Nguyễn Huyền
(VNTB) – Có ít nhất 27 cá nhân là lãnh đạo các sở, ngành khối các cơ quan nội chính tỉnh An Giang bị đề nghị xử lý kỷ luật do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và buông lỏng quản lý công tác Đảng suốt thời gian dài.
Tin tức cho hay Ban thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã họp để lấy phiếu đề nghị kỷ luật. Theo đó, Ban thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã thống nhất thi hành cảnh cáo nhiệm kỳ 2015 – 2020 và 2020 – 2025 đối với Ban cán sự Đảng, Ban thường vụ Đảng ủy Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; Tòa án nhân dân tỉnh; Bộ đội biên phòng; Cục Hải quan An Giang và Cục Quản lý thị trường. Cảnh cáo Ban thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Ban thường vụ Tỉnh ủy An Giang thống nhất đề nghị xử lý kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo 27 cán bộ là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo sáu tổ chức Đảng trên.
Đối với sáu người đứng đầu các tổ chức này bị đề nghị kỷ luật cảnh cáo gồm: ông Lê Xuân Hải – bí thư Đảng ủy, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; ông La Hồng – bí thư Ban cán sự Đảng, chánh án Tòa án nhân dân tỉnh; thiếu tướng Bùi Bé Tư – nguyên ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy An Giang nhiệm kỳ 2015 – 2020, giám đốc Công an tỉnh; đại tá Phạm Văn Phong – bí thư Đảng ủy, chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh; ông Trần Quốc Hoàn – bí thư Đảng ủy, cục trưởng Cục Hải quan và ông Huỳnh Ngọc Hồ – phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường.
Nặng nhất là đại tá Nguyễn Thượng Lễ – nguyên chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang – bị đề nghị kỷ luật bằng hình thức cách tất cả chức vụ trong Đảng, nhiệm kỳ 2015 – 2020 và 2020 – 2025.
Thắc mắc ở đây là sai phạm để họ bị kỷ luật cụ thể là những gì, vì cụm từ “bị đề nghị xử lý kỷ luật do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và buông lỏng quản lý công tác Đảng suốt thời gian dài” luôn rất khó hiểu với người dân; còn với đảng viên thì cụm từ đó thường muốn nói đến việc “thanh trừng nhau” giữa các nhóm quyền lực trong chính nội bộ Đảng.
Căn cứ theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011, nguyên tắc tập trung dân chủ là các cơ quan lãnh đạo của Đảng được lập ra theo cơ chế bầu cử, thực hiện tập thể lãnh đạo và cá nhân tự chịu trách nhiệm, với những yêu cầu như sau:
Một. Lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc, ở mỗi cấp là đại hội đại biểu/ đại hộ đảng viên. Thời điểm giữa các kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo Đảng là Ban Chấp hành trung ương, ở cơ sở là ban chấp hành đảng bộ (cấp ủy).
Hai. Cấp ủy các cấp báo cáo, chịu trách nhiệm trực tiếp về hoạt động của mình trước các kỳ đại hội cùng cấp, cấp trên và cấp dưới; phải định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện tự phê bình và phê bình.
Ba. Tổ chức đảng, đảng viên phải nghiêm túc chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương.
Các nghị quyết của cơ quan lãnh đạo của đảng sẽ có giá trị thi hành chỉ khi có trên 50% thành viên trong cơ quan đó đồng tình. Mỗi cá nhân có quyền được biểu quyết trước khi biểu quyết. Nếu đảng viên có ý kiến thuộc về phía thiểu số thì được phép bảo lưu ý kiến và báo cáo lên cấp trên, nhưng vẫn phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết. Cấp ủy có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét ý kiến đó và không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số.
Bốn. Tổ chức đảng được quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình nhưng không được trái với những nguyên tắc, đường lối, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước.
… Như vậy trong bốn nội dung trên, phải chăng nếu xác định về “vi phạm của tập trung dân chủ bị buông lơi”, thì phải chăng đó là do các văn bản gọi là “nghị quyết Đảng” thiếu tính khả thi khi đặt trong tổng thể của thể chế không có sự cạnh tranh giữa các đảng phái chính trị ở Quốc hội, cho tới hội đồng nhân dân tại địa phương?