VNTB: Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4/2015 của Chính phủ VN vừa đề ra một nhiệm vụ mang tính thống thiết: yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước để bổ sung vốn đầu tư phát triển, bảo đảm an toàn tài chính tiền tệ quốc gia.
Có thể cho rằng đây là lần đầu tiên từ nhiều năm qua, đặc biệt là từ đầu năm 2011 khi chính sách tài chính tiền tệ bị co thắt đột ngột, cơ quan chính phủ phải cầu cứu tới biện pháp dùng quỹ dự trữ ngoại hối để bù đắp tình trạng thiếu hụt trầm trọng của ngân sách.
Dự trữ ngoại hối vẫn được Ngân hàng nhà nước và Chính phủ xem là một niềm tự hào của nền tài chính VN nhằm phục vụ cho mục tiêu chống lạm phát và khủng hoảng kinh tế, với con số đã đạt đến 34 tỷ USD trong thời buổi suy thoái kinh tế quá ư trầm trọng.
Tuy nhiên, nghịch lý quá lớn là trong khi Ngân hàng nhà nước quá thu vén việc tích lũy ngoại tệ, ngân sách lại cạn kiệt rất nhanh. Nếu vào đầu năm 2014, lần đầu tiên Thủ tướng Dũng phải ra trước Quốc hội xin nâng trần bội chi ngân sách từ 4,7% lên 5,3%, thì cho tới nay, lời hứa hẹn nâng lương cho cán bộ công chức kéo dài suốt mấy năm vẫn chưa thể thực hiện được.
Thậm chí, nguồn cơn chủ yếu dẫn đến cuộc biểu tình của 90.000 công nhân Pou Yuen ở TP.HCM và lan ra một loạt tỉnh lân cận là nỗi lo sợ không hề trừu tượng của công nhân về chuyện ngân sách không còn tiền để chi trả bảo hiểm xã hội suốt đời.
Trong khi đó, quốc nạn tham nhũng và chi tiêu công ồ ạt vẫn không hề thuyên giảm. Ngay cả những tỉnh nghèo phải xin gạo cứu đói vẫn không ngớt mọc lên các công trình xây trụ sở công quyền ngàn tỷ….
Chưa biết Quốc hội – cơ quan được quyền “quyết” về cơ chế sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối – sẽ có ý kiến ra sao trước đề xuất “dùng ngoại hối bù ngân sách” của phía chính phủ.
Tin liên quan: Chính phủ yêu cầu đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước để bổ sung vốn đầu tư phát triển, bảo đảm an toàn tài chính tiền tệ quốc gia.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4/2015.
Theo đó, liên quan đến lĩnh vực ngân hàng tài chính, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi diễn biến kinh tế thế giới, kinh tế vĩ mô, cán cân thanh toán quốc tế và thị trường ngoại tệ,chủ động điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là lĩnh vực nông nghiệp.
Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước để bổ sung vốn đầu tư phát triển, bảo đảm an toàn tài chính tiền tệ quốc gia.
Bên cạnh đó, yêu cầu NHNN thực hiện có hiệu quả Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.
Liên quan kế hoạch đầu tư, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, cơ quan, địa phương xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020; tổ chức thẩm định và dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 theo quy định của Luật Đầu tư công, trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 8 năm 2015.
Bộ Kế hoạch đầu tư cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và các dự án đầu tư có giá trị gia tăng lớn.
Bộ Tài chính được yêu cầu tổ chức hướng dẫn, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 21/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước năm 2015; thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước; điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, đúng quy định. Quản lý chặt chẽ nợ công, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nợ công, cơ cấu lại nợ công.
Chính phủ đồng thời yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường vốn. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan. Tăng cường quản lý giá, nhất là giá các mặt hàng liên quan trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng.