trị của những cơ quan truyền thông này, nếu ở tại Việt Nam thì được bảo hộ theo điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ.

Dĩ nhiên khi đã chọn việc viết báo như một nghề mưu sinh, thì tuy người dân đó không chính thức làm việc theo hợp đồng lao động với một tòa soạn nào, song tác giả của những bài viết ấy sẽ chịu trách nhiệm về việc có hay không chuyện lạm dụng quyền tự do đó theo luật định, ghi ở điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền (tham khảo: http://www.hrcr.org/docs/frenchdec.html).

Với riêng Việt Nam, thì Luật An ninh mạng 2018 sẽ trực tiếp ‘giám sát’ các bài báo thực hiện bởi hiến định về “quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân”. Và nếu hiểu theo đúng các quy định liên quan như vậy về ‘quyền viết báo’, có lẽ người Việt được tự do cộng tác với bất kỳ cơ quan truyền thông nào trên thế giới, mà chính phủ Việt Nam không có các thông báo cấm đoán, rằng đó là ‘những báo, đài thù địch’.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)