Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tài liệu mật của… doanh nghiệp?

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Tài liệu “mật” của doanh nghiệp cổ phần hóa thì “mật” sẽ là có thể che giấu điều gì đó không muốn cổ đông biết.

 

Chuyện văn bản của nhà nước đóng dấu về các cấp độ “mật”, mặc dù khá tùy tiện tùy vào phía phát hành văn bản đó. Thế nhưng tài liệu “mật” của doanh nghiệp cổ phần hóa thì “mật” sẽ là có thể che giấu điều gì đó không muốn cổ đông biết.

Thông tin tại cuộc họp báo của chính phủ ở ngày cuối cùng của tháng 9-2023, trung tướng Tô Ân Xô – người phát ngôn Bộ Công an – cho biết căn cứ kết quả điều tra và tài liệu thu thập được, ngày 20-9-2023, Cơ quan an ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Ngô Thị Tố Nhiên, sinh năm 1974, giám đốc Công ty TNHH Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam.

Bà Nhiên bị bắt về tội chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại điều 342 Bộ luật hình sự.

Cùng bị bắt với bà Ngô Thị Tố Nhiên còn có ông Dương Đức Việt (sinh năm 1979, chuyên viên cao cấp ban quản lý đầu tư Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN) và ông Lê Quốc Anh (sinh năm 1984, trưởng phòng phân tích hệ thống Công ty Tư vấn điện 1). Cả hai cũng bị bắt về tội chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Theo thông tin từ ông Xô đưa ra thì tài liệu chứng cứ thu thập được xác định từ năm 2020, bà Nhiên đã biết ông Việt và Anh là những người có quyền tiếp cận các thông tin, tài liệu liên quan đến hoạch định chính sách phát triển lưới điện của Tập đoàn EVN, về lưới điện 500kV, 220kV. Bà Nhiên đã hợp thức hóa việc chiếm đoạt tài liệu bằng cách ký hợp đồng lao động, hợp đồng chuyên gia với Việt, Anh theo hình thức bán thời gian, có trả lương. Hai bị can trên đã cung cấp các tài liệu của EVN cho Nhiên.

“Các hành vi vi phạm của Ngô Thị Tố Nhiên, Dương Đức Việt, Lê Quốc Anh đã phạm tội chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục mở rộng điều tra”, và vẫn theo ông Xô thì sau khi bà Nhiên bị khởi tố, một số cơ quan truyền thông nước ngoài và một số tổ chức phản động lưu vong đã đưa tin xuyên tạc, vu cáo Việt Nam bắt giam các nhà hoạt động môi trường.

“Bộ Công an bác bỏ luận điệu xuyên tạc kể trên và coi đó là hành vi can thiệp hoạt động nội bộ của Việt Nam. Hoàn toàn không có chuyện bắt các nhà hoạt động môi trường. Đây là việc chiếm đoạt thông tin, tài liệu của tổ chức, cơ quan, vì đây là các tài liệu nội bộ không được chia sẻ, không được công bố công khai, thuộc danh mục tài liệu mật”, ông Xô nhấn mạnh nhưng bỏ lửng không cho biết các tài liệu này có đóng dấu “mật” hay không để mà bị quy kết bà Ngô Thị Tố Nhiên tội chiếm đoạt tài liệu.

Mặc dù có Luật bảo vệ bí mật nhà nước, thế nhưng trên thực tế thì đến nay vẫn chưa có quy định về khái niệm tài liệu mật nhà nước. Dựa theo tính chất nội dung trong tài liệu mật, có thể hiểu tài liệu mật nhà nước là văn bản có chứa các thông tin quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

EVN là một tập đoàn kinh doanh, trong đó có nhiều thành viên là doanh nghiệp cổ phần. Ở đây nếu tài liệu nào đó của EVN bị “chiếm  đoạt” theo hình thức “nhân bản” chẳng hạn, thì tình huống pháp lý đặt ra là khi tiết lộ thông tin nội bộ của doanh nghiệp, thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Theo đó Điều 41 của Luật cạnh tranh năm 2004 quy định như sau: “Cấm doanh nghiệp thực hiện các hành vi sau đây:

Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu hợp pháp bí mật kinh doanh đó;

Tiết lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh;

Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập và làm lộ thông tin thuộc bí mật kinh doanh của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó;

Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người khác khi người này làm thủ tục theo quy định của pháp luật liên quan đến kinh doanh, làm thủ tục lưu hành sản phẩm hoặc bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan nhà nước hoặc sử dụng những thông tin đó nhằm mục đích kinh doanh, xin cấp giấy phép liên quan đến kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm”.

Nếu xâm phạm tới bí mật kinh doanh thì sẽ bị xử phạt bằng tiền, bị “tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm”.

Rất có thể vụ việc bắt bà Ngô Thị Tố Nhiên vì lẽ gì đó mang tính nhạy cảm chính trị nên người phát ngôn Bộ Công an mới đưa ra lý do ban đầu thiếu rõ ràng như vậy.


Tin bài liên quan:

VNTB – Khủng hoảng truyền thông chính trị từ vụ án Phạm Đoan Trang

Phan Thanh Hung

VNTB – Công lý chỉ có khi tòa độc lập

Do Van Tien

VNTB – Trốn thuế: tội danh sẽ thay thế cho các ‘bản án chính trị’?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo