VNTB – Sự thất bại của “định hướng xã hội chủ nghĩa” nhìn từ thị trường xăng dầu

VNTB – Sự thất bại của “định hướng xã hội chủ nghĩa” nhìn từ thị trường xăng dầu

Phú Nhuận

 

(VNTB) – Xăng dầu là mặt hàng Nhà nước quản lý giá, nhưng giá của nó phải tuân theo hai quy luật thị trường là cung cầu và giá trị.

 

Trách nhiệm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Hiện tại gần như không ghi nhận có quốc gia nào lâm vào tình trạng xăng dầu như Việt Nam, vì xăng dầu không hề thiếu, như vậy xem ra Việt Nam đang không tuân theo quy luật thị trường do phải chịu sự định hướng xã hội chủ nghĩa. Bởi nếu giá xăng dầu không được tính đúng, tính đủ thì việc “đứt gãy” rất khó được xử lý, kể cả với doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước và thị trường gặp trục trặc ngay.

Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã ghi: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu” dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội” (*)

Có thể ông ấy ‘dốt kinh tế’, nhưng biết lắng nghe (!?)

Một câu chuyện cũ. Có lần Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười phàn nàn, mỗi năm chính phủ cần thêm hàng trăm tỷ đồng để bù giá lương thực, thực phẩm cho cán bộ công chức ở thủ đô. Theo chế độ tem phiếu, giá mua thì đắt còn giá bán thì rẻ. Ông hỏi một chuyên gia kinh tế, nên xử lý thế nào vì đang lạm phát cao.

Vị chuyên gia đáp, Nhà nước không nên làm việc đó mà để nhân dân tự do mua bán, lưu thông thì họ sẽ đưa lương thực, thực phẩm vào Hà Nội.

Ông Mười ngần ngại hỏi lại: “Anh nói lạ, dạ dày của dân Nhà nước còn không lo nổi thì sao mấy bà tiểu thương lo được?”. Tuy nhiên, sau đó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng cũng ban hành chỉ thị cho dân tự do mang hàng hóa vào thủ đô.

Chỉ thời gian ngắn sau, lương thực, thực phẩm tràn ngập các chợ và các cửa hàng mậu dịch không còn cảnh xếp hàng. Sau Tết âm lịch 1989, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười cho triển khai chính sách đó trên toàn quốc và từ đó, hệ thống tem phiếu được bỏ đi.

Để thu hút tiền ở trong dân, ông Đỗ Mười đồng ý với đề xuất nâng lãi suất tiết kiệm từ 3% lên 9%, ngang với mức giá của hàng hóa; ai gửi 3 tháng thì thêm 3% nữa là 12%. Lúc đầu ông Đỗ Mười cho làm thí điểm ở Hải Phòng, sau đó nhân rộng ra cả nước. Do có chính sách khuyến khích tiền gửi, nhân dân yên tâm gửi tiền vào ngân hàng, tạo ra nguồn vốn phục vụ sản xuất.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Đỗ Mười yêu cầu có quy định nghiêm ngặt là ngân hàng chỉ được nhận tiền mặt và cho vay, tài chính chỉ thu mà chi, không in thêm tiền. Sau một thời gian, các chính sách kinh tế và tiền tệ của chính phủ đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là giảm lạm phát, từ chỗ lạm phát ba con số: 774% năm 1986, giảm xuống còn hai con số: 34% năm 1989; đến năm 1992 chỉ còn 14%.

Một giải pháp tình thế lúc bấy giờ được ông Đỗ Mười đồng ý khi được tham mưu, là ai ra nước ngoài thì khuyến khích mang hàng về. Nhà nước không đánh thuế. Vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng về rất nhiều, phần nào đáp ứng được yêu cầu bức thiết trong sinh hoạt của nhân dân.

Khi lên làm Tổng bí thư, ông Đỗ Mười cũng không áp yêu cầu phải định hướng xã hội chủ nghĩa cho nền kinh tế. Quan sát những nội dung của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) và Chiến lược kinh tế – xã hội 10 năm (1991 – 2000) đều có chung yêu cầu: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng” và “làm cho thế giới quan Mác – Lênin và tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội”.

Có truy cứu trách nhiệm của ‘người định hướng’?

Từ câu chuyện trên cho thấy trong thời sự về thị trường xăng dầu đang cần tuân thủ các quy luật thị trường và không nên “vận dụng định hướng xã hội chủ nghĩa” ở đây.

Bởi nếu “định hướng xã hội chủ nghĩa” là ưu việt như khẳng định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì nên hiểu thế nào về chuyện bán xăng ở “cây xăng cục gạch”, tuy có thể là vi phạm pháp luật về an toàn phóng chống cháy nổ, nhưng nó đã cho thấy hệ thống tổ chức và vận hành thị trường xăng dầu hiện nay, từ việc áp giá cơ sở, tỉ lệ chiết khấu, kỳ điều hành giá của “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là có nhiều bất cập so với đại đa số nền kinh tế thị trường mà phần còn lại của thế giới đang vận hành.

 

Chú thích:

(*) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, nhà xuất bản. Chính trị Quốc gia Sự thật, tập 1, 2021.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)