Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thư gửi học sinh trường Nguyễn Khuyến (Q.10): hãy “xả” khi còn có thể

Mẫn Nhi (VNTB) Các em yêu quý, các em hãy tận hưởng một chút quyền tự do cá nhân sau ba năm học của mình, như cách mà thầy Nguyễn Xuân Thảo, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Khuyến (quận 10, TP. HCM) xác nhận.

Các em hãy tin rằng, những đoạn clip ghi cảnh các em ném bột màu sẽ không phải là thứ để phán xét nhân cách của chính các em, mà những thứ sẽ phán xét các em chính là cách các em nhận thức về tình hình chính trị – xã hội nước ta, cách các em thực hành quyền và nghĩa vụ của mình.

Tôi tin rằng, sự chào mừng tuổi 18 của các em là vô giá, từ nay các em có quyền bầu cử nhưng hãy nhớ rằng, mỗi lá phiếu trên tay luôn là quyền chứ không phải nghĩa vụ. Điều đó có nghĩa, không có bất kỳ một ai có thể ép em bầu hoặc không bầu trong mỗi dịp bầu cử. Hệ thống bầu cử của Việt Nam sẽ thay đổi từng bước một, bắt đầu từ nhận thức về quyền bầu cử này.
Tương lai nằm trong tay các em, phụ thuộc vào cách các em “xả” thế nào trong cơ chế chính trị – xã hội hiện tại.
Tôi tin rằng, mỗi một em trong tuổi 18 có thể góp phần tạo nên một môi trường đại học thực sự khai phóng – nhân văn. Khi các em có quyền lên tiếng và chỉ trích nền giáo dục, chương trình học, thậm chí cách dạy học của giảng viên. Các em nên nhớ rằng, bản thân các em khi đủ 18 đã là thực sự tròn trịa của cái Tôi, nơi thầy cô nhìn nhận các em như những thực thể đã trưởng thành và cần được tôn trọng. Quan điểm, ý niệm không rập khuôn sẽ tạo cho các em những giá trị mà bản thân các em nhận ra – nó hoàn toàn giúp em sống trong bầu không khí tự do giáo dục, tự do vận động giáo dục hơn nữa. Các em trở thành chính các em, là bản thể con người chứ không phải là chuột bạch nữa.

Tôi tin rằng, từ nay các em có thể ý thức hơn về luật pháp, không sợ hãi khi đối diện với một anh CSGT ngoài đường vì em đã có đầy đủ giấy tờ xe, giấy phép lái xe. Không sợ hãi khi gặp một anh CSCĐ mà em không hề phạm lỗi lầm nào hết. Nhận thức về vị trí và vai trò của những “công bộc” đó, sẽ giúp cho em tạo thế đứng của mình. Không khúm núm, không luồn cúi, các em có thể đứng lên, bắt tay và đặt vấn đề với họ, làm việc với họ trên tư cách một công dân độc lập, không cần ban phát và sự van lơn nào cả.

Tôi tin rằng, tuổi 18 của các em cũng sẽ là một tuổi đẹp đẽ, các em không cần phải nối bước một con đường “cách mạng” nào cả, bởi tự bản thân các em đã là “cách mạng” của chính trị. Các em có thể nhắm mắt, bịt tai, giữ kín miệng trước một sự biến động nào đó. Đó là quyền của các em, là quyền được thực hành “cách mạng” hoặc thậm chí từ chối cách mạng. Hãy cho mình một điểm tựa, nơi mà các em có thể nhìn vào và nhận ra bản chất của sự kiện đó là gì, nếu có sự lưu tâm, các em hãy lên tiếng và cách mạng hoá sự kiện đó theo đúng quan điểm cá nhân của mình. Tất nhiên, đó là một phương thức “cách mạng” ôn hoà, không bạo lực.

