Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vạ miệng?

Mai Lan

(VNTB) – Vạ miệng của thí sinh điểm 10 môn văn thi tốt nghiệp trung học phổ thông? Vạ miệng của ngài trưởng ban tuyên giáo Trung ương?

Trong tiếng Việt, không có con đường nào đi lên chủ nghĩa xã hội

Quan nói đúng là chuyện bình thường, quan nói sai thì quan biết tay! Khác với ngày xưa, phải đợi mõ làng rao mới biết thì ngày nay, báo chí điện tử, minh bạch thông tin và đặc biệt là mạng xã hội đã trở thành những ngọn lửa nung chảy gang và thép.

Quan là người đại diện cho dân để quản lý các vấn đề kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự,… Mỗi lời nói việc làm của quan không chỉ ảnh hưởng tới ông quan (giờ có cả bà quan) mà còn tới nhiều người nữa. Vì thế mà lời nói của quan được dân và báo chí mổ xẻ kỹ càng.

Bài báo trên tờ Thanh Niên hôm 15-7-2020 có tựa “Ông Võ Văn Thưởng: Làm sáng tỏ hơn nữa con đường lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta” (1). “Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng khẳng định, đây là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành tuyên giáo đã được các đại biểu tại hội thảo chỉ rõ” là phần mở đầu của bài viết, và cũng là phần được coi là ‘liền mạch’ cho kỹ thuật rút tít tựa của bài báo dạng tường thuật hội nghị, hội thảo.

Học trò phổ thông có thể dễ dàng bắt lỗi về tiếng Việt trong “Ông Võ Văn Thưởng: Làm sáng tỏ hơn nữa con đường lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.

‘Chủ nghĩa xã hội’ là danh từ, chỉ một ý thức hệ, một chủ thuyết được xây dựng bởi các ông tổ cộng sản là Karl Marx, Engels và Lenin. Cho nên không thể nói kiểu mẫu câu “Toàn dân xây dựng chủ nghĩa xã hội”; hay “Tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Lý do đơn giản thôi, không thể tiến lên một chủ nghĩa, không thể xây dựng một chủ nghĩa, khi chủ nghĩa ấy đã định hình xong bởi các nhà lập thuyết đã dẫn ở trên.

Trong khi ấy, ‘xã hội chủ nghĩa’ là tính từ, chỉ một hình thái, một mô hình xã hội dựa theo chủ thuyết về chủ nghĩa xã hội, vì vậy chúng ta nói “xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa”, hay“ tiến lên xã hội xã hội chủ nghĩa” mới hợp lý và đúng tiếng Việt.

Như vậy ở đây không thể dùng từ “vạ miệng”. Từ điển tiếng Việt định nghĩa: “vạ miệng”, danh từ, khẩu ngữ, tai vạ do nói năng không thận trọng gây nên. Chắc chắn trên cương vị Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, khó thể thiếu thận trọng đến mức độ nhầm lẫn tai hại đến thế.

Vì sao bài văn ấy được điểm 10?

Trên báo điện tử VietnamNet hôm 27-8-2020, có bài “Nữ sinh An Giang giành điểm 10 Ngữ Văn, đạt 29 điểm xét đại học” (2). Bài báo có những đoạn trích dẫn trực tiếp như sau:

“Để đạt điểm 10 môn Ngữ văn, theo Trâm là do bản thân đã “đánh trúng” vào tầm tư tưởng đề bài yêu cầu. “Em biết một số bạn chỉ phân tích từng câu, từng chữ trong đoạn trích mà không nêu bật lên được luận điểm chính đề bài yêu cầu: “Đất nước là của nhân dân”. Em nghĩ rằng, điều người chấm muốn nhìn thấy là khả năng phân tích, lập luận chứ không chỉ là vấn đề về mặt câu chữ”.

Bên cạnh đó, Trâm còn liên hệ, lấy dẫn chứng đa dạng ở cả các tác phẩm trong và ngoài nước.

“Em đã liên hệ với tác phẩm “Đại gia Gatsby”. Nhân vật chính trong tác phẩm này xuất phát điểm là một người nghèo đói, nhưng anh vẫn sẵn sàng ra trận để chiến đấu. Khi trở lại, anh chăm chỉ làm việc và trở thành đại gia nước Mỹ trong những năm 50. Em đã liên hệ với nhân vật này để làm dẫn chứng cho “những người đã làm ra đất nước”. (dừng trích).

Tính đến tối 28-8-2020, những đoạn trích dẫn ở trên vẫn còn ‘y nguyên’, và nếu các phát biểu đó là đúng từ tác giả của bài văn được hội đồng chấm thi chấm điểm 10, thì bắt buộc phải tiến hành phúc khảo, vì đây là sai phạm nghiêm trọng; bao gồm cả yếu tố chính trị, khi Hoa Kỳ và cả Việt Nam đều đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới của chính phủ.

Giấc mơ Mỹ của hội đồng thi xứ An Giang?

Trưa ngày 28-8-2020, báo Tuổi Trẻ có bài viết đầy ẩn tình, “Đại gia Gatsby là giấc mơ Mỹ suy tàn” (3). Bài báo có đoạn mở đầu như sau:

“Tác phẩm Đại gia Gatsby (The Great Gatsby) của nhà văn Mỹ F. Scott Fitzgerald mấy ngày qua bỗng nhiên “hot” trở lại, khi dư luận xôn xao quanh lời nhận xét được cho là của một học sinh về tác phẩm này: “Nhân vật chính trong tác phẩm này xuất phát điểm là một người nghèo đói, nhưng anh vẫn sẵn sàng ra trận để chiến đấu. Khi trở lại, anh chăm chỉ làm việc và trở thành đại gia nước Mỹ trong những năm 1950. Em đã liên hệ với nhân vật này để làm dẫn chứng cho “những người đã làm ra đất nước”.

Đó có thể là cách hiểu của những độc giả chưa có nhiều trải nghiệm sống, khi đọc tác phẩm Đại gia Gatsby (The Great Gatsby) của nhà văn Mỹ F. Scott Fitzgerald”.

Học trò vừa xong 12 năm phổ thông thì đương nhiên là thuộc nhóm những độc giả chưa có nhiều trải nghiệm sống. Song với hội đồng chấm thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông – tức là gồm toàn những giáo viên ngữ văn ‘sừng sỏ’ nhất của tỉnh đó – thì chắc chắn không cùng nhóm những độc giả như cô thí sinh quê An Giang.

Năm 2009, dịch giả Trịnh Lữ gây tranh luận trong giới văn chương ở Việt Nam khi dịch The Great Gatsby thành “Đại gia Gatsby”. Thời đó, từ “đại gia” còn được nhìn nhận theo nghĩa không mấy tích cực ở Việt Nam.

Nhưng so với những tiêu đề như “Gatsby vĩ đại”, “Con người hào hoa” của các bản dịch trước đó, “Đại gia Gatsby” vẫn là cụm từ gần nhất với tính chất của nhân vật và tác phẩm. Bởi Gatsby chẳng vĩ đại cũng chẳng hào hoa, là một hình tượng đầy sứt sẹo, vỡ nát, đại diện của thế hệ thanh niên Mỹ chơi vơi, lạc lõng sau chiến tranh, “đau xót vì sự hư trá của cái gọi là giấc mơ Mỹ”.

Nhầm lẫn của hội đồng thi?

Một thầy giáo dạy văn đã nghỉ hưu, hiện sống ở Sài Gòn cho rằng nếu đúng là cô học trò đưa hình ảnh của nhân vật Gatsby cho phần nghị luận xã hội như lời cô kể với phóng viên VietnamNet, và cô được 10 điểm trong bài văn này, thì ở đây cần phải xem xét lại tư tưởng của hội đồng chấm thi.

“Jay Gatsby từng là một gã trai nghèo tên James Gatz, ngày ngày làm việc bán sức nuôi thân. Gatsby đã gặp và yêu Daisy khi còn đi lính. Nhưng tình yêu của họ bị ngăn cấm vì Gatsby chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng. Gatsby sau này giàu lên nhờ buôn lậu và những việc làm mờ ám nhưng luôn 1 lòng nghĩ đến ngày có được Daisy. Vậy là Gatsby đã quyết tâm bằng mọi cách làm giàu hòng lấy được Daisy, người anh ta say đắm từ khi nghèo khó. Sau này giàu lên Gatsby liên tục tổ chức tiệc tùng với hy vọng sẽ được Daisy chú ý đến nhưng không thành công.

Sau đó, Gatsby lên một kế hoạch là nhờ Nick mời Daisy đến nhà Nick dự một bữa tiệc trà nhỏ mà không tiết lộ cho ai biết là Gatsby sẽ có mặt. Rồi cuối cùng Gatsby cũng có được Daisy (khi đó đã là hoa đã có chủ, là vợ của Tom). Đó là 1 cuộc tình vụng trộm. Gatsby thì quyết tâm đoạt lại quá khứ có Daisy vì cả cuộc đời Gatsby đi gây dựng cơ ngơi, gia sản này cũng vì để có được người đẹp. Đối với Gatsby đó là cả lý tưởng sống.

Nhưng cái kết cuối cùng Gatsby si tình cũng bị chết dưới tay người khác cũng vì nhận trách nhiệm thay cho mỹ nhân cả 1 đời anh yêu say đắm và tôn thờ. Cái chết của Gatsby si tình cuối cùng lạnh lẽo và cô đơn…

Nếu bỏ qua yếu tố đao to búa lớn về bình phẩm chính trị nước Mỹ, thì nếu chọn mẫu hình Gatsby như nhân tố điển hình để làm dẫn chứng cho “những người đã làm ra đất nước” theo lời cô nữ sinh lớp 12, thì đó là chí nguy.

Nguy hơn nhiều gấp bội, khi hội đồng chấm thi thống nhất hạ bút cho bài thi đó 10 điểm. Và khi tất cả các giáo viên xuất sắc nhất của một tỉnh đều không phát hiện ra vấn đề này, thì có nghĩa là họ không đọc và không biết. Đó là báo động đỏ cho cách dạy văn và học văn của Việt Nam. Ngành giáo dục đang sản xuất ra rất nhiều thợ chữ, nhưng không nuôi dưỡng được tâm hồn con người!”.

Ông thầy giáo dạy văn đã nghỉ hưu, nhận xét.

________________

Chú thích:

(1) https://thanhnien.vn/thoi-su/ong-vo-van-thuong-lam-sang-to-hon-nua-con-duong-len-chu-nghia-xa-hoi-o-nuoc-ta-1251759.html

(2) https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nu-sinh-dat-diem-10-mon-ngu-van-co-tong-diem-29-em-doc-sach-moi-luc-669734.html

(3) https://tuoitre.vn/dai-gia-gatsby-la-giac-mo-my-suy-tan-2020082808303371.htm

Tin bài liên quan:

VNTB – Tự chủ đại học với hiệu trưởng là đảng viên?

Phan Thanh Hung

VNTB – Không có trường đại học Linacre!

Phan Thanh Hung

VNTB – Ai sẽ duyệt ‘giáo án’ của ‘bài học thứ tư’?

Do Van Tien

3 comments

Đinh Thế Dũng 01.09.2020 4:36 at 16:36

Học sinh dốt thích nói chữ được hội đồng chấm thi toàn các thầy cô thích chữ nhưng mà dốt, điểm 10 là đương nhiên được, có gì lạ chứ.

Reply
Lâm Phan Thanh 01.09.2020 4:36 at 16:36

” Ngành giáo dục đang sản xuất ra rất nhiều thợ chữ, nhưng không nuôi dưỡng được tâm hồn con người .” Và oái oăm thay trong cái thể chế này, chưa là thợ chữ lại vẫn cứ lên ngôi. Hơ hơ.

Reply
Trần Sĩ Hùng 01.09.2020 4:36 at 16:36

Cả nền giáo dục thối nát

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo