Thìn Trần
(VNTB) – Liệu đám đông ở Đại Nam hôm Chủ nhật 14-11 sẽ khiến thành phố Thủ Dầu Một đổi màu trên bản đồ dịch Covid của tỉnh Bình Dương?
Câu chuyện về buổi nói chuyện của CEO Nguyễn Phương Hằng tại khu du lịch Đại Nam vào chiều ngày 14-11-2021 đã gây xôn xao cho dư luận. Một số cơ quan chức năng, trong đó có cả ngoài trung ương cũng chỉ đạo tìm hiểu rõ vụ việc này. Cộng đồng mạng, các nhóm trên facebook cũng đưa tin tức về vấn đề này không thua kém gì báo chí.
Có ý kiến đồng tình, cũng có ý kiến phản bác. Ở đây, tạm gác qua tất cả những vấn đề đúng sai của giới gọi là showbiz hay đánh đồng báo chí cộng sản với phản động cùng những phát ngôn, nói theo kiểu dân miền Nam, nghe không lọt lỗ tai. Chỉ nói về dịch.
Việt Nam sau thời gian dài hành động, xử lý dịch theo chiều hướng ‘zero covid’, giờ đây đã chuyển sang sống chung với dịch. Cũng chính vì điều này đã gây ra tranh cãi.
Theo ghi nhận trên mạng xã hội, một số facebooker vào bình luận ở bài viết về cuộc nói chuyện của bà Hằng chiều 14-11-2021, lo ngại vấn đề dịch bệnh. Một số khác cũng “nhảy vào” bênh vực bà Hằng với lập luận: “B hông coi mấy ngày này. Dân đi tàu cao tốc xếp hàng chờ dài dài đông nghịt người à. Mà có ai cấm và bị gi đâu? Đừng lo quá. Đã chích ngừa và 5k là được. Cứ sống chung với dịch đi”.
Bình luận này được coi là nhẹ nhàng nhất trong những bình luận bênh vực cuộc nói chuyện của bà Hằng về vấn đề dịch Covid.
Suy xét, bình luận này, nói không sai, nhưng nếu đúng thì chưa chắc. Vì sao? Đúng là Việt Nam sống chung với dịch. Đúng là dân đi tàu ngoài Hà Nội đông thiệt. Nhưng Hà Nội mấy ngày nay đều có số lượng ca nhiễm hoàn toàn không phải là ít và cũng không biết chính xác trong số ca nhiễm đó, có ca nào liên quan đến tàu Cát Linh hay không? Chứ chưa hẳn là không bị gì.
Ý kiến này nói rất đúng việc đừng lo quá, đã chích ngừa và 5K là được. Trong nghị quyết 128 của chính phủ, phần đối với cá nhân, dù là vùng cấp mấy đi chăng nữa, vẫn áp dụng 5K. Nhưng với hình ảnh báo chí ghi nhận được, trong buổi nói chuyện này, đã thật sự tuân thủ 5K hay chưa?
Một ý kiến khác cho rằng, lỗi này không phải do bà Hằng: “ủa vậy tiêm 2 mũi rồi ngta có quyền ngta đi chứ ai cấm đc ngta ko đừng trách 1 cá nhân nào vì đó là quyết định của ngta, tiêm 2 mũi có thể bệnh nhưng bệnh tới mức nào, thực hiện 5k tự bảo vệ mình thôi chứ sao bạn trách cô Ph vậy :))) nói như bạn chắc phố đi bộ trên SG các kiểu nó vắng như chùa bà đanh r” (biên theo đúng cách còm-men chữ Việt).
Lại thêm một ý kiến cực kỳ xác đáng, không tuân thủ 5K thì do cá nhân, liên quan gì đến bà Hằng hay ông Dũng? Tuy nhiên, buổi nói chuyện này, lại do bà Hằng tổ chức. Là người chủ động đứng ra tổ chức, mà lại không thể sắp xếp sao cho người tham dự có thể tuân thủ 5K, để người tham dự đứng san sát nhau, rồi còn có trường hợp kéo khẩu trang xuống.
Còn về phố đi bộ, ừ thì cũng đông như ý kiến đó thật, nhưng điểm khác biệt ở đây là lực lượng chức năng ra quân kêu gọi bà con phòng dịch, giải tán đi. Đằng này, phía bà Hằng không những không nhắc nhở mà lực lượng chức năng cũng đứng im nghe bà nói. Cũng hơi khó hiểu.
Cũng có ý kiến cho rằng, Đại Nam đã được chính quyền cho mở thì bà Hằng làm vậy cũng bình thường. Không sai, Đại Nam được cho mở cũng giống như Thảo Cầm Viên hay Đầm Sen cho mở vậy, nhưng buổi nói chuyện không tuân thủ 5K thì lại không bình thường. Chính quyền Bình Dương có thể cho mở nhưng không lẽ điều đó lại lớn hơn nghị quyết 128 của chính phủ?
Cũng xin được nói thêm, theo ghi nhận, tính đến ngày 18-11-2021, Bình Dương có 22 xã, phường, thị trấn thuộc cấp 1 (nguy cơ thấp tương ứng với màu xanh); 44 xã, phường, thị trấn thuộc cấp 2 (nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng); 25 xã, phường, thị trấn thuộc cấp 3 (nguy cơ cao tương ứng với màu cam). Riêng phường Hiệp An, nơi mà khu du lịch Đại Nam có một cổng, ở cấp độ 3. Mà cấp độ 3 theo nghị quyết 128, với một số cái, hoạt động phải kèm theo điều kiện hoặc hạn chế.
Dẫu biết rằng, nếu bài viết này được đăng, cũng có thể sẽ có một lực lượng ủng hộ bà Hằng vào “ném đá”. Tuy nhiên, dẫu thế nào đi chăng nữa, thiết nghĩ, cũng sẽ có giây phút bình tâm trở lại, để xem xét rằng, trong buổi nói chuyện đó, có thực hiện đúng 5K hay không? Có phải ai cũng đeo khẩu trang hết hay không? Có phải tất cả đều đeo xuyên suốt buổi nói chuyện? Và khoảng cách như vậy là có an toàn hay không?
Chính quyền tỉnh Bình Dương cũng như từ Bộ Y tế cũng đã khuyến cáo, khẩu ngữ cũng được giăng đầy ở nhiều con đường trên Bình Dương, Vắc-xin + 5K = phòng bệnh hiệu quả.
Rồi nếu như có gì xui rủi xảy ra, ai sẽ là người chịu thiệt thòi nhất? Không chỉ dân Bình Dương mà còn là đối với các tỉnh, thành khác. Hơn hết, là dân địa phương, những người nghèo bán vé số, những người mù khuyết tật mưu sinh…
Cuộc sống của họ sẽ về đâu?