Việt Nam Thời Báo

VNTB – Trách nhiệm pháp lý của người điều hành trang web tôn giáo?

tịnh thất bồng lai

Nguyễn Huyền

 

(VNTB) –  Người chịu trách nhiệm chung trang web có tên Đạo Phật ngày nay là “Tỳ-kheo Thích Nhật Từ”

 

Nhìn từ vụ án “tịnh thất Bồng Lai”

Tin tức đăng tải công khai trên báo chí nhà nước cho biết, từ năm 2019 – 2021, dưới sự chủ mưu, chỉ đạo của ông Lê Tùng Vân, 5 bị can và bà Lê Thu Vân cùng một thành viên khác trong tịnh thất Bồng Lai tạo các tài khoản trên nhiều nền tảng mạng xã hội và thực hiện các hoạt động quay phim, dàn dựng, biên tập các video clip để đăng trên các tài khoản mạng xã hội của mình nhằm cho nhiều người xem, bình luận, chia sẻ, đăng ký theo dõi và các tài khoản này được lan truyền nhanh chóng.

Trong đó, 6 bị can đã cùng nhau thực hiện các video clip chứa nhiều nội dung xuyên tạc, xúc phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công an huyện Đức Hòa – Long An, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, cá nhân Thượng tọa Thích Nhật Từ – Phó viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM…

Ông Lê Tùng Vân được cho là chủ mưu, chỉ đạo các bị can thực hiện biên soạn, biên tập, dàn dựng video clip chứa đựng nội dung xuyên tạc, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức gồm: “Phim Hài Chiếu Rạp Mùa Dịch 2021: Vùng đất huyền bí – 5 Chú Tiểu Thách Thức Danh Hài”; “5 Chú Tiểu – Phần 2, Người lớn mừng tuổi thầy “ông nội” ngày mùng 1 Tết”.

Giả dụ như các cáo buộc hành vi phạm tội ở trên đều có cơ sở pháp lý vững chắc, vậy thì những hành vi phạm tội tương tự, về nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, liệu có xem xét trách nhiệm hình sự, hoặc có những cảnh báo hình sự đối với trang web có tên Đạo Phật ngày nay, người chịu trách nhiệm chung được ghi là “Tỳ-kheo Thích Nhật Từ”, địa chỉ liên hệ: “Chùa Giác Ngộ, 92 Nguyễn Chí Thanh, phường 3, quận 10, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam. Điện thoại từ nước ngoài: +84-908-153-160 (M); +84-8-830-9570 (H); trong nước: 0908153160; 8309570”. (https://www.daophatngaynay.com/vn/)

Chính trị hóa Phật giáo

Trang Đạo Phật ngày nay, ở chuyên mục “Đối thoại” có một số bài viết nếu nhìn qua lăng kính hình sự, cho thấy có dấu hiệu của vi phạm vào Điều 116, Bộ luật hình sự 2015 (bổ sung 2017):

“1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội;

b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;

c) Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội;

d) Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.

2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Nội dung của Điều 116.1.c là căn cứ để xem xét một số bài viết ở chuyên mục “Đối thoại”.

Trong bài viết phát hành từ năm 2010 có tựa “Đạo Phật – Đạo Chúa đối chiếu – Một khảo luận qua các tài liệu” (https://www.daophatngaynay.com/vn/dien-dan/doi-thoai/4014-dao-phat-dao-chua-doi-chieu-mot-khao-luan-qua-cac-tai-lieu.html), có đoạn mở đầu khá “khiêu khích” như sau:

“Đạo Phật là tôn giáo duy nhất trên thế gian gọi các tín đồ của mình là những thiện trí thức, nghĩa là những con người đúng nghĩa là con người, và chủ trương con người có thể tự mình tu tập, giác ngộ như Phật. Đạo Chúa là tôn giáo duy nhất trên thế gian gọi các tín đồ của mình là một “đàn chiên” [a flock], cần phải được chăn dắt để sợ và thờ phụng cha con một ông Thượng đế “vô hình, không thể mô tả được, không thể hiểu được” ở trên trời”.

Đoạn kết của bài viết có nội dung công khai bài xích tôn giáo:

“Giáo hội Công giáo vẫn duy trì chính sách che dấu tín đồ về những sự thực không lấy gì làm đẹp cho bộ mặt “thánh thiện”, “duy nhất”, “tông truyền” của Giáo hội mà Giáo hội đã thành công cấy vào đầu các tín đồ thấp kém ở dưới.  Nhưng ngay cả những bí mật trong cung đình Vatican cũng đã lộ ra dần dần.

Tôi chợt nhớ đến hai câu trong trang cuối của cuốn “The Lost Symbol” của Dan Brown, tác giả cuốn “The Da Vinci Code” nổi tiếng trước đây:

Không có gì che dấu mà rồi người ta không biết; không có gì bí mật mà rồi không bị phanh phui ra  ánh sáng

[Nothing is hidden that will not be made known; noting is secret that will not come to light]”.

Bài viết thu hút khoảng trên trăm bình luận khác nhau. Tác giả bài viết là Trần Chung Ngọc  (1931– 29 tháng 1 năm 2014). Thư mục về tác giả này trên Đạo Phật ngày nay, theo ghi nhận là có 10 bài.

Khích bác tôn giáo vì bản ngã?

“GS.TS. Trần Chung Ngọc là nhà tri thức lớn của Phật giáo Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Với 5 quyển sách chuyên khảo, 16 quyển sách viết chung và hơn 200 bài nghiên cứu mang tính học thuật của giáo sư Ngọc về tôn giáo và lịch sử Việt Nam là những đóng góp to lớn về mặt tri thức và phương pháp, nhằm giúp cho độc giả rộng mở tầm nhìn về tôn giáo, Phật giáo và khoa học” – trích phát biểu trên cương vị trụ trì chùa Giác Ngộ, Tổng biên tập tủ sách Đạo Phật Ngày Nay của Thượng tọa Thích Nhật Từ tại lễ tưởng niệm GS. TS. Trần Chung Ngọc tại chùa Giác Ngộ nhân tuần thất thứ nhất.

(Xem đầy đủ tại https://www.daophatngaynay.com/vn/tin-tuc/trong-nuoc/14716-le-tuong-niem-gs-ts-tran-chung-ngoc-tai-chua-giac-ngo-nhan-tuan-that-thu-nhat.html)

Một bài viết khác cũng của tác giả Trần Chung Ngọc đăng trên trang Đạo Phật ngày nay, có đoạn mở đầu đầy khiêu khích:

“Tôi vừa đọc bài “Đạo Công Giáo Với Vấn Đề Mê Tín Và tệ nạn Xã Hội” của TS Phạm Huy Thông do một thân hữu gửi đến, lấy từ conggiaovietnam.net. Nội dung bài viết của TS Phạm Huy Thông không ngoài mục đích đề cao Công Giáo như là một tôn giáo rất tiến bộ và văn minh, chủ trương bài trừ mê tín và tệ nạn xã hội.

Nhưng thật đáng tiếc, TS Phạm Huy Thông chỉ nhìn thấy cái kim trong mắt người khác mà không nhìn thấy cái đà trong mắt mình [Chúa Giê-su dạy: “Hãy lấy cây sà trong mắt ngươi ra trước rồi hãy lấy cây kim trong mắt người khác ra sau. Đừng phê phán ai để ngươi cũng không bị phê phán.”] Nhưng tệ hơn nữa là TS đã không hiểu rõ về chính đạo Công giáo của mình cũng như về truyền thống xã hội và văn hóa của Việt Nam. Rất cường điệu, ông ta mượn lời của Alexandre de Rhodes, cho rằng những gì trái ngược với Công giáo đều là mê tín mà không xét đến bối cảnh lịch sử của Việt Nam qua các thời đại” (dừng trích – nguồn https://www.daophatngaynay.com/vn/dien-dan/doi-thoai/4305-toi-doc-bai-dao-cong-giao-voi-van-de-me-tin-va-te-nan-xa-hoi-cua-ts-pham-huy-thong.html).

