Đông Đô
(VNTB) – Bị cáo Phạm Trung Kiên và gia đình đã hoàn lại 35 tỷ đồng trong tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng nhận hối lộ.
Sau khi bị đề nghị án tử hình với cáo buộc nhận hối lộ lên tới 42,6 tỷ đồng trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, khóc, xin được xem xét hưởng khoan hồng.
Luật sư của bị cáo Phạm Trung Kiên cho biết sáng ngày 18-7-2023, vợ bị cáo Kiên đã nộp thêm 8 tỷ đồng để khắc phục cho hành vi của Kiên. Cùng với đó, đồng thời, gia đình đã có đơn gửi Hội đồng xét xử về căn hộ ở Khu đô thị Royal City (Hà Nội) thế chấp, mong muốn được phát mại để bồi thường.
Trước khi Viện Kiểm sát Nhân dân công bố bản luận tội, trong số hơn 42,6 tỷ đồng nhận hối lộ, Kiên đã chủ động trả lại các doanh nghiệp khoảng 12 tỷ đồng, ngoài ra, gia đình bị cáo nộp thêm 15 tỷ đồng để “khắc phục hậu quả” (*). Như vậy, bị cáo và gia đình bị cáo đã hoàn lại 35 tỷ đồng trong tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng nhận hối lộ.
Điều 5 của Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định trường hợp người phạm tội tham ô tài sản hoặc nhận hối lộ chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn, thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.
Bị cáo Phạm Trung Kiên được luật sư bào chữa là có thái độ thành khẩn, nhận thức được hành vi phạm tội. Trong quá trình công tác, Kiên nhận nhiều bằng khen, đặc biệt trong khoảng thời gian chống dịch đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, giấy khen. Người bào chữa cho cựu thư ký thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên mong muốn Hội đồng xét xử xem xét thêm tình tiết Kiên tự thú.
Như vậy, với quy định người phạm tội phải đồng thời có cả 2 điều kiện “cần” và “đủ” để không bị áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt bị truy tố.
Tình huống pháp lý đặt ra, đó là giả dụ như bản án hình sự sơ thẩm tới đây được tuyên mức chung thân đối với bị cáo Phạm Trung Kiên nhờ vào hai yếu tố giảm nhẹ phù hợp quy định là nộp lại ít nhất 3/4 tài sản nhận hối lộ, và tự thú.
Song, như ý kiến của công tố lúc luận tội là cần xem xét trách nhiệm của thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, cho thấy để giảm thiểu rủi ro về số phận pháp lý của mình trong chuyện “thành khẩn”, có lẽ ông Phạm Trung Kiên sẽ không kháng cáo trình tự phúc thẩm; bởi rất có thể nếu mai đây lẽ gì đó mà cơ quan điều tra phát hiện ra hành vi vi phạm trong vụ “chuyến bay giải cứu” trên cương vị thứ trưởng Y tế của ông Đỗ Xuân Tuyên, vậy thì có phải tình cảnh oái oăm của “Lê Lai cứu Chúa” phiên bản Hà Nội 2023?
Với tình huống pháp lý ở trên cho thấy pháp luật hình sự của Việt Nam cần một tu chỉnh phù hợp, đó là cần bổ sung quy định hoãn thi hành án hình phạt tử hình trong một khoảng thời gian nhất định.
Có thể tham khảo Điều 48 Bộ luật hình sự Trung Quốc quy định về hoãn thi hành hình phạt tử hình 02 năm khi xét thấy không cần thiết phải thi hành ngay lập tức.
Sau khi hoãn thi hành án 02 năm thì các cơ quan tố tụng đánh giá về tình hình của người bị kết án để xử lý theo một trong ba trường hợp sau: (1) Trong thời gian hoãn thi hành án phạt tử hình nếu người bị kết án không cố ý phạm tội mới sẽ được giảm hình phạt từ tử hình xuống chung thân; (2) Trong thời gian hoãn thi hành án phạt tử hình nếu người bị kết án lập công lớn sẽ được giảm hình phạt từ tử hình xuống thành hình phạt tù từ 15 năm đến 20 năm; (3) Trong thời gian hoãn thi hành án phạt tử hình nếu người bị kết án cố tình phạm tội, được xác minh là đúng sự thật thì tòa án ra phán quyết hoặc phê duyệt thi hành hình phạt tử hình.
_______________
Chú thích:
(*) Về pháp lý thì đây không phải là “nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án”, tức đã nói hậu quả thì buộc phải nói đến bị hại, nạn nhân đầu tiên, trực tiếp của vụ án này: những người mua vé “chuyến bay giải cứu” cao chót vót là đối tượng chính đáng, đầu tiên, duy nhất nhận lại tiền khắc phục hậu quả gây ra với họ này.
Trong khi đó, việc giá vé thông thường bị nâng lên quá mức – hậu quả của những cuộc ăn chia, hối lộ bạc tỷ đồng, bạc triệu đô la – có được hoàn lại hay không chưa rõ, chưa thấy ai nói tới. Vậy số tiền các bị cáo nộp lại hiện giờ phải nói là “nộp lại tiền hối lộ và nhận hối lộ”.
Còn nói “nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án”, tức các bị hại thực sự nhưng không có mặt ở phiên tòa có thể nghĩ đến việc nhận lại phần nào số tiền mình bị thu quá mức kia.
Trong vụ này, hành khách “chuyến bay giải cứu” là nạn nhân của hậu quả, là bị hại chứ không phải nhà nước, càng không phải tòa án.
Tiền của dân nên trả lại cho dân.