Nguyễn Đình Ấm
(VNTB) – Việc xây sân bay tràn lan chỉ tổ phá ngân quỹ quốc gia, quỹ đất sản xuất và làm mồi cho tham nhũng.
Nơi nơi thích có sân bay
Thời gian qua nhiều lãnh đạo địa phương (Lai Châu, Hà Giang, Ninh Bình, Bình Phước, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Cao Bằng, Hà Tĩnh, đảo Lý Sơn-Quảng Ngãi)… yêu cầu chính phủ cho xây dựng sân bay ở địa phương mình.
Đây là hiện tượng thường xuyên chứ không phải chỉ mấy năm gần đây. Hồi tôi còn làm báo ở ngành HKVN đã chứng kiến nhiều địa phương rất “máu” để có sân bay. Kịch bản của họ là thế này: “Ngoại giao” với lãnh đạo ngành HKVN để được đề xuất ghi địa phương mình vào quy hoạch phát triển sân bay. Nếu đang có sân bay rồi thì đề nghị nâng cấp thành sân bay quốc tế.
Những chuyến lãnh đạo HKVN đi khảo sát thường được địa phương đón tiếp, hướng dẫn rất tận tình. Cùng với yêu cầu ngành HKVN, lãnh đạo các địa phương triệt để tranh thủ mỗi khi lãnh đạo cấp cao như tổng bí thư, chủ tịch quốc hội, thủ tướng, P. thủ tướng, cán bộ văn phòng chính phủ… về thăm địa phương là cùng với báo cáo tình hình địa phương họ không quên để xuất nhu cầu có sân bay.
Trong trường hợp này họ thường thành công do sếp lớn về thăm địa phương mang nhiều không khí riêng tư, việc báo cáo, giải trình dễ lọt tai, tiệc tùng vui vẻ dễ nể nang hơn…Từ đây họ lại đề nghị với ngành HKVN và không quên “đồng chí A,B, C…đã đồng ý rồi” làm cho lãnh đạo HKVN nhiều khi khó xử.
Lâu nay ngành HKVN dự đoán, quy hoạch phát triển mạng sân bay cơ bản là đúng nhưng cũng có trường hợp bị sức ép từ địa phương, cấp trên, cấp dưới… những sân bay làm ra, nâng cấp nhưng thiếu khách lãng phí rất lớn như sân bay Cần Thơ…
Thực tế trong mạng 22 sân bay ở Việt Nam thì chỉ 3 sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất là có lãi ổn định ( trước dịch Vũ Hán), các sân bay còn lại đều lỗ hoặc “phập phù” lãi, lỗ theo mùa, theo năm như Cam Ranh, Phú Bài,.. Có những sân bay như Nà Sản ( Sơn La – Sân bay này đã dừng bay từ lâu) Điện Biên, Đông Tác (Phú Yên), Rạch Giá (Kiên Giang), Pleiku… khai trương rồi lại dừng, rồi lại bay nhiều lần.
Duy trì, khai thác các sân bay này ngành HKVN phải lấy lãi của 3 sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng bù lỗ cho các sân bay địa phương. Nhiều khi địa phương thấy bên HK “thiệt” quá phải hỗ trợ bằng cách khuyến khích cán bộ đi công tác bằng máy bay được thanh toán tiền vé. Tuy nhiên không có địa phương nào theo mãi được như vậy.
Việc các địa phương mong có sân bay là rất chính đáng. Bởi vì máy bay là phương tiện nhanh chóng, an toàn, văn minh nhất, sẽ góp phần phát triển đầu tư, du lịch, kinh tế, văn hóa…Tuy nhiên chuyên chở bằng máy bay cũng tốn kém gấp nhiều lần phương tiện mặt đất. Chính vì vậy chỉ có những nơi kinh tế phát triển, dân có mức sống cao thì mới phát triển được vận tải HK. Lãnh đạo các địa phương hình như không biết, không tính đến yếu tố cơ bản này. Xây sân bay mà ít khách đi không chỉ phá tiền dân mà còn rất tốn đất đai, thứ tư liệu sản xuất vô giá.
Tại sao thích có sân bay
Theo tôi, lãnh đạo nhiều địa phương thích có sân bay vô điều kiện, bởi:
– Muốn phát triển kinh tế, văn hóa…cho địa phương.
– Địa phương có sân bay mang một chút “hoành tráng”, nâng “tầm” của lãnh đạo. Đó là tính cách chung của quan chức ta.
– Một vùng đất đai sẽ lên giá, lãnh đạo địa phương có thêm manh mối “phán xét lợi ích”.
– Lý do không ai nói ra: Ngành HK là một trong những nơi thu hút nhiều nguyện vọng vào làm việc và ngân sách có thêm nguồn thu (nhất là trước dịch Vũ Hán). Trước dịch, để có một chỗ làm khá ở DN quốc doanh của HKVN theo môi giới bình thường phải chi 25.000- 26.000 USD.
Có một sân bay thì con cháu, người thân các lãnh đạo địa phương không phải lo chỗ làm việc vừa nhàn hạ, sang trọng, thu nhập cao, ổn định. Nói chung trước dịch Vũ Hán ngành HKVN là bến đỗ quan trọng của con cháu, người thân các quan chức cơ quan quyền lực địa phương, trung ương, giới có tiền…
Hồi tôi còn làm ở HKVN có thể nói có cả một “triều đình con” ở ngành này, không thiếu mấy con cháu, người thân đủ các chức vụ, ban bệ ở trung ương, bộ, ngành. Ở các sân bay địa phương thường đủ “triều đình” tỉnh, huyện nơi có sân bay. Ở doanh nghiệp hàng không cũng như các cơ quan, doanh nghiệp “thơm tho” khác luôn có những xuất biên chế gọi là “ngoại giao” để hân hạnh tiếp nhận con cháu người thân, quan chức quyền lực.
Có thể họ cũng phải thi tuyển nhưng bao giờ cũng đỗ cũng như quan chức ứng cử nọ, kia . Sau này “xuất ngoại giao” lan ra các lĩnh vực khác như số phần trăm căn hộ, biệt thự ở các dự án thu hồi đất xây nhà chủ đầu tư phải dành ra để biếu các quan chức quyền lực…
Muốn có sân bay là nguyện vọng chính đáng nhưng dân nghèo không có khả năng thanh toán cước phí thì việc xây sân bay tràn lan chỉ tổ phá ngân quỹ quốc gia, quỹ đất sản xuất và làm mồi cho tham nhũng.