Việt Nam Thời Báo

VNTB – Rối rắm đi lại ở bến xe Miền Đông TP.HCM

Phú Nhuận

 

(VNTB) – Trong cơn cuồng phong quy hoạch, TP.HCM đầu tư 4.000 tỷ đồng để xây siêu Bến xe Miền Đông mới, lớn nhất nước, diện tích 16 ha, thừa sức chuyên chở 7 triệu lượt hành khách/năm.

 

Giống như quy hoạch chợ, chính quyền quy hoạch bến xe không tính 3 yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa, mà chỉ dựa vào trí tưởng tượng lãng mạn của mình. Vì vậy chợ mới xây xong, tiểu thương không bán trong nhà lồng, mà ra vỉa hè quanh chợ để bán. Bến xe mới xây xong, xe không vào bến, mà tìm bến cóc, bến dù đậu tạm.

Tình trạng bến cóc, bến dù xảy ra tại các bến xe trong các quận ven đã khó xử. Đàng này, Bến xe miền Đông mới dời một phát ra ngoại thành, cách bến cũ 15 cây số, khánh thành đã hai năm mới dời được hơn 100 tuyến từ bến cũ ra bến mới, nhưng mỗi ngày giảm gần 300 chuyến so với thời gian các tuyến này còn chạy ở địa điểm cũ.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho hay, có một nửa số chuyến chuyển sang bến dù, bến cốc, một nửa chuyển sang các bến khác, hoặc đổi từ chạy cố định sang hợp đồng để vào nội đô đón trả khách.

Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc sở này cho biết việc di dời các tuyến xe từ Bến xe Miền Đông cũ sang Bến xe Miền Đông mới được thực hiện từ ngày 1-10-2022, và mỗi ngày, tại bến xe mới giảm gần 300 chuyến xe so với giai đoạn hoạt động tại bến cũ. Số liệu ghi nhận hôm 27-10 cho thấy bến xe mới giảm 286 chuyến.

“Sắp tới, chúng tôi cũng xây dựng kế hoạch làm mạnh hơn nữa, quyết tâm từ đây tới cuối năm, tình trạng xe dù bến cóc nở rộ sau khi từ bến cũ ra bến mới phải được chấn chỉnh và khắc phục. Ngoài ra, không ngoại trừ việc di dời bến xe ra vị trí xa trung tâm nên người dân, hành khách chọn chuyển đổi phương tiện sang đường sắt, hàng không… Hoặc nhà xe chuyển đổi phương án kinh doanh”, ông Võ Khánh Hưng nói.

Theo lãnh đạo nói trên thì hiện các đơn vị đã tổ chức các tuyến xe trung chuyển 16 chỗ đón khách từ bến mới sang bến cũ và thu nhận hành khách rải rác trong TP.HCM. Và điều này đưa đến việc chi phí đi lại tăng, dễ gây ùn tắt giao thông, tai nạn, đặc biệt là tiêu tốn nhiều thời gian hơn đối với hành khách lẫn nhà xe.

Đơn cử, một xe khách giường nằm có sức chứa 40 chỗ, để trung chuyển hành khách từ khu vực trung tâm thành phố đến Bến xe Miền Đông mới sẽ phải sử dụng ít nhất 3 xe ô-tô loại 16 chỗ ngồi. Chi phí hoạt động của doanh nghiệp vận tải sẽ tăng rất cao, đồng thời tạo áp lực cho giao thông thành phố.

Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải có quy mô nhỏ, các hợp tác xã không đủ chi phí để đầu tư xe trung chuyển, nên có khả năng sẽ bố trí phương tiện vào trực tiếp các khu vực trung tâm thành phố để tổ chức đón trả khách, tạo thành những điểm “xe dù, bến cóc”, ảnh hưởng an ninh trật tự, không đảm bảo an toàn giao thông và kẹt xe là điều đương nhiên.

Một giải pháp đang được nhà chức trách đưa ra sau đây cho thấy đầy rối rắm đối với những hành khách không rành rẽ công nghệ trên điện thoại di động. Theo đó, Bến xe Miền Đông mới sẽ thực hiện ký kết hợp đồng nguyên tắc với các đơn vị vận tải có nhu cầu tiếp chuyển hành khách và đơn vị trung gian thực hiện tiếp chuyển để đảm bảo quyền lợi, vai trò và trách nhiệm của các bên.

Đồng thời, Sở Giao thông vận tải TP.HCM bố trí vị trí lưu đậu, chờ đón khách cho các phương tiện tiếp chuyển và khu vực chờ (ghế ngồi, nước uống miễn phí, nhà vệ sinh miễn phí…) cho hành khách chờ phương tiện khi đến bến xe.

Phương tiện sử dụng thí điểm theo phương án trên là loại xe 16 chỗ, hoạt động dưới hình thức vận chuyển hành khách theo hợp đồng. Hệ thống quản lý điều hành, ứng dụng cho tài xế đón trả khách, ứng dụng cho hành khách đặt dịch vụ, tích hợp công nghệ bản đồ và nền tảng thông minh để vận hành nâng cao hiệu quả hoạt động.

Hệ thống phần mềm sẽ thông báo mức phí tiếp chuyển dựa trên số lượng hành khách và khoảng cách tiếp chuyển cho các đơn vị vận tải. Quá trình thu phí, đối soát hoàn toàn tự động và có báo cáo chi tiết theo từng chuyến xe, ngày, tháng đã thực hiện…

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, đánh giá việc các nhà xe bỏ bến là chỉ dấu cho thấy rằng bến xe mới không phù hợp về địa điểm và chưa thuận lợi về tổ chức quản lý để có thể phục vụ tốt nhu cầu đi lại của hành khách. “Khách không đến, xe không vào thì rõ ràng không còn lý do gì có thể biện minh” – ông Tính nhấn mạnh.

“Hiện thành phố quy hoạch tổ chức 5 – 7 tuyến xe buýt kết nối với bến xe mới nhưng từ bến xe ra tới trục xa lộ Hà Nội hay trục Quốc lộ 1 còn rất xa. Nếu chỉ là xe buýt chạy ngang qua thì chỉ mang ý nghĩa lấp mạng lưới chứ không giải quyết được nhu cầu thực tế. Chưa kể xe buýt chỉ dành cho một đối tượng người lao động thu nhập thấp, có nhiều thời gian. Còn những hành khách thuộc tầng lớp trung bình cần taxi, xe công nghệ… Nếu không xác định rõ nhu cầu của cả 2 bên để lên phương án kết nối thì Bến xe Miền Đông mới không thể hoạt động hiệu quả được” – ông Lê Trung Tính ‘phản biện’ đề xuất trên của TP.HCM.

…Xem ra chuyện người đang sinh sống tại Sài Gòn sắp tới đây về quê ăn Tết, nếu chọn xuất bến từ Bến xe Miền Đông thì có lẽ sẽ vừa tốn thêm tiền, vừa chen chúc nhau ở những chuyến trung chuyển…


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu ‘thần tốc xét nghiệm’(bài 3)

Phan Thanh Hung

VNTB – Thiên hạ luận: Ới ông Phúc ơi…

Phan Thanh Hung

VNTB – Thiên hạ luận: đa chiều về… ‘nội chiến’

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.