VNTB – Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống

VNTB – Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống

Người Tân Định

 

(VNTB) – Tiền có khi vào đi nhà trống rồi mất tiêu, nhưng thường bị bọn bất lương chận cướp ngay ngoài cửa.

 

Người Việt Nam có câu thành ngữ: “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. Nhà nghèo có biết bao việc phải tiêu, tiền vào cửa trước, thoát ra ngay cửa sau, mất tiêu! Không nói tới tiền chưa kịp vào đến nhà đã bị chủ nợ hay bọn bất lương, bọn ăn cướp ăn chặn.

Hai chữ nghèo-hèn thường đi đôi bất cứ trong xã hội nào. Người nghèo thuộc giai cấp bị khinh rẻ, bắt nạt, đã nghèo thì hèn. Hèn nên nhũn như con chi chi, ai cho gì thì cúi rạp đầu tạ ơn, ai chửi bới cũng không dám cãi lại, ai đánh đập cũng lầm lũi chịu đựng, của cải thậm chí vợ con bị cướp cũng chỉ biết đấm ngực kêu trời. Người cộng sản gọi họ là giai cấp vô sản. Những người  thuộc giai cấp công nhân, người lao động không có tư liệu sản xuất, phải làm thuê, 

Chủ nghĩa ‘cộng sản nhân đạo’ nhằm giải thoát giai cấp vô sản này. Người cộng sản hãnh diện tự nhận mình là người vô sản, người mang tinh thần quốc tế vô sản.

Việt Nam gần 100 năm có đảng cộng sản, đảng của giai cấp vô sản, nhận sứ mệnh tranh đấu giải thoát người vô sản và hơn nửa thế kỷ qua có chính quyền trong tay đảng vẫn không thể ‘nâng cấp’ được những người mà đảng luôn gọi là đối tượng để giải phóng, đưa họ đến thiên đường cộng sản. 

Ngược lại giai cấp này càng ngày càng đông hơn, sự cách biệt giàu nghèo càng ngày càng xa. Báo chí chính thống mấy ngày qua nói tại Tp. HCM có khoảng 230 ngàn người hoàn toàn chỉ kiếm sống bằng việc bán sức lao động, sự sống còn của họ phụ thuộc vào nhu cầu lao động, tức là vào tình hình chuyển biến tốt hay xấu của công việc làm ăn, vào những sự biến động xã hội. Chính quyền cho áp dụng chỉ thị 16 vào tình hình dịch bệnh toàn Tp. HCM trong 15 ngày, mọi người đều ở nhà, mọi việc đều ngừng trệ hoặc tạm thời đóng lại, hơn 230 ngàn người, hơn nhiều lần dân số của vài thành phố của VN, trước vẫn chỉ loi ngoi nay  bỗng nhiên như nằm rạp bất động  dưới đáy tầng xã hội.

Chính quyền tự nhận là của người vô sản vội tung ra gói hỗ trợ lần 2 cho Tp. HCM trị giá 886 tỷ đồng trong đó có một phần dành cho những người này. Gói cứu trợ lần này được các giới chức cao nhất của thành phố hứa hẹn kịp thời, công khai, đúng đối tượng, không để lợi dụng chính sách”. Liệu đợt cứu trợ này sẽ đến tay những người đang mệt mỏi, kiệt sức  theo đúng lời hứa không?

Gói hỗ trợ lần 1 mấy chục ngàn tỷ hứa hẹn từ giữa năm trước chính phủ vẫn giữ chặt hầu bao, lờ tít, và cho đến nay vẫn không một lời giải thích về sự chậm trễ hay thậm chí chẳng bao giờ đến tay dân. Lần này Tp. HCM cho biết sẽ giải quyết đơn xin trợ cấp của mỗi người  từ 5-7 ngày và giải quyết rốt ráo vào tháng 8 cho mọi người có tiền tiêu. Người ta có quyền nghi ngờ về điều này vì tính lề mề, quan liêu, lười biếng của đám thư lại nhà nước, cho đến tính khệnh khạng hách dịch của anh gác cổng công sở. Hơn thế nữa với 230 ngàn người sống rải rác trên lề đường, dưới gầm cầu, sâu tít trong các căn nhà không số, phải điền nhiều tờ đơn rồi chuyển qua các quan chức phường khóm, quận huyện để có được chữ ký, con dấu xác nhận đủ điều kiện. Không tưởng được họ sẽ nhận được tiền “kịp thời” để sống sót.

Hoài Minh, người có câu hỏi qua bài viết của báo Tuổi Trẻ[*] viết: “Em ở trong dãy nhà trọ, nói là sẽ rà soát danh sách từ cấp xã phường nhưng qua 2 đợt dịch rồi em chẳng thấy tờ giấy nào từ phường. Thật sự, nghe hỗ trợ từ nhà nước thì rất mừng nhưng lại chưa bao giờ em nhận được vì bên tổ dân phố đâu có đi đến chỗ em đâu. Mong nhà nước có phương hướng đăng ký gói hỗ trợ hợp lý hơn. Nhà em 4 nhân khẩu, ở nhà cũng hơn 1 tháng rưỡi nay, đi làm thì không được mà tiền trọ vẫn phải đóng đều đều, thậm chí tiền tăng vì ở nhà nên sử dụng điện nước nhiều hơn.

Đúng là gói cứu trợ này được công khai trên báo chí, từ ngay miệng quan lớn, nhưng như lời Hoài Minh trên, nó không công khai, nó tắc nghẹt trong miệng quan toàn quyền tổ dân phố, dẫn đến việc phúc lợi xã hội, nếu có, đến tay  những người không đúng đối tượng như vụ dê hộ nghèo “lạc” vào nhà Bí thư Huyện ủy. Năm 2015, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa đã hỗ trợ các hộ nghèo của huyện Thạch Thành 24 con dê để phát triển chăn nuôi. Xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, được chọn làm nơi cấp phát dê đợt 1 và các đối tượng được thụ hưởng là hộ nghèo.

Tuy nhiên, chỉ một nửa số dê được trao đúng đối tượng, 12 con còn lại được 2 người là cháu ruột của ông Đỗ Minh Quý – Bí thư huyện ủy Thạch Thành và một cán bộ địa chính xã ký nhận, sau đó đưa thẳng vào trang trại của ông Đỗ Minh Quý”. Không phải chỉ lần này, còn hàng trăm, hàng ngàn, trăm ngàn vụ khác lớn hơn, nữa trầm trong hơn nữa, nó nằm trong hệ thống không công khai dẫn đến tham nhũng của chính quyền, của ĐCSVN

Cũng trên trang báo Tuổi Trẻ đó, Phong Lê viết: “Tôi hiện sống tại tổ 51, đường Bình Lợi, phường 13, Bình Thạnh bán hàng rong vỉa hè, có sổ tạm trú tại địa phương. Nhưng tổ trưởng tổ dân phố nói không đủ điều kiện nhận gói hỗ trợ nên không lấy danh sách. Vậy người lao động biết làm sao?” Không đơn giản  tổ trưởng dân phố nói không đủ điều kiện để từ chối mang phúc lợi đến tay dân, đây là đầu mối dẫn đến lợi dụng chính sách để cả một tập đoàn ăn cướp của dân nghèo.

Tổ trưởng, công an khu vực hay các ban bệ của phường, xã đến nhà dân, yêu cầu tất cả mọi người làm đơn sau đó họ thông báo đến nhiều hộ gia đình là không đủ điều kiện với cả đống lý do. Người dân sợ chính quyền, sợ bị trả thù, cúi mặt lặng thinh hay cùng lắm chửi như cách AQ của Lỗ Tấn, hay rủa mấy câu mong luật  nhân quả của nhà Phật đến với ‘bọn chó má’ càng sớm càng tốt. Những người đủ tiêu chuẩn là bà con quan chức, ban bệ trên Phường xã, quận huyện, thành phố. Điều hiển nhiên này ai cũng biết.

Một chuyện xảy ra mới đây mà người viết bài này xin phép dấu tên những người liên quan và địa chỉ câu chuyện, vì người kể sợ liên lụy cá nhân và mất quyền lợi tập thể.

Buôn A từ trước đến nay chưa hề có trường cấp 1, học sinh phải đi hàng chục cây số đến trường. Đầu năm tỉnh cho 300 triệu xây trường học. Huyện gọi trưởng buôn đến cho biết một cách “rất công khai” rằng đây là công trình nhà nước nhân dân cùng làm, trong số 300 triệu, huyện sẽ trích cho quỹ xã hội huyện 20%, Xã sẽ lấy 20% và buôn sẽ phải góp tiền mua đất xây trường học. Giá đất là 20 triệu. Buôn phải lo có đất sớm, nếu không kịp, dự án xây trường sẽ bị đưa qua buôn khác. Nhờ một tổ chức từ thiện nước ngoài dân buôn đã có đủ tiền xây trường. Từ huyện, xã đến buôn đều hả hê về sự quan tâm của chính phủ.

Tiền có khi vào đi nhà trống rồi mất tiêu, nhưng thường bị bọn bất lương chận cướp ngay ngoài cửa.

*https://tuoitre.vn/goi-ho-tro-dung-bo-sot-mot-ai-20210708080027581.htm


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)