Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tôi đi siêu thị

Hoàng Mai

 

(VNTB) – Cái cảm giác đầu tiên khi trở lại siêu thị, vắng.

 

Vậy là đã gần 1 tháng Sài Gòn không còn giãn cách với quy định “ai ở đâu ở yên đó”. Đời sống, công việc của nhiều người nhanh chóng bắt nhịp trở lại với hơi thở năng động vốn có của thành phố….

Mặc dù cũng e ngại, nhưng vì những nhu cầu cũng như vật dụng thiết yếu, tôi bước chân vào siêu thị. Ngẫm nghĩ, ừ thì cũng lâu rồi nhỉ, ngót nghét 5 tháng chứ ít gì. Từ quãng thời gian với các ca nhiễm đầu tiên ở thành phố Thủ Đức, quận 7 rồi quận 3, là đã “né” ngay các siêu thị.

Rồi những ca nhiễm tăng nhanh càng làm cho tôi e ngại hơn khi bước chân vào siêu thị hay các trung tâm thương mại, những nơi kín cửa mở máy lạnh…

Cái cảm giác đầu tiên khi trở lại siêu thị, vắng. Không biết những siêu thị khác như thế nào nhưng không gian quen thuộc này, tự dưng buồn. Các cửa hàng thuê trong khuôn viên siêu thị, có nơi tạm đóng cửa (như khu vui chơi, khu dành cho trẻ em); có nơi bỏ trống kiot hẳn, không còn thương hiệu, không còn bàn ghế; các gian hàng cũng ít người mua hơn trước.

Thế mới thấy, cái chính sách chống dịch theo chỉ thị 16 được ký bởi cựu thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng như người thực thi quy định “ai ở đâu ở yên đó” một cách cứng nhắc là Vũ Đức Đam, ảnh hưởng như thế nào! Không chỉ là doanh nghiệp đình trệ, người nghèo thì càng khó khăn, buôn bán nhỏ thì khốn đốn.

Yêu cầu khách hàng vào siêu thị phải quét QR (có nơi, theo một số người phản ánh còn kiểm tra thêm chứng minh nhân dân/ căn cước công dân; giấy chứng nhận tiêm ngừa Covid-19), mới cho vào mua sắm.

Chắc là do tầm nhìn mình hạn hẹp, dĩ nhiên nếu yêu cầu thì làm, nhưng tôi thấy quét cái gọi là QR thật vô nghĩa.

Thứ nhất, là các mã QR có nhiều nơi vô cùng khó quét. Một thực tế ở một điểm tiêm ngừa mũi 1 Covid-19 vắc xin AstraZeneca ở quận Bình Thạnh, thủ tục là phải quét QR khai báo y tế, mã thì có nhưng quét hoài vẫn… không nhận.

Thứ hai, Việt Nam đã chủ trương sống chung với dịch, khó có thể theo đuổi Zero Covid. Mà Zero Covid, được nhiều người biết đến, là truy vết – xét nghiệm – cách ly tập trung để Covid-19 bị đẩy xuống gần nhất có thể bằng không thông qua các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt. Việc khai báo QR, nếu không nhằm mục đích truy vết khi có dấu hiệu xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng, thì còn mục đích gì khác?

Nhưng vấn đề đặt ra, truy vết để làm gì? Cho dù, trong khoảng thời gian đó, có ca nhiễm đi siêu thị đi chăng nữa, cũng chắc gì người bị truy vết tiếp xúc gần, không có biện pháp an toàn phòng dịch với ca nhiễm trong thời gian đó? Đấy là chưa nói đến việc phủ vaccine đã cao, bắt đầu sinh kháng thể và khống chế được tốc độ lây.

Thứ ba, nếu như quét QR để dễ dàng hơn trong truy vết ở một mốc thời gian nhất định, vì sao vẫn có những thông tin được đăng tải trên mạng xã hội về việc tìm kiếm những người từng xuất hiện tại nơi có ca nhiễm cộng đồng và đề nghị công dân nên tự giác đến khai báo y tế để kiểm tra sức khỏe?

Thứ tư, trước khi thành phố bùng dịch, các bệnh viện hay một số nơi vẫn phải khai báo y tế. Nhưng thực tế thì sao? Vẫn xảy ra dịch, vẫn giãn cách, vẫn cách ly. Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng vẫn có thể “ung dung” truyền nhiễm Covid-19 cho tín hữu.

Thứ năm, mặc dù đúng là siêu thị có khai giấy nhưng một số nơi khác, cửa hàng khác, chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là quét QR. Điều này gây khó khăn cho người nghèo, người không có điện thoại thông minh để quét. Vô hình trung, lại gây phân biệt giai cấp, ảnh hưởng không tốt đến “xã hội chủ nghĩa”…

Có thể nói, 5K với khẩu trang, khử khuẩn là điều hợp lý, tiện lợi cho người dân (với những người có bệnh nền về hô hấp như phổi, tật về mũi… có lẽ khẩu trang hơi bất tiện một tí); khoảng cách là điều mà người dân cũng nên tuân thủ khi cần thiết.

Song, việc khai báo y tế bằng mã QR, thật sự nên xem xét lại, bởi nó không chỉ mất thời gian cho người tiêu dùng (có nơi quét mã phải khai báo từ thông tin cá nhân đến dấu hiệu gì liên quan Covid-19 hay không…) mà còn chưa thật sự đem đến hiệu quả trong công tác phòng dịch, nhất là với “sống chung với dịch”…


Tin bài liên quan:

VNTB- Nhân sự Đảng mắc dịch

Phan Thanh Hung

VNTB – Hà Nội ăn Tết nhưng không du xuân

Phan Thanh Hung

VNTB – Học trực tuyến trong mùa dịch: tiếp tục là giải pháp tình thế?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo