Hiền Vương
(VNTB) – Bộ Chính trị nên chọn vắc xin Vero Cell để chích cho toàn bộ đảng viên cấp ủy từ trung ương đến địa phương làm gương, để dành các loại vắc xin nhập về từ Âu Mỹ cho toàn bộ dân chúng Việt Nam.
Cả tuần lễ nay, ngày nào người dân cũng nhận tin nhắn qua điện thoại kêu gọi đóng góp vào Quỹ vắc xin phòng COVID-19 do Kho bạc Nhà nước quản lý. Không chỉ tin nhắn, mà mỗi khi bắt đầu kết nối ‘thông tuyến’ trong các lần gọi điện thoại, người dân luôn buộc phải nghe trước tiên về lời kêu gọi đóng góp vào quỹ vắc xin này.
Có ý kiến tương tự như vụ ông nghệ sĩ hề Hoài Linh đang đi cứu trợ bão lụt năm 2020 tại miền Trung, vào dịp hè nắng rát da năm 2021, rằng để tránh trái khoáy như vậy trong mục đích ‘giải ngân’, người dân khi đóng góp tiền bạc vào quỹ này, họ có được quyền yêu cầu là không dùng số bạc ấy để mua vắc xin của Trung Quốc về chích ngừa cúm Tàu cho dân chúng Việt Nam?
Lo lắng trên xuất phát từ chuyện lúc ra mắt Quỹ vắc xin phòng COVID-19, phía Bộ Tài chính đã ‘rao’ rất đỗi chung chung vầy: Quỹ được thành lập với mục tiêu tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp trong nước và ngoài nước để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước để tiêm chủng cho người dân.
Dự kiến, Việt Nam cần mua 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25,2 nghìn tỉ đồng.
Bộ Tài chính khẳng định toàn bộ số tiền do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện sẽ được tập trung đầy đủ, kịp thời về Quỹ vắc xin phòng COVID-19; trong trường hợp cần thiết sẽ có thanh tra, kiểm toán theo quy định. Quỹ được hoạt động công khai, minh bạch dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng và sẽ công khai để nhân dân biết, giám sát…
Bộ Tài chính không cho biết sẽ lựa chọn đàm phán mua những thương hiệu vắc xin nào, và quyền lựa chọn vắc xin lúc chích của công chúng ra sao? Ngay cả khi có lệnh ‘chích cưỡng bức’, thì nếu người dân kiên quyết từ chối vắc xin nào đó, liệu họ có bị buộc tội hình sự hay không?
Nếu người dân chưa rõ về ‘quyền lựa chọn’, thì chắc chắn quyền này phải có đối với doanh nghiệp tự bỏ tiền túi ra để nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19 về để ‘chích dịch vụ’ đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ngày 2-6, Bộ Y tế công bố danh sách 36 doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển vắc xin ở Việt Nam. Về lý, các doanh nghiệp này được quyền nhập khẩu vắc xin. Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết sẽ tạo điều kiện khi các doanh nghiệp, hiệp hội tìm được nguồn vắc xin ngừa COVID-19, nếu vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê chuẩn, việc xem xét hồ sơ chỉ kéo dài 5 ngày.
Vắc xin Vero Cell của Trung Quốc đã được WHO phê chuẩn nên có cơ sở để Việt Nam lựa chọn nhập về chích.
Đó là về lý. Thế nhưng thị trường Việt Nam có chấp nhận hay không lại là một chuyện rất khác. Bởi nếu nhập về để ‘chích dịch vụ’ nhưng dù giá rẻ đến đâu thì người dân vẫn ngại ‘chất lượng Tàu’, để rồi họ ráng chạy vạy ‘mượn tiền góp’ chẳng hạn, để chọn chích vắc xin của Mỹ, của Anh, thì hóa ra đây là cú áp phe làm ăn nghiêng về hướng ‘thua thấy rõ’ của cả 36 doanh nghiệp đang được cấp phép nhập khẩu vắc xin (?!).
Còn nếu đây là yêu cầu nhập vắc xin Vero Cell với lý do nhạy cảm chính trị, ắt hẳn sẽ thuyết phục niềm tin công chúng hơn, khi Bộ Chính trị thông báo toàn bộ đảng viên cấp ủy từ trung ương đến địa phương sẽ ưu tiên chích vắc xin Vero Cell, và để dành các loại vắc xin khác nhập về, hoặc nguồn viện trợ từ Mỹ sẽ chích cho toàn bộ dân chúng Việt Nam.
Bởi, đó là yêu cầu của huấn thị “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác” – Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong bài báo “Phải theo đúng kỷ luật của Đảng”, đăng trên Báo Nhân Dân số 217, từ ngày 22 đến ngày 24-8-1954, bút danh “C.B”.
Xem ra nếu như có phải dùng tiền từ Quỹ vắc xin phòng COVID-19 để nhập vắc xin của Trung Quốc, thì ắt hẳn vì lợi ích của công chúng, Đảng sẽ chọn vắc xin Vero Cell để chích làm gương.