Phú Nhuận
(VNTB) – Thực tế là số người nghỉ việc có nguyện vọng rút tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần vẫn đang tăng, không chỉ vì dịch giã.
Theo con số của tổ chức BHXH Việt Nam, chỉ trong quý I/2022, đã có hơn 200 ngàn người được giải quyết hưởng BHXH một lần. Con số này lớn hơn cùng kỳ năm 2021, thời điểm dịch Covid-19 đang ảnh hưởng mạnh tới việc làm và thu nhập của người lao động.
Một lãnh đạo BHXH thành phố Thủ Đức giải thích, theo quy định, người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc, mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH, khi có yêu cầu, được nhận một lần. Trong khi đó, từ cuối tháng 4 năm ngoái, là thời điểm TP.HCM bùng đợt dịch lần thứ 4, nhiều lao động nghỉ việc.
Theo BHXH TP.HCM, số người lao động nhận trợ cấp BHXH một lần trong tháng 3 là 12.033 người, lũy kế từ đầu năm 2022 đến nay là 30.874 người, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Tính ba tháng đầu năm, toàn thành phố có hơn 37.000 người nộp hồ sơ nhận trợ cấp một lần, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2021.
“Thời điểm đó tôi mới sinh cháu thứ 2, điều kiện kinh tế của gia đình rất khó khăn, thiếu thốn, trong khi đó, cần rất nhiều tiền để trang trải các chi phí sinh hoạt, nhất là chăm sóc 2 con. Tôi không muốn vay mượn bên ngoài nhiều, vì vậy, quyết định rút BHXH một lần” – bà Đỗ Thị Thu Hoài, sinh năm 1985, lý giải nguyên nhân.
Hơn nữa, do con còn nhỏ, ông bà nội – ngoại hai bên không sắp xếp được để trông giúp cháu, nên bà Hoài không thể tiếp tục đi làm việc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản. Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động 1 năm, bà làm hồ sơ rút BHXH một lần.
Được 20 triệu đồng tiền “bán lúa non”, bà Hoài dùng để trang trải quãng thời gian khó khăn đó. Bà Hoài nhìn nhận nếu không có khoản BHXH một lần đó, không biết sẽ xoay xở ra sao.
Việc tăng tuổi nghỉ lương hưu cũng là nguyên nhân khiến người lao động rút một lần vì chưa lĩnh lương hưu thì bệnh tật mất rồi. Chưa kể mức hưởng lương hưu thấp, đa phần người lao động là công nhân nhà máy họ đóng ở mức không cao, dù cho có lãnh lương hưu cũng không đủ sống, nên thà rút ra tìm cơ hội.
Xin nêu một số ý kiến cụ thể từ ‘người trong cuộc’ đáng quan tâm:
“Tăng tuổi hưởng lương hưu đối với người lao động trực tiếp thì rút bảo hiểm một lần là tất yếu, doanh nghiệp kinh doanh thì luôn muốn sa thải những người lao động trên 45 tuổi để nhận lao động trẻ hơn mà tuổi được hưởng lương thì lại tăng cao. Người lao động ăn gì, xin việc ở đâu để chờ đến tuổi được cầm sổ hưu?”;
“Không có chính sách hỗ trợ, lại không cho rút bảo hiểm, vậy trước mắt người lao động sống thế nào để đợi được đến cái ngày nhận lương hưu? Mà không làm ra tiền thì cũng phải dừng đóng bảo hiểm, vậy đến khi về hưu thì lương được mấy đồng? Mặt khác tiền BHXH là của người lao động, sao lại không cho họ lấy lại?”;
“Công nhân không thuộc khối doanh nghiệp nhà nước thì khoảng hơn 50 tuổi đã bị cho thôi việc rồi, vậy còn có công việc đâu mà đóng BHXH cho đến 62 tuổi? Cho nên ai cũng muốn rút 1 lần”;
“Theo tôi, BHXH cần có chính sách thừa kế lương hưu cho con cháu thêm ít nhất 5 năm nếu người thân của họ mất. Chứ đóng 30 năm BHXH mà mới nghỉ hưu xong mà xui rủi lăn đùng ra chết thì chẳng được gì cho người thân ngoài ít tiền tuất”;
“Một người 60 tuổi nghỉ hưu sau 30 năm đóng bảo hiểm. Nếu họ sống thì có thể được hưởng hưu 20-30 năm. Sau khi mất được ít tiền tuất cho con cháu. Nhưng nếu họ rút bảo hiểm 1 lần thì số tiền đó họ để vào ngân hàng vừa có lãi vừa để làm của hồi môn cho con họ. Nếu mà không sống thọ thì… ối trời ơi sau 30 năm đóng bảo hiểm mà được hưởng hưu có 2 năm, 5 năm, 10 năm thì thiệt quá. Tính như trên thì cách rút tiền 1 lần ăn chắc hơn. Còn để hưởng hưu thì chỉ là may rủi…”;
“Nói thật ai cũng muốn được lãnh lương hưu, nhưng bài toán sống bằng cái gì khi đến 62 tuổi mới được lãnh?. Trong khi nghề nghiệp ngoài biên chế nhà nước thì 55 tuổi khó ai thuê nữa, không giống làm trong ngành hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thì tuổi càng lớn thì cơ quan có thể chuyển người lao động làm việc phù hợp.
Do đó nếu biết tính toán thì nhà nước cho người lao động lãnh lương hưu khi đóng BHXH được 20 năm nếu người đó không làm việc được nữa, và mức lương hưu theo 1 tỉ lệ hợp lý, như thế quỹ BHXH vẫn vững bền vì không phải trả cho người lao động 1 lần. Số tiền còn lại đó nhà nước sẽ có lãi suất theo ngân hàng, từ đó người lao động sẽ hạn chế không rút về 1 lần như hiện nay”;
“Thực ra lời giải thích rất đơn giản. Nếu rút 1 lần thiệt hại hơn, thì người ta sẽ không rút. Nếu để lại có lợi ích hơn, người ta sẽ cân nhắc để lại. Tôi thấy hiện nay có 2 quan điểm cần được nghiên cứu.
Một là tại sao bảo hiểm nhân thọ có thời gian đóng tương tự thậm chí ít hơn BHXH, rủi ro cũng không nhỏ cho họ, nhưng họ vẫn trả đủ, trả với lãi hấp dẫn và không bị vỡ quỹ bao giờ?
Hai là điều thường gặp nhất chuyện lãnh đạo BHXH chỉ thấy kêu khó, kêu vỡ quỹ và giải thích bằng nhiều lý do khác nhau, rồi cuối cùng giải pháp đưa ra là ngăn người lao động rút số tiền vốn là của chính họ! Vậy tại sao bảo hiểm nhân thọ có lãi?”…