Tôi tin rằng, tuổi 18 có thể cho phép các em hiểu hơn khi hát một câu hát nhạc vàng, nhạc đỏ, nhạc xanh, thậm chí là nhạc trắng. Không ai có thể bắt ép các em phải từ bỏ “Con đường xưa em đi” để hát vang bài ca “Màu hoa đỏ”, bởi đó là cuộc sống của các em, cá nhân của các em, là sự thụ hưởng một đời sống tinh thần tự do ở các em. Các em hãy biết rằng, một thực thể con người sở dĩ họ tồn tại được, bởi vì họ tư duy được. Tư duy cho biết đúng sai, nhưng xa hơn cả tư duy là sự cảm xúc – là cái vốn quý một đời người, là cái làm cho con người cố kết như một cộng đồng, biết rơi lệ trước bạo lực và biến nó thành sức mạnh để chống bạo lực. Không ai được phép chạm vào cảm xúc các em như cách bắt các em phải hát bài này và từ bỏ bài kia.

Tôi tin rằng, 18 tuổi đủ để khiến các em có đầy đủ tư cách hơn trong nhìn nhận lại lịch sử nước nhà, là nội chiến hay giải phóng, là nhân vật đáng tội hay là một chí sĩ công thần, là bước ngoặt hay thụt lùi,… Chiến tranh Trung Quốc, chiến tranh Campuchia, chiến tranh Mỹ,… tất cả phải được nhận thức lại, đầy đủ hơn, toàn diện hơn những trang sách bị bó khuôn mà thời THPT các em đã từng học. Các em có đầy đủ cơ hội với internet để cung cấp cái nhìn như vậy, và tôi hiểu rằng, nó sẽ là một hành trang quý giá để các em bước vào một tương lai – kiến tạo nó trở nên rõ ràng hơn, bền vững hơn. Bởi nắm vững lịch sử mà không bị bôi xoá, xuyên tạc sẽ là ánh sáng chỉ đường cho cả 1 tương lai. 

Tôi tin rằng, tuổi 18 các em sẽ vào đời với những biến động phức tạp hơn về môi trường – chính trị – kinh tế – xã hội. Hãy hiểu rằng, các em đang mang trên mình món nợ mà các em không tự gây ra, món nợ đó các em buộc phải trả, và trả bằng cách nào là nằm ở thái độ cũng như lựa chọn của các em. Các em cũng có thể xây dựng cho mình một tương lai tốt đẹp hơn, nơi các em có thể đến vùng biển Thiên Cầm (Hà Tĩnh) để đắm mình trong màu xanh của biển, đến Sơn Trà để lắng nghe tiếng Vọc kêu, hay về đến ĐBSCL để nhìn cánh lúa bạt ngàn,… điều đó sẽ diễn ra trong tương lai, khi các em biết cách tái tạo nó hiện tạo. Lên tiếng phê phán những quan điểm sai trái về phát triển kinh tế, lên tiếng phán đối đổi môi trường lấy đầu tư,… là một trong những bước đi đầu như thế.

Tôi tin rằng, tuổi 18 các em thật đẹp. và hãy làm những gì thuộc về quyền của các em. Đó là điều quan trọng. Nhưng cách các em phóng bột màu vào cổng trưởng, nhiều người lên án, nhưng những ai hiểu về quyền con người, thì họ im lặng, bởi đó là quyền tự do cá nhân.

Tương lai nằm trong tay các em, phụ thuộc vào cách các em “xả” thế nào trong cơ chế chính trị – xã hội hiện tại.

Tin bài liên quan:

VNTB – Các nhà xuất bản sách Hồng Kông hoảng sợ: sách chính trị Trung Quốc bị rút khỏi kệ

Phan Thanh Hung

Tọa đàm Kinh tế Việt Nam 2015: Nạn tham nhũng là trở ngại lớn nhất khi hợp tác kinh doanh

Phan Thanh Hung

VNTB – Người Việt háo hức trước Thông điệp Liên bang Mỹ?*

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.