Nguyễn Huỳnh
(VNTB) – Tổng bí thư là người tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng. Có trình độ cao về lý luận chính trị. Có kiến thức sâu, rộng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước…
Theo quy định hiện hành thì Tổng bí thư là người có những phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân; là trung tâm đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tổng bí thư là người có bản lĩnh chính trị, tư duy nhạy bén, năng lực nghiên cứu, phát hiện, đề xuất và quyết đoán; bình tĩnh, sáng suốt trước những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc.
Ở trên là trích từ “Tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”, qua đó cho thấy có thể khẳng định một điều là với hàng loạt vấn đề kinh tế – xã hội hiện tại, dân chúng đang chờ đợi về những quyết sách căn cơ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Một trong những “loạt vấn đề” – theo như nhận xét của ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông, thì ổn định chính sách, tránh bất an là điều cần kíp. Đơn cử như gần đây nhất, vấn đề người lao động gia tăng rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục “nóng” lên và theo đó Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất phương án mới, trong đó có giải pháp chỉ cho phép rút 50% số tiền người lao động được lĩnh một lần.
“Dù đây mới chỉ là đề xuất, và đề xuất đó là một phương án bên cạnh phương án duy trì chính sách như cũ, nhưng tâm lý bất an ngay lập tức dấy lên trong một bộ phận không nhỏ người lao động, đặc biệt là lực lượng công nhân vốn đang đối mặt với nhiều khó khăn từ suy giảm kinh tế gần đây.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ diễn ra riêng lẻ và giới hạn trong lĩnh vực lao động – xã hội. Trước đó, thị trường xăng dầu bán lẻ, lĩnh vực do Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chính điều tiết và quản lý, lâm vào cảnh rối loạn.
Nhìn sang thị trường tài chính, khó có thể nói Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành trách nhiệm trong việc giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực vận tải, những sai phạm dẫn đến việc các trung tâm đăng kiểm bị điều tra, khởi tố và ngừng trệ hoạt động của hệ thống đăng kiểm trên toàn quốc cũng đặt ra câu hỏi về năng lực Bộ Giao thông vận tải trong việc tổ chức, điều tiết, giám sát thị trường này.
Nếu cần liệt kê, những rối loạn mà nguyên nhân khởi nguồn từ chính sách, từ quy định thiếu hợp lý, từ khả năng giám sát trong giai đoạn thực thi còn rất nhiều.
Hệ quả của điều hành chính sách hạn chế đã bộc lộ rất rõ, khi người dân và doanh nghiệp phải gánh chịu những thiệt hại trực tiếp: từ thiếu thuốc chữa bệnh, từ ngừng trệ kinh doanh do thiếu xăng dầu, do xe hết hạn đăng kiểm, từ mất thời gian và đình trệ hoạt động bởi tréo ngoe, bất nhất của thủ tục hành chính và giấy tờ…
Và dài hạn hơn, nghiêm trọng hơn là niềm tin của người dân, của doanh nghiệp không phải chỉ trong nước mà còn là quốc tế vào năng lực quản trị, năng lực điều hành của các cơ quan nhà nước. Tính có thể dự báo được của chính sách là cơ sở tạo niềm tin để nhà đầu tư yên tâm “bỏ vốn” – ký thác tài sản và công sức của họ vào một quốc gia…” – ông Nguyễn Quang Đồng biện giải; và bài toán này theo như Điều 4 của Hiến pháp 2013, thì trách nhiệm “chung cuộc” là Tổng bí thư Đảng.
Như vậy, ngay lúc này rất cần Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sử dụng phẩm chất, năng lực của người đứng đầu Đảng để giải quyết hàng loạt vấn đề đang loay hoay đó của thể chế.