Một bài viết khác, tác giả hết lòng ngợi ca Tổng biên tập tủ sách Đạo Phật Ngày Nay, qua đó gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc mà Bộ Chính trị đang ra sức vun bồi:

“Tôi gọi những kẻ chống đối Đại Đức Thích Nhật Từ đến thuyết Pháp ở Chùa Hoa Nghiêm, Washington D.C., là những ma quân, không phải vì tự thân sự chống đối (per se) của họ mà vì những thủ đoạn, những ngôn từ hạ cấp vô giáo dục, và những điều bịa đặt xuyên tạc họ dùng để chống Thầy Nhật Từ.

Thật vậy, thủ đoạn ma giáo của những người chống đối ông Thầy Tu Phật Giáo này là, mới chỉ nghe tin ông ta sắp đến thuyết Pháp ở Chùa Hoa Nghiêm, chẳng biết nếp tẻ ra sao, chẳng biết ông ấy sẽ thuyết Pháp những gì, đã đánh phủ đầu bằng những luận điệu chụp mũ vu vơ vô căn cứ, qua những danh từ hạ cấp rất vô giáo dục. Họ không hề dẫn chứng bất cứ một sự kiện nào, tài liệu nào, mà thực chất chỉ là thủ đoạn dựng lên một đống người rơm, đội cho mỗi người rơm một cái mũ để rồi tự tay mình quật cái người rơm đó xuống. Đó là thủ đoạn hạ cấp quen thuộc của những kẻ trình độ rất thấp kém nên tưởng là bịa đặt những chuyện vu vơ để tấn công cá nhân là có thể thành công hạ được đối phương.

Nhưng chúng đã hoàn toàn thất bại, vì cái “bio” của Đại Đức Thích Nhật Từ ở trên Bách Khoa Toàn Thư Vi.Wikipedia.org đã bẻ gẫy tất cả mọi xuyên tạc bịa đặt của chúng về cá nhân Đại Đức” (dừng trích – nguồn: https://www.daophatngaynay.com/vn/dien-dan/doi-thoai/3531-ma-quan-quay-nhieu-su-tang-nhung-that-bai.html)

Dấu hiệu của “diễn biến hòa bình”?

Nếu nhìn qua lăng kính tuyên giáo từ “Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới” của Bộ Chính trị, ban hành ngày 12-8-2021, thì rất cần điều chỉnh các nội dung trên trang web Đạo Phật ngày nay, cũng như các phát biểu khác liên quan đến nội dung chỉ trích tôn giáo của Tổng biên tập tủ sách Đạo Phật ngày nay.

(Tham khảo https://tuyengiao.vn/ban-can-biet/ket-luan-cua-bo-chinh-tri-ve-cong-tac-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-trong-tinh-hinh-moi-135151; https://songdaoconggiao.com/giao-ly/vai-loi-tran-an-vi-su-kien-thay-thich-nhat-tu-voi-nhung-loi-le-xuc-pham/)

Trên cương vị là người điều hành trang web và cũng là Tổng biên tập tủ sách Đạo Phật ngày nay, có lẽ ở đây trong vai trò “người góp ý”, thì ngoài thiện tâm, rất cần đến vận dụng năng lượng ái ngữ linh hoạt để thuyết phục và cảm hóa người.

Cho nên, nói lỗi người bằng tâm từ bi, ngôn ngữ hòa ái, thể hiện chân tình với mong muốn xây dựng thì sẽ mang đến hiệu ứng trị liệu và chuyển hóa rất tích cực. Bởi vậy nên trong các thuyết giảng hay nhìn nhận người tu chỉ tùy duyên “nói lỗi người” trong tâm từ, mong ước chuyển hóa và tự kiện toàn để cùng nhau hướng thiện.


Tin bài liên quan:

VNTB – Tập trung dân chủ là gì mà bị buông lơi?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Nạn nhân bạo lực tôn giáo của truyền thông nhà nước

Trương Thế Tử

VNTB – Sân – si chốn thiền môn

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.