Đông Đô
(VNTB) – Có được thành công đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị…
Lúc còn đeo đuổi chính sách “Zero Covid”, Việt Nam đã gọi đây là cuộc chiến với dịch Covid, và phải thắng ‘giặc’ bằng mọi giá.
Trở ngược thời gian. Ngày 8-3-2020, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (Covid-19) đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo. Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Phó Thủ tướng cho rằng, trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19, chúng ta đã thắng trong chiến dịch mở màn, trong giai đoạn đầu của cuộc chiến và nhất định chúng ta phải chiến thắng cả cuộc chiến này.
Thời điểm đó, theo ông Vũ Đức Đam, “thực tế, từ hơn 2 ngày nay, chúng ta đã chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 khi ca bệnh thứ 17 xuất hiện. Giai đoạn 2 khó hơn giai đoạn đầu khi dịch đã lan ra hơn 100 nước. Chúng ta phải ngăn chặn dịch bệnh từ trăm ngả thay vì một vài ngả như trước đây. Thực tế virus Covid-19 đã xâm nhập vào nước ta, ‘đang âm thầm mai phục’. Nếu chúng ta không làm tốt sẽ gặp tình huống ‘trong đánh ra, ngoài đánh vào’.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đã lường trước mọi tình huống, có kịch bản sẵn sàng ứng phó với tình huống, ngay cả khi có hàng ngàn ca nhiễm. Vì vậy, những ngày tới đây nếu có vài chục, vài trăm ca nhiễm cũng không có gì bất ngờ.
Thời gian sau đó, phát biểu trước Quốc hội ngày 13-6-2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, dân số Việt Nam đông nhưng cả nước ghi nhận 333 ca nhiễm (tính đến hết sáng 13-6), chưa có ca tử vong, chỉ còn 10 người đang điều trị. Đã qua 58 ngày, Việt Nam không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Các đại biểu Quốc hội đã nghe ông Vũ Đức Đam đưa ra các con số so sánh rằng cũng trong khoảng thời gian 58 ngày này, số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới tăng từ khoảng 2 triệu người mắc lên 7,7 triệu người mắc; số ca tử vong từ 135.000 lên 428.000. Có nghĩa là, trong 58 ngày Việt Nam không có thêm ca mắc nào trong cộng đồng thì thế giới đã thêm 5,6 triệu ca mắc và thêm gần 300.000 ca tử vong.
Thậm chí, ở ngày 13-6-2020, trước ‘bá quan văn võ’, ông Vũ Đức Đam còn mạnh miệng tính toán rằng chỉ xét 24 giờ qua, thế giới đã có thêm trên 130.000 ca nhiễm, hơn 4.000 ca tử vong. Trên thế giới đã có 16 nước ghi nhận trên 100.000 ca nhiễm; 59 nước có trên 10.000 ca nhiễm; 122 nước có trên 1.000 nhiễm. Thế nhưng Việt Nam hiện đứng thứ 155/214 quốc gia/vùng lãnh thổ về số ca nhiễm, và là 1 trong 30 quốc gia/vùng lãnh thổ chưa có người tử vong vì Covid-19. Trong khi dân số của Việt Nam là gần 100 triệu người, đứng thứ 15 thế giới.
“Tất cả cuộc sống của người Việt Nam hôm nay là niềm mơ ước của nhiều nước trên thế giới. Chúng ta có được thành công đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chúng ta có đội ngũ thầy thuốc, lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân và nhiều lực lượng chức năng khác, nhưng đặc biệt là nhân dân Việt Nam rất tuyệt vời!” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Sự kiêu ngạo cộng sản đã khiến “Tư lệnh” của cuộc chiến chống ‘giặc Covid’ là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã bỏ ngoài tai mọi ý kiến sau đó từ giới chuyên môn dịch tễ y khoa; bỏ ngoài tai luôn cả những khuyến cáo từ các tổ chức hội ngành nghề nước ngoài…
Kể từ khi làn sóng dịch bệnh thứ tư xuất hiện cuối tháng 4-2021 với virus chủng mới Delta lây lan nhanh, các biện pháp và kinh nghiệm chống dịch cũ từng giúp Việt Nam được thế giới ghi nhận đã trở nên không hiệu quả, không theo kịp sự tiến triển của dịch bệnh. Đến 23/63 tỉnh thành trên cả nước đã phải thực hiện Chỉ thị 16, đa số còn lại theo Chỉ thị 15.
Ở TP.HCM, cho đến khi dịch bùng phát, số người nhiễm và nghi nhiễm lớn đến mức không còn có thể đưa vào cơ sở thu dung, gây quá tải bệnh viện, và làm hỏng cách tiếp cận dự phòng truyền thống “khoanh vùng, cách ly, truy vết”.
Tính đến ngày 30-9, TP.HCM đã trải qua hơn 120 ngày giãn cách xã hội với nhiều cấp độ khác nhau. Hơn 1 tháng áp dụng Chỉ thị 15 nhưng dịch lây lan mạnh, TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16 từ hôm 9-7 với nhiều mức độ tăng cường theo từng giai đoạn. Không chỉ TP.HCM, một số tỉnh phía Nam khác cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Trong diễn biến ngặt nghèo đó, chiến lược đeo đuổi “Zero Covid” được xét lại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận vai “Tư lệnh” thay Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Việc phong tỏa diện rộng làm giảm tốc độ lây lan nhưng không chặn được dịch vì tỉ lệ lây nhiễm của biến thể Delta quá lớn, và gây ra hệ quả là thành phố bị đóng băng, hầu hết các hoạt động thiết yếu gặp khó khăn.
Trước tình thế trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo phong toả với phạm vi nhỏ nhất có thể; xây dựng hệ thống trực tuyến tư vấn khám chữa bệnh, hệ thống kiểm tra giám sát thực thi tới tận cơ sở quận huyện và xã phường…
Xét nghiệm toàn dân một tổ dân phố thì khâu tổ chức đơn giản hơn rất nhiều xét nghiệm một thành phố. Kinh nghiệm phong tỏa mức hẹp nhất đã được áp dụng ở các tỉnh thành khác như Hà Nội, Hà Nam và đã kiểm soát được sớm dịch bệnh, duy trì hoạt động kinh tế – xã hội.
Ngay từ khi mới nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tìm mọi cách để có vắc xin về chích ngừa rốt ráo cho dân chúng. Đây là điều khác hẳn so lúc Chính phủ thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tính đến thời điểm hiện tại, thì cách nói ‘dĩ hòa vi quý’ của người làm chính trị, là với độ phủ vắc xin, đủ năng lực y tế, tiếp tục thực hiện 5K thì chúng ta có thể chuyển từ chiến lược ‘Zero Covid’ sang chiến lược thích ứng an toàn có điều kiện với virus SARS-CoV-2.
Thế nhưng nếu nhìn nhận như ở trên sớm hơn, từ lần bùng dịch lần thứ 3 tại Đà Nẵng, có lẽ cái giá về nhân mạng người Việt thương vong vì Covid tính cho đến hiện tại không phải là con số ngoài hai chục ngàn người quá tang thương.
Nếu tiếp tục như lập luận như hồi nào, chúng ta có được thành công đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thì giờ đây chẳng lẽ trách cứ, ‘đổ thừa’ rằng sở dĩ chúng ta vừa qua chưa thắng lợi đó là vì thiếu sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, thiếu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị (!?).
Và nếu đúng như ‘đổ thừa’ đó, không lẽ phải ‘trảm’ Tổng Bí thư và Thủ tướng?