Anh Khoa dịch
(VNTB) – Doanh nghiệp bị kẹt giữa công nhân bãi công và quân đội
29 tháng 5 năm 2021
Vào giữa tháng Giêng, Thaung Tun, khi đó là Bộ trưởng Bộ đầu tư của Myanmar, đã hứa với giới kinh doanh trong và ngoài nước là kinh tế nước này sẽ phục hồi nhanh chóng sau thiệt hại do COVID-19 gây ra. Ông nói, các kế hoạch về internet tốc độ cao và năng lượng tái tạo sẽ mang lại những cơ hội mà họ nghĩ “chỉ có là mơ”. Hai tuần sau, quân đội tiến hành đảo chính, bắt giam ông Thaung Tun và các thành viên khác trong nội các của bà Aung San Suu Kyi. Bây giờ, một số nhà phân tích cho rằng nền kinh tế có thể giảm tới 20% trong năm nay.
Các nhà kỹ trị thân doanh nghiệp từng khuyên Thein Sein, cựu thống tướng cho đến năm 2016, không có chút ảnh hưởng nào trong chế độ mới. Quân đội đã đóng cửa các công ty mà họ tin rằng đang chứa chấp đối thủ như nhiều công ty truyền thông, đồng thời cố gắng buộc các doanh nghiệp được cho là cần thiết phải mở cửa. Quân đội đang hoảng sợ trước các cuộc đình công được tổ chức để phản đối đảo chính và hàng trăm vụ giết người do binh lính thực hiện khi dập tắt các cuộc biểu tình. Vào tháng 3, nhà chức trách ở thủ đô thương mại Yangon, đã tạm giữ giám đốc chi nhánh của các siêu thị trên toàn thành phố này trong một thời gian ngắn để nhắc nhở họ tiếp tục công việc.
Bốn tháng sau khi tiếp quản, người dân tiếp tục xếp hàng dài tại các máy rút tiền thường xuyên hết tiền. Mọi người vẫn đợi lúc trời tối để lấy tiền, mặc dù việc ra ngoài sau khi trời tối làm tăng nguy cơ gặp rắc rối với lính tuần tra. Vào tháng 5, một quan chức của ngân hàng trung ương nói người dân sợ hãi cố rút tiền tiết kiệm trên thực tế là nhằm “làm xáo trộn và tạo ngờ vực”. Chính phủ đã yêu cầu các ngân hàng giao nộp các CD-ROM chứa hồ sơ tất cả các khoản tiền gửi và rút tiền.
Quân đội trước đó đã đe dọa phạt tiền hoặc quốc hữu hóa các ngân hàng không buộc nhân viên trở lại làm việc. Một số hiện đã trở lại làm việc. Nhưng mối đe dọa bạo lực kéo dài từ lực lượng an ninh làm nhiều nhân viên sợ hãi không ra ngoài trong thời gian dài. Một nhân viên người Miến Điện của một ngân hàng Hàn Quốc đã thiệt mạng ở Yangon vào ngày 31 tháng 3 khi binh lính bắn vào một chiếc xe của công ty đang đưa cô về nhà sau khi tan ca.
Những hạn chế Internet đang làm cho thương mại trực tuyến trở nên khó khăn. Chính quyền bắt đầu chặn tất cả internet di động vào giữa tháng 3, để ngăn chặn biểu tình. Trong những tuần gần đây, họ đã bắt đầu cho phép truy cập vào một số dịch vụ trực tuyến được chọn, mặc dù các trang web truyền thông xã hội vẫn bị giới hạn. Các nhà đầu tư đã từng quan tâm đến nền kinh tế kỹ thuật số của Myanmar, ngành kinh tế phát triển đặc biệt nhanh chóng trong thời gian áp dụng các biện pháp khóa cửa để kiểm soát sự lây lan của COVID-19. Trước đó, họ đã đổ tiền vào các công ty địa phương như Frontiir, một nhà cung cấp dịch vụ internet. Giờ k hông còn nữa. Một nhà khai thác di động của Na Uy bắt đầu triển khai dịch vụ ở Myanmar gần một thập kỷ trước, Telenor, đã cắt bỏ toàn bộ kinh doanh trị giá 782 triệu đô la ở đây.
Các nhà hàng và cửa hiệu ở những khu phố sang trọng của Yangon đã mở cửa trở lại, nhưng khách hàng vẫn thưa thớt. Một người buôn bán trái cây ở khu phố Tàu nói rằng mặc dù việc vận chuyển nông sản đi khắp cả nước ngày càng dễ hơn nhiều, nhưng “số người mua ít hơn nhiều so với trước đây”. Một người nước ngoài điều hành một doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng ở Yangon cho biết ông vẫn chưa bắt đầu hoạt động lại kể từ khi quyết định ngừng hoạt động vào tháng Hai, một phần vì lo lắng về sự an toàn của nhân viên. “Chúng tôi đang chờ xem điều gì sẽ xảy ra trong những tháng tới, nhưng thật khó mà lạc quan được”.
Các nhà hoạt động mong muốn có thêm nhiều doanh nghiệp đứng lên chống lại chính phủ. Vào ngày 12 tháng 5, Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Myanmar, cho biết các công ty “nên gây sức ép tối đa lên quân đội”. Hơn 200 công ty, trong và ngoài nước, đã ủng hộ một tuyên bố chung kêu gọi dân chủ và pháp quyền. Nhưng quân đội nổi tiếng về bạo lực đối với nhân viên của các doanh nghiệp gây khó khăn cho điều đó, một giám đốc điều hành tại một công ty nước ngoài lớn cho biết. “Ngay cả khi được xem là nằm trong phần đối thoại dân sự với chính quyền, trong các bức thư chính thức và các cuộc điện thoại vẫn còn có những lời đe dọa: ‘nếu không (hợp tác với quân đội) sẽ có hậu quả’.”
.
Nguồn: The Economist