VNTB – Thật không thể tin được: “Bình luận nghị trường: thật không thể tin được”

Đinh Liên (VNTB) Một phút họp quốc hội trị giá… 2 triệu đồng, 1 ngày họp bình quân tiêu tốn… 1 tỉ đồng tiền thuế cho của. Nói như nhà báo Đào Tuấn (Lao Động) là “Không thể tin được!”

Không thể tin được là nhiều kỳ họp kéo dài hơn thực chất làm tiêu tốn tiền dân.

Không thể tin được là nhiều ĐBQH tìm cách… trốn họp ngay trong các phiên thảo luận Luật, chính sách quan trọng (Luật Căn cước công dân, Bộ Luật tố tụng hình sự…).

Không thể tin được là một phiên họp về chương trình… giám sát của Quốc Hội mà không có vị ĐBQH đăng ký ý kiến, do đó, phiên thảo luận của Quốc hội nghỉ sớm 2 giờ đồng hồ.

Nhưng đó chưa phải là tất cả, tiền thuế chi cho các vị ĐBQH hội họp nhưng những vấn đề quan trọng đến đời sống của dân như Luật biểu tình thì bị dời lại. Trong khi lại có đủ thời gian để tranh luận “gay gắt và kéo dài” một vấn đề tưởng chừng như đơn giản như quy định độ dài của tên (quá 25 chữ cái) nằm trong chỉnh lý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).. Thậm chí, có ĐBQH còn “tâm huyết” đến độ vận dụng yếu tố… an ninh quốc phòng, kinh tế để thảo luận cách đặt tên.

Thế mới biết, tiêu tiền thuế dân không chỉ ở việc hội họp không chất lượng, kéo dài, mà cả ở việc “ưu tiên” tổ chức thảo luận những vấn đề không quá quan trọng đối với đời sống kinh tế – xã hội của nước nhà.

Thế mới biết, làm ĐBQH Việt Nam sướng ở chỗ, có địa vị, được hưởng quyền “miễn trừ”, được phép ngủ trong không gian lập pháp, và nhấn nút theo lệnh.

“Thật không thể tin được!”



Tin liên quan: QH sáng 4.11.2013, ĐBQH Trần Quốc Tuấn đã gây sốc nghị trường khi phê QH lãng phí thời gian và ngân sách. Theo ông, kỳ họp hằng năm “kéo dài hơn so với nội dung thực chất cần giải quyết”.

Dẫn lời một chuyên gia, ông công bố: “1 phút họp của các ĐBQH tại hội trường là Nhà nước phải bỏ ra 2 triệu đồng. Như vậy, bình quân một ngày họp mất 1 tỉ đồng. Ông Tuấn hôm ấy nói rất thấm thía: “Số tiền không phải lớn nếu các cuộc thảo luận đi đến quyết định xử lý những vấn đề quan trọng của đất nước. Song lại là rất lớn nếu phiên họp QH không giải quyết được vấn đề đó”. Chủ nhiệm VPQH sau này phủ nhận con số 1 tỉ đồng đó cho dù cũng không nêu ra một con số khác.
Đến hôm qua, có người đã nhắc lại con số 1 tỉ đồng, nhắc tới sự lãng phí khi QH có một phiên họp lịch sử. Một phiên họp mà không có bất cứ vị ĐBQH nào phát biểu. Một phiên họp nghỉ sớm 2 tiếng đồng hồ. Một phiên họp bàn ngay về chương trình giám sát, một trong những chương trình thực thi quyền giám sát tối cao của QH. Một phiên họp làm bất ngờ ngay cả với người điều hành. Và một phiên họp đúng là “không thể tin được” với cử tri, với nhân dân.
Thật ra, không phải “vấn đề lịch sử” này hôm nay mới xuất hiện. Năm ngoái, vào cuối phiên họp ngày 20.11, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đã đề nghị các vị trưởng đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố yêu cầu ĐBQH tham dự đầy đủ để đảm bảo chất lượng các phiên họp. “Mấy phiên gần đây số ĐB vắng họp nhiều quá” – lời Phó Chủ tịch QH than phiền. Ngay sáng 21.11, báo chí phát hiện bảng điện tử cho thấy chỉ có thêm 2 vị ĐBQH dự họp so với chiều hôm trước, với ít nhất 94 vị vắng mặt khi QH thông qua Luật Căn cước công dân.
Còn tại kỳ họp này, ngay trong phiên họp tổ đầu tiên sáng 22.5, cho dù có tới 3 nội dung thảo luận, trong đó có vấn đề đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri liên quan đến Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội, nhưng chỉ ngay sau giờ giải lao, một số phòng họp tổ đã giải tán – chắc là vì không còn ai phát biểu thảo luận. Sự việc được lặp lại gần như nguyên xi trong sáng 23.5 dù đó là phiên thảo luận tổ về Bộ luật Tố dụng dân sự.
Rất khó để giải thích lý do cho việc “không có ý kiến” một cách tập thể này! Nhưng dù vì bất cứ lý do gì thì rõ ràng khó nói là hôm qua QH đã tôn trọng cử tri, tôn trọng nhân dân, những người cầm lá phiếu bầu, chắc là với sự tin tưởng, những người đang đóng thuế cho mỗi ngày họp – dù không tốn kém đến 1 tỉ đồng.
Theo Lao Động

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)