Ngô Huy Cương
(VNTB) – Đảng cử – Dân bầu. Vậy thì làm sao lại phải lo ngại chuyện tham nhũng phiếu bầu ở đây?
Xin giới thiệu góc nhìn của thầy giáo trường luật – luật sư Ngô Huy Cương.
Vận động tranh cử là bình thường. Nhưng tham nhũng phiếu bầu hay tham nhũng bầu cử là biểu hiện chính trị hay quản trị rất tệ. Sắp đến bầu bán là mọi việc cứ êm ru. Người mong muốn thu hút phiếu bầu luôn luôn “đi nhẹ, nói khẽ, cười tươi” dù rằng cốt cách của họ có khi còn dữ dội hơn bất kể loài động vật hoang dã nào.
Người bầu cũng có dăm ba loại. Thôi bầu bán gì vì đằng nào cũng thế nên trên thích ai thì mình bỏ phiếu cho người đó là một loại. Đứa nào lên chức mà mình được dễ thở hơn chút là một loại khác. Có loại chuyên đấu đá phe cánh thì phải mua chuộc hơi mắc để có được phiếu của họ. Còn một loại nữa thích thì bỏ, không thích thì thôi. Nhưng nói chung, tiêu chuẩn hài lòng vì lợi ích cục bộ là tiêu chuẩn số một. Ai chống lại có thể bị lăng nhục ngay.
Vì thế có thể thủ trưởng chẳng sơ múi gì trong việc tổ chức đào tạo cho con em trong ngành để sau đó đưa vào làm việc trong ngành, nhưng qua đó làm hài lòng số đông mà số đông có nghĩa là nhiều phiếu.
Bỏ phiếu rồi thì ai cãi!? Nhưng vấn đề là khi thỏa mãn chức quyền rồi thì phải trả ơn. Lấy lợi ích đâu ra mà trả ơn? Đơn giản! Sẵn lợi ích mà nhân dân và Đảng, Nhà nước giao phó ta đem ra trả. Không trả ơn thì bị sỉ nhục và khó sống, khó lãnh đạo!?
Chủ nghĩa Mác- Lênin mà tôi được học phê phán rất gay gắt thói cục bộ bản vị, tư tưởng phủ định sạch trơn và chủ nghĩa thành phần, nhưng giờ đây chẳng ai quan tâm. Người ta phủ nhận sạch trơn, người ta cục bộ bản vị và người ta nêu cao chủ nghĩa thành phần. Phải chăng Chủ nghĩa Mác-Lênin không thích hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam? Vậy tại sao chúng ta lấy đó làm nền tảng tư tưởng và bắt chúng tôi và con cháu chúng tôi học?
Nếu chúng ta không dẹp được tham nhũng phiếu bầu thì chúng ta không thể chống nổi tham nhũng ở Việt Nam!
“Ở các cơ quan, chứ toàn quốc thì còn gì mà nói…” – luật sư Ngô Huy Cương đã ‘thòng thêm’ như vậy cho câu chuyện ‘tham nhũng phiếu bầu’ khi có đồng nghiệp thắc mắc, “bầu gì nữa đâu mà ưu với phiền!”…
Lời bình của biên tập viên Lynn Huỳnh: Lo lắng tham nhũng phiếu bầu, cho dù là ở quy mô nào đi nữa, tin rằng đã là chuyện của quá khứ.
Chứng minh dễ dàng thôi.
Ở Hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đang diễn ra tại Hà Nội, theo lịch trình, các Ủy viên Bộ Chính trị sẽ truyền đạt các báo cáo chuyên đề, gồm: Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng; những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam; những nhận thức mới và tư duy mới về an ninh quốc gia…
Với trang bị kiến thức quá dày như vậy trong yêu cầu “quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, thì tin chắc sẽ không còn có thể xảy ra vụ đại án tham nhũng nào nữa.
Luật sư Ngô Huy Cương cần hoàn toàn yên tâm vào những gì mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đang ‘quán triệt’.