Trường Sơn
(VNTB) – Olympic Mùa đông tại Bắc Kinh là sự kiện thể thao mang ý nghĩa biểu tượng chính trị đối với tham vọng và vị thế của Trung Quốc.
Trước thềm Thế vận hội mùa hè tháng 8 năm 2008, Trung Quốc đã phải đối mặt với sự chỉ trích nhân quyền trên diện rộng vì ủng hộ các tội ác chống lại loài người của chính phủ Sudan ở Darfur và việc họ đàn áp các cuộc biểu tình lớn của người Tây Tạng .
Lễ khai mạc ngoạn mục và Thế vận hội thành công đã làm tắt tiếng chỉ trích. Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra vào tháng sau, Thế vận hội đã được người dân Trung Quốc coi là biểu tượng cho sự đi lên của Trung Quốc.
Tương tự, theo bài báo trên tờ Conversation, trong khoảng thời gian đến năm 2022, nhân quyền của Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là đối với các vụ tống giam hàng loạt ở Tân Cương và đàn áp các quyền cơ bản ở Hồng Kông.
Tập Cận Bình mong muốn Thế vận hội mùa đông có thể không có sức mạnh biểu tượng như Thế vận hội 2008, nhưng nhân quyền có thể sẽ không nhận được nhiều sự chú ý mặc dù các quảng cáo trên toàn trang trên The New York Times lên án hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc và kêu gọi các công ty Mỹ không mua quảng cáo trên NBC, mạng truyền hình tổ chức Thế vận hội ở Mỹ .
Trong số các yếu tố giúp Tập đạt được mục tiêu tuyên truyền và chính trị mà ông muốn đó là mối đe dọa từ Covid-19. Không có khán giả từ công chúng sẽ tham dự các sự kiện. Các vận động viên, quan chức và nhà báo sẽ được “giữ giãn cách” để đảm bảo rằng họ sẽ không mang Covid-19 đến Trung Quốc cũng như không phát tán nó. Các nhà báo sẽ không được tiếp cận để phỏng vấn những người Trung Quốc bình thường, cũng như không có cơ hội điều tra bất kỳ tin tức nào không liên quan đến Thế vận hội.
Có thể xảy ra những hành động phản đối mang tính cá nhân của một số vận động viên không phải người Trung Quốc chống lại các hoạt động vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, nhưng những cuộc biểu tình đó sẽ không được chiếu trên truyền hình Trung Quốc, và những người biểu tình có thể sẽ bị buộc phải rời khỏi Trung Quốc.
Tờ Washington Post đưa tin rằng vào cuối tháng 1-2022, Yang Shu, một thành viên của Ủy ban tổ chức Olympic của Trung Quốc, đã nói trong một cuộc họp báo rằng “Bất kỳ biểu hiện nào phù hợp với tinh thần Olympic, tôi chắc chắn sẽ được bảo vệ… Bất kỳ hành vi hoặc phát ngôn nào là chống lại tinh thần Olympic, đặc biệt là chống lại luật pháp và quy định của Trung Quốc, cũng phải chịu hình phạt nhất định”.
Olympic Bắc Kinh còn là cơ hội để ông Tập cải thiện hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế. Ông muốn nhân dịp này thể hiện một thành phố Bắc Kinh “thông minh và thân thiện với môi trường”, thay cho những thông điệp cứng rắn được áp dụng trong chính sách “ngoại giao chiến lang” thời gian qua.
Giới phân tích cho rằng “ngoại giao chiến lang” gây phương hại nhiều hơn là củng cố lợi ích của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Một cách đơn giản hơn, Trung Quốc muốn thông qua sự kiện thể thao mùa đông lớn nhất thế giới để chứng tỏ mô hình chính quyền của mình thật sự ưu việt, đồng thời tái khẳng định những tiến bộ kinh tế và củng cố vị thế cường quốc hướng tới ‘Giấc mơ Trung Hoa’ (*). Mục tiêu này phần nào được thể hiện trong những tuyên bố của ông Tập liên quan Olympic Mùa đông 2022, khi ông nhiều lần sử dụng hình ảnh nhân dân Trung Quốc đoàn kết dưới sự lãnh đạo của đảng vượt qua chặng đường gian nan để hướng đến tương lai chung.
______________
Chú thích:
(*) “Hiện thực hóa công cuộc phục hưng vĩ đại đất nước Trung Quốc và giấc mơ Trung Hoa”. Đó là lời kêu gọi ngày 17-3-2013 tại Quốc hội Trung Quốc, được phát đi như một lời hiệu triệu của ông Tập Cận Bình – người đứng đầu ban lãnh đạo thế hệ thứ năm của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa – sau khi ông được bầu làm Chủ tịch nước.
21 ngày sau, ngày 8-4, nội hàm “Giấc mơ Trung Hoa” đã được ông Tập Cận Bình nêu khá rõ trong phát biểu khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA): “Vào giữa thế kỷ 21, Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, thịnh vượng, hùng mạnh, dân chủ, văn hóa tiên tiến và hòa hợp; và giấc mơ Trung Hoa, cụ thể là sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa, sẽ thành hiện thực”.