Hoài Nguyễn
(VNTB) – Tuyên bố tử vong khi chưa tìm thấy xác của nạn nhân trong vụ “lọt ống bê tông” ở Đồng Tháp là một tuyên bố bất hợp pháp.
Hợp pháp là sự phù hợp của hành vi cá nhân, tổ chức thực hiện đối với quy định của pháp luật. Theo từ điển Hán Việt, hợp pháp là tính từ thể hiện sự phù hợp, đúng đắn với quy định của pháp luật.
Như vậy, việc ông phó chủ tịch tỉnh Đồng Tháp đơn phương tuyên bố tử vong khi chưa tìm thấy xác của nạn nhân Thái Lý Hạo Nam trong vụ “lọt ống bê tông” ở dự án cầu Rọc Sen, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, là một tuyên bố bất hợp pháp.
Tính hợp pháp của hành vi được thể hiện qua 04 hình thức thực hiện pháp luật: Thứ nhất, tuân thủ pháp luật, là việc thực hiện pháp luật thể hiện dưới dạng “hành vi không hành động”, mang tính chất thụ động. Ví dụ như không điều khiển phương tiện giao thông khi trong người có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép; không sử dụng ma túy,…
Thứ hai, thi hành pháp luật, là việc thực hiện pháp luật thể hiện dưới dạng “hành vi hành động”, mang tính chất chủ động. Ví dụ như thực hiện nghĩa vụ khai báo y tế khi trở về từ vùng dịch, thực hiện nghĩa vụ quân sự,…
Thứ ba, sử dụng pháp luật, là việc thực hiện pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ví dụ như việc Sở Lao động – thương binh xã hội xem xét cấp Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài,….
Thứ tư, áp dụng pháp luật, là việc lựa chọn xử sự những điều pháp luật cho phép.
Như vậy thì thắc mắc tiếp theo là hành vi nào của cá nhân, tổ chức được coi là hợp pháp?
Thực hiện hành vi theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Ví dụ, khi mới sinh ra, cha mẹ thực hiện thủ tục làm giấy khai sinh cho con theo đúng quy định của Luật Hộ tịch và các văn bản pháp luật liên quan thì được coi là hợp pháp.
Thực hiện hành vi pháp luật không cấm. Ví dụ, Luật Cạnh tranh quy định những hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm, trường hợp chủ thể kinh doanh thực hiện hành vi cạnh tranh không thuộc quy định trên thì được coi là hợp pháp.
Như vậy, tùy thuộc vào quy định của pháp luật, cá nhân, tổ chức phải có những hành vi, xử sự hợp lý, phù hợp.
Câu hỏi tiếp theo, vậy thì tại sao phải thực hiện hành vi một cách hợp pháp?
Trả lời đơn giản nhất là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật, tức là bất hợp pháp, tùy thuộc vào mức độ, tính chất của hành vi vi phạm, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự,….
Do đó để tránh những rắc rối pháp lý có thể gặp phải, tổ chức, cá nhân cần thực hiện pháp luật một cách hợp pháp. Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi hợp pháp hạn chế tối đa những bất ổn trong các mối quan hệ pháp luật, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội. Do đó, đảm bảo thực hiện hành vi hợp pháp, thượng tôn pháp luật là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân.
Trong cụ thể trường hợp ông phó chủ tịch tỉnh Đồng Tháp đơn phương tuyên bố tử vong khi chưa tìm thấy xác của nạn nhân Thái Lý Hạo Nam trong vụ “lọt ống bê tông” ở dự án cầu Rọc Sen, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp là hành vi bất hợp pháp, vì trước hết về mặt thủ tục hành chính, phía giám định pháp y không thể đáp ứng khi vụ việc chưa ghi nhận xác chết, kể cả hình ảnh của tử thi.
Với vụ việc thương tâm xảy ra ở dự án cầu Rọc Sen, thì khi pháp y được trưng cầu, sẽ có tối thiểu ba biểu mẫu cụ thể được lựa chọn về mặt thủ tục pháp lý theo quy định của Bộ Y tế, đó là “Quy trình giám định tử thi qua hồ sơ” – “Quy trình giám định tử thi” – “Quy trình giám định tử thi trong thiên tai, thảm họa”.
Tạm thời chấp nhận tình huống ở Đồng Tháp là “Quy trình giám định tử thi qua hồ sơ”, thì trình tự theo quy định của Bộ Y tế như sau cho việc đối tượng giám định ở đây là hồ sơ liên quan đến tử thi để xác định nguyên nhân chết, thời gian chết, vật gây thương tích, cơ chế hình thành thương tích,…
Xin lược trích quy trình đó trong cụ thể trường hợp vừa xảy ra ở Đồng Tháp: Quyết định trưng cầu/ yêu cầu giám định; Bản sao hợp pháp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung cần giám định.
Căn cứ vào nội dung trưng cầu/ yêu cầu giám định và hồ sơ được cung cấp, giám định viên nghiên cứu các tài liệu sau: Các hồ sơ y tế liên quan đến nội dung cần giám định; Biên bản khám nghiệm hiện trường, bản ảnh hiện trường; Các biên bản ghi lời khai, biên bản xác minh, biên bản làm việc liên quan vụ việc.
Kết luận giám định căn cứ vào các kết quả chính qua giám định, trả lời các nội dung câu hỏi theo quyết định trưng cầu/ yêu cầu giám định.
Các bước trình tự tóm tắt kể trên đều được cụ thể hóa bằng các biểu mẫu hành chính với chữ ký của lãnh đạo đơn vị ban hành. Không có một tuyên bố miệng, hay tuyên bố nào lại không dẫn chứng các căn cứ pháp lý như ở trường hợp tỉnh Đồng Tháp hiện tại.