Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vận động tranh cử ở Việt Nam hiện nay ra sao?

Triệu Tử Long

(VNTB) – Trong thể chế bầu cử của Việt Nam, đầu vào do Đảng giới thiệu, cử tri chỉ được thể hiện ý nguyện của mình qua thao tác bỏ phiếu (đầu ra), chỉ được bày tỏ tín nhiệm đối với những người đã có sẵn trong danh sách.

Như vậy việc vận động tranh cử ở Việt Nam gần như không là vấn đề đặt ra. Trong bối cảnh đó, nếu chưa thể thay đổi thì chí ít ở đầu vào do Đảng giới thiệu, thì để bầu cử thực sự tập trung được trí tuệ và tinh thần trách nhiệm của cả dân tộc và những người trúng cử thực sự xứng đáng với sự ủy thác quyền lực của dân, về mặt thể chế, cần có một số điều chỉnh sau đây:

Thứ nhất, cần có cương lĩnh tranh cử. Các ứng viên đưa ra cương lĩnh tranh cử của mình, Đảng sẽ lựa chọn những ứng cử viên sáng giá nhất, sau đó đưa ra tranh cử để cử tri có cơ sở tự lựa chọn. Như vậy, cử tri có cơ hội so sánh, lựa chọn người có cương lĩnh tốt nhất để bầu cử.

Thứ hai, cần có quy định về người được ứng cử và chế định tự ứng cử. Cần có những quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục tự ứng cử để tạo điều kiện cho nhiều người đáp ứng đủ những điều kiện của ứng cử viên có thể tham gia tự ứng cử. Nên cho phép đảng viên cũng được tham gia tự ứng cử. Đổi mới việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo hướng tránh tạo ra sự chênh lệch quá lớn giữa ứng cử viên này với ứng cử viên khác.

Thứ ba, đã xác định đeo đuổi cách mạng công nghiệp 4.0, thì phải biết phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng để tăng cường sự hiểu biết của cử tri đối với ứng cử viên, công khai cung cấp thông tin về các ứng viên, tuyên truyền cho cử tri hiểu và quen với những động thái tích cực trong bầu cử: tự ứng cử, tranh cử để có sự quan tâm, ủng hộ tự giác, rộng rãi từ cử tri.

Thử nhìn sang Hoa Kỳ. Nếu tự tin cho rằng về độ mẫn tiệp và bản lĩnh chính trị của Tổng bí thư Đảng ở Việt Nam là không thua sút so vị trí Tổng thống Hoa Kỳ, thì rất cần tham khảo cách thức mà cử tri Mỹ chọn người đứng đầu quốc gia – ghi nhận theo tài liệu chính thức cùng đánh giá của Bộ Ngoại giao Việt Nam:

Ông James Garfield là ứng cử viên Tổng thống đầu tiên thực hiện chiến dịch diễn thuyết trước hiên nhà vào năm 1880. Đến năm 1896, ông William McKinley đã tiến hành chiến dịch này tại một đường ray gần nhà, nơi các nhà báo và công chúng có thể dễ dàng tiếp cận.

Năm 1858: Cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên Tổng thống Abraham Lincoln và Steven Douglas đã đặt nền móng cho những diễn đàn tranh luận Tổng thống trong thời hiện đại.

Hai ứng cử viên Tổng thống Abraham Lincoln và Steven Douglas đã tham gia 7 cuộc tranh luận trong cuộc đua vào thượng viện Illinois năm 1858. Đó được đánh giá là cuộc tranh luận bầu cử đáng chú ý đầu tiên trong lịch sử Mỹ.

Ông Lincoln đã thua trong cuộc bầu cử, nhưng việc tham gia vào các cuộc tranh luận đã nâng cao danh tiếng của ông và khiến ông trở thành một ứng cử viên Tổng thống được yêu mến.

Năm 1960: Hai ứng cử viên John F.Kennedy và Richard Nixon đã tham dự cuộc tranh luận Tổng thống đầu tiên được phát sóng trên truyền hình.

Cuộc tranh luận được phát sóng rộng rãi đã thay đổi cách cử tri nhìn nhận và đánh giá khả năng của các ứng viên. Trên truyền hình, ông Kennedy tỏ ra bình tĩnh và niềm nở, trong khi ông Nixon tỏ ra lo lắng.

Những người theo dõi cuộc tranh luận trên vô tuyến cho rằng, ông Kennedy chiếm ưu thế, trong khi những người nghe trên đài phát thanh nghĩ rằng, chiếc ghế Tổng thống sẽ thuộc về ông Nixon. Kết quả là ông Kennedy đã giành chiến thắng.

Năm 1992: Cuộc tranh luận theo mô hình tòa thị chính trên truyền hình được tổ chức lần đầu tiên, dù mô hình này đã bắt nguồn từ những năm 1600.

Các cuộc họp tại tòa thị chính đầu tiên ở Mỹ được tổ chức tại thành phố Dorchester, bang Massachusetts năm 1633. Mô hình này đã lại xuất hiện trong cuộc bầu cử năm 1992 giữa hai ứng cử viên George H.W. Bush và Bill Clinton. Điều này đã khiến phong cách tranh luận trở nên gần gũi hơn với công chúng. Sức cuốn hút và kỹ năng hùng biện trước đám đông của cựu Tổng thống Clinton đã giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm ấy.

Năm 2012 đến nay: Sự xuất hiện của mạng xã hội đã thay đổi cách thức theo dõi cuộc tranh luận Tổng thống, giúp công chúng có thể đồng thời tương tác và thể hiện quan điểm của mình trên các nền tảng này.

Mạng xã hội đã giúp công chúng thể hiện quan điểm tại các cuộc tranh luận Tổng thống năm 2012 giữa ứng cử viên Mitt Romney và Tổng thống đương nhiệm Barack Obama.

Các cuộc tranh luận Tổng thống đuợc phát trực tuyến trên nhiều nền tảng khác nhau. Năm 2020, hơn 73 triệu cử tri Mỹ đã xem cuộc tranh luận lần thứ nhất giữa đương kim Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden trên truyền hình…

Giả dụ trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đến ‘hồi chung cuộc’, có 2 ứng viên vào chiếc ghế Tổng bí thư là Trần Quốc Vượng và Nguyễn Xuân Phúc, liệu sẽ có lá phiếu minh bạch qua những tranh luận công khai và tử tế, để cả đảng viên lẫn quần chúng lựa chọn sự tín nhiệm?

Tin bài liên quan:

VNTB – Đưa tin trung thực, không chống hay cổ súy gì cả

Do Van Tien

VNTB – Có thật là “rộng cửa cho người tự ứng cử tham gia Quốc hội khóa mới”?

Phan Thanh Hung

VNTB – Đảng viên đã ‘mua quốc tịch’ rồi thì sao?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo