Phụng Thương
(VNTB) – Sau 1975 người miền Bắc vào miền Nam đã “phát sốt phát tiết” lên với lượng rau muống tràn ngập ở bất kỳ chợ nào, và giá quá rẻ.
Thuở trước, lúc người Bắc “Nam tiến” những năm 1942, thì Sài Gòn còn bé tị. Bao quanh nó, nơi nào cũng sông, cũng rạch mênh mông nên chính người miền Bắc đã tận dụng sông, rạch, ao hồ để trồng rau muống, món ưa thích của họ.
Có những nhà từ tay trắng đã nên nhà nên cửa, nuôi cả bầy con hằng chục đứa ăn học tử tế nhờ vào nghề trồng và cắt rau muống bán.
Thuở bé, tôi chỉ đi bộ chừng trăm mét là đến ruộng rau muống bao la gần cầu Công Lý. Từ mặt đường, muốn đi vô những căn nhà sàn phải qua một cầu ván bắt từ lộ vô, xa tít. Nếu không lầm, những căn nhà sàn này sau 1965 mới thấy có đèn điện. Ấy là khi ao rau muống đã bị san lấp để xây nên chùa Vĩnh Nghiêm.
Trước đó, đứng trên bờ nhìn hút qua ruộng rau,qua khỏi con kênh Nhiêu Lộc, ta còn thấy tháp ba chuông của ngôi nhà thờ thuộc vùng đất Vườn Xoài, một nơi có rất nhiều dân di cư Công Giáo sinh sống.
Tất nhiên Sài Gòn còn rất nhiều nơi trồng rau muống khác như bên chân cầu Kiệu ,trải dài đến rạch Miễu ,Phan Xích Long ngày nay. Ngoài ra còn Thị Nghè, Bình Triệu, Thủ Đức…
Đó là khi các cuộc bán mua bất động sản chưa ngoi lên, sông, ngòi, kênh, rạch còn thênh thang.
Bởi rứa! Nguồn rau muống ở Sài Gòn khi ấy phải nói là vô kể.
Những năm bao cấp (từ 1976 đến 1985), hầu hết người Sài Gòn đều sống trong cảnh “thắt lưng buộc bụng”. Lúc này không chỉ người Bắc mới ăn rau muống, mà hầu như nhà nhà ăn rau muống.
Rau muống luộc ăn với mắm cà đã là món ngon lắm lắm. Mỗi ngày chị người Huế bán mắm cà ở chợ Nguyễn An Ninh (gần chợ Bến Thành) phải bán ít nhất hai thau nhôm cỡ đại tràn ngập một món mắm cà, bởi thịt cá khan hiếm (không có tiền mua), có mắm cà ăn chung với rau muống luộc là “sang” rồi.
Có mỡ thì rau muống xào tỏi. Canh chua nấu tép với rau muống dành cho bữa ăn cuối tuần hay ngày lãnh lương. Lâu lâu rau muống xào chao hay rau muống chẽ trộn tóp mỡ hoặc “đi qua” hàng thịt bò xíu, cũng khiến bọn trẻ nao nức.
Có một dạo người ta nhao lên vì chuyện người trồng rau muống đổ nhớt thải xuống ruộng rau để rau xanh tốt, khiến nhiều người không dám ăn rau muống, dù không rõ sự thật có bao nhiêu phần trăm. Chỉ tội những người làm ăn ngay ngắn.
Làn sóng đô thị hóa đã xóa gần hết các đồng rau muống. Cuộc sống có nhiều thứ để chọn hơn, nên việc “từ bỏ” rau muống không còn là chuyện khó.
Thế rồi rau muống vào nhà hàng với món ngâm chua ngọt kiểu Thái Lan. Rau muống xào tỏi, xào chao… như một sự trớ trêu.
Hiếm thì có giá thôi.
Nhớ những buổi ngồi trên chiếc xuồng đi cắt rau của một chị Huynh trưởng trong Gia đình Phật tử mà tôi theo hồi nhỏ. Mẹ chị là bà góa, nhưng chị và các em vẫn theo học ở các trường danh giá cho tới khi vào đại học, cũng nhờ vào nghề trồng rau muống.
Trong các bức ảnh tôi hay chụp, luôn có cảnh hoàng hôn, nhưng không bao giờ tôi tìm lại được cảm xúc cùng chị lướt chiếc xuồng trên ruộng rau gió mát lồng lộng, và màu hoàng hôn hôm ấy như nhuộm vàng mặt nước lóng lánh phía trước.
Nhớ lắm!