VNTB – Trung Quốc nhìn từ nước Đức ( Bài 2) 

VNTB – Trung Quốc nhìn từ nước Đức ( Bài 2) 

Nguỵ Hữu Tâm biên dịch

 

(VNTB) – „Trung Quốc chỉ thắng khi Hoa Kỳ chịu thua“

 

Bài thứ 2 trên tờ Spiegel, Bernhard Zand đặt tên là „Khủng long trên đường chiến thắng“ rồi tự đặt câu hỏi „Trung Quốc thật sự mạnh hơn chúng ta đến mức nào?“ 

 

Bài này số 4, ra ngày 23.01.2021, thậm chí dài tới 9 trang, nên ở khuôn khổ tờ báo này tôi cũng chỉ nói được ý chính, xin mời bạn đọc quan tâm tìm xem.  

Ngay ở trang đầu, Zand đã đưa bức ảnh Trung Quốc bắn vệ tinh lên Mặt Trăng và nhắc tới cuộc gặp đầu tiên đầu tháng 12. 2013, giữa họ Tập khi đó vừa lên ngôi và Joe Biden, khi đó đang là Phó Tổng thống của Barack Obama. Bắc Kinh lập vùng giám sát không lưu trên biển Hoàng Hải và bắt máy bay qua đó phải xin phép Trung Quốc. Biden cự tuyệt nên ở cuộc gặp, họ Tập hỏi: „Ông chờ gì ở tôi?“, Biden trả lời: „Không nhiều, nhưng nói để Ông biết, chúng tôi không công nhận cái đó và đang điều B-52 tới đó. Chấm. Sẽ là khôn ngoan, nếu Bắc Kinh không đi đến tận cùng“.

Rút ra kết luận. 

Đầu tiên là, Biden 78 tuổi không mơ ngủ, B-52 là biểu tượng cho sức mạnh Hoa Kỳ đứng đầu thế giới. 

Thứ hai là, từ trước đây 7 năm (hay mãi mãi, N.H.T.), Trung Quốc đã thách thức phương Tây và vai trò dẫn dắt thế giới của nó. Khi đó thì chỉ vì mới „lên ngôi“ 9 tháng, nên họ Tập mới tạm lui bước. 

Nay sau tám năm, tình hình đã khác, cuộc gặp như trên có thể có kết cục khác. Cú vươn lên về kinh tế và quân sự của Trung Quốc và sự chia rẽ về chính trị và xã hội của Mỹ đã làm thay đổi cán cân lực lượng. Cái mới khắc họa nên từ nhiều năm qua, nay đã trở nên hiện thực. Chẳng  có sự kiện nào gia tăng bước phát triển này hơn khủng hoảng dịch covid. Từ trên một năm nay dịch nổ ra ở thành phố Vũ Hán, từ cuối 2019 các bác sỹ đầu tiên đã báo động nhưng Bắc Kinh che dấu, chỉ sau tuần họ mới thừa nhận để đầu tiên phong tỏa thành phố Vũ Hán rồi sau đó toàn tỉnh Hồ Bắc với 60 triệu dân. 

Bắc Kinh nắm bắt tình hình nhanh hơn tất cả các nước phương Tây. Cho đến nay Mỹ và EU có trên 400.000 người chết vì covid, Trung Quốc chỉ 4635, dù sự thật có lớn hơn lần vẫn thua xa phương Tây.

Trong khi kinh tế Mỹ năm qua giảm 4% và EU 8%, nhưng Trung Quốc lại tăng 2%. Năng lực kinh tế Trung Quốc năm 2020 đã vượt qua mức 100 tỷ tỷ Tệ, vệ tinh Trung Quốc đã lên Mặt Trăng, cái khác lên Sao Hỏa, tàu ngầm Trung Quốc lặn sâu nhất, Trung Quốc thắng được trận lụt khủng khiếp nhất, chỉ còn phải mở cuộc tấn công cuối cùng vào thành lũy khó nhất là nghèo đói.

