(VNTB) – Việc ép buộc người khác phải đóng tiền từ thiện mới được an ổn kinh doanh, làm ăn, học tập thì chẳng khác nào hành vi thu tiền bảo kê của các tổ chức xã hội đen.
Mới đây, trường tiểu học Lê Quý Đôn (quận Gò Vấp, TPHCM) gây xôn xao dư luận khi chỉ phát giấy khen cho những học sinh ủng hộ bão lũ từ 100.000 đồng trở lên. Còn em nào ủng hộ ít hơn số tiền trên chỉ nhận được thư khen từ giáo viên chủ nhiệm.
Báo Tiền Phong dẫn lời chị T.B. (phụ huynh có con học lớp 1 ở trường này) rằng: “Gia đình tôi có hai con đi học, vợ chồng tôi cũng đã đóng góp ở cơ quan nên chỉ cho mỗi cháu 50.000 đồng ủng hộ, tôi nghĩ số tiền này phù hợp với độ tuổi của các con và kinh tế gia đình. Những học sinh, sinh viên, người tàn tật ủng hộ 5.000 đồng hay 10.000 đồng đang được lấy ra làm gương thì nhà trường lại có cách tuyên dương rất phản giáo dục. Nghĩ tới cảnh cả lớp nhận giấy khen còn con tôi và một vài bạn khác ngồi dưới nhìn lên khiến tôi không cầm được nước mắt”. (1)
Sau khi các phụ huynh bức xúc phản ánh thì bà Trần Thanh Tuyền, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quý Đôn nói rằng “Chúng tôi xin rút kinh nghiệm và sẽ điều chỉnh trong các hoạt động khen thưởng tiếp theo”. Theo thông tin thì trường nay đã quyên góp được hơn 268 triệu đồng tiền ủng hộ từ học sinh 45 lớp học tại trường.
Chuyện bắt buộc học sinh phải nộp tiền từ thiện này vốn không mới. Đây là chiến lược tận thu tiền trong dân nhiều năm qua. Ở công ty, nhà nước cho công đoàn thu một ngày lương của công nhân để “làm từ thiện” cứu trợ bão lũ. Ở tổ dân phố, xóm, ấp thì họ cho đoàn thanh niên, công an, tổ trưởng tổ dân phố đi tới từng nhà “vận động” theo kiểu trấn lột người dân phải nộp tiền cứu trợ bão. Trong trường học thì học sinh nào nộp tiền nhiều sẽ được tuyên dương, em nào không nộp, hoặc nộp ít thì bị coi thường, kỳ thị…
Như vậy, nếu một gia đình có vợ chồng đi làm công ăn lương, và con cái đi học thì sẽ phải đóng 3 lần tiền để cứu trợ lũ lụt cho nhà nước. Phải nhấn mạnh là đóng tiền cứu trợ cho nhà nước, vì có ai biết số tiền đó nộp cho nhà nước thì sẽ được dùng để cứu trợ hay xài vào việc gì khác.
Tình nguyện, hay từ thiện là hoạt động tự nguyện chứ không thể ép buộc ai cũng phải làm. Và tiền từ thiện là sự đóng góp tự nguyện, xuất phát lòng nhân ái, mong muốn giúp đỡ người khó khăn và chia sẻ gánh nặng với xã hội. Việc ép buộc người khác phải đóng tiền từ thiện mới được an ổn kinh doanh, làm ăn, học tập thì chẳng khác nào hành vi thu tiền bảo kê của các tổ chức xã hội đen.
Quay trở lại việc ép buộc học sinh phải nộp tiền từ thiện “đủ định mức” để được tuyên dương. Dạy học sinh lòng nhân ái, biết yêu quý, giúp đỡ đồng bào là tốt. Nhưng ép buộc học sinh phải nộp tiền từ thiện đủ định mức để được bảo kê thì rõ ràng là hành vi phản giáo dục.
Về lâu dài, các em sẽ bị tổn thương tâm lý, ám ảnh và coi việc làm từ thiện như một gánh nặng hay một nhiệm vụ phải hoàn thành để tránh bị phạt. Khi lớn lên các em sẽ mang một ấn tượng xấu về từ thiện, thì xã hội sau này còn ai muốn làm từ thiện, giúp đỡ đồng bào nữa.
Ngoài ra, khi việc đóng tiền từ thiện trở thành một hình thức “ép buộc ngầm”, thì không chỉ giá trị của lòng nhân ái bị bóp méo, mà còn tạo ra môi trường giáo dục thiếu công bằng và lành mạnh. Phụ huynh, vì sợ con mình bị phân biệt đối xử, buộc phải chấp nhận nộp tiền, dù không muốn. Điều này không chỉ gây áp lực tài chính mà còn làm mất đi niềm tin vào tinh thần giáo dục trong nhà trường.
Vô đạo đức, phản giáo dục là vậy, nhưng nhà trường chỉ “xin rút kinh nghiệm cho những lần sau”. Tức là họ vẫn sẽ tiếp tục ép học sinh nộp tiền từ thiện, nhưng khen thưởng theo kiểu khác. Có lẽ đã có chỉ đạo từ Bộ Giáo dục về việc thu tiền từ thiện này, nên các trường không thể dừng việc ép buộc học sinh. Vậy thì đây lại là một vấn đề mang tính hệ thống của đảng cộng sản chứ không phải riêng lẻ vài ba trường.
_____________________
Tham khảo:
(1) https://tienphong.vn/post-1676031.tpo