Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thẩm phán liêm chính: giấc mơ hão huyền?

Hiền Lương

(VNTB) – Gọi là hão huyền vì thẩm phán trong không ít trường hợp, cũng có thể phải bỏ tiền ra chạy, vì cơ chế bổ nhiệm, tái bổ nhiệm thẩm phán của Việt Nam hiện nay khá phức tạp, phụ thuộc vào nhiều ý kiến của các cấp Đảng.

Trên mạng xã hội đang phản ứng trước ý kiến mà các quan chức chóp bu đã nhấn nhá về sự liêm chính tất yếu của người cộng sản trong cương vị thẩm phán, tại Đại hội Thi đua yêu nước Tòa án nhân dân lần thứ IV với chủ đề “Vì công lý” diễn ra sáng 28-10 tại Hà Nội.

Làm sao có thể ‘liêm chính’ khi ai cũng ‘chạy’?

Ngày 4 tháng 7 năm 2018, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, đã ký Quyết định số 87/QĐ-HĐTC, ban hành Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán. (*)

Theo đó, có các yêu cầu theo thứ tự sau đây cho việc đánh giá “chuẩn mực đạo đức của thẩm phán”: (1) Tính độc lập; (2) Sự liêm chính; (3) Sự vô tư, khách quan; (4) Sự công bằng, bình đẳng; (5) Sự đúng mực; (6) Sự tận tụy và không chậm trễ; (7) Năng lực và sự chuyên cần.

Thử bàn về yêu cầu thứ hai, ‘sự liêm chính’.

‘Liêm’ theo nghĩa từ điển là ngay thẳng, trong sạch, không tham của cải. ‘Chính’ là đúng đắn, thích đáng, đúng phép tắc. ‘Liêm chính’ là ngay thẳng và trong sạch. Đối với một thẩm phán, giữa ‘liêm’ và ‘chính’ đó có mối tác động nhân quả với nhau.

Thẩm phán thanh liêm là không nhận hối lộ, nghĩa là không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó, hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Lâu nay khi nói về công tác cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định rằng trong chính nội bộ Đảng vẫn còn phổ biến tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội…

Đã nói chạy chức, chạy quyền, chạy ghế… thì có nghĩa thẩm phán trong không ít trường hợp, cũng có thể phải bỏ tiền ra chạy, vì cơ chế bổ nhiệm, tái bổ nhiệm thẩm phán của Việt Nam hiện nay khá phức tạp, phụ thuộc vào nhiều ý kiến từ cấp Đảng. Nếu không được một trong các tổ chức, cá nhân theo quy định phải có ý kiến đó ủng hộ, thì thẩm phán khó được bổ nhiệm, tái bổ nhiệm.

Chừng nào cơ chế này thay đổi, nhiệm kỳ thẩm phán suốt đời, chỉ khi nào vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức và chất lượng xét xử thấp đến mức nào đó mới bị bãi miễn thì thẩm phán mới hết lo lắng việc phải nhờ vả người này, người khác khi được bổ nhiệm, hay mỗi khi đến kỳ tái bổ nhiệm.

Câu hỏi đặt ra, nếu thẩm phán cũng phải chạy chọt thì chi phí lấy ở đâu? Chắc chắn họ phải nhận hối lộ, vậy là vòng luẩn quẩn kìm hãm sự liêm chính của mỗi thẩm phán. Và khi đã chạy chọt để có được chức danh thẩm phán, thì họ phải thu hồi vốn và đương sự, bị cáo trở thành khách hàng của họ. Án oan sai, xử đi, xử lại vì thế sẽ tiếp diễn…

Thẩm phán vì công lý hay vì… quyền lực Đảng?

Tương tự chuyện ‘làm nhân sự’ của Bộ Chính trị, quy trình tiến cử ứng viên làm thẩm phán là do lãnh đạo tòa án giới thiệu, khiến cho thẩm phán khi được bổ nhiệm có mối quan hệ lệ thuộc vào lãnh đạo tòa án. Bên cạnh đó, việc phải có bản nhận xét của lãnh đạo đơn vị, ý kiến của tập thể cán bộ, nhân viên nơi ứng viên công tác, điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự độc lập của thẩm phán trong quá trình xét xử sau này.

Trên thực tế, mặc dù nguyên tắc về tính độc lập của tòa án và các thẩm phán đã được ghi nhận chính thức trong Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật khác, song nó chưa được thực sự tôn trọng và tuân thủ. Bởi lẽ, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Việt Nam vẫn phải theo theo nguyên tắc tập quyền.

Nguyên tắc tập quyền này khó có thể là cơ sở cho sự độc lập của tòa án và các thẩm phán, bởi nó dẫn đến việc xét xử và ra các bản án, quyết định của tòa án khó tránh khỏi phụ thuộc vào sự chỉ dẫn và can thiệp của các cơ quan nhà nước khác.

Hơn thế nữa, quá trình xét xử của các tòa án ở Việt Nam chưa thực sự theo nguyên tắc tranh tụng, mà vẫn nặng theo nguyên tắc thẩm vấn, xét hỏi, luật sư chỉ đóng vai trò thứ yếu.

Thực tế cho thấy, không hẳn là việc chuyển hoàn toàn sang mô hình tố tụng tranh tụng là phù hợp với điều kiện ở Việt Nam, song việc duy trì quá lâu mô hình tố tụng buộc tội đang tạo ra sự bất bình đẳng lớn giữa các bên tham gia tố tụng, ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động xét xử.

Ngoài ra, kinh phí hoạt động của hệ thống tòa án ở Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc chặt chẽ vào các cơ quan nhà nước khác, đồng thời phụ thuộc vào các tòa án cấp trên. Tình trạng này khiến cho các tòa án khó tránh khỏi sự tác động của các cơ quan nhà nước khác, cũng như khiến cho các tòa án cấp dưới khó duy trì sự độc lập xét xử với tòa án cấp trên.

Với quá nhiều sự phụ thuộc/ lệ thuộc như trên, cộng thêm việc bổ nhiệm thẩm phán ở Việt Nam hiện dựa rất nhiều vào các tiêu chuẩn về chính trị, tư tưởng, trong khi lẽ ra cần nhấn mạnh các tiêu chuẩn về chuyên môn và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.

Chính điều đó nên khi Đại hội Thi đua yêu nước Tòa án nhân dân lần thứ IV với chủ đề “Vì công lý”, bà chủ tịch Quốc hội nhắc yêu cầu liêm chính, thì tránh sao việc người dân thêm ngờ vực vào bản chất của cán cân công lý.

______________

Chú thích:

(*) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/thu-tuc-to-tung/Quyet-dinh-87-QD-HDTC-2018-Bo-Quy-tac-dao-duc-va-ung-xu-cua-Tham-phan-386319.aspx

Tin bài liên quan:

VNTB – Thiên hạ luận: Việt Nam có điều luật nào cấm lập đảng chính trị?

Phan Thanh Hung

VNTB – Đã đến lúc đối diện với ‘mặt trái’ của công nghệ nhận diện khuôn mặt

Phan Thanh Hung

VNTB – Đồng bào trong cơn nguy khốn, Đảng vẫn bận họp

Phan Thanh Hung

1 comment

Trần Minh Anh 01.11.2020 8:31 at 08:31

Tôi rất đồng tình với tác giả. Không và không bao giờ có liêm chính ờ lĩnh vực này.

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo