VNTB – Thiên hạ luận: Dồn khó về dân

VNTB – Thiên hạ luận: Dồn khó về dân

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Dịch giã không mới xảy ra và cũng không thể hết ngày mai hay mốt…

 

Tình trạng phức tạp đã tái diễn lần thứ tư suốt gần hai tháng nay rồi mà. Thế rồi đùng một cái, chính ngọ ngày 8-7, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đưa ra lệnh ‘lạnh tanh’: kể từ 0 giờ ngày 9-7, dừng bán vé số. Tỉnh Bình Dương cũng học tập theo, cũng lệnh ‘dừng bán vé số’.

Đến đầu giờ chiều, ‘xì’ thêm một lệnh nữa là kể từ 0 giờ ngày 9-7, cấm luôn các hàng quán ăn uống việc “bán mang về”. Vé số thì chưa ôm, nhưng các ông, bà chủ hàng quán thì phải trữ nguyên vật liệu trước, giờ coi như họ ‘ăn hết’, hoặc ‘hâm tới – hâm lui’ để dành ăn suốt 14 ngày ‘lockdown’.

Vậy cớ gì cứ phải lệnh bất ngờ sát giờ chót mà không báo trước 3 ngày, 5 hôm cho đỡ quá tải siêu thị, dịch vụ, kể cả lực lượng chức trách?. Đặc biệt là người dân khỏi phải cuống cuồng, khốn khổ tìm mua nhu yếu phẩm cho gia đình, đối diện nguy cơ lây lan dịch bệnh. Quán xá bán thức ăn mang đi cũng dừng nhập hàng để khỏi phải mếu máo ôm cả đống đồ không thể bán được.

Cho dân thời gian nhiều hơn để chuẩn bị điều kiện phòng chống dịch có phải tốt hơn không?

Dự báo, tầm nhìn, kế hoạch ở đâu?

Muốn thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch, thì hãy cố gắng an dân trong mọi khả năng còn có thể. Ví dụ như sẽ đúng đạo và hợp tình, thì lúc này các tỉnh nên để cho dân mình ở TP.HCM về rồi cách ly, xét nghiệm xong cho họ sum họp gia đình.

TP.HCM sắp dừng hàng loạt ngành nghề mà bà con nghèo xa quê kiếm sống như bán vé số, chạy grab, lượm ve chai, buôn gánh bán bưng, hàng rong… Giờ có nơi không muốn họ về quê, mà ở lại thành phố thì ngốn tiền như máy xay này họ sẽ xoay xở thế nào? Đành rằng tỉnh nào cũng sợ dịch nhưng chẳng lẽ để Sài Gòn đã “trọng thương” rồi lại phải gồng gánh nữa sao?

Ai muốn về nên đón họ về, vừa là trách nhiệm cũng cả nghĩa tình, san sẻ bớt cho Sài Gòn và thật ra bao năm đầu tắt mặt tối ở Sài Gòn họ cũng gửi ít nhiều về quê. Chứ chống dịch mà cứ đẩy khó hết cho tỉnh thành bạn, hay mặc kệ dân mình thì ai mà chẳng làm được.

Đừng thấy lúc bình an, sung túc thì coi người từ Sài Gòn về như khách quý còn hoạn nạn thế này lại đối xử thiếu cả tình lẫn lý. Người trong một nước còn thương nhau cùng huống hồ chung tỉnh thành?

Ở góc nhìn khác, đây có thể là bổn phận của ‘bề trên’.

Ý kiến tầm vĩ mô hơn đã cho rằng lẽ ra với tụng xưng về người được cho là ‘giỏi nhất’ là “tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng” ghi hẳn hòi ở Quy định khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải có chỉ đạo Quốc hội cần rốt ráo xây dựng dự luật về tình trạng khẩn cấp, một mặt để Nhà nước có quyền can thiệp, mặt khác bảo vệ quyền tự do và sinh mạng của dân.

Lẽ ra, nếu thực sự Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là chính khách “tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng”, thì có nghĩa bộ máy chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng ghi ở Điều 4, Hiến pháp, sẽ được yêu cầu làm các việc tối thiểu sau đây trong thời dịch giã Covid kéo dài đã 2 năm: Giải thích cho dân hiểu về lợi ích tiêm chủng song song với việc mua vắc xin, tổ chức tiêm. Tiếp theo là bảo vệ quyền lợi của dân. Nhà nước phải làm hết sức chặt chẽ để chống vắc xin giả, hết hạn. Nếu quy trình y tế sai, không an toàn, xảy ra hậu quả bất lợi thì người dân có quyền đòi bồi thường.

Tiếc là tất cả những vấn đề pháp lý như vậy chưa từng được đặt ra ở quy mô 75 triệu người. Đây là ví dụ đặc biệt để thấy Việt Nam đáng ra phải có luật về tình trạng khẩn cấp, một mặt để cho Nhà nước có quyền can thiệp, nhưng mặt khác lại bảo vệ quyền tự do dân sự và sinh mạng của dân.

Tiêm phòng vắc xin sẽ không chỉ có Covid-19 mà còn những bệnh tiếp theo có thể xảy ra, nên đây là công việc thường trực, sứ mệnh của Nhà nước. Phải định nghĩa lại vai trò của Nhà nước theo nghĩa Nhà nước kiến tạo, khởi nghiệp ở chỗ nâng đỡ từ sáng tạo tư nhân, nhưng có những cam kết chặt chẽ.

Một chút luận bàn về “tình trạng khẩn cấp”.

Trong điều kiện khẩn cấp, quyền lập pháp, tư pháp phải nhường cho hành pháp và các quyền con người bị hạn chế, nhưng bản thân hành pháp cũng phải theo một trình tự nhất định nhằm bảo vệ quyền con người trong tình huống khẩn cấp của phòng chống Covid-19.

Tương lai, Covid-19 sẽ không phải là đại dịch duy nhất mà còn có đại dịch, bệnh truyền nhiễm khác. Vì vậy, việc đầu tư vào chiến lược bài bản và dài hạn rất quan trọng. Luật về tình trạng khẩn cấp sẽ góp phần thúc đẩy về yêu cầu của chiến lược bài bản này để bảo vệ quyền tự do và sinh mạng của dân – bao gồm cả người dân đang chịu cảnh tù đày phải đối mặt với dịch Covid ở hiện tại.

***

Chiều ngày 8-7, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, ông Lữ Quang Ngời đã ký công điện khẩn số 3657 yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị tiếp nhận người về từ TP.HCM và tăng cường biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu thực hiện nghiêm các giải pháp ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị tích cực. Đặc biệt lưu ý thực hiện các quy định về giãn cách, khoanh vùng; tránh tình trạng khoanh rộng bên ngoài, lỏng lẻo bên trong; phải tổ chức tốt việc cung cấp lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế, giãn cách xã hội.

Chính quyền địa phương sẽ theo dõi, vận động các trường hợp nêu trên thực hiện cách ly tập trung, nếu việc cách ly tại nhà không đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)