Năm nay Trung Quốc kỷ niệm 100 năm ĐCS và ăn mừng một trong hai „mục tiêu thế kỷ“: xây dựng xã hội thịnh vượng trung bình. Mục tiêu thứ hai, làm Trung Quốc trở thành „nước XHCN hùng mạnh, văn minh, hài hòa và hiện đại“ vào năm 2049 để kỷ niệm 100 năm nước CHND Trung Hoa. Những từ này cho đế nay vẫn thường được giới lãnh đạo Bắc Kinh và giới truyền thông Trung Quốc dùng, và nghe có vẻ như điều viễn tưởng, nhưng 40 năm sau cú vươn lên ngoạn mục của nền kinh tế Trung Quốc và một năm sau đại dịch covid 19, chúng bỗng nhiên trở nên dễ thành hiện thực như chưa bao giờ từng như vậy, có khi cả vào lúc họ Tập, nay 67 tuổi, còn sống, vì trước đây 3 năm, hắn đã gia hạn nhiệm kỳ suốt đời, nên vào năm 2049, kỷ niệm 100 năm CHND Trung Hoa, hắn mới có 96 tuổi, mà trên nguyên tắc, các lãnh tụ Trung Quốc đều sống lâu.  

Các tiền nhiệm của họ Tập chủ yếu là các chính trị gia nội vụ, mục tiêu của họ là phát triển Trung Quốc và vượt qua sự lạc hậu. Nhưng họ Tập giàu tham vọng hơn, năm 2017 ở đại hội ĐCS hắn bảo hệ thống chính trị của Trung Quốc là „sáng tạo vĩ đại“ để „các nước và quốc gia khác phải noi theo“, „Trung Quốc sẽ có đóng góp lớn hơn cho nhân loại“. Thời đại này vừa bắt đầu rồi chăng?       

Trước đây một năm, vào đêm 20.01.2020 Tổng thống Hoa Kỳ nhậm chức, cũng là lúc Truyền hình Trung Quốc chính thức công nhận điều ai cũng đã biết: dịch cúm Vũ Hán. ĐCS Trung Quốc gửi hàng ngàn bác sĩ, quân lính và y tá đến thành phố Vũ Hán rồi tỉnh Hồ Bắc để dẹp dịch. Chuyên gia người Australia về Trung Quốc Ryan Manuel nhận định: „Bài học mà họ Tập và ĐCS đã học từ đại dịch là tập quyền hơn“ với công trình „Nhà nước mạnh, hệ thống yếu“ của ông về ngành y tế Trung Quốc. Họ Tập, con nhà nòi nhưng lớn lên ở Trung Quốc thời loạn lạc như những người cùng thế hệ, đã học được nhiều về việc phải tập trung  quyền lực như thế nào. Tiểu sử chính trị họ Tập có thể hiểu là liên tục lập trật tự, từ sự bất tuân của các đồng chí đến sự giám sát mạng, đến đàn áp người Duy Ngô Nhĩ đạo Hồi ở Tân Cương và bóp nghẹt phong trào dân chủ ở Hồng Công. Khác Mao, họ Tập chẳng phải là nhà cách mạng, cũng không phải là người ảo tưởng mà là gã quan liêu quyền lực, chẳng phải là kẻ gây rối loạn mà là gã đam mê giám sát. Điều đó không chỉ thể hiện ở việc dẹp đại dịch covid 19, mà ở mọi mặt: từ chính sách tài chính trị đến chính sách mạng, từ đại học đến quân đội, ở đây hắn thay đổi sự quan liêu nhà nước bằng các „nhóm lãnh đạo“ của đảng mà ở nhiều trường hợp chính bản thân hắn đảm nhận. Ryan Manuel nhận định: „Từ giác độ đảng thì họ Tập là người chiến thắng“.

Thế nhưng câu hỏi là, thành công ngắn hạn ở cuộc chiến chống covid sẽ có thể tác động dài hạn lên các lĩnh vực khác như thế nào, đặc biệt là ở lĩnh vực mà trong những thập niên vừa qua Trung Quốc đã đạt những thành công ngoạn mục: kinh tế. 

Vừa qua Bắc Kinh công bố các thành công của họ trong năm qua do họ „khéo léo“ điều khiển đại dịch covid 19 (xem các hình). Dĩ nhiên năng lực kinh tế Trung Quốc sẽ đuổi kịp và vượt Mỹ, đó là „xu hướng thời đại“. Tháng 11. 2019 Trung Quốc gia nhập hiệp định thương mại tự do RCEP với 15 nước khu vực Thái Bình Dương, với tỷ người và 1/3 năng lực kinh tế thế giới, qua đó khẳng định Trung Quốc đã mạnh hơn Mỹ ở châu Á, và đang chuẩn bị gia nhập CPTPP mà Trump đã rút lui. Trung Quốc biết cách thế chân Mỹ thời Trump. Nhưng Bắc Kinh cũng biết các điểm yếu: , nợ của nhiều tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước, tiêu thụ nội địa kém, già hóa dân số nhanh, và nhất là điểm yếu của phương Tây và điểm mạnh của Trung Quốc có thể chỉ là tạm thời. Trong cuộc đua tranh vắc-xin chống covid phương Tây vượt trội hẳn Bắc Kinh, nếu virus không có biến  thể mới thì vấn đề chỉ là thời gian khi nào nền kinh tế phương Tây hồi phục. 

Không có lãnh đạo phương Tây nào biết và hiểu họ Tập như Joe Biden, trong hai năm 2011-2012 ông có 20 giờ đàm đạo với họ Tập. Kurt Campbell, cố vấn Trung Quốc của ông viết trên tờ „New York Times“, ông có được ấn tượng rằng họ Tập rất rắn, không tình cảm, nghi ngờ sức mạnh Mỹ và tin chắc rằng đảng cộng sản sẽ thắng. Biden kết luận đánh giá chính ông về họ Tập: „Với kẻ này thì chúng ta phải luôn tay đây“. Mười năm sau thì ngay nhận định này vẫn quá thân thiện. Trong chiến dịch bầu cử Tổng thống, Biden gọi họ Tập là „gangster“ và „Hoa Kỳ phải rắn với Trung Quốc“. 

Càng phải vậy khi Bắc Kinh ngày càng xuất hiện với vẻ tấn công hơn, trong quan hệ với tất cả các nước. Ngay CHLB Đức trước đây vốn rất thân thiện với Trung Quốc nhưng gần đây, khi cùng 39 nước lên án Bắc Kinh về vụ Hồng Kông và Tân Cương, thì tháng 12 rồi Đại sứ tại Hội đồng Bảo an LHQ Christoph Heusinger mãn nhiệm về nước, đồng nghiệp Trung Quốc của ông nói với theo: „Tốt quá, chúng tôi đã thoát ông“.

Năm 1997 khi Biden lần đầu tiên đến Trung Quốc ở tư cách là Thượng nghị sĩ, gặp họ Đặng, ông tin rằng „Trung Quốc trỗi dậy là một bước phát triển tích cực không chỉ cho Trung Quốc mà cho cả Mỹ và thế giới“. Mười năm sau, sau vụ Thiên An Môn, ông là một trong những người phê phán Bắc Kinh mạnh nhất, ông lập ra đài RFA cho châu Á. Mười năm sau nữa, Biden ủng hộ Trung Quốc hội nhập nền kinh tế quốc tế, gia nhập WTO. Cứ tưởng ở tư cách là cường quốc, Trung Quốc tuần thủ luật quốc tế, nhưng chẳng phải vậy. Nay thì ngay cả Trump cũng từng bảo, „việc Bắc Kinh gia nhập WTO là một trong những tai họa địa chính trị và kinh tế lớn nhất lịch sử thế giới“. Kurt Campbell và Ely Ratner, hai người sẽ đóng vai trò chính cho chính sách Trung Quốc của Biden cũng tin rằng „Trung Quốc là thách thức lớn nhất cho Mỹ và thế giới“, bởi lẽ họ Tập từng tuyên bố, „Trung Quốc muốn là nước dẫn dắt thế giới“ và là „nước áp đặt các luật“.

Câu kết bài báo của Zand là: „Trung Quốc chỉ thắng khi Hoa Kỳ chịu thua“.         

                                                 *** 

Còn tôi, để kết thúc bài báo này, tôi chỉ nhắc lại câu mà chính Julius Fućik, một người cộng sản Séc, đã từng nói trước khi Hitler gây ra Thế chiến hai: „Loài người ơi, hãy cảnh giác!“ (trước lũ quỷ, N.H.T.) 

                        

Bước tiến của Trung Quốc: Tổng sản phẩm quốc nội theo tỷ tỷ USD (so sánh Trung Quốc, Mỹ và EU)

 

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)