VNTB – Từ chùa Kỳ Quang 2, nhớ đến một ngôi chùa đã mất ở quận 2, Sài Gòn

VNTB – Từ  chùa Kỳ Quang 2, nhớ đến một ngôi chùa đã mất ở quận 2, Sài Gòn

Lý Tu Duyên

(VNTB) – Mấy ngày qua, lan truyền trên mạng xã hội là hình ảnh những hũ cốt bị dời đi, gom vào một góc; tấm hình trên hũ cốt cũng bị tróc ra… Ngay từ những hình ảnh đầu tiên, nói thật, là tôi không thể tin chuyện đó có thể xảy ra, nhất là vào thời điểm này: Vu lan.

Cứ nghĩ rằng thông tin là ảo, nhưng đó lại là sự thật. Báo chí vào cuộc, đưa tin. Giải thích cho vấn đề này, sư trụ trì chùa Kỳ Quang 2 là Hòa thượng Thích Thiện Chiếu, nói rằng trong quá trình di dời, nhiều phật tử di chuyển các hũ cốt, có khi rửa bằng vòi áp lực mạnh, vệ sinh làm rơi rớt bảng tên, di ảnh trên hũ cốt.

Có thể nói, việc lau dọn, vệ sinh hay di chuyển những hũ cốt là các trường hợp gặp nhiều ở các chùa. Tuy nhiên, khó có thể tin được việc di chuyển, vệ sinh đó lại có thể làm rớt bảng tên, di ảnh. Nếu như thế, thì những người vệ sinh đó hiện đang ở đâu? Và lương tâm của họ có cắn rứt khi lỡ làm vậy không? Nếu mọi thứ là đúng, thế thì tại sao không đặt những hũ cốt cũng như di ảnh ngay ngắn ở nơi trang trọng nào đó, mà lại gom lại thành một đống?

Tôi nhớ, một sư huynh từng nói với tôi rằng: “Có những chuyện không nên tranh luận, trong đó, có vấn đề về tôn giáo”. Chính vì thế, cũng e dè khi đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, nếu đặt mình vào vai trò của những Phật tử có người thân nằm tại chùa mà bị như vậy, hỏi có sốc không? Nếu im lặng, không lên tiếng thì đúng là cái tát vào luân thường đạo lý. Tôi tin là sư trụ trì ở chùa Kỳ Quang 2 cũng là người có tấm lòng Bồ tát, đứng ra nhận lãnh mọi trách nhiệm. Tuy nhiên, thiết nghĩ, cũng nên có sự rõ ràng trong vấn đề này, nếu ai đã lỡ làm như vậy, hãy tử tế biết đứng ra xin lỗi, có lẽ, trong mùa Vu Lan, nhiều người cũng sẽ rộng lòng tha thứ – bởi đây là hành vi có thể bị khởi tố hình sự, đối mặt tù tội của tội danh ‘xúc phạm mồ mã’.

Theo tường thuật của báo chí, có một Phật tử bức xúc về vấn đề này, kể: “…Tính ra, tro cốt của ông xã tôi được gửi ở chùa Kỳ Quang 2 với giá ít nhất cũng hơn 6 cây vàng rồi (bà này tính toán trên thực tế tiền mua 2 huyệt ở nghĩa trang phía sau chùa, sau này nhà nước quy hoạch nên phải bốc mộ…), chưa tính tiền hoả thiêu. Bây giờ vứt lộn xộn thế này, làm sao tôi tìm được đúng hũ cốt của ông xã tôi…”.

Nói về chi phí cho việc gửi cốt vào chùa, tôi chợt nhớ đến hình ảnh một ngôi chùa nhỏ đã bị chính quyền đập bỏ với lý do quy hoạch, ở quận 2, miệt Thủ Thiêm của Sài Gòn, làm tôi ấn tượng đến giờ này.

Trong một lần cơ duyên, tôi được nói chuyện với thầy Viện chủ nơi đây. Tôi có hỏi về khoản chi phí để gửi một hũ cốt vào chùa. Bởi đúng là có những chùa chi phí gửi không cao, song không ít nơi lại “quá khả năng” của gia đình. Tôi nhớ khi đó thầy cười, thầy bảo ở chùa mình không như nơi khác, muốn gửi bao nhiêu cũng được. Nếu như gia đình khi đó đang khó khăn về tài chính, hoặc không có tiền, có thể tới nói thầy, chỉ cần mua bình hoa và một ít hoa quả rồi gửi, mấy thầy ở đây cũng cúng đàng hoàng hết.

Tôi hoàn toàn ngạc nhiên trước câu trả lời đó. Ừ nhỉ, chúng sanh bình đẳng như nhau mà. Con người lúc sống có thể phân thành giàu, nghèo, khi chết cũng trở về với cát bụi. Chẳng lẽ chỉ người giàu có tiền mới được lo từ A tới Z lúc sống lẫn lìa đời?

Vẫn biết rằng ở ngoài cuộc sống, cũng có nhiều vị sư, thầy trụ trì như thầy Viện chủ chùa Liên Trì kể trên, song, mỗi lần nhớ lại, tôi không bao giờ quên được cái hình ảnh ấy. Chúng tựa như một thước phim của ký ức, của tình người.

Chính quyền quận 2, Sài Gòn có thể đập bỏ được chùa Liên Trì, song ngày nào hình ảnh ngôi chùa cũng như hình ảnh hiền lành, nhân từ, luôn giúp đỡ những người khó khăn của vị Hòa thượng Viện chủ vẫn hiện diện trong tâm tưởng, trong những câu chuyện nhắc nhớ, kể về… thì chùa Liên Trì vẫn sẽ mãi trường tồn!

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)