Việt Nam Thời Báo

VNTB – Trẻ đường phố ở Sài Gòn

Hiền Lương

 

(VNTB) – Một phường tốt thì làm sao có nhiều trẻ lang thang được!

 

Sau nhiều tháng không thể “hành nghề” vì dịch Covid-19, các đối tượng, đường dây chuyên “chăn dắt”, lợi dụng trẻ nhỏ hòng trục lợi rục rịch tái xuất. Vì tiền, họ sẵn sàng để con trẻ lăn lộn giữa chợ đời, “buôn” lòng thương hại để kiếm chác, bất chấp vi-rút nguy hiểm vẫn âm thầm đe dọa…

Với mỗi người dân Sài Gòn, có lẽ họ không thể nào quên được ngày này của một năm trước, khi bắt đầu từ 0 giờ ngày 31-5-2021 toàn thành phố phải giãn cách xã hội đợt đầu tiên, từ đó là những tháng ngày căng mình với đại dịch. Và vì lẽ ấy nên trẻ đường phố khi đó tạm không còn phải bôn ba ở chợ đời.

Về mặt đối ngoại, có lẽ những “bề trên” ở Hà Nội hoàn toàn hài lòng khi tuyên giáo Đảng ở dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6 hàng năm luôn tự mãn rằng Việt Nam là quốc gia phê chuẩn và cam kết thực hiện Công ước từ rất sớm.

Theo đó, Việt Nam đã tích cực nội luật hóa các quy định của pháp luật quốc tế vào hệ thống pháp luật quốc gia, tạo hành lang pháp lý và định hướng cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đảm bảo thực thi các quyền của trẻ em, giúp trẻ phát triển toàn diện. Đồng thời, hệ thống chính sách, biện pháp nhằm hỗ trợ cha mẹ trong chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ qua các giai đoạn phát triển cũng được xây dựng và đảm bảo thực thi.

Về lý thuyết, đúng là Hiến pháp 2013, ở Điều 37 quy định “Trẻ em có quyền được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.

Luật Trẻ em (2016) từ Điều 23 đến Điều 32 quy định về trách nhiệm của gia đình đối với sự phát triển của trẻ em, coi gia đình là người trước tiên chịu trách nhiệm đối với trẻ em về: Đăng ký khai sinh; chăm sóc, nuôi dưỡng, dành điều kiện tốt nhất cho trẻ em; đảm bảo cho trẻ em sống chung với cha mẹ; bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em;

Bảo vệ sức khỏe, bảo đảm quyền được học tập; đảm bảo điều kiện vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa nghệ thuật phù hợp với lứa tuổi; đảm bảo quyền phát triển năng khiếu, quyền dân sự; đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến, tham gia hoạt động xã hội. Luật nghiêm cấm cha mẹ bỏ rơi con;

Khi cha mẹ gặp khó khăn tự mình không giải quyết được, có thể yêu cầu và được cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

Luật trẻ em đồng thời quy định trách nhiệm của Nhà nước trong hỗ trợ cha mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, thông qua xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách, chương trình; và đảm bảo cung cấp các dịch vụ về y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí, bảo vệ, chăm sóc, trợ giúp cho trẻ em; bảo đảm thực hiện các biện pháp theo dõi sức khỏe định kỳ cho phụ nữ mang thai và trẻ em theo độ tuổi; chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe ban đầu và tiêm chủng cho trẻ em…

Thực tế thì sao?

Một điều phối viên của chương trình Save the Children Sweden, trong phát biểu tại tọa đàm Khoa học chăm sóc – giáo dục trẻ em đường phố trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, với sự tham gia của các tổ chức quốc tế do Viện Nghiên cứu Xã hội TP.HCM tổ chức, có chi tiết đáng chú ý:

“Trẻ em lang thang rất sợ thu gom. Giờ đây các em không lêu lổng ngoài đường phố như trước mà thường núp dưới danh nghĩa hành nghề gì đó như bán vé số, đánh giày nhưng thực chất vẫn là trẻ lang thang. Một số địa phương cũng báo cáo con số trẻ lang thang trên địa bàn ít đi vì… “bệnh thành tích” – một phường tốt thì làm sao có nhiều trẻ lang thang được!”.

Những hình ảnh dễ bắt gặp ở hiện tại khi ngang qua một giao lộ nào đó tấp nập người và xe, ở một góc vỉa hè, đứa bé tuổi chưa quá 10 ăn vận xộc xệch. Đôi mắt nhắm nghiền, em nằm vất vưởng bên chiếc bảng cầu xin lòng thương hại của người qua lại. Ai trông thấy cũng không khỏi chạnh lòng!

“Trời gió lớn vậy mà nỡ lòng cho con bé nằm tơ hơ vậy hả trời. Người lớn biết lạnh bộ trẻ con thì không sao?” – người phụ nữ dừng đèn đỏ cạnh đó trông thấy, bức xúc nói to. Lời than vãn khiến nhiều ánh mắt hướng tới đứa bé đang nằm co ro vì lạnh. Xót cho hoàn cảnh đứa nhỏ, một vài người ghé bỏ vào chiếc rổ những tờ tiền lẻ rồi rời đi…

Tuổi thơ bị đánh cắp. Ai đó chép miệng bằng một câu cảm thán đậm chất văn chương.

Tiếc là đến nay vẫn chưa thấy làm rõ ràng việc ai đã đánh cắp tuổi thơ, khi mà luật pháp của Việt Nam đã ghi rất rõ về các quyền của trẻ em.

***

25 quyền của trẻ em

1. Quyền sống.

2. Quyền được khai sinh và có quốc tịch.

3. Quyền được chăm sóc sức khỏe.

4. Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng.

5. Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu.

6. Quyền vui chơi, giải trí.

7. Quyền giữ gìn, phát huy bản sắc.

8. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

9. Quyền về tài sản.

10. Quyền bí mật đời sống riêng tư.

11. Quyền được sống chung với cha, mẹ.

12. Quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ.

13. Quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi.

14. Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục.

15. Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động.

16. Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc.

17. Quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt.

18. Quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy.

19. Quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính.

20. Quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang.

21. Quyền được bảo đảm an sinh xã hội.

22. Quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội.

23. Quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp.

24. Quyền của trẻ em khuyết tật.

25. Quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn.


Tin bài liên quan:

VNTB – Bao giờ Sài Gòn hết ngập nước?

Phan Thanh Hung

VNTB – Kẹt xe cũng là tín hiệu tốt

Phan Thanh Hung

VNTB – Biết bệnh sao không ra toa chữa trị?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo