VNTB – Vài nét chấm phá từ cuộc đời tôi (bis 22)  

VNTB – Vài nét chấm phá từ cuộc đời tôi (bis 22)  

Ngụy Hữu Tâm

 

Kỷ niệm của tôi ở tư cách là Moritzburger và những vấn đề liên quan.

 

Tôi viết bài này vào kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần. Trời lạnh nhất mùa đông năm nay, mới thấy tuổi già chán thế, sức chịu rét sụt giảm ghê gớm. Nhớ trước tuổi 70, khi đưa khách Đức ra Hạ Long, bờ biển còn sát phố, nhiệt độ cứ trên 20 độ C là tôi xuống biển tắm, bất kể đêm hay sáng sớm, dân Bãi Cháy phục lăn, ai cũng biết cái ông tourguide mặc quần tắm từ phố nhảy xuống biển. Từ sau 70 thì xin vái nhiệt độ dưới 20 độ C là run như cầy sấy, phải mặn mấy ao len. Nhưng đêm vẫn dậy vì tiền liệt tuyến chỉ chịu được một tiếng mà ngủ được ba giấc là đủ, sáng ra còn buồn ngủ thì ngủ thêm.    

Đêm 29 rạng 30.01. dậy xem chương trình Talk Vietnam trên VTV1 về giải Vin Future, „Passion and Pride“, ‚challenge and glories’, lại nhớ tới hai bài báo mạng nói về ông Vượng (Cơn đồng bóng Phạm Nhật Vượng) và cái giải thưởng ông nghĩ ra    (Nghĩ về giải Vin Future) và tài trợ (xin xem mục quan điểm báo ở dưới). Làm người giàu kể cũng sướng thật. Thấy những đề mục ‚khoa học đỉnh cao, chất lượng hàng đầu’, ‚khoa học đỉnh cao, hướng tới tương lai’,… Bốn vị giáo sư khả kính, hai Mỹ, hai Việt kiều được mời tới trường quay đàm luận để tôn vinh giải thưởng, buồn quá bỏ đi ngủ.

Cũng VTV, ngày mùng 3 Tết còn có buổi giới thiệu Philip Rösler, nguyên Phó Thủ tướng CHLB Đức, nay đại diện cho Việt Nam tại Thụy Sĩ, trở lại quê hương với các dự án của ông.

Cùng là người Việt, người này, đã thành công dân Đức, có vợ con Đức, lại về nước, còn những người kia, ông Vượng và các ông NXP&Co và những gia đình họ, lại tìm cách chuyển tiền đi Mỹ hay Đức, ai yêu nước, ai bán nước?           

Còn đêm 30 rạng 31.01. ở buổi ‚Sự kiện và bình luận’, ông Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch hùng hồn tuyên bố về ‚mở cửa du lịch’ và ‚visa du lịch’. Mong cho lời tuyên bố của ông sớm đi vào đời sống để kinh tế Việt Nam sớm hồi phục trở lại để những tourguide chúng tôi khỏ mất việc mãi và câu ông Thiệu không còn đúng nữa: ‚Hãy xem CS nó làm mà đừng nghe CS nó nói’.

Còn đêm giao thừa. Trưa thì về nhà ngoại cúng ông bà và tổ tiên bên ngoại, tối về lại nhà mình cúng ông bà và tổ tiên bên nội. Tuy bây giờ nói chung và đặc biệt là hai năm nay dịch cúm Tàu ảnh hưởng cung cấp thực phẩm nên không còn ê hề như trước nữa, nhưng mâm cúng vẫn quá ư đầy đặn nên tôi chẳng dừng được, lại nốc bia, rượu vào nữa mặc dù mắc ,gút’, cả nhà giải tán nhanh để về xem mục ‚Táo quân’ vốn được nhiều người yêu thích, tôi để mặc vợ con ngồi, xem lên giường đánh một giấc tới sáng mà chẳng hề bị cái tiền liệt tuyến phá quấy, may quá!

Tôi vốn dị ứng với các vị ‚nghệ sĩ ưu tú’, ‚nghệ sĩ nhân dân’… và các danh hiệu cao quý mà ‚đảng và nhà nước ban tặng’ một cách phung phí mà. 

Chiều mồng 3 Tết, trên VTV3 có một chương trình riêng cho hai mẹ con Mỹ Linh, phóng viên lên tận nhà riêng kiêm trang trại cô trên Sóc Sơn, vợ tôi rủ xem, nhưng tôi nhất quyết từ chối dù đó là diva hiện tại và tương lai của Việt Nam. Đối với tôi, yêu ghét phải rõ ràng. Xưa tôi vốn rất quý cô, mua nhiều đĩa của cô. Vợ tôi thấy thế, dịp sinh nhật còn mua thêm đĩa để tặng. Thế nhưng từ vụ Thủ Thiêm, khi cả nước sau Đồng Tâm lại đến ngày Thủ Thiêm, toàn những vụ cướp đất càng ngày càng trắng trợn của nhà nước này vì nó nằm trong bản chất hung tàn của chế độ CS, thì Mỹ Linh, không hiểu do ngây thơ chính trị hay do ai xúi giục, lại hô hào xây nhà hát ngay trung tâm Thủ Thiêm. Vào một thời điểm cực kỳ nhạy cảm. 

Quan điểm đó đến nay chưa thay đổi, tôi đang chờ một động thái nào đó của cô.

Nhân chuyện yêu ghét, nói qua về Vingroup và ông Vượng mà ở trên đã đề cập. Lúc đầu tôi cũng có hết sức có cảm tình với vị doanh nhân trẻ từ Ukraina về, nhanh chóng càng ngày càng thành đạt. Nhưng càng về sau càng lộ rõ ông hợp tác với chính quyền để cướp đất như thế nào thì tôi ngán quá.

Nhất là ba năm trước, khi tờ tạp chí phổ biến khoa học „Vật lý ngày nay“ mà tôi rất tích cực tham gia, gặp khó khăn tài chính sắp phải đóng cửa, tôi mới nhớ ra có một ông vốn là cán bộ cũ của VVL, nay trong ban điều hành Vingroup, mới đề nghị cho tiếp cận Vinuni để biếu trường một ít sách và một số tờ tạp chí, với lá thư khẩn thiết mong trường giúp đỡ, chẳng hạn như các nhà mạnh thường quân thường làm là đặt mua dài hạn tờ tạp chí, và chúng tôi quảng bá cho Vingroup trên trang bìa của mình.

Thế nhưng, có lẽ Vingroup quá vĩ đại rồi và các nhà vật lý chúng tôi quá nhỏ nhoi, hèn kém với họ hay sao mà, sau khi Vinuni cho xe lên Viện nhận sách báo thì…cho đến nay, bặt vô âm tín luôn.

Xin được miễn bàn.                         

May quá, bỏ các chương trình Tết trên VTV. Vì thế mà mới có thời gian, theo  truyền thống ‚khai bút tất niên’, ung dung ngồi viết Hồi ký như thế này. Còn may hơn nữa là vì ngại tiếp xúc, không phải đi thăm họ hàng bạn bè nữa, càng có nhiều thời gian hơn.

Mục điểm sách báo, Viện Gớt Hà Nội đã ‚Việt Nam hóa’, nhân dịp Tết cổ truyền Việt Nam, đóng cửa đến…hai tuần nên không đọc được báo, tạp chí Đức mới nào.

Xem báo Việt Nam vậy.

Giở tờ tạp chí Mỹ thuật số Tết 2022, mà anh bạn Quang Việt tặng tôi từ lâu trước Tết mà chưa có thời gian đọc, ra xem. Dĩ nhiên tờ này vốn có nhiều bài hay rồi. Năm nay càng đặc biệt với các bài nhắc lại những kỷ niệm thời xưa, đặc biệt là có nhắc đến các họa sĩ tài danh thời xưa như Văn Cao, Hoàng Hải, Trần Duy … và những giây phút thiêng liêng với họ, nhưng đặc biệt nhất là hai bài của Bùi Thanh Phương, con trai  họa sĩ tài danh Bùi Xuân Phái viết về những kỷ niệm với cha mình và ông Thiếu Bảo, giám đốc Nhà Xuất Bản Minh Đức, từng bị xử oan uổng 15 năm tù trong vụ Nhân văn Giai phẩm. 

Ngày Tết mà nói chuyện buồn, sao ai oán thế. 

Thế nhưng có buồn, thì cái vui mới càng đáng quý, càng đáng trân quan nữa chứ sao. 

Nhân nói tới vụ Nhân văn Giai phẩm, phải nhắc đến bài của anh bạn Quang Việt, con trai họa sĩ nổi tiếng Quang Phòng, bài dài nhất và cũng đáng xem nhất.              

Bài mang tên là „Đời sống văn nghệ Hà Nội ‚thời xa vắng’“ dài đến 16 trang, trải dài một thế hệ, tức là 20 năm, từ 1952 đến 1972. Về giới văn nghệ sĩ nói chung chứ không chỉ riêng gì các họa sĩ. Bài xứng đáng để tôi trích hai trang, chỉ riêng về ‚kết quả’ sau vụ Nhân văn Giai phẩm, vì cho đến nay vẫn có rất nhiều bạn đọc quan tâm và rất nhiều điều vẫn chưa sáng tỏ, chứ đừng nói chắc chắn nhiều người muốn giấu nhẹm cho yên chuyện, nhưng sự đời đâu đơn giản và dễ dàng như vậy? Đây mới xứng đáng là hồi ký, cho nên tôi xin phép anh được trích toàn bộ chương 1:

“1. NHỮNG NĂM TỪ 1954 ĐẾN 1960

Trước và sau chiến thắng Điện Biên Phủ khoảng một hai tháng, có hai chuyến đi rất đáng ghi. Chuyến đi thứ nhất là chuyến đi xuôi xuống của Nguyễn Tuân. Trong suốt kháng chiến ông Nguyễn hầu như chỉ hoạt động ở trên Việt Bắc, trong khi gia đình ông lại ở dưới Khu 4. Rồi chẳng hiểu sao, ông Nguyễn bỗng cảm thấy “nóng ruột” bèn quyết tâm làm một chuyến vào tận Thanh Hóa để đón vợ con ông lên. Không rõ ông đi bằng gì, đi bộ, đi xe đạp hay đi bằng phương tiện nào, chỉ biết đi giữa chừng thì ông nghe tin ta đã chiến thắng. He he. Thực “vô duyên” thay cho chuyến đi ấy của ông Nguyễn!

Chuyến đi thứ hai là chuyến đi ngược lên của Tô Ngọc Vân. Sau khi Khóa Kháng chiến kết thúc, ông Vân cùng Sỹ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ đi lên “phục vụ” chiến dịch Điện Biên Phủ. (Về chữ “phục vụ” này, Nguyễn Gia Trí có lần đã nói đùa rằng: Vì chính quyền ngày ấy thiếu máy ảnh nên phải huy động các họa sĩ). Theo bố tôi (ông Quang Phòng) kể lại, ông Vân đi lên Điện Biên Phủ là có mục tiêu chính trị rõ ràng: 1, phấn đấu trở thành đảng viên, vì chưa phải đảng viên ông Vân có vẻ như phải chịu nhiều “ấm ức”; 2, nếu hoàn thành được điều 1, tức là vào đảng, ông Vân sẽ có cơ được thỏa lòng mong ước là đi thăm, trao đổi học thuật và nghiên cứu hội họa ở các nước mà ông chưa bao giờ có dịp được đi, trừ Campuchia. Khoảng 1950-1951, Tô Ngọc Vân đã từng thay mặt các họa sĩ Việt Nam viết thư ngỏ lời thăm hỏi và cảm ơn Picasso và Matisse vì sự ủng hộ của hai đại bậc thầy đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp.

Hỡi ôi! Trên đường đi, vì muốn tránh một trọng điểm oanh tạc của máy bay Pháp, ba ông đã chọn một con đường khác tưởng như “an toàn” hơn, mà không thể ngờ rằng đấy mới chính là con đường tử dẫn đến cái chết của ông Vân, ngày 17 tháng 6 năm ấy, mà rồi cũng vẫn chỉ là chết do bom địch. Sau khi ông Vân chết ít lâu, bà Vân dường như vẫn không tin vào cái sự thật có vẻ “phi lý” ấy. Giả đò như ông vẫn còn sống, bà đến nhờ một ông thầy có tiếng để thử nghe ông thầy ấy “keng” như thế nào. Ai dè ông thầy trừng mắt nhìn bà, hư hử phán: “Người-này-còn-đâu-nữa-mà-xem. Bốn-chín-là-hết-mệnh”. Chính xác!!! Âu cũng là một niềm an ủi, dẫu là siêu nhiên.

Ấy lại nói về bà Vân. Hòa bình xong, bà vất vả lắm, nhà thì đông con, đi làm thì xa, phải đi từ tờ mờ sáng… Mà nào đã hết, ngày ông Vân còn đang làm giám đốc ở Trường Mỹ thuật Kháng chiến trên Việt Bắc, có đận thiếu tiền nuôi trường, bà nghe ông, phải lăn lê lặn lội về tận Hà Nội để vay vàng giúp ông. Lẽ đương nhiên, ông Vân chết rồi thì bà Vân sớm muộn vẫn phải lo trả nợ cho người ta. Người ta đến đòi, bà chưa có, giằng co thế nào bà bị người ta xô ngã gãy cả hàm răng. Đấy, làm việc nghĩa lại bỗng dưng ôm nợ vào cho mình, có ai biết ai hiểu cho mình không?

Cũng vào quãng đó, một hôm bố tôi đi ngoài đường thì chợt thấy một người đàn ông lạ đi xe đạp hơ hớ buộc ở đằng sau bức tranh sơn dầu “Thiếu nữ bên hoa sen” của Tô Ngọc Vân. Thế là bố tôi rượt theo đến tận nhà anh ta, đâu như ở phố Sinh Từ, “đánh dấu”. Mấy hôm sau, bố tôi đến gặp bà Vân, khuyên bà nên đi chuộc bức tranh ấy về. Nghĩ bà Vân mừng lắm, nào ngờ bà đốp luôn cho một câu: “Ối giời đất ơi anh Quang Phòng ơi, mẹ con tôi bây giờ ăn còn chẳng đủ huống hồ tranh với chả pháo”.

Mãi về sau này, anh Tô Ngọc Thành mới cho tôi biết: Người đèo bức tranh ngày xưa ấy là một nhân viên hành chính ở Trường Mỹ thuật, thấy bức tranh đẹp thì cứ tiện tay vô tư mang về nhà mình thôi. Anh ta đặt giá bán 200 đồng, hình như cũng chỉ xấp xỉ bốn, năm tháng lương phổ thông khi ấy – nếu có ai mua. Nay bức tranh “Thiếu nữ bên hoa sen” của Tô Ngọc Vân thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, việc mua bán trao đổi thế nào tôi không được biết.

* * *

Ngày tiếp quản Thủ đô, các văn nghệ sĩ từ khắp các vùng kháng chiến trở về phấn khởi lắm. Nguyễn Sáng mang theo về bức tranh “Giặc đốt làng tôi”, Dương Bích Liên thì mang theo “Mùa gặt”, cả chiến đấu lẫn sản xuất đều có đủ. Trên đường hành quân ở Tây Bắc, Nguyễn Sáng đã tức cảnh làm một bài thơ với nhan đề “Hoa đào vẫn nở”, mở đầu bằng bốn câu, xin chép đúng theo nguyên văn: “Nước chảy suôi/ Người tiến ngược/ Chân rộn bước/ Sương rơi lạnh”. Hay! Lạc quan, khí thế làm sao. Nguyễn Đình Thi thì “đứng khóc” bên Hồ Gươm (trong bài thơ “Nhớ Hà Nội”). Dương Hướng Minh thì muộn hơn vài ba tháng. Sau gần 10 năm chiến đấu ở Sài Gòn-Chợ Lớn, người hùng Dương Hướng Minh “cởi trần” cùng đơn vị tinh nhuệ đặc biệt trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông chuyển quân tập kết ra Bắc trên chuyến tàu cuối cùng của Ba Lan.

Thực ra, những bức ảnh, những thước phim quen thuộc mà chúng ta vốn hay được xem chưa thể hiện được hết quang cảnh của Hà Nội trong ngày tiếp quản. Trên YouTube có giới thiệu một số phim tài liệu do British Pathé quay rất khách quan, đẹp và sinh động. Sáng sớm hôm ấy (10 tháng 10 năm 1954) đường phố Tây ở khu trung tâm Hà Nội vắng tanh, hầu như không một bóng người. Ở các cửa ngõ ra vào Thủ đô, khi làm thủ tục chuyển giao với quân đội Pháp, bộ đội ta có người vẫn còn đeo nguyên cả ruột tượng gạo căng đẫy, trong khi lính Pháp có người mặc quần soóc, cẳng chân hở dài ngoẵng. Hà Nội khi ấy biển tên phố cũng lắm thông tin, chẳng hạn như “Đại lộ Hai Bà Trưng – Phố 198 – Khu XIX”, “Phố Lê Phụng Hiểu – Phố 191 – Khu XV”…

* * *

Mai Văn Hiến và Lê Thanh Đức khi ấy đều là bộ đội, cả hai ông cùng đeo quân hàm sĩ quan, hình như là đại úy, và cùng sống tập trung trong doanh trại đóng ngay sát thành Cửa Bắc (tức Trạm 66 mà tôi đã nói đến ở phần trên). Theo lời kể của ông Lê Thanh Đức: “Tớ và Mai Văn Hiến tích cực vẽ lắm. Tranh Gặp nhau của Mai Văn Hiến và tranh Hà Nội đêm giải phóng của tớ đều được vẽ ngay tại đấy”.
    Chỉ chưa đầy một năm sau, tháng 8 năm 1955, Lê Thanh Đức, Trần Lưu Hậu, Ngô Mạnh Lân cùng được cử sang học ở Liên Xô, người học thiết kế điện ảnh, người học thiết kế sân khấu, người học vẽ phim hoạt hình.

Học cùng Khóa Kháng chiến với Trần Lưu Hậu, Ngô Mạnh Lân: Mai Long ở lại thêm mấy năm trên Khu tự trị Tây Bắc; Đào Đức, Ngọc Linh về Xưởng phim truyện Việt Nam, bắt đầu tham gia thiết kế mỹ thuật cho những bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng như “Biển động”, “Chung một dòng sông”; Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Trần Đông Lương dạy ở Trường Mỹ nghệ (Trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội ngày nay); Ngô Minh Cầu thì dạy ở Trường Yết Kiêu, vân vân.

Ngày ông Mai Văn Hiến chép lại bức “Gặp nhau” mà hiện bản chép ấy đang được trưng bày chính thức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tôi có chê ông “chép chẳng ra làm sao”. Thế là ông Hiến nổi cáu gắt tôi: “Bố cu phải thông cảm cho tôi. Màu tôi mua ở phố Sinh Từ, màu để quét vôi, làm sao tôi chép được như màu của Pháp ngày xưa”. Rồi ông hạ giọng, thủ thỉ: “Này anh bạn trẻ, nhớ giùm tôi tên của bức tranh là Gặp nhau, không phải là Gặp gỡ nhé. Gặp nhau tức là trước khi gặp đã quen, đã thân với nhau rồi. Gặp gỡ thì lại khác đấy. Nhiều người hay viết nhầm, không phải anh”.

Còn về bức của Lê Thanh Đức, “Hà Nội đêm giải phóng” (hay còn gọi nôm na là “Phố Hàng Thiếc”), một hôm, quãng trước năm 2000 một chút, gặp tôi, bố tôi bực bội nói: “Ông Lê Thanh Đức bây giờ lạ lắm, ông ấy phủ nhận cái tranh Phố Hàng Thiếc. Ông ấy bảo có tờ báo Tây nó khen bức tranh, đại để như khen hiện thực xã hội chủ nghĩa, ông ấy đếch thèm”. Rồi ngẫm nghĩ một lát, bố tôi bảo: “Việt thử hỏi ông Lê Thanh Đức xem, nếu không có bức ý, ông ấy có cái gì?” Vì biết tính ông Lê Thanh Đức, nghe bố tôi bảo vậy tôi cứ ậm ừ cho qua, chứ tôi đã chắc là tôi không bao giờ hỏi. Phủ nhận ai chứ tự phủ nhận chính mình thì có gì đâu mà phải tranh luận nữa?

* * *

Nhân đang nhắc lại về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, tôi muốn lưu ý bạn đọc: Chúng ta dường như chưa nghiên cứu đủ, nếu không muốn nói rất thiếu, về giai đoạn đầu khi chủ nghĩa này có tên gọi ở nước ta. Và có lẽ phải đến tận cuối những năm 1980, các nghệ sĩ ở nước ta mới ít nhiều có điều kiện để tỏ rõ thái độ “phản ứng” với nó.

Anh Đào Châu Hải có nói với tôi, tết Canh Tý 2020, anh có đến thăm ông Trần Lưu Hậu, tức là chỉ trước khi ông Hậu ra đi ít tháng. Qua cuộc trò chuyện, chắc cũng ngắn thôi, ông Hậu vẫn thoáng biểu lộ mối ưu tư của ông trước vấn đề hiện thực xã hội chủ nghĩa, và dường như ông vẫn băn khoăn về tác động có thể của nó đến các nghệ sĩ trẻ. Ở đây cũng cần nhắc lại, Trần Lưu Hậu là một trong các họa sĩ đã trực tiếp trải nghiệm hiện thực xã hội chủ nghĩa cả ở Việt Nam và Liên Xô, ông đã học ở Moskva, Thủ đô của Liên Xô, đến bảy năm, từ 1955 đến 1962.
Những năm 1960, ông Hoàng Quy (nick-name là “Rùa Vàng”) cũng đã từng theo học ở Moskva, ông kể: Tại Triển lãm Mỹ thuật các nước xã hội chủ nghĩa tổ chức ở Liên Xô, rồi sau đó lưu động sang các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu (1958-1959), bạn bè quốc tế đặc biệt thích tranh sơn mài Việt Nam, nhất là bức sơn mài “Bình minh trên nông trang” của Nguyễn Đức Nùng. Có một số người bạn Nga đã hỏi ông Hoàng Quy: “Ở đất nước các bạn đã có Nguyễn Đức Nùng, các bạn còn sang đây để làm gì nữa?” Hay thật.

Về mặt lịch sử, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa lần đầu tiên được giới thiệu tại Hội nghị Văn hóa ở Việt Bắc năm 1948 (tháng 7), tức là chỉ 14 năm sau thời điểm nó chính thức ra đời ở Liên Xô vào năm 1934 (và đã kết thúc ở Liên Xô khoảng 1988). Tuy nhiên, cũng vào năm 1948, khoảng cuối năm, ở Thanh Hóa (Liên khu 4), ông Đặng Thai Mai lại có vẻ như đã đề xuất “nội bộ” một quan điểm khác dựa trên tình hình cụ thể ở nước ta. Ông cho rằng việc áp dụng hiện thực xã hội chủ nghĩa ở nước ta khi ấy là “chưa thể”, và trước mắt chỉ nên sáng tác theo “phương pháp lãng mạn cách mạng”. Nhưng xem ra ý kiến ấy của ông Đặng Thai Mai không được ủng hộ.

Nếu tư duy theo lối của Hegel, bây giờ chúng ta có thể nói rằng: Cái khó, thậm chí là cái “bi kịch” của thời kỳ đó không phải nằm trong mâu thuẫn giữa đúng và sai, mà nằm ngay ở trong mâu thuẫn giữa cả hai thứ đều có vẻ đúng.

Kể từ 1955, tại Hà Nội, giới trí thức, giới văn nghệ sĩ họp rất nhiều, hội nghị, tọa đàm cũng rất nhiều, có hội nghị họp tới 18 ngày (Hội nghị văn nghệ tháng 8-1956). Tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1955, người ta đã hạ xuống những bức tranh tĩnh vật; hai tranh sơn mài “Khi trăng lên” và “Niềm vui” của Nguyễn Sáng lúc đầu được khen sau lại “bị chê”. Về bức sơn mài “Nhớ một chiều Tây Bắc” (giải nhất) của Phan Kế An, ta nên đi sâu vào một chút. Đây, có thể nói, là một bức tranh rất trúng cả về chủ đề lẫn chủ thể mà ngày ấy đang được quan tâm, chú ý. Ngay cái tên của nó cũng đánh trúng vào tâm lý mang tính “thời sự” của rất nhiều người xem vừa mới trải qua cuộc kháng chiến, nào “nhớ”, nào “chiều”, nào “Tây Bắc”…

Không phải ai ai cũng đều giác ngộ rằng tên tranh là rất quan trọng. Nhiều tranh rất hay mà vướng cái tên dở, cầu kỳ kiểu cách hoặc vô duyên vô vị, là điều đáng tiếc không bao giờ sửa chữa được nữa. Chữ vẽ cùng với chữ văn một vần – là họa sĩ có lẽ cần nhớ.
Ông Phan Kế An kể với tôi: “Bức Chiều Tây Bắc tao làm đến bảy lớp vàng, sau Hồng Hải chép lại cho bảo tàng chẳng biết bao nhiêu lớp nhưng mà giống hệt”. Hóa ra ngày ấy cũng đâu có nghèo lắm, so với những năm 1970-1980 vẫn còn “khấm” hơn nhiều. Mà kể cũng lạ, bao giờ tôi nhắc ông Phan Kế An gửi ảnh tranh để in sách, ông cũng đều gửi duy nhất ảnh bức tranh ấy, hoặc gửi kèm theo vài ảnh tranh khác nhưng dứt khoát vẫn phải có nó. Đây chắc hẳn là một chiến lược “PR” của ông, không giống như một số họa sĩ nào đó, không được in tranh mới thì buồn, hậm hực, giận dỗi, mà cứ chiều theo ý họ thì biết đâu người xem chẳng nhớ được gì về họ cả.

… Cuộc sống những năm đầu sau hòa bình quả thực ít nhiều phấn chấn. Ông Tô Hoài kể, ông đã mua ngôi nhà mặt tiền ở phố Đoàn Nhữ Hài, nơi gia đình ông vẫn sống cho tới bây giờ, bằng tiền nhuận bút bộ sách viết về Tây Bắc. Hoặc ngay như gia đình tôi, sau khi mẹ tôi sinh chị tôi năm 1956, bố tôi còn đưa cả gia đình và dì tôi lên nghỉ ở làng Mông Phụ, làng Đông Sàng (Sơn Tây), hàng ngày thì ông đi vẽ. Đây cũng là quê của ông Phan Kế An, có ông cụ Bào xưa làm lý trưởng, một người thân quen của hầu hết các cựu sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương trong thời kỳ trường sơ tán tại đây những năm 1943-1945. Năm 1993, bố tôi, vợ chồng ông Lê Thanh Đức và tôi có về thăm lại làng Mông Phụ, làng Đông Sàng; cụ Bào vẫn khỏe, còn chống gậy ra cổng chùa Mía chụp ảnh chung làm kỷ niệm. Có thể nói, những năm tháng thật sự êm đềm ngay sau hòa bình ấy, ít nhất là đối với gia đình tôi, hầu như không bao giờ có lại nữa. 

* * *

 Kể từ năm 1957, sau “Nhân văn”, có thêm rất nhiều câu chuyện đáng ghi, song ở đây tôi chỉ chọn ra một vài chuyện trong số rất nhiều chuyện mà tôi được nghe trực tiếp từ những người trong cuộc.

Nào, trước hết tôi muốn kể về ông Phan Tại, người học cùng khóa với Diệp Minh Châu và Nguyễn Sáng ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông Phan Tại đã từng đi kháng chiến, một quãng thôi, rồi ông về Hà Nội làm đạo diễn sân khấu, tham gia làm cả phim. Khi ấy sân khấu là một món hấp dẫn, vì thế ông cũng kiếm được. Vợ ông là bà Cẩm Vân, diễn viên, một người đẹp nổi tiếng, đẹp kiểu tân thời. “Chàng và Nàng” đóng cổ phần ở Hotel Coq d’Or trên phố Tràng Tiền, hàng ngày ăn cơm tiệm ở đó. Nhà ông Phan Tại thì ở phố Trần Quốc Toản, ngay mặt đường, luôn luôn sẵn cà-phê, thuốc lá loại ngon, chỉ “đáng tiếc” lại ở rất gần nơi tòa soạn báo “Nhân văn” đặt trụ sở, và thêm nữa, lại ở trong cùng một số nhà với bà Thụy An. Tiện quá, mấy ông ở tòa báo hễ rảnh lại nhớ sang chơi nhà ông Phan Tại, uống cà-phê, hút thuốc lá, hút bằng tẩu và chiêm ngưỡng… bà Cẩm Vân. Tất cả những cái đó ai ngờ rằng lại là “tiền đề” sẽ khiến ông Phan Tại phải đi tù? Tù 6 năm! Vẫn may là ông còn được ra tòa, chứ ông họa sĩ Phạm Khanh em rể ông thì chỉ biết đi là đi, 8 năm, mà cho đến khi về vẫn không biết mình đi vì cái gì!?
      Ông Phan Tại ra tòa cùng với bà hàng xóm Thụy An và ông Nguyễn Hữu Đang. Về ông Đang và bà Thụy An tôi không dám nói, chỉ được biết ông Phan Tại chắc chắn không tham gia “Nhân văn”. Ở tù ra ông vô cùng khổ cực, ba bốn giờ sáng, đông cũng như hè, ông đạp chiếc xe cà tàng ra cột đồng hồ ở đường Trần Nhật Duật, khóa móc xe vào hàng xích bao quanh cột, rồi xuống vác cát thuê ở bãi sông Hồng. Về già, cũng chưa bao giờ có chữ an sinh ở ông. Bù lại, ông được Trời cho tuổi thọ, sống khỏe mạnh đến 87 tuổi, lại còn cho thêm cái bản tính “phớt”, vô chấp vô cầu, có tiền biết tiêu tiền, không tiền biết nhịn, hữu sự được thua thành vô sự…

 Năm 1995-1996, một buổi tối, cỡ phải hơn 10 giờ, gió đông heo hút, bất chợt tôi nhìn thấy ông Phan Tại đạp chiếc xe đạp “độ” bé tí xíu phóng vun vút trên phố Ngô Quyền, lại có ông Trần Dần đang ngồi co ro bấu ở đằng sau, trông cực kỳ ngộ. Cũng quãng thời gian ấy, tôi có đến thăm nhà ông Trần Dần ở phố Vũ Lợi để xin tư liệu về Trần Trọng Vũ (anh Vũ lúc ấy đang ở Pháp). Hình như ông đang mệt, nằm trong màn, ho sù sụ. Bà Trần Dần vừa ngồi nói chuyện với tôi vừa phải nhấp nhổm chăm ông.

Ông Trần Dần vẽ rất hay, theo phong cách tượng trưng, trên khổ giấy nhỏ. Theo ông Mai Long, ngay từ trong kháng chiến chống Pháp, ông Trần Dần đã vẽ lập thể. Khi làm thơ ông cũng rất có ý thức về tổ chức tạo hình cho câu, chữ. Tài năng của ông quả là đa dạng và rất lạ, lạ từ rất sớm.
      Chung quanh một đề tài “gì đó” liên quan tới ông Trần Dần, Nguyễn Sáng đã có xung đột với một vài người ở báo “Nhân văn”, vì Nguyễn Sáng cho rằng họ đã “gạt” ông, đưa thông tin thất thiệt để nhờ ông vẽ minh họa. Ông Trần Duy hay khen thơ Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán, chê “Người người lớp lớp” của Trần Dần, e cũng có phần nào từ cái vụ ấy.

Ông Trần Duy thì không bị “đi”, mặc dù ông vừa làm thư ký tòa soạn báo “Nhân văn” vừa là một tay bút viết truyện “cổ trang” đăng trong các tập “Giai phẩm”. Tất nhiên, đối với ông Duy, chữ “đói” không cần phải miêu tả. Ông có thể chỉ đỡ hơn một số người khác phần vì được nhờ vào chiếc máy khâu do ông Song Hào thu xếp để gia đình ông có phương tiện nhận đồ may gia công kiếm thêm chút tiền trang trải cuộc sống, “không thì cũng bỏ mẹ”, ông Trần Duy nói. Cách đây chừng ba năm, tôi có gặp cậu Thao, con út ông Trần Duy, từ Canada về Hà Nội thăm mẹ. Những người con của ông Trần Duy khổ vì ông thì hẳn rồi, nhưng khổ như thế nào, đặc biệt về mặt tinh thần, thì phải qua chính họ mới biết. Vì có nhiều nỗi trong lòng, ông và các con ông không mấy khi nói chuyện ôn hòa được với nhau, lôi thôi là ông cho “a-lê-cút”. Phải chăng vì cám cảnh, cậu Thao đã thành “boat people”, bị bắt hai lần, lần thứ ba mới thoát.

Khi còn sống, chính ông Trần Duy cũng đã thừa nhận với tôi về cái sự “chuyên chế” đó của ông và qua những lần ông tâm sự, tôi cũng cảm nhận được, từ sâu trong cõi lòng ông rất thương con và cảm thông nỗi khổ của các con ông. Từ những năm 1980 cho đến lúc ra đi vào năm 2014, ông Trần Duy một mình sống tách ra khỏi gia đình, sống bằng vẽ tranh; và cho dù ông phải chuyển chỗ ở đến chục lần, và cũng không phải người nặng về duy tâm, ông vẫn luôn luôn chu đáo mang theo bàn thờ tổ tiên, hẳn có phần để ông luôn luôn được cầu mong sự phù hộ độ trì của tổ tiên dành cho các con, các cháu…

Biết tôi thân với ông Trần Duy, một hôm bà Thanh Ngọc kể: “Ngày xưa ông Trần Duy rủ tao làm triển lãm chung. Nhưng sau đấy chẳng nghe ông đả động gì cả…” Rồi bà kể tiếp: “Buồn cười lắm, độ ấy có thằng bé ở gần nhà lấy trộm đồ của ông Trần Duy đem bán, ông ấy biết, ông kín đáo bảo nó đưa ông đến chỗ nó bán để ông tự chuộc về, xóa tội cho. Nó ngoan ngoãn dẫn ông đi. Nào ngờ, bất thình lình thằng bé thấy anh công an, nó vùng chạy ra vồ lấy, chĩa thẳng tay vào ông Trần Duy, hét toáng lên: Cứu! Cứu! Chú công an ơi, cái lão ‘Nhân văn’ kia lão ý bắt nạt cháu.” Hì hì, đáng tiếc là bà Thanh Ngọc hình như chỉ biết đến đấy chứ không biết kết cục của câu chuyện. Thực khổ thân cho ông Trần Duy. “Về mặt ngôn luận, so với các đài truyền hình hay tờ Tuổi trẻ ở ta bây giờ, tờ Nhân văn ngày xưa chẳng thấm tháp gì mấy. Nhưng ngày ấy…” – ông Trần Duy đã phát biểu như vậy tại lễ ra mắt cuốn sách “Suy nghĩ về nghệ thuật” của ông do Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây tổ chức năm 2008.

Riêng về bố tôi, thú thực cho đến giờ tôi vẫn chưa biết bố tôi “dính dáng” đến “Nhân văn” như thế nào, chỉ biết hệ lụy đến từ cái tưởng như vô hình vô niệm ấy là có thực. Theo bố tôi thì ông bị oan, mà oan, theo như một số người nói, vì bố tôi có liên kết gì đó với ông Sỹ Ngọc (khi ấy cả hai ông đang cùng dạy ở Trường Mỹ thuật Yết Kiêu, lại còn từng là anh em kết nghĩa của nhau). Có thể vì bản tính hơi “cố chấp”, không biết “mắt nhắm mắt mở” mà bố tôi dường như không bao giờ vượt ra được nỗi ám ảnh về quá khứ ấy.

Chuyện này suy cho cùng cũng ít nhiều là do mẹ tôi, vì cũng trong quãng thời gian đó ông Huy Cận có động viên bố tôi đi học thêm về lý luận nghệ thuật ở Liên Xô, nhưng mẹ tôi thì lại động viên bố tôi từ chối, không đi, chỉ với một lý do duy nhất “anh đi, em và con ở nhà mùa đông buồn lắm”. Ôi mẹ ơi! Năm 1958, một buổi chiều lạnh, mẹ tôi phải đi tiễn bố tôi ra vườn hoa Cửa Nam. Ở đó có đỗ sẵn một chiếc xe tải và một số nghệ sĩ, toàn có tên tuổi, đang đứng chờ. Rồi chiếc xe chở họ chạy tuốt đến một vùng quê xa xôi ở tận Thái Bình.
Đoàn văn nghệ sĩ ấy do ông Hoàng Trung Thông dẫn đi, tất cả đều phải “ba cùng” với nông dân, gánh phân, gánh đủ thứ, 70-80 cân một gánh, có người đau vai quá phải xé cả áo để lót đòn gánh. Rồi nghe nói ở đâu người ta phát minh ra phương pháp làm mát thóc giống trong quá trình ngâm giúp tăng sản lượng, họ lại cắt cử nhau ngồi quạt cho thóc, có khi quạt suốt đêm, vân vân. Rất hay là trong chuyến đi đó, bố tôi lại ghi được một số ký họa… Có một truyện ngắn đăng trên báo Văn Nghệ, cũng gần gần đây thôi, khoảng hơn 30 năm, đã viết lại chuyến đi ấy.

Đoàn có ông Sỹ Ngọc hình như “nặng hơn”, đi ra mỏ than Quảng Ninh, “ba cùng” với công nhân.
… Nguyễn Tư Nghiêm có một độ giả điếc, ai hỏi gì, bảo gì, huấn thị gì ông cũng đều giả ngây, rồi đáp lại như quát: “Hể?! Nỏi to lên, khổng nghe thấy gì cả” (giọng xứ Nghệ). Có thể ông Nghiêm đọc nhiều sách Tây nên ông đã học được miếng võ này của Degas.

Đầu năm 1993, lần đầu tiên tôi được gặp ông Văn Cao tại nhà ông ở phố Yết Kiêu. Ông bảo: “Ông Quang Phòng hiền nhỉ. Bao giờ gặp tôi ông cũng nói chuyện cười vui”. Về tôi kể lại cho bố tôi, bố tôi lắc đầu: “Văn Cao nói như thế vì ông ấy biết rất nhiều người lánh mặt ông”.
Tầm này năm ngoái, đọc tạp chí “Cửa biển” của Hội Văn Nghệ Hải Phòng – chỗ anh Đặng Tiến, tôi tình cờ tìm được một thông tin rất thú vị. Khoảng 1941-1942, từ Hải Phòng lên Hà Nội, Văn Cao có trú tại nhà ông Lưu Văn Sìn một thời gian. Đây cũng chính là khoảng thời gian Văn Cao theo học dự thính (auditeur libre) tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Bố tôi hay kể đi kể lại chuyện ông Huy Phương, tác giả cuốn “Xi măng”, trong thời gian lớp học chỉnh huấn tư tưởng chuyển từ Thái Hà sang tận Đông Anh, mặc dù có xe đạp nhưng sáng nào ông ấy cũng dậy từ lúc trời còn tối, guồng bộ đâu như gần 20 cây số sang lớp học, đến chiều sẩm lại guồng từ đấy về. “Tay ấy mới là tay đáng nể”, bố tôi cũng thường hay trầm trồ kết thúc câu chuyện về ông Huy Phương bằng đúng một câu như thế.

Năm 1960, ông Nguyễn Huy Tưởng mất, vợ ông có vẻ hoang mang. Bà đến gặp bố tôi, hỏi: “Anh có việc gì giới thiệu cho tôi làm thêm với”. Kể cũng tội. Nghe nói, ông Nguyễn Huy Tưởng cũng “đỡ” cho một số văn nghệ sĩ, ông rất hay lưu ý chính quyền về tài năng hội họa của Nguyễn Sáng.

Trần Văn Cẩn kể, một hôm ông đang trên đường về nhà ông ở phố Nguyễn Thượng Hiền, khi đi qua phố Nguyễn Du, đoạn gần ngôi biệt thự của cụ Nam Sơn, thì tình cờ gặp cụ. Cụ Nam Sơn có hỏi: “Chú Cẩn có việc gì cho thầy làm với?” Hì hì, ngày ấy hình như mọi người hay cùng hỏi một câu na ná nhau như vậy. Lúc ấy cụ Nam Sơn đã trên dưới 70 tuổi, chắc cụ chỉ hỏi cho vui, cho có chuyện với người học trò cũ của mình, chứ làm sao có việc gì để dành cho cụ được. Cụ Nam Sơn có vẽ tranh “đề tài”. Năm 1987, ông Trần Văn Cẩn và ông Hữu Ngọc làm cuốn sách “Vietnamese Contemporary Painters”, trong sách có giới thiệu cả cụ Nam Sơn, mà đấy hình như cũng là lần đầu tiên cụ “chính thức vào sách cách mạng”. Năm ấy tinh thần đã cởi mở hơn, nhưng bây giờ vẫn muốn đặt câu hỏi: Nếu cụ Nam Sơn không có tranh “đề tài” để chọn, liệu ông Trần Văn Cẩn hay ông Hữu Ngọc có giới thiệu cụ hay không? Đương nhiên không nên đòi hỏi nhiều quá, ở đây chỉ xin ghi chú rằng, trong cuốn sách này, vắng mặt ông Nguyễn Gia Trí!
Tôi không nhớ chính xác thời gian ông Nguyên Hồng dọn lên Nhã Nam, Yên Thế, vừa tự trồng lúa vừa viết sách, là khi nào. Chỉ tạm có hai thông tin rất đáng ghi về ông Nguyên Hồng. Ông hay đi chiếc xe đạp trẻ con, thấy bạn ở ngoài đường ông thường níu lại, nhấn đúng một câu: “Thế nào cũng được, nhưng không được hèn”… Lúc Nguyên Hồng mất, trong nhà ông chỉ còn mấy bơ gạo. Có thể bạn đọc sẽ đặt câu hỏi, tại sao tôi viết về mỹ thuật mà lại viết cả về các nhà văn. Ồ! Thế giới của các văn nghệ sĩ ngày xưa hầu như không có ranh giới nào, nhất là sau khi họ đã cùng nhau trải qua gian khổ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngày mới trở về Hà Nội, tất cả đều chung một mái nhà lớn là Hội Văn Nghệ Việt Nam. Chỉ đơn cử như trong ngày bố mẹ tôi cưới nhau, ngoài các họa sĩ, còn có rất đông các nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, nhà đạo diễn, nhạc sĩ, diễn viên sân khấu đến tụ tập chia vui. Riêng ông Nguyễn Tuân còn “đứng tên” làm chủ hôn. Rồi cứ thế cả đoàn người linh đình kéo nhau từ phố Hai Bà Trưng sang dự tiệc mít-tinh ở phố Hàng Bài, rồi lại từ phố Hàng Bài trở về phố Hai Bà Trưng. Có lẽ bởi vậy, mỗi khi nhắc lại những kỷ niệm về ngày cưới của bố mẹ tôi, dù đã sau biết bao nhiêu năm trời, mẹ tôi vẫn luôn luôn tuyên dương bố tôi: “Oách!”

A! Không nên quên chuyện của ông Văn Giáo, một trong những người bạn rất thân của bố tôi. Ông Văn Giáo hơn bố tôi đến 7-8 tuổi, nhưng lại cưới vợ sau bố tôi 5 năm. Khi cưới vợ (năm 1960), ông Giáo đã 44, ngày ấy bị coi là quá quá muộn. Tuy nhiên, điều ấy chưa hẳn là đáng lạ. Lạ là ở chỗ, khi ông Giáo lấy vợ thì bà vợ ông Nguyễn Đỗ Cung bỗng dưng lại đến “xin cảm ơn” vợ ông Giáo. Tại sao thế nhỉ?

Là thế này, bộ đôi Giáo-Cung thân thiết với nhau như thế nào thì nhiều người biết. Hai ông đã cùng nhau hoạt động ở Liên khu 5, và cùng là “hội viên của câu lạc bộ những người đàn ông tính nóng như lửa”. Ngày ông Văn Giáo chưa lấy vợ, ở một mình, mỗi khi ông Nguyễn Đỗ Cung có “trục trặc” với gia đình, ông Cung đều đến tá túc ở nhà ông Giáo, và lẽ tất nhiên, ai chả vậy, bà Cung khó có thể hài lòng, thậm chí còn ấm ức vì cái thủ pháp quen thuộc có phần “tiêu cực” ấy của ông Cung. Bởi vậy, có lẽ không chỉ đối với vợ ông Văn Giáo, mà với bất kể một ai khác nếu có, cứ hễ chặn được lối vào “an toàn khu” của ông Nguyễn Đỗ Cung, thì bà Cung chắc hẳn đều sẽ cảm thấy cần phải cảm ơn người ấy.

Ông bà Văn Giáo có hai cậu con trai, cả hai đều cao lớn như ông Giáo, toàn cỡ thước tám thước chín, cậu cả tên Nam, cậu sau tên Đức. Bây giờ cậu Đức thì sống ở Việt Nam, cậu Nam thì sống ở Đức.

Xưa ông Văn Giáo và Nguyễn Tư Nghiêm ở sát nhà nhau, ông Nghiêm có vẻ “ngán” hai cái thằng cu này của ông Văn Giáo lắm. Ông Nghiêm hay bảo tôi: “Mừn ở đây cũng phải cẩn thận, lơ mơ chúng nó thụi cho”. Hi hi…”

Bạn đọc quan tâm có thể thoải mái đọc cả bài trên mạng, nếu muốn, bởi tạp chí Mỹ thuật, ngoài báo giấy, đồng thời cũng là báo mạng.

Nhân đây cũng xin nhắc, bạn đọc nào vẫn còn quan tâm tới cuộc tọa đàm về triết học trên „Cà-phê thứ 7“ với GS vật lý Vũ Xuân Minh, cũng có thể thoải mái xem trên Youtube nhé!

Xin kể tiếp về các bạn lớp Lý khóa 9 ĐHTHHN chúng tôi.

Sau khi nói về một số bạn khá nổi tiếng, xin kể theo kiểu nhớ gì nói nấy cho đơn giản. Trong cuốn hồi ký này của tôi, tôi chỉ ưu tiên theo thứ tự thời gian mà ngay cái ấy nhiều khi còn chẳng tuân thủ nữa là, thoi, cái dịch cúm Tàu này đã làm thế giới đại loạn rồi thì cứ theo ‚Mao tuyển’ mà mần, nhân dịp này cho tung hê cả cái Trái Đất này lên để rồi sau đấy, nó chỉ còn biết nghe theo „Chủ tịch Tập vạn tuế“ mà thôi. 

Vậy để giữ ở thời điểm sau khi tốt nghiệp đại học, trước hết nãy kể về các bạn thuộc tổ chuyên đề „Quang phổ“ chúng tôi cho dễ. 

Người đầu tiên phải nói tới, dĩ nhiên phải là người già nhất, ‚anh cả’, đầu đàn, mà cho cả lớp cơ. Đấy là anh Phạm Văn Cường. Anh Cường sinh năm 1934, hơn tôi cả chục tuổi, quê Lạc Đạo, Hưng Yên, cũng coi như ngoại thành Hà Nội. Đã ra công tác lâu nay về học lại, vợ con đã đề huề mà còn quyết tâm học nên phải nói là hết sức vất vả, nhưng rồi cuối cùng với nỗ lực bản thân và sự giúp đỡ của thầy bạn, anh cũng học xong. Anh Cường khi đó còn có tên đệm ‚Cường ong’ vì anh có kinh nghiệm với nghề nuôi ong, mà trên sơ tán là vùng nông thôn, hơn nữa có nhiều rừng, hoa trái nhiều nên nuôi ong rất thuận lợi để phát triển, ít nhất cũng cải thiện cuộc sống rất khó khăn thời đó. Nhà tôi, các cụ cũng mua một hòm nuôi ong để thử vận may, anh Cường cũng có đến giúp tham vấn, nhưng đáng tiếc kết quả không mấy khả quan. Chắc chắn rằng sự đời đâu có dễ như chúng ta vẫn tưởng?  

Tốt nghiệp, khi ấy, như đã nói là ngành đại học nước nhà đang mở rộng một cách đột biến nên hết sức thiếu giáo viên, nên anh được giao nhiệm vụ làm cán bộ giảng dạy. Đáng tiếc là việc này quá sức anh nên anh được chuyển về làm cán bộ phòng, ban, rồi về sau, anh chán, xin về dạy vật lý ở trường Dạy nghề công nghiệp số 2 cho đến khi về hưu. Anh mất năm 2016, khi 82 tuổi, thế là quá thọ rồi. Nhưng cái hay là ‚hy sinh đời bố củng cố đời con’. Cậu con Quang rất thành đạt. Khi Việt Nam mở cửa, PGS LQMinh, bạn Phòng Quang học mà tôi đã có nhắc tới thành lập công ty riêng, đầu tiên theo đúng chuyên môn là phụ gia, hóa chất cho ngành phim ảnh, photocopy, nhưng rồi mở rộng ra về hóa học theo nhu cầu thị trường,  khi Minh chuyển sang Viện Vật liệu. Ông khá thành công, cậu Quang nhanh nhạy tham gia từ đầu, ngay sau khi học ở Séc về,  rồi sau tách ra công ty riêng, cũng rất thành công. Tuổi trẻ thời nay mà, nhờ thế mà tôi lập lại được mối liên hệ với gia đình này, chỉ đáng tiếc là 2017, sau khi anh Cường mất.

Người thứ hai ở tổ này mà tôi thấy nên nhắc tới là anh Đoàn Văn Ro. Anh quê Nam Định, cùng quê với anh PV Thiều. Ro cùng tuổi tôi, xuất thân Nam Định là xứ học đã đáng nể rồi, hơn nữa, theo tôi biết thì nhà Ro còn có nghề thuốc Đông Y. Bên ngoại tôi cũng vốn có nghề này ở Chương Mỹ, Hà Đông, cho nên bạn đọc hiểu là tôi đánh giá cao nghề này ở nông thôn nước ta trước đây đến thế nào rồi. Thế cho nên, tuy anh không thuộc loại xuất sắc của lớp, nhưng cũng thuộc loại khá giỏi, hơn nữa hết sức chăm chỉ, hay nói theo ngôn ngữ thời đó là ‚phấn đấu tốt’, vì thế anh từng được đề cử làm tổ trưởng tổ Quang phổ lớp tôi. Thời ấy, chắc chắn việc đó phải có sự đồng thuận của chi ủy Đảng và chấp hành đoàn thanh niên. 

Tôi cũng đã từng có nhắc tới ở phần trước, ở cuối học kỳ 1 năm thứ tư, chỉ chờ làm luận văn tốt nghiệp là xong, các sinh viên sắp trở thành giáo viên đại học đến nơi, thày ĐV Hoàng rất hay là giao cho những người khá nhất, chuyên môn và nhất là tiếng Nga phải vững, vì khi ấy chưa có những cuốn sách chuyên môn sâu bằng tiếng Việt, đọc trước rồi thay thầy giảng lại cả một chương cho các bạn đồng học. Ro cũng đã từng được giao nhiệm vụ như vậy.

Thế nên khi tốt nghiệp, Ro được phân công về UBKH&KTNN là tất nhiên. Ro cùng tôi ở Phòng Quang học do anh PH Phi vừa làm TS ở Leningrad về làm trưởng phòng. Anh cùng nhóm Phát Quang với HX Nguyên, người sau này trở thành ‚phò mã’, mà anh Nguyên cũng thật sự giỏi, cháu gọi GS Hoàng Xuân Hãn là bác ruột kia mà. Vì khác tổ chuyên môn nên tôi khó nói về thời gian này của Ro, nhưng tôi nghĩ là Ro đã phấn đấu rất tốt, khi ấy anh đã từng là ‚đối tượng kết nạp Đảng’. Nếu tôi nhớ không nhầm thì sau này, anh VX Quang, viện phó kiêm bí thư chi bộ VVL rất mến Ro, hình như có ý muốn Ro làm anh em cọc chèo với mình, vì anh có cô em vợ rất xinh. Chuyện sao không thành thì chắc chắn có nhiều nguyên nhân, nhưng sau Ro lấy một cô nhân viên Viện Dược liệu, Bộ Y tế, người Hà Nội nên rất đảm đang, nên tuy chỉ có hai con gái, nhưng gia đình sống rất hạnh phúc – hay chính vì thế cũng nên, vì chúng tôi nghiệm ra, các gia đình có hai con gái đều giàu có cả, trong khi hai con trai thì nhiều vấn đề lắm. Và sao anh không được kết nạp Đảng, tôi cũng không rõ, nhiều khả năng do vướng lý lịch.

Đến hẹn lại lên, Ro được cử đi thi nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Anh thi đỗ và được cử sang ĐHTHQG Minsk, Belarus, Liên Xô thời đó, học, cứ tưởng mọi việc ‚thuận buồm xuôi gió’, nào có ai biết đến chữ ngờ…

VVL cử Ro đi học TS về tính chất phát quang của chất rắn nhưng nơi đến không có nghiên cứu đó, Ro tự động chuyển hướng đề tài nghiên cứu của mình cho phù hợp với hướng đó, tức là nghiên cứu vật lý thực nghiệm chung về chất rắn, bất chấp ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Viện. Thế nên khi về, Ro gặp rất nhiều khó khăn trong nghiên cứu và hầu như được ‚ngôi  chơi xơi nước’. Muốn chuyển công tác sang cơ quan khác, mà chắc chắn được họ mời vì thời đó TS còn hiếm vì trong nước chưa đào tạo và TS nước ngoài về, dù bất cứ lúc nào cũng có ,mác’, và như đã nói, Ro không phải loại người kém chuyên môn. Nhiều người vào thời điểm đó rơi vào hoàn cảnh đó nên tôi kể ra đây chắc chắn không phải cá biệt. Tôi chẳng hề muốn ‚bênh’ lãnh đạo, nhưng nhìn đi nhìn lại, số phận con người là cái đinh gì so với vận mệnh của cả một dân tộc.

Lúc ấy Ro cũng được bạn bè giúp đỡ. Chỉ trong hoạn nạn mới biết rõ ai là bạn mà. PVThiều cùng quê ra tay, anh lúc ấy làm tờ ‚Vật lý và Tuổi trẻ’ đang khấm khá, cố tìm các bài toán vật lý phổ thông khó bằng tiếng Trung cho Ro dịch vì Trung Quốc có hệ thống giáo dục postcommunism khá tương tự chúng ta (Thiều cũng muốn giúp tôi, nếu tìm được những bài tiếng Đức tương ứng nhu cầu của chúng tôi, đáng tiếc dù có em ở Đức và con gái ở Séc, tôi không tìm ra, chắc chắn rằng hệ thống giáo dục châu Âu quá khác chúng ta). Thế là Ro vẫn có việc làm. Đáng tiếc là sức khỏe anh không tốt, lại bị tai nạn xe máy, rồi tiếp theo là ung thư, mà khi đó chưa biết được sớm như bây giờ, nên được điều trị muộn; những năm cuối đời chỉ nằm đó ở khu chung cư sang trọng Ciputra, mà chúng tôi đến thăm với bao tiếc nuối. 

Biết làm sao, c’est la vie, anh ra đi năm 2017, cũng đã đạt tuổi thọ trung bình của Việt Nam. 

Có một bạn nữa mà tôi cũng muốn nhắc đến là Đào Xuân Thạnh, cũng cùng tuổi chúng tôi, quê Bình Định, tức dân tập kết Miền Nam. Anh học lực bình thường, nhưng có năng khiếu văn nghệ, hay đánh ghita nên chơi khá tốt nhiều bài, trên sơ tán những chiều đông vùng núi mưa rét lại có sắn hay khoai nướng thế là nhất. Có tài lẻ thì vẫn đáng nhớ. Hơn nữa, Thạnh còn rất chăm chỉ, tốt bụng, hiền hòa.

Tốt nghiệp, Thạnh được phân công về Viện Dược liệu, Bộ Y tế, chỗ mà Ro sau này tìm được cô vợ yêu mà tôi không dám chắc có phải Thạnh, ở tư cách là bạn học cũ, thậm chí lại cùng tổ nữa cơ, mối lái hay không.  Chỉ biết Thạnh sau đó cũng lấy một cô nhân viên Viện này, người Hà Nội đường hoàng nên anh chị nhà cửa nghiêm chỉnh. Không như Ro, Thạnh có hai trai, đều thành đạt, một cậu thậm chí còn là kỹ sư xây dựng, nghề hái ra tiền hiện nay. 

Còn một bạn nữa, Nghiêm Xuân Phổ, thua chúng tôi một tuổi nhưng là người Hà Nội chính hiệu, tuy hồi đó đã là ngoại ô rồi, nhưng lại là quê của một trong những người con tài ba nhất của Hà Nội thế kỷ 20- NMTường: làng Cổ Nhuế. Anh học cũng khá, nên khi tốt nghiệp được phân công về Viện Hóa nghiệm, Tổng cục Địa chất. Năm 1972, khi chiến tranh trở nên ác liệt nhất, anh được gọi vào quân ngũ, phục vụ trong ngành quân y, thuộc Tổng cục Hậu cần, làm việc tại một xưởng sửa chữa thiết bị của cục này nên hết sức hợp với chuyên môn và anh cũng phát huy được năng lực, được thăng quân hàm vượt cấp, rất phấn khởi. Hết chiến tranh, Phổ được xuất ngũ, về lại cơ quan cũ và làm ở đây cho đến khi về hưu năm 2005.

Điều đáng nói ở đây là Phổ được cơ quan phân nhà trên tầng 5 một chung cư, cứ tưởng không cơi nới được, nhưng anh vẫn khéo léo kéo được diện tích ra cả trên trăm mét nên nhà cửa cực kỳ rộng rãi, thoải mái hết ý. Lại có cô con dâu hết sức giỏi giang, có nghề xã hội học đang hot, tiếng Anh rất tốt nên có xuất học bổng đi Mỹ rồi đưa cả nhà sang đó, ở đấy mấy năm, bây giờ đưa cả gia đình ‚Việt kiều yêu nước’ về với ông bà nội, nhà cửa lại rộng rãi thế, tôi không biết có thể mừng hơn cho bạn không.

Để kết thúc bài nói về các bạn học tổ Quang Phổ, xin nói về ba bạn số phận không may, nay đều đã ra đi. Ba bạn này đều bị đúp lớp, tức là vì từ khóa 8, khoa Lý ĐHTHHN chúng tôi cũng chuyển sang hệ 5 năm theo Liên Xô như các khoa khác. có chú ý nâng cao chất lượng, nên có đến mấy sinh viên bị đúp lớp, trong đó có ba bạn Khổng Đình Tiến, Nguyễn Văn Trân và Nguyễn Vân.  

Anh Tiến người Hà Nội, sinh 1938, có ông anh cũng dân vật lý chúng tôi, thậm chí khá nổi tiếng bên Đại học Sư phạm, nhưng anh lại học hết sức bình thường, nếu không nói là kém, có lẽ bởi diện cán bộ đi học nên tuổi cao khó học. Tốt nghiệp, anh được phân về Viện Vật liệu Xây dựng, nơi cô vợ đầu của tôi cũng từng về đó. Cũng nên nói là anh hiền lành, nhưng hơi chậm chạp nên bước phát triển chuyên môn là khó, nên anh chuyển sang làm tư liệu ở Bộ, rồi sang VKHVN chỗ chúng tôi có đến 10 năm, tôi thi thoảng gặp anh ở Trung tâm Tư liệu của anh Mai Hà, cuối cùng trở lại Viện Vật liệu Xây dựng, nơi bắt đầu khởi nghiệp, có vợ con ở đó và cũng được phân nhà, một căn hộ đường hoàng ở đó, thuộc Bộ Xây dựng mà. Anh mất năm 2004 sau khi về hưu 6 năm, cũng là thọ, hơn nữa có cậu con trai theo nghề tin học đang đầy tương lai.                                                                                  

Hai anh Trân và Vân, rất tiếc tôi có ít thông tin. Họ đều cùng tuổi tôi, anh Trân học bình thường nhưng lại khéo miệng và chơi violon khá hay, đi thực tập đệm cho một cô ở đoàn địa chất trên Vĩnh Yên có giọng rất  tốt nên được mọi người hết sức thán phục. Còn anh Vân học giỏi, có lẽ chỉ do không may mà anh đúp lớp. Hai anh khi tốt nghiệp đều được phân về các trường phổ thông. Anh Vân về Hải Phòng, rồi bị bệnh và mất sớm tại đó. Còn anh Trân sau chiến tranh vào Sài Gòn, ở đấy anh xây dựng gia đình với một cô Hoa Kiều nên có nhà cửa sang trọng, thậm chí có cửa hàng bán xăng, không may gặp tai nạn cháy nổ nên bị bỏng nặng, cuối đời đáng tiếc sống trong bệnh tật và không hạnh phúc.    

Về riêng cá nhân tôi, có lẽ bây giờ nên phải làm cái mà từ đầu phải làm là viết sơ yếu lý lịch để bạn đọc dễ theo dõi vì hồi ký này dài..lê thê, nhớ quên lung tung cả.

Vậy có thể chia ra như sau: Bẩy năm đầu, 1944 đến 1951 còn nhỏ chẳng đáng nói và cũng quên hầu hết. Từ 1951 đến đầu 1955, học tiểu học ở Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc. 1955-1956 học ở Phổ thông 3, Hà Nội. 1956-1962 học trung học rồi học nghề tại Dresden, CHDC Đức. 1962-1964 công tác tại Viện Đo lường UBKHNN. 1964-1968 học khoa Lý khóa 9 ĐHTHHN. Tốt nghiệp về công tác tại VVL, lấy vợ 1971, sinh con 1972, tôi đã hoàn thành ‚đại đăng khoa, tiểu đăng khoa’. Đang dừng ở đây.  

Lại nói sự quên ở bài trước. May quá, có ông em ở Munich, thua một con giáp và có trí nhớ tốt, nhắc, „bà đỡ cho cậu con đầu Ngụy Hữu Đức – mà cháu Hoàng, nay là viện phó VVL bảo: „Bác Tâm ạ, cháu và Đức vốn bạn thân vì cùng học chuyên Toán Amsterdam mà“ – là bà Ninh, vợ ông Đàm, ông bà có cái villa ngay đầu Phố Trần Hưng Đạo, nếu em không nhớ nhầm“. Bây giờ tôi đã nhớ ra, đúng thế. Con trai ông bà – dáng tiếc tôi quên tên, học toán rồi chuyển sang ngành kinh tế nên có bằng toán kinh tế, rất hay như nhiều người khác, nên được sang làm TS ở Đức – thậm chí còn có thời gian ở chung căn hộ với tôi khi tôi sang Berlin công tác. Thế mà quên tên, cái não chết tiệt, lây bệnh Alzheimer của cô vợ đầu rồi mà. 

Còn ông Phó Giám đốc Sở Thể dục&Thể thao Hà Nội thời đó là Lê Thế Thọ, gia đình có truyền thống ở Hà Nội, em tôi có trí nhớ tốt quá. 

 Bài cũng đã dài, xin hẹn lần sau kể tiếp về việc vào tháng tư năm 1974, làm sao tôi được đi làm TS ở Berlin, CHDC Đức, và những năm tiếp theo. 

Nhân đây cũng xin kể ra những bài báo mạng mà thời gian qua, tôi theo dõi được.

Làm Báo

 (VNTB) – Tưởng gì chớ làm báo, và viết báo thì tôi rành rẽ (lắm) ngay từ lúc thiếu thời. Toàn là những chuyện không vui, hay những kinh nghiệm rất buồn. 

Bài viết đầu tiên của tôi xuất hiện ở tạp chí Phổ Thông năm 1967. Dù có ghi rõ ngay ở trang đầu “lấy nhuận bút” nhưng tôi không nhận được đồng xu cắc bạc nào ráo trọi, báo biếu hay thư cảm ơn (suông) cũng khỏi có luôn.

Đúng là một “cái tát” đầu đời, dành cho một mầm non văn nghệ, ở tuổi 15! Từ đó – thỉnh thoảng – tôi lại nhận được thêm vài “cái tát” nữa của quí vị chủ nhiệm/chủ bút, hay … chủ chợ!

Suốt những năm của thập niên 1980, khi vừa mới chân ướt chân ráo đến California, tôi cùng vài người bạn hì hục làm báo và nhà xuất bản Nhân Văn. Độc giả dài hạn không nhiều, khoảng năm bẩy trăm thôi, tiền mua báo chỉ vừa đủ chi trả cho ấn phí và bưu phí.

Chúng tôi cũng kiếm thêm được chút đỉnh nhờ vào quảng cáo, và sách báo bán ngay tại địa phương. Còn số gửi đi những thành phố khác, và tiểu bang xa thì kể như mất trắng. Hiếm có ông bà chủ tiệm, hay chủ chợ, nào sòng phẳng lắm. 

Tôi viết báo bị chạy tiền (liền liền) và làm báo bị giật tiền (liên miên) nên nói chuyện sách báo không khỏi cảm thấy đôi chút ngại ngần hay cay đắng. 

Tập Cận Bình thúc đẩy ngoại giao bên lề Thế Vận hội

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang dùng Thế Vận hội Mùa đông Bắc Kinh để thúc đẩy nỗ lực ngoại giao với nhiều nước.

Hôm thứ Bảy 5/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp các nhà lãnh đạo Kazakhstan, Turkmenistan, Uzbekistan, Kyrgyzstan và Tajikistan bên lề Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.

Ông nói Trung Quốc là đối tác đáng tin cậy của các quốc gia Trung Á và đang tìm cách tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực từ năng lượng đến an ninh.

Các cuộc gặp của ông Tập vào thứ Bảy, cũng bao gồm các cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo Serbia và Ai Cập, sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin trước lễ khai mạc Thế vận hội một ngày trước đó.

 Việt Nam: Cao tốc Bắc – Nam ngổn ngang thách thức

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đang kiểm tra, đôn đốc các dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Hôm 5/2, ông Chính cùng đoàn quan chức cấp cao đi nắm tình hình các dự án cao tốc Nha Trang – Cam Lâm – Vĩnh Hảo – Phan Thiết – Dầu Giây.

Một ngày trước đó, ông chủ trì họp kiểm điểm tiến độ Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020.

Trong cuộc họp, Thủ tướng Việt Nam cho biết, qua kiểm tra thực tế và làm việc, có hai vấn đề nổi lên cần giải quyết liên quan tới các dự án cao tốc.

 Hãy chung tay … 

(VNTB) – Các tù nhân lương tâm đã làm phần của họ, giờ đây, phải chăng đến lượt chúng ta làm phần của mình? Hãy hành động!

Nhận được lời chúc tết của nhà báo độc lập-nhà đấu tranh vì tự do ngôn luận, PHẠM CHÍ DŨNG từ trại giam Xuân Lộc, nhiều độc giả của Việt Nam Thời Báo chắc chắn sẽ rất xúc động (trừ đám bò đỏ), khi được biết điều kiện sống hết sức tồi tệ của người bị tạm giam mà anh đã trải qua trong buồng tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu trong thời gian dài (gián, chuột bò lên người vào ban đêm), rồi cách chính quyền cố tình xếp anh nằm ngủ sát bên các tù nhân mang bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (ghẻ, HIV) trong trại giam BỐ LÁ để gây áp lực tâm lý và trả thù đê hèn người phản biện, cũng như buộc tù nhân phải sử dụng nguồn nước nấu ăn hàng ngày nhiễm chất phèn độc hại trong trại giam XUÂN LỘC nhằm bào mòn sức khỏe tù nhân và đầu độc họ theo kiểu mưa dầm thấm đất, chắc hẳn mọi người rất thương cảm cho các nạn nhân và phẫn nộ vì cách đối xử vô nhân đạo của nhà cầm quyền với người bất đồng chính kiến.

Đánh giá triển vọng quan hệ Việt Nam – Australia trong năm 2022

Cơ hội nâng tầm quan hệ đối tác Việt Nam – Australia đang trong tầm với, nhưng hai bên cần triển khai các bước đi cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu này.

Australia đang nỗ lực tạo dựng cột mốc mới trong quan hệ với Việt Nam. Vào tháng 5/2021, Thủ tướng Australia Scott Morrison đề xuất nâng cấp quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược toàn diện (CSP) vào năm 2023. Nếu muốn biến mục tiêu này thành hiện thực, lãnh đạo hai nước cần thúc đẩy hợp tác song phương chặt chẽ hơn trên một số lĩnh vực chính.

La Chine veut-elle mettre l’Europe à genoux ?

Il faut arrêter de continuer à véhiculer le mythe du péril de jaune. Que la Chine voudrait envahir le monde. Pourquoi est ce que l’Europe n’essaierait pas de se remettre en question et faire un travail d’introspection au lieu de constamment se victimiser? Pendant toutes ces années où l’Europe s’est senti invincible par son passé de colonisateur, d’autres pays se sont réveillés et ont rattrapés le retard cumulés. Ils sont même meilleurs que les pays européens. Et c’est ça qui fait peur à l’Europe et aux USA.

Phnom Penh Cambodia is booming now. Is that due in part to Chinese or Vietnamese investing?

Yeah. Thanks for asking me this question. I think that Phnom Penh in particular and Cambodia, in general, are booming now. There are many reasons for Cambodia’s and Phom Penh’s growth as the following:

Lựa chọn của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu mới

(VNTB) – Việt Nam tiến dần vào thập niên mới

 Hai năm đầu tiên của thập niên 2020 đã trôi qua. Việt Nam bước vào năm 2022 trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều chuyển biến phức tạp, bất ngờ. Một điều không thể phủ nhận là trong những thập kỷ qua, Việt Nam đã thành công trong việc tạo và duy trì được đà phát triển tương đối nhanh trong khu vực và trên thế giới, dần tự hình thành cho mình một vị thế địa-chính trị-kinh tế trong khu vực. 

Việt Nam có lợi thế về quy mô dân số tương đối lớn, với cơ cấu dân số còn khá trẻ và độ dung hợp xã hội cao, tầng lớp trung lưu đang phát triển và từng bước định hình lý tính về một xã hội hiện đại. Quy mô sản xuất của nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, nguồn lực xã hội được tích lũy, và hợp tác quốc tế ngày càng tự tin hơn. Nhưng bên cạnh đó, Việt Nam còn khá nhiều hạn chế như trình độ kỹ năng của lao động còn thấp, năng lực sản xuất phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chưa tự chủ công nghệ dù ở mức cơ bản. Thiết chế xã hội và hệ thống luật pháp còn chưa theo kịp sự phát triển kinh tế. Kết quả là cấu trúc nền kinh tế chưa vững chắc vì khu vực tư nhân còn yếu và dàn trải, mô hình tăng trưởng chất lượng thấp, nền kinh tế thị trường chưa đầy đủ, dễ tổn thương trong môi trường thể chế và kinh tế vĩ mô bất trắc. 

Còn quá sớm để có thế đánh giá xem trong thập niên trước, Việt Nam đã tận dụng được hết cơ hội và tiềm năng của mình hay chưa. Tuy nhiên, nhìn vào thập niên trước mắt, có thể thấy Việt Nam chắc chắn phải đối mặt với những lựa chọn to lớn có vai trò quyết định con đường phát triển và ổn định của đất nước trong dài hạn. Vì vậy, tư duy về một tầm nhìn chiến lược cho Việt Nam trong thập kỷ này là việc làm cần thiết. Trong bài viết này, tác giả mong muốn tham gia vào cuộc thảo luận về những lựa chọn chiến lược cho Việt Nam. Sự thảo luận này, trước hết, phải gắn liền với nhận định chiến lược về bối cảnh thế giới và khu vực trong thời gian tới. 

Mỹ cáo buộc Nga âm mưu dàn dựng để tạo cớ tấn công Ukraine

Nga đang lên kế hoạch ngụy tạo lý do để xâm lược vào Ukraine bằng cách đổ lỗi cho quân đội Ukraine về một cuộc tấn công nhằm vào lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn hoặc chính Nga, các quan chức Mỹ cho biết.

Một phương án mà Nga được cho là đang cân nhắc là dàn dựng và quay phim một vụ tấn công giả, có hình ảnh về một vụ nổ với nhiều thương vong.

Đáp lại, Nga cho biết họ không lên kế hoạch cho bất kỳ hoạt động ‘cờ giả’ nào [hoạt động bí mật tiến hành bởi các chính phủ hoặc các tổ chức, được thiết kế để nó như thể được thực hiện bởi các đơn vị khác]/

Mỹ và NATO lo ngại về sự tập trung đông đảo các lực lượng Nga gần Ukraine.

Thế vận hội Bắc Kinh bắt đầu trong bối cảnh Covid và tẩy chay

Thế vận hội Olympic bị chia rẽ nhiều nhất trong nhiều thập kỷ được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào thứ Sáu.

Bắc Kinh trở thành thành phố duy nhất tổ chức cả Thế vận hội Mùa hè và bây giờ là Thế vận hội mùa đông. Cùng với các biện pháp kiểm soát ngặt nghèo do Covid-19, Thế vận hội này ngập trong căng thẳng chính trị liên quan đến các cáo buộc vi phạm nhân quyền và tẩy chay.

Phần lớn tuyết trên các sườn núi nơi diễn ra các sự kiện Olympic là nhân tạo.

Chuyện muôn năm cũ ở một Đảng 92 tuổi

(VNTB) –  Thực tế đã chỉ ra rằng khi được trao quyền lực thì luôn có xu hướng tha hóa quyền lực.

Các vụ đại án đã và đang được các cơ quan chức năng xem xét và xử lý đã minh chứng rõ ràng hơn việc chạy chức, chạy quyền để có quyền lực – những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, “thói thực dụng chính trị”.

Cuối năm ngoái, Hội nghị cán bộ toàn quốc triển khai Kết luận hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’.

Covid-19: Lý do xây hàng rào biên giới phía Nam của Trung Quốc?

Trung Quốc những năm gần đây tăng cường xây dựng, nối dài hàng rào dọc biên giới phía Nam của nước này, ngăn cách với các nước láng giềng Việt Nam, Myanmar và Lào nhằm “chống Covid-19”.

Từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh lấy lý do phòng chống Covid để tăng cường kiểm soát, thắt chặt biên giới và đẩy nhanh xây dựng hàng rào dọc biên giới ngăn cách với các nước láng giềng phía Nam.

“Vạn lý trường thành phía Nam” hay “Vạn lý trường thành Chống Covid”

“Vạn lý trường thành phía Nam” (Southern Great Wall) được dân mạng xã hội đặt tên cho hàng rào biên giới phía Nam của Trung Quốc.

Trong khi truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi nó là “Vạn lý trường thành chống Covid” (Anti-Covid Great Wall).

Kon Tum: Khởi tố bắt giam nghi phạm giết Linh mục Trần Ngọc Thanh

Báo điện tử Công an Kon Tum đưa tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối tượng Nguyễn Văn Kiên (sinh năm 1989) về tội “Giết người” trong cái chết của Linh mục Trần Ngọc Thanh.

Hiện chưa rõ vì sao lệnh khởi tố được ban hành ngày 31/01/2022 nhưng bản tin về vụ án chỉ mới được đăng vào ngày 2/2.

Vụ việc xảy ra vào 19h ngày 29/01/2022 và nghi phạm được cho là bị người dân có mặt tại hiện trường khống chế, bắt giữ và giao cho công an địa phương ngay tối hôm đó.

Bản tin của báo Công an Kon Tum mô tả “đối tượng” Nguyễn Văn Kiên khai nhận là thành viên của gia đình giáo dân công giáo và thường đi lễ, đọc kinh tại Nhà thờ thuộc xã Saloong, huyện Ngọc Hồi.

Căng thẳng Ukraine: TQ muốn gì từ cuộc khủng hoảng giữa Kiev và Moscow?

Vào lúc cuộc khẩu chiến giữa Hoa Kỳ và Nga ngày càng lớn hơn quanh chuyện Ukraine, một nhân tố chính trên trường quốc tế cũng lên tiếng mạnh mẽ: Trung Quốc.

Trong những ngày gần đây, Bắc Kinh kêu gọi cả hai bên bình tĩnh và chấm dứt đòn tâm lý Chiến tranh Lạnh, đồng thời nói rõ rằng họ ủng hộ những quan ngại của Moscow.

Rõ ràng là Trung Quốc sẽ đứng về phía Nga, đồng minh lâu năm, cũng là đồng chí cũ trong khối Cộng sản. Nhưng làm thế nào và vì sao vấn đề này lại đang đi sâu hơn, xa hơn so lịch sử trước đây?

Why do Vietnamese people believe that the celebration of the Chinese New Year came from Vietnam?

Not all Vietnamese think so!

Most Vietnamese do not care about the origin of Tet. They just assumed that it was the tradition of their predecessors and they followed.

Others believe that Tet has its origin in Vietnam because they consider themselves descendants of the Bach Viet people (Baiyue). Because the Bach Viet people who used to live south of the Yangtze River were rice growers different from the northern Chinese who were nomads. According to them, Tet is the occasion when rice farmers celebrate the past rice crop, marking a year of their hard work. And prepare for a new year of rice planting. Therefore, Tet takes place after the winter weather passes and the warm spring comes to them. They began to celebrate and prepare to plant new rice for the next crop. This is also a favorable time to plant rice when the spring weather is warm, the dead root of the rice has rotted, making the soil lush and the sprouts will sprout and grow quickly thanks to the spring rains.

Comment apprendre le chinois ?

Je suis chinoise, donc, je vais vous parler quelques astuces pour apprendre le chinois. Bien des personne expriment un sentiment de peur pour le apprendre. En fait, le chinois n’est pas difficile du tout. Diffirent d’autres langues romanes ou latinnes, le chinois est une langue d’image, les caractères sont a la fois les importants et les plus difficiles pour les étrangers. D’ordinaire, quand les chinois sont très petits, s’ils n’apprennent pas les caractères, ils ne peuvent que dire, quand ils lisent les caractères, ils ne savent pas ce dont est ils ont déja parlé, juste commes une langue étrangère! Donc, aux yeux de certaines personnes, apprenre le chinois est ressemble à apprendre deux langues d’autres.

Như một người tự do dạo bước vào mùa xuân mới 

Tôi vẫn nhớ mình đã tuyệt vọng đến thế nào khi bị nhốt trong căn phòng trọ nhỏ gần bốn tháng trời hồi năm rồi, khi dịch COVID-19 đạt đỉnh ở TP. Hồ Chí Minh. Tôi hiển nhiên không phải là người duy nhất và ở trong tình cảnh tệ hại nhất, nhưng đó là những ngày tôi bức bí tự hỏi mình có đôi chân để làm gì. Chưa bao giờ việc bước đi trong một khoảng không gian thoáng đãng lại trở nên xa xỉ đến vậy.

Trong những ngày đầu tiên được giải phóng khỏi những hàng rào kẽm gai và dây giăng mắc, tôi xem việc đi dạo như là cách mình thực hành quyền tự do. Tôi đọc cuốn “Dạo bước” (Walking) của Henry David Thoreau vào những ngày đó, và thấy có một mối dây đồng điệu rung lên trong tâm hồn mình.

Thư cho người bạn trẻ: Chúng ta và sự thật què cụt!

 (VNTB) – Sẽ không có ánh sáng tự nhiên nào cứu rỗi cho bạn và tôi, nếu chúng ta không tự thắp nên một ngọn nến sự thật cho chính mình để giải thoát khỏi mê ám trùng vây. 

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến tôi, trước những điều rối ren vây quanh đời sống, được nhìn thấy hôm nay. Bạn hỏi “mọi thứ có đúng là sự thật không?”. Tôi cảm kích sự hoang mang chân thành của bạn. Và sẽ thử nói một chút về sự thật mà bạn đang băn khoăn.

Trong các sách liên quan về lịch sử ở Việt Nam hôm nay, vẫn mô tả về chuyện hai trái bom nguyên tử mà người Mỹ đã thả xuống nước Nhật, đại khái như sau: “Tháng Tám năm 1945, Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki – Nhật Bản, buộc Nhật Hoàng phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước quân Mỹ, hàng triệu người dân Nhật ở hai thành phố này đã thiệt mạng”. 

Nhưng mọi thứ nào đâu có đơn giản như vậy. Đó chỉ là hình ảnh chính khi những người làm lịch sử muốn nhấn mạnh về tội ác của người Mỹ đối với nước Nhật. Và khi làm như vậy thì họ gửi đến phần đám đông đọc-biết của một sự thật đã bị què cụt…

Thư này không chỉ cho bạn trẻ mà còn cho các cụ già và nhiều người khác đang u mê vì cuộc ‚tảy não’ diễn ra đã 92 năm nay rồi, nên gột rửa nó không dễ và không thể một sớm một chiều được. Mà là một ‚sự nghiệp nâng cao dân trí’ mà cụ Phan Chu Trinh mới bắt đầu, và bị ba cuộc chiến tranh ngăt quãng, mà chúng ta phải tiếp tục tiến hành. Đấy là điều kiện tiên quyết để có nhà nước dân chủ, pháp quyền.    

 Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ cầm quyền trong bao lâu?

 (VNTB) – Lịch sử cạnh tranh giữa phương Tây và Liên Xô cho thấy rằng các cơ hội để thay đổi cán cân quyền lực thế giới xuất hiện vào những thời điểm bất ngờ nhất. 

Mô hình kinh tế của Trung Quốc, thường được coi là “tư bản nhà nước”, giờ đây được mô tả rõ hơn là mô hình tư bản của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong đó sự tồn tại chính trị của đảng là một mệnh lệnh tuyệt đối, vượt trội hơn các mục tiêu phát triển. Các công cụ của mô hình nầy để quản lý nền kinh tế không chỉ bao gồm quyền can thiệp của đảng vào thị trường, mà còn tăng cường sử dụng quyền lực của đảng và nhà nước để kỷ luật tư nhân. Các doanh nhân Trung Quốc hiện được cho là sẽ phải tuân theo đường lối của đảng. Các tập đoàn nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc cũng phải tuân thủ như vậy. 

Cách triển khai mô hình nầy đang gây ra phản ứng mạnh từ các nước tự do dân chủ khi các nước nầy coi việc cưỡng chế để có sự hợp nhất giữa lợi ích nhà nước và tư nhân ở Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của họ.

 Après avoir visité la Chine, pensez-vous toujours que les Chinois subissent un lavage de cerveau important comme le disent les médias occidentaux ?

Absolument pas. Bien au contraire. Déjà avant d’y aller je ne le croyais pas. C’est que dans ma vie, j’ai beaucoup été en contact avec des personnes venant d’anciens pays communistes d’Europe de l’Est, et j’ai toujours trouvé leur manière de voir le monde, disons, plus « sobre » qu’en Occident, et depuis assez tôt j’ai été conscient que ladite « Guerre Froide », et bien dans les médias elle est toujours là.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng loay hoay chống ‘tiêu cực chính trị’ 

(VNTB) – Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần phải gắn với chức trách, nhiệm vụ, vị trí việc làm cụ thể, không chung chung. 

Tròn 1 năm sau Đại hội XIII của Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” về việc ‘tiêu cực chính trị’.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên trong nhiệm kỳ là: “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Nổ kho đạn ở Gia Lai đặt câu hỏi về năng lực quản lý vũ khí của quân đội Việt Nam

Sớm ngày 2/2 (mùng 2 Tết), kho K870 thuộc Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng), tại huyện la Grai, tỉnh Gia Lai, bất ngờ phát nổ, cột khói cao hàng chục mét.

Truyền thông Việt Nam đưa tin, có khoảng 10 hộ dân sống gần khu vực vụ nổ đã được chính quyền di dời, không có thương vong. 

Kênh 14 viết: “Thông tin ban đầu xác định, vụ cháy diễn ra với quy mô không lớn và người dân không có thiệt hại gì sau vụ việc.”…

Chừng nào Quân đội Nhân dân nhưng lại là của riêng của ĐCSVN thì còn nhiều vấn đề lắm. Chỉ khi tách biệt mới thay đổi được. Tư bản và CS khác nhau là chỗ đó, ai chả biết.

Năm hổ đi tìm ‘hoa hậu hổ’

Con giáp cung cấp một chủ đề đỡ phải nghĩ cho các tiểu cảnh trang trí đô thị mỗi dịp Tết đến. 

Đồng thời cũng trên tinh thần đỡ phải nghĩ, nhiều địa phương giao luôn công việc sáng tạo này cho các tay “thợ đụng” tạo nên những thành phẩm gây cười ngoài ý muốn. Đặc biệt con giáp năm nay có vẻ không hề là một đầu bài dễ xơi.

Rõ ràng một số chủ đầu tư kiêm thẩm định không nhận thấy thành phẩm mình bày ra thực sự xấu cho đến khi hình ảnh của chúng được tung lên mạng làm dân tình cười lăn cười bò.

Năm nay hổ Bạc Liêu vừa mở hàng đã hứa hẹn một mùa hổ chết cười. Đàn hổ ngự trước khu hành chính tỉnh Bạc Liêu có vẻ muốn học theo phong cách “hờn cả thế giới” của hổ Đài Loan nhưng không tới. Hơn nữa, chúng được làm cho gầy hẳn đi kèm cặp mắt gián nhấm khiến cho vẻ khó ở càng khó tả. 

Thần khí Chúa đã sai tôi đi

 (VNTB) – Ứớc gì ngày càng có nhiều người tỏ lòng thương yêu đồng bào, đặc biệt là trong việc góp phần đem lại những thay đổi tích cực cho việc phát triển kinh tế nước nhà và việc đem lại tự do cho mỗi người dân.

“Sai tôi đến với người nghèo khó, sai tôi đến với người lao tù, đem Tin Mừng giải thoát Thiên Chúa đã cứu tôi.” Đó là lời của một bài thánh ca mà tôi được nghe trong khi dự lễ Giao Thừa năm Nhâm Dần. Bài hát tự nhiên làm tôi nhớ đến một số sự kiện xảy ra trong những ngày giáp Tết và tôi xin chia sẻ với bạn đọc.

CSVN có ‘đánh trống bỏ dùi’ vụ ‘ăn’ các chuyến bay ‘giải cứu’?

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) Sáng 31 Tháng Giêng, trong buổi viếng thăm, chúc Tết, kiểm tra công tác tại Công An thành phố Hà Nội, Thủ Tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu “khẩn trương điều tra để đưa ra xét xử vụ án xảy ra tại Cục Lãnh Sự thuộc Bộ Ngoại Giao bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật,” theo báo VietNamNet.

Trước đó hôm 27 Tháng Giêng, Trung Tướng Tô Ân Xô, chánh văn phòng kiêm phát ngôn viên Bộ Công An, cho biết Cơ Quan An Ninh Điều Tra Bộ Công An đã khởi tố, khám xét và ra lệnh bắt tạm giam các bị can gồm Nguyễn Thị Hương Lan, 48 tuổi, cục trưởng Cục Lãnh Sự; Đỗ Hoàng Tùng, 42 tuổi, phó cục trưởng; Lê Tuấn Anh, 40 tuổi, chánh văn phòng của cục; và Lưu Tuấn Dũng, 35 tuổi, phó Phòng Bảo Hộ Công Dân của cục này, để điều tra về tội “nhận hối lộ.”

NHỮNG SUY NGHĨ SAI LẦM VỀ CÁC MÁC VÀ CỘNG SẢN

Rất nhiều người vẫn hay bàn luận về Các Mác mà không hiểu rõ toàn diện Các Mác và những hoang tưởng trong lý thuyết mà ông ta chủ xướng. Ngay cả những lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam cũng không ai hiểu rõ “chủ nghĩa Cộng Sản” ngoài ý chính là “tập trung tài sản của nhân dân vào một tay lãnh đạo của Đảng”. Nhiều đảng viên chỉ nói như “vẹt” vài điều lẩm cẩm về chủ thuyết của Mác, nhưng nếu truy xét tới cùng thì cũng chỉ lặp đi lặp lại những nhóm từ ngữ sáo rỗng “chuyên chính vô sản, Đảng lãnh đạo, Nhà Nước quản lý, Nhân dân làm chủ….”

Nhà báo Phạm Chí Dũng chúc tết từ trại giam Xuân Lộc

 (VNTB) – Từ trại giam Z30A Xuân Lộc Đồng Nai, nhà báo Phạm Chí Dũng cầu chúc ngày mai thanh bình và Việt Nam sớm có dân chủ nhân quyền! 

“Phạm Chí Dũng xin cầu chúc người dân Việt Nam đón một cái Tết Nguyên Đán an lành và sớm thoát khỏi đại dịch Covid-19. Cầu chúc ngày mai thanh bình và Việt Nam sớm có dân chủ nhân quyền!” 

Đã 3 cái tết rồi nhà báo Phạm Chí Dũng xa nhà. Và cũng gần tròn 3 cái tết anh không được nhìn thấy người thân. Mãi cho đến gần cuối tháng 1-2022 anh mới được nhìn thấy mẹ, thấy vợ qua ô cửa kính ngăn phòng COVID. Tính ra thì cũng đã tròn 26 tháng từ ngày anh Dũng bị bắt họ mới được nhìn thấy nhau, được nói chuyện với nhau …

Tin tức về Phạm Chí Dũng chỉ được nghe qua những người tù chính trị có người thân được gọi về hay thăm gặp. Những mẩu chuyện nhỏ nhặt được góp lại để biết được anh vẫn bình an và đang sống là một người có ích dù ở cả trong chốn lao tù. 

Do Mongolians like Vietnamese?

It is like asking do Americans like Russians ? Personally i like Vietnamese people . But some Vietnamese run car repair shop in Mongolia and most Mongolians does not like it . Anyway why you thought Mongolians like Vietnamese ? Mongolian nomadic culture is very different from East asia and South east asian farming cultures . People don’t like difference .

 Cộng sản Việt Nam xuyên tạc ý nghĩa, chủ trương Quốc Đạo của đạo Cao Đài”

Ngày 20-7-1978 Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh, dưới sự chỉ đạo từ trung ương đảng, ra “Bản Án Hoạt Động Phản Cách Mạng Của Một Số Tên Phản Động Trong Giới Cầm Đầu Giáo Phái Cao Đài Tây Ninh” Cái gọi là bản án này xuất bản tại nhà in Hoàng Lê Kha tỉnh Tây Ninh và phát tán cùng khắp tỉnh Tây Ninh và trên báo chí nhằm vu khống đạo Cao Đài do thực dân pháp lập năm 1926 để chống lại cách mạng lập năm 1930. Hệ tư tưởng Cao Đài là phản động, chống cách mạng qua các thời kỳ Pháp, Nhật, Mỹ và sau 30-4-1975; nguy hiểm hơn nữa họ vu khống Đạo Cao Đài muốn lập nên Quốc Đạo nhằm thống trị toàn cõi Việt Nam dưới một tôn giáo Cao Đài.

Phật giáo VN: Nhắc lại kiến nghị ‘ba năm ba tháng’ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Kiến nghị cuối cùng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh với chính phủ Việt Nam không dài một vài trang giấy như những lần trước mà dài ba năm ba tháng.

Nhưng giống như tất cả các kiến nghị trước đây, Thầy không chỉ trích nặng nề, không dùng những từ ngữ và phương cách đối kháng mà có thể làm hài lòng những người Việt Nam chống Cộng kiểu phô diễn, trong khi lại làm tăng nỗi sợ hãi của chính quyền Việt Nam là Thầy có thể muốn lôi kéo người dân lật đổ họ.

Thầy luôn luôn là Thầy, nên Thầy không ngồi ở ngoại quốc hung hăng tuyên bố, mà trao kiến nghị bằng cách trực diện, quang minh chính đại, đi thẳng vào vấn đề và tránh không làm tổn thương người kia, dù trước đó chính mình đã bị người kia làm tổn thương.

Đó là cách duy nhất để đôi bên còn tìm được một con đường giải quyết bế tắc.

Cơ chế tiểu đa phương có hữu ích trong vấn đề Biển Đông?

Tham vọng của Indonesia nhằm xây dựng một liên minh hàng hải cùng các quốc gia ASEAN là cách phản ứng phù hợp với mối đe dọa từ Trung Quốc.

Căng thẳng với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông đã thúc đẩy Indonesia mời các quan chức phụ trách an ninh hàng hải của năm quốc gia ASEAN (Brunei, Philippines, Malaysia, Singapore và Việt Nam) tham dự cuộc họp dự kiến tổ chức vào tháng 2/2022. Đại diện các nước sẽ cùng thảo luận về biện pháp ứng xử phù hợp trước thái độ quyết đoán ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trên Biển Đông.

 Tại sao người Việt khó hòa giải 

 “Đoàn kết ta đứng vững, chia rẽ sẽ thất bại” (United We Stand Divided We Fall). 

Tết đang đến rất gần, như chỉ còn mấy gang tay. Tết là dịp để người Việt đến với nhau theo truyền thống “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”. Nhưng Tết này buồn vì nhiều người vẫn chưa có lương, hay không được về quê ăn Tết vì dịch. Tết này còn buồn hơn vì “đám mây đen Việt Á” vẫn đang ám ảnh. 

Sinh thời, cụ Hồ rất thích bài hát “Kết Đoàn”, vì đó là nguồn gốc của sức mạnh, như “con ngươi của mắt mình”. Không chỉ ở Châu Á mà ở Phương Tây người ta cũng coi trọng đoàn kết (unity) như quy luật sinh tồn của loài người. Nhưng đáng tiếc, nhiều người Việt đã làm ngược lại các giá trị truyền thống và phổ quát. Tội ác và lừa đảo ngày càng tăng… 

Bài rất hay, tuy ý không mới. 

Mừng bạn NQD.

 Covid-19: Quy trình vụ án ‘giải cứu hàng không giá cao’ của VN

Bộ Ngoại giao nói trong hai năm qua, giới chức Việt Nam phối hợp cùng các hãng hàng không thực hiện 800 chuyến bay, đưa gần 200.000 công dân từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước

Chị Hà, 47 tuổi, chủ cửa hàng buôn bán nhỏ tại Paris, kể cho tôi nghe câu chuyện xung quanh chuyến bay “giải cứu” về Việt Nam của mình.

Đầu năm 2020, sống giữa tâm dịch Covid-19 ở châu Âu, hàng ngày phải đối đầu với bệnh tật, chết chóc xảy ra xung quanh, Hà bị stress kinh khủng. Nhưng mỗi khi gọi điện về Việt Nam cho người thân, được biết quê nhà vẫn là “ốc đảo an toàn, miễn nhiễm với Covid-19” như báo đài nhà nước nói, chị lại thấy tâm mình dịu lại, bớt đi sự lo lắng.

Khi ở châu Âu, số ca nhiễm mới Covid-19 vượt 300 nghìn/ngày, và số ca tử vong vì con virus quái ác sắp chạm ngưỡng 10 nghìn/ngày thì chị bắt đầu hoang mang. 

Lúc đó, Hà đã nảy sinh ý định về Việt Nam, vừa tránh dịch, vừa chăm mẹ già…

Chuyện ngày thường ở huyện khi „độc quyền Đảng ta“ vãn còn ngự trị mà!

Bánh chưng và ngọc trai: Lời chúc sung túc ngày xuân mới

Thu Pham Buser (Thư), một food stylist (người trang trí món ăn) tại New York cho biết đa phần thực khách nước ngoài chỉ biết đến phở, chả giò hay bánh mì ở Việt Nam.

“Đa số những bạn bè quốc tế Thư tiếp xúc đều rất mê món Việt nhưng giữa muôn vàn món Việt họ chỉ biết được một vài món như phở, bánh mì hoặc chả giò…,” cô nói với BBC News Tiếng Việt. “Và nếu mình tìm kiếm một món ăn Việt bằng tiếng Anh thì cũng không cho ra nhiều kết quả.”

“Vậy nên có thể là do cách tiếp cận của mình đến với thế giới chưa được tốt chứ về phần 

 Nghĩ về giải Vin Future

Hôm nay, giải thưởng Vin Future đã được chính thức trao nhận cho những người đạt giải. Tính về giá trị tiền bạc, đây là một trong những giải thưởng hàng năm có nhiều tiền nhất. Tổng giá trị lên tới khoảng 4,5 triệu đô la Mỹ, trong đó giải thưởng chính lên đến 3 triệu đô la Mỹ, còn ba giải đặc biệt khác chia nhau mỗi giải 500 ngàn đô la Mỹ. Trong khi đó, giải Nobel năm vừa rồi chỉ ở mức 10 triệu Krona, tương đương 1,1 triệu đô la Mỹ.

Nhưng tiền thưởng nhiều không có nghĩa là cái giải nó danh giá. Một giải thưởng danh giá nó cần ít nhất là 5 yếu tố.

Thứ nhất là tổ chức đứng sau giải đó. Sở dĩ giải Nobel đem lại sự vinh dự của người nhận giải vì phía sau nó là Viện Hàn lâm Khoa học của Thuỵ Điển, tổ chức gồm những nhà khoa học hàng đầu của châu Âu và thế giới, và phía sau nó nữa là chính phủ Thuỵ Điển và Hoàng gia Thuỵ Điển.

Cơn đồng bóng Phạm Nhật Vượng, cấu trúc một thân hai đầu của chế độ toàn trị Việt Nam

Phạm Nhật Vượng là một trong những người giàu nhất Việt Nam hiện đang nổi đình đám. Thời còn trẻ ông Vượng được nhà nước cộng sản Việt Nam cho đi du học ở Liên Xô, đế quốc cộng sản vang bóng một thời, nay đã sụp đổ. Trong cảnh tranh tối tranh sáng của sự sụp đổ đó, ông Vượng cùng một số những người Việt lanh lẹ ở Liên Xô buôn bán kiếm lời và phất lên nhanh chóng. Nhóm người này sau đó tở thành những nhà tài phiệt trong xã hội tư bản cộng sản Việt Nam hiện nay.

Một người thạo tin trong giới quân đội Việt Nam chia sẻ với tôi rằng, ông Vượng trúng “quả” đầu tiên khi được tay trong giới chức chính quyền mớm cho một lô đất vàng tại trung tâm Hà Nội, sau đó bán lại lời rất nhiều, khi các công ty nước ngoài đổ xô vào Việt Nam tìm đất đai mở văn phòng.

Ai khiến Đảng chịu thiệt hại “phi vật chất”?

(VNTB) –  Thiệt hại “phi vật chất”, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý; làm suy giảm lòng tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.

Hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm vụ án “Trương Châu Hữu Danh cùng các thành viên nhóm Báo Sạch” đã đưa ra lập luận về thiệt hại “phi vật chất” như vậy để tuyên giữ nguyên mức án ở phiên sơ thẩm về tội danh theo Điều 331 Bộ luật hình sự.

TQ nói ủng hộ Đài Loan độc lập có thể châm ngòi xung đột quân sự Mỹ-Trung

Trung Quốc và Hoa Kỳ xung đột quân sự nếu Hoa Kỳ khuyến khích Đài Loan độc lập, đại sứ Trung Quốc tại Washington cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Hoa Kỳ phát sóng hôm thứ Sáu, theo Reuters.

Trung Quốc coi đảo Đài Loan dân chủ, láng giềng là lãnh thổ “thiêng liêng” của mình và chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để đảm bảo sự thống nhất về một mối. 

Cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có liên đới trong vụ ‘bay giải cứu’?

 (VNTB) – Các lệnh “bay giải cứu” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gián tiếp tạo điều kiện cho nhũng nhiễu quyền lực. 

Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trương dừng các chuyến bay thương mại đón khách về Việt Nam, chỉ thực hiện chuyến bay giải cứu những người khó khăn, thực sự cần thiết trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19, chiều 01-12-2020. Hành khách trên mọi chuyến bay về nước đều phải cách ly 14 ngày.

Khi ấy, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, giải thích những đường bay thương mại quốc tế mở lại từ giữa tháng 9-2020 sẽ dừng chiều đón khách về Việt Nam, chỉ duy trì chiều đưa khách từ Việt Nam đi các nước. Việc này nhằm kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ việc cách ly người nhập cảnh.

Các chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam ở nước ngoài vẫn được duy trì với người hoàn cảnh khó khăn, tuổi cao sức yếu, thu nhập thấp… Chính phủ sẽ xem xét mở lại đường bay thương mại từ nước ngoài vào dịp thích hợp

Giải mã lịch sử 

Với hầu hết người ta, lịch sử là món khó xơi bởi lúc nó thế này, lúc thế khác, lúc thì đúng, lúc lại sai, dù chỉ là một vụ việc, con người. Bằng chứng rõ nhất là vụ Nhân văn Giai phẩm.

Khi đảng, tức nhà cai trị, lôi những người Nhân văn Giai phẩm ra xử, nếu có ai đó chỉ cần nói điều ngược lại hành vi bạo quyền ấy, hoặc bênh vực các bị cáo, thì không khác gì tự chui đầu mình vào thòng lọng, tự xin vào tù. Còn muốn sống, muốn được đảng yêu, phải lên giọng chửi bới, vu cáo, nhiếc móc, nói xấu “đám Nhân văn”. Chả thế mà giờ đây lật lại trang lịch sử đen tối đó, ta thấy có những tên tuổi đã tự bôi tro trát trấu vào mặt mình, rửa cũng không sạch. Trong mắt nhà cai trị, họ vẫn là ông này bà nọ, thậm chí còn được kỷ niệm ngày sinh năm mất, nhưng trong suy nghĩ của dân, có những ông bà chả hơn gì những thằng, đứa, kẻ… bao nhiêu.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Những thất bại của ông thầy tu nhỏ thó 

Từ ngày 22.01.2022, ngày viên tịch của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, các báo chí, truyền thanh, truyền hình Việt Nam cũng như quốc tế, đồng loạt loan tin về ông và mức thành công của ông trong việc đưa đạo Phật nhập thế đến khắp năm châu bốn biển. 

Không ai có thể phủ nhận được vì kết quả những việc làm của ông được ghi nhận bằng giấy bút, khắc trên bảng đồng, đúc thành tượng, nhưng hiển nhiên hơn hết là hàng chục triệu người đã học ông trực tiếp trong những khoá tu hay qua cả trăm đầu sách của ông, và đã thay đổi cách cảm nhận, cách suy nghĩ, cách sống, để góp tay xây dựng hoà bình cho nhân loại, bảo tồn môi trường sống cho mọi sinh vật, cỏ cây hoa lá.

Vụ Việt Á: Giới xã hội dân sự yêu cầu cải cách chính trị để chống lũng đoạn nhà nước 

Sáu tổ chức xã hội dân sự độc lập ra tuyên bố kêu gọi xử lý triệt để vụ công ty Việt Á bán bộ xét nghiệm COVID-19 với giá cao gấp nhiều lần giá trị thực, và yêu cầu cải cách thể chế chính trị để chống lũng đoạn nhà nước.

Hôm 27 tháng 1, một nhóm các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam đồng soạn thảo tuyên bố mang tên “Tuyên bố về Vụ đại án Việt Á”.

Nội dung xoay quanh sự việc được dư luận cả nước quan tâm về vấn đề công ty do ông Phan Quốc Việt đứng đầu, giả mạo tự sản xuất bộ xét nghiệm COVID-19, sau đó bán với giá cao cho các Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật trên cả nước, và đưa lại quả cho người đứng đầu các cơ quan này.

Ông Nguyễn Phú Trọng ‘chủ động tấn công’ tham nhũng, tạo chuyển biến mới?

Hôm thứ Sáu 28/1 chứng kiến tin tức về hàng loạt vụ kỷ luật, điều tra quan trọng tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hương Lan, 48 tuổi, Cục trưởng Lãnh sự cùng ba người tại Bộ Ngoại giao bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ khi cấp phép cho một số công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân về nước.

Tại một buổi họp báo, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an nói trong vụ kit test Việt Á, hiện cơ quan điều tra đã thu giữ, kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch bất động sản, tài sản khoảng giá trị 1.220 tỷ đồng.

Cũng ngày 28/1 ông Lê Đức Vinh, 58 tuổi, cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, bị khai trừ Đảng do cáo buộc sai phạm khi giao doanh nghiệp làm dự án, núi Chín Khúc. Ông Vinh đã bị bắt tạm giam hôm 8/6/2021 cùng với ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu chủ tịch UBND tỉnh.

Đây chỉ mới là những vụ án mới nhất trong loạt hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn dắt.

Vụ án Cục Lãnh sự: Bộ Ngoại giao VN ‘cần cải cách gấp’

Trong tuần qua, bà Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Lãnh sự cùng ba cán bộ tại Bộ Ngoại giao bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ khi cấp phép cho một số công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân về nước, theo Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an Việt Nam nói với báo giới.

Là người từng làm trong Bộ Ngoại giao VN một thời gian trước khi ra nước ngoài làm nghiên cứu và hiện giảng dạy tại Singapore, TS Lê Hồng Hiệp nêu các ý kiến nhằm đề xuất cải cách cơ chế hoạt động của các cơ quan lãnh sự trước những vụ việc tiêu cực lưu cữu qua nhiều đời bộ trưởng. 

BBC News Tiếng Việt xin giới thiệu ý kiến cá nhân của TS Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS-Yusof Ishak Institute, Singapore:

Những ngày qua, cộng đồng mạng tiếng Việt bùng nổ tin và bình luận về vụ bốn cán bộ của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao bị khởi tố. 

Từng làm trong Bộ Ngoại giao VN, mình cũng thấy có chút liên quan, xin được chia sẻ một vài quan sát bên lề thế này:

Cán bộ ngoại giao Việt Nam đa phần có trình độ, học thức, biết đối nhân xử thế, nhưng môi trường công tác đôi khi làm họ bị ảnh hưởng. Trong Bộ Ngoại giao, nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất có lẽ là Cục Lãnh sự và các bộ phận lãnh sự ở các đại sứ quán ở nước ngoài. 

Việt Nam: Bộ Công an và Quốc phòng phối hợp điều tra vụ Việt Á

Đây là thông tin do Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an tiết lộ với báo chí, trong một buổi họp báo chính phủ chiều 28/1 ở Hà Nội.

Về kết quả thu hồi tài sản trong vụ Việt Á, Trung tướng Tô Ân Xô thông tin công an đã thu giữ kê biên phong tỏa, ngăn chặn giao dịch bất động sản và tài khoản giá trị là 1.220 tỷ đồng.

Trong đó có 380 tỷ đồng tiền mặt và giá trị bất động sản vào khoảng 840 tỷ đồng.

Are Vietnamese people friendly?

I’m half Korean and Norwegian. My first wife is from Vietnam and it was easier for her and her family to speak Vietnamese.

I didn’t want to feel left out at home so I decided to learn how to speak Vietnamese. Everyone in the family helped teach me and rather quickly, I started to speak and understand.

Thầy Nhất Hạnh mất đi, nỗi buồn Việt Nam vẫn còn đó

“Thầy chủ trương bất bạo động nhưng lại là con người thụ động. Thầy không có can đảm để mạnh mẽ nói lên nỗi thống khổ của đồng bào mình dưới chế độ mới, như Gandhi, Martin Luther King Jr., Đức Dalai Lama hay Giám mục Tutu khi nói về đồng bào của họ.

Vì thầy không muốn mất lòng tin của phe cánh tả, của những người phản chiến cũ, những người còn mang mặc cảm tội lỗi vì sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam.”

Người Việt đã dùng nhiều danh hiệu khác nhau như Thượng toạ, Hoà thượng, Thiền sư, Sư ông để gọi Thầy Nhất Hạnh.

Nửa thế kỷ trước thầy đã không dùng danh xưng “Thích Nhất Hạnh” mà chỉ là “Nhất Hạnh”, như in trên bìa tập sách nhỏ “Bông hồng cài áo”, xuất bản lần đầu tại Sài Gòn giữa thập niên 1960. Ý tưởng trong tác phẩm nổi tiếng này được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đưa vào ca khúc mang cùng tên mà rất nhiều người Việt thường cất tiếng ca để nhớ về mẹ.

30 năm qua, Internet thay đổi Việt Nam như thế nào?-giáo sư Phan Đình Diệu.

30 năm trước, năm 1997, giáo sư Phan Đình Diệu người Hà Tĩnh đưa Internet vào Việt Nam. Ông là tổng công trình sư của chương trình điện toán lớn này. 

Giáo sư Phan Đình Diệu, sinh năm 1936, mất năm 2018, đồng hương Can Lộc với Tôn Phi. Phan Đình Diệu là một nhà khoa học cực kỳ tiêu biểu. Ông sinh ra đúng vào thời bùng nổ Internet bên trời Âu và lực phát triển quốc gia khiến Việt Nam không thể không du nhập Internet. Internet làm thay đổi cuộc sống của rất nhiều người. 

Có cô bạn, không có đồng vốn nào. Cô vẽ một tấm áo và gửi đến các email. Có một email đồng ý tài trợ cho cô. Vậy là, nhờ Internet, có người phát tài. Những người có tư duy sản xuất thành đạt dài lâu. Cùng là Internet, có người là con nghiện, có người là thiên tài. 

Không có Internet thì người tù bị tuyên án tử oan uổng Hồ Duy Hải đã chết từ lâu. Nhà báo Nguyễn Đức, luật sư Trần Hồng Phong hay bất kỳ ai tham gia bảo vệ Hồ Duy Hải đều nói vậy. Sự thật trắng đen phơi bày trên Internet cả, làm cho, mọi người đều được bảo vệ. Tôi gọi sự bảo vệ đó là sự bảo vệ của chính phủ toàn cầu. Chúa đã đặt để nước Mỹ tể trị địa cầu và nước Mỹ đã làm tốt vai trò đó. 

Les Japonais sont-ils des Chinois, à la base ?

D’un point de vue genetique, les Japonais sont : des descendants des peuples Jomon (a 10%, ça varie selon les régions) et Yayoi (a 90% dans tout le pays).

Le peuple japonais du Yayoi, venait de Corée, et du Jiangnan (région de Shanghaï).

A cela il faut ajouter les peuples Dongyi de l’est de la Chine (le mythe de Jimmu) qui ont migré et sont certainement arrivés… au Japon.

Les Japonais sont ils des Chinois ? Pas au sens moderne, mais ils partagent bien des ancêtres communs avec au moins les Chinois du Jiangsu, du Zhejiang, et de Shanghaï.

Cờ Vàng xuất hiện khiến VTV phải phát trễ 10 phút trận đấu vòng loại World Cup

2022 Úc-Việt Nam.

Theo tin từ tờ Tiền Phong trận đấu vòng loại World Cup 2022 giữa 2 đội tuyển Úc và Việt trên sân vận động AAMI Park, Melbourne vào ngày 27/1/2022 đã không thể trực tiếp truyền hình.

Thay vì phát hình lúc 16 giờ 10 phút, đài truyền hình đã phải bắt đầu chậm hơn 10 phút, nghĩa là bắt đầu lúc 16 giờ 20 phút giờ Việt Nam, bản tin nêu rõ lý do:

“Theo thông tin được tiết lộ, nguyên nhân dẫn đến việc trực tiếp, tiếp sóng trận đấu đội tuyển Australia – đội tuyển Việt Nam chậm hơn 10 phút xuất phát từ đề nghị của Đại sứ quán Việt Nam tại Australia nhằm đảm bảo an ninh quốc gia. Các nhà đài ở Việt Nam khi tiếp sóng chậm sẽ có đủ thời gian xử lý những tình huống ngoài ý muốn.”